Chiến Thắng | |
Chủ Nhật, 1/2/2015, 08:40 (GMT+7) |
(TBKTSG) - Những ngày cận Tết Nguyên đán này, khi không khí mua bán
đang trở nên nhộn nhịp trên khắp cả nước, thì nhiều chủ hộ kinh doanh
thuê mặt bằng tại Trung tâm Thương mại Parkson Landmark (Hà Nội) đang
sống dở chết dở với đống hàng tồn và đôn đáo đi đòi bồi thường. Khó
tưởng tượng, chỉ bằng một thông báo đơn giản, trong vòng vài giờ đồng
hồ, những chủ cửa hàng ở trung tâm thương mại sang trọng bậc nhất thủ đô
bất ngờ bị đẩy ra đường.
Việc đóng cửa
Trung tâm Thương mại Parkson Landmark đã đẩy tiểu thương nơi đây vào
cảnh sống dở chết dở và phải đôn đáo đi đòi bòi thường. Ảnh: Chiến Thắng
Không lường trước
Tết Dương lịch vốn là một dịp gặt hái trong năm đối với các hộ kinh
doanh ăn uống ở những khu trung tâm thương mại lớn. Nắm được xu thế
chung đó, cửa hàng BBQ Chicken của chị Nguyễn Thị Diễm Châu, ở tầng B1
Parkson Landmark, đã nhập nhiều hàng để chờ đón “năm mới”.
Không chỉ cửa hàng chị Châu, quán Món ngon Hàn Quốc của anh Nguyễn Văn
Hùng, quầy giải khát Sochi của anh Trần Ngọc Trí... cũng đã kịp nhập
nhiều thực phẩm để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến của khách.
Đúng như dự đoán, doanh thu của các hộ vào ngày mùng 1 Tết Dương lịch
2015 vô cùng ấn tượng. Tất cả bước vào ngày thứ hai của năm mới với một
không khí hồ hởi.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, lúc 14 giờ ngày 2-1-2015, tất cả các hộ
bất ngờ nhận lời mời họp từ ban quản lý kèm theo thông báo ngày 2-1 là
ngày kinh doanh cuối cùng. Các hộ phải thu dọn hàng hóa và quầy kệ ngay
lập tức cho đến 22h ngày 3-1-2015.
Mọi việc diễn ra quá bất ngờ, đến nỗi 3 giờ chiều ngày 2-1, chỉ một
tiếng đồng hồ sau khi nhận được thông báo, tất cả các lối đi vào của
Parkson nói chung và tầng B1 (nơi bán đồ ăn) đã bị đóng cửa, cả khách và
nhân viên kinh doanh đều bị nhốt ở trong. Quang cảnh lộn xộn này nhiều
giờ sau mới chấm dứt.
Cho đến giờ, khi tiếp xúc với phóng viên TBKTSG, các chủ cửa hàng trên
vẫn còn chưa hết bàng hoàng. Trước một mệnh lệnh bất ngờ và vô lý như
vậy, nhưng ở thế yếu hơn và không có lựa chọn, chị Châu, anh Hùng, anh
Trí và những người khác buộc phải thuê xe ô tô dọn hàng ra khỏi mặt
bằng.
Hàng tuần sau đó, họ vẫn phải khốn khổ giải quyết hậu quả. Số thực phẩm
mà các chủ cửa hàng tích trữ để phục vụ hàng ngàn khách, giờ đành đem
“chiêu đãi” họ hàng, bà con xóm giềng, ăn đến phát chán vài ngày cũng
không hết.
Kể từ đó đến nay, đã gần hết tháng đầu tiên của năm mới, những chủ cửa
hàng trên vẫn hàng ngày thấp thỏm không dám đi đâu, chỉ chực chờ để được
chủ cho thuê gọi đến... đàm phán giải quyết hậu quả.
Khi họ chủ động gọi thì chủ cho thuê nói phải chờ. Không còn cách nào
khác, các chủ cửa hàng đành sống trong cảnh chờ đợi khắc khoải, khi mà
nào là tiền đặt cọc, tiền phí gia nhập... đang nằm trong tay người cho
thuê Họ phải nhẫn nhịn để mong đòi được các khoản tiền khác như tiền phí
đào tạo nhân viên, tiền mua hàng, chi phí sửa chữa gian hàng...
Trường hợp của chị Châu, ước tính sơ bộ số tiền trên lên tới gần 1,3 tỉ
đồng. Chị Châu cho biết, chị phải trả khoảng hơn 60 triệu đồng mỗi
tháng để thuê mặt bằng rộng 17,3 mét vuông, làm cửa hàng bán BBQ
Chicken. Hợp đồng của chị có thời hạn thuê từ 16-7-2013 đến 31-12-2015.
“Việc đóng cửa đột ngột trên đã đẩy gia đình tôi vào con đường phá sản,
thiệt hại về tinh thần và vật chất quá trầm trọng”, chị Châu sụt sịt.
Cho đến khi bài báo này lên khuôn, được biết chủ cho thuê mới mời hộ
của chị Châu lên đàm phán để thanh lý hợp đồng. Còn lại những hộ khác
tiếp tục chờ đợi.
Giải quyết thế nào?
Để dễ hiểu, có thể diễn giải việc thuê mặt bằng ở tòa nhà Keangnam như
sau: Chủ tòa nhà là Công ty TNHH một thành viên Keangnam - Vina cho Công
ty TNHH Parkson Hà Nội thuê mặt bằng. Sau đó Parkson cho các cửa hàng
khác thuê lại.
Riêng tầng B1 bán hàng ăn uống thì Parkson cho Công ty cổ phẩn Thực
phẩm Gia đình (Family) thuê. Sau đó Family lại ký hợp đồng cho thuê lại
mặt bằng với các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp như trường hợp của
chị Châu, anh Hùng, anh Trí.
Trao đổi qua điện thoại với TBKTSG, bà Kim Dung, phụ trách marketing
của Parkson Việt Nam, thừa nhận việc Parkson Landmark đóng cửa là do “có
một số mâu thuẫn với chủ tòa nhà”.
Tuy nhiên trên thực tế, Công ty TNHH Parkson Hà Nội ngày 2-1 gửi thông
báo (do Tổng giám đốc Tiang Chee Sung ký) chấm dứt hợp đồng thuê với các
đối tác (trong đó có Family) với lý do: “Kể từ khi mở cửa năm 2011,
hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh
thu theo như kế hoạch đề ra và chúng tôi cũng nhận thấy các quầy hàng
của Quý đối tác cũng đang phải chịu những khoản lỗ lớn”.
Dựa theo đó, Family cho rằng việc đóng cửa là do “hoàn cảnh bất khả
kháng theo quyết định của Ban quản lý Parkson”, và yêu cầu các chủ hàng
dọn đi.
Thử phân tích hợp đồng của chị Châu số FFJS/BBQ
Chicken/2013/HN/L72/TC023 ngày 15-7-2013. Hợp đồng dài 19 trang gồm 14
điều và 2 phụ lục. Tại điều 8, quy định về kết thúc hợp đồng trước thời
hạn có nêu: “Nếu bên thuê vi phạm các điều kiện như: không có khả năng
thanh toán nợ, sử dụng khu vực thuê không đúng mục đích, giấy phép kinh
doanh hết hạn, tự ý cho thuê lại...) thì hợp đồng có thể bị kết thúc
trước thời hạn.
Trong trường hợp này, chủ cửa hàng không hề vi phạm các điều kiện đó.
Mọi hoạt động đều diễn ra hết sức bình thường. Vậy pháp luật bảo vệ các
chủ cửa hàng thế nào?
Luật sư Tô Quốc Vinh - Công ty luật TNHH Giải Pháp Luật (Đoàn luật sư
Hà Nội) dẫn khoản 1 điều 426 Bộ luật Dân sự về “đơn phương chấm dứt thực
hiện hợp đồng”, cho rằng, trong trường hợp trên việc Parkson chấm dứt
hợp đồng với Family và Family chấm dứt hợp đồng với các hộ kinh doanh
đều không phải do hành vi vi phạm hợp đồng và lỗi của bên thuê theo thỏa
thuận tại hợp đồng thuê hay theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trong trường hợp đó, bên cho thuê phải chịu trách nhiệm dân sự
với bên thuê do hành vi chấm dứt hợp đồng thuê không đúng các căn cứ
chấm dứt hợp đồng đã thỏa thuận tại hợp đồng thuê hoặc các căn cứ khác
do pháp luật quy định theo quy định tại khoản 4 điều 426 Bộ luật Dân sự.
Để xác định trách nhiệm dân sự sẽ cần căn cứ vào các thỏa thuận của hợp
đồng thuê, trường hợp Hợp đồng thuê không có thỏa thuận thì áp dụng các
quy định của pháp luật.
Chẳng hạn trường hợp của chị Châu, bên thuê có quyền yêu cầu bên cho
thuê phải chịu trách nhiệm phạt cọc theo thỏa thuận tại hợp đồng thuê,
bao gồm trả lại số tiền đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị
tài sản đặt cọc, và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy
định pháp luật tại điều 302 Luật Thương mại, điều 307 Bộ luật Dân sự,
bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm (bên thuê)
phải chịu (như tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn
chế, khắc phục thiệt hại...) do bên vi phạm (bên cho thuê) gây ra và
khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng (như thu nhập
thực tế bị mất hoặc bị giảm sút...) nếu không có hành vi vi phạm - chấm
dứt hợp đồng không hợp pháp.
Bà Kim Dung cho TBKTSG biết, hiện Parkson Việt Nam đang làm việc với
từng đối tác thuê để thương lượng việc bồi thường. “Một số đơn vị đã
thống nhất quan điểm và đưa ra kết quả chung với Parkson, một số khác
vẫn đang thương lượng”, bà Dung nói. Bà khẳng định, việc bồi thường dựa
trên hợp đồng và cả quan hệ giữa hai bên.
Theo luật sư Tô Quốc Vinh, trong các hợp đồng thuê, nhất là thuê những
địa điểm “hot”, bên thuê thường là bên yếu thế do không phải là chủ sở
hữu tài sản và chỉ quản lý, sử dụng tài sản trên cơ sở hợp đồng, bên
thuê có thể bị bên cho thuê đơn phương chấm dứt hợp đồng với hàng loạt
các căn cứ được thỏa thuận trước trong hợp đồng.
Tuy pháp luật đã dự liệu các chế tài để bảo vệ quyền lợi của bên thuê
trong trường hợp bị bên cho thuê đơn phương chấm dứt hợp đồng bất hợp
pháp, nhưng vẫn chưa đủ để ngăn chặn, bù đắp toàn bộ thiệt hại của bên
thuê. Do đó, bên thuê cần lưu ý đàm phán, thỏa thuận các điều khoản bảo
vệ quyền lợi của mình trong các hợp đồng thuê, đặc biệt là các điều
khoản về căn cứ chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và trách nhiệm dân sự
khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Tết này sẽ là một cái tết không vui cho chị Châu, anh Hùng, anh Trí và nhiều chủ hộ kinh doanh khác ở Parkson Landmark.
No comments:
Post a Comment