KD: Mình đưa bài viết Ấn tượng trong tuần lên để bạn đọc chia sẻ. Title bài xin lấy lại title cũ của mình mà mình nghĩ là phải đặt thế mới chuẩn xác vấn đề nhân cách con người.
————-
Vậy những ai sẽ phải có lời xin lỗi với nhân dân, với nước Việt đây? Chắc chắn không có ai. Bởi có tới 99% công chức, cán bộ hoàn thành nhiệm vụ- cơ mà!
Có hai vụ việc trong tuần này, vô tình thành một phép so sánh buồn, khi bàn về chữ văn hóa và phẩm cách con người. Cả hai vụ việc đều khiến dư luận XH xôn xao và chắc chắn đều khiến người Việt chúng ta phải suy ngẫm rất nhiều. Bởi nó đều khiến lương tâm con người đau đớn. Mà sự đau đớn đó lại cũng rất khác nhau.
Một bên là đau đớn cho bi kịch của một gia đình, nhưng ngưỡng mộ phẩm cách họ. Một bên đau đớn cho số phận một con người cùng khổ, và … đau đớn cho những tăm tối trong hành xử của con người với con người.
Xin lỗi đất nước vì con trai vô tội bị… giết
Đó là câu chuyện của gia đình nhà báo Kenji Goto. Cả nước Nhật đang sống trong sự xót đau trước cái chết thảm khốc của người phóng viên chiến trường Kenji Goto. Anh bị bọn IS hành quyết một cách dã man.
Nước Nhật bàng hoàng trước tổn thất của một gia đình, của số phận một con người. Ông Thủ tướng Nhật nghẹn ngào và không cầm được nước mắt. Nhưng bất ngờ nhất, cả gia đình nhà báo Gato, ba mẹ của anh, anh trai anh đều lên truyền hình, vừa khóc vừa cúi đầu xin lỗi cả đất nước và nhân dân Nhật, vì cái chết của con em họ đã làm phiền mọi người, làm mọi người phải mất thời gian quan tâm và chú ý trong thời gian qua (Một thế giới, ngày 03/2)
Gia đình họ dù nỗi đau thấu tim gan, lại cúi đầu xin lỗi vì “đã làm phiền mọi người”. Đó là cử chỉ gì, nếu không phải là nhân cách con người đã phát triển ở mức độ rất cao- có gì đó như sự cao cả của ý thức công dân, lòng tự trọng trong mối quan hệ cá nhân- đất nước? Cứ chỉ đó chỉ có thể là sản phẩm của một tầng nền dân trí- văn hóa- đạo đức rất phát triển, đã biến thành hành vi tự nhiên của mỗi con người, thật đáng kính trọng.
Câu chuyện đau thương của một số phận nhà báo, của một gia đình ở không xa nước Việt, vô tình làm cho những người Việt chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều.
Xin lỗi là một hành động mang tính tự giác của con người trước cái đúng- sai. Nó phản chiếu văn hóa của người xin lỗi đứng ở đâu trong nhận thức. Và ở ngay hành động xin lỗi đó, vẫn có thể phản chiếu cả động cơ, nhân cách, lòng tự trọng của con người trước cộng đồng.
Không thể phủ nhận xã hội ta ở đâu cũng có những người tốt, biết ứng xử văn hóa, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi. Thế nhưng, để biến những điều tối thiểu đó thành hành vi phổ biến trong XH, hơn nữa, trong thái độ ứng xử, trong lối sống, công việc liên quan đến công quyền, tiếc thay có vẻ còn … hiếm và quý.
Điều đó liệu có liên quan gì đến sản phẩm tâm lý XH của cơ chế bao cấp, ban phát xin- cho một thời, từng làm trì trệ sự phát triển đất nước, khiến mọi thang bậc giá trị có phần đảo lộn, nhất là con người nếu có quyền lực một chút lập tức tự cho mình quyền sinh- quyền sát, dẫn đến sai phạm?
Nói điều đó, bởi XH hẳn chưa quên vụ án oan điển hình Nguyễn Thanh Chấn vẫn đang còn dây dưa đến tận thời điểm này chưa giải quyết được dứt điểm, dù trắng- đen khá rõ ràng. Kẻ phạm tội thật sự đã bị bắt, người bị tù oan uổng suốt 10 năm trời đã được tuyên bố vô tội. Có điều, đến giờ, lời xin lỗi của những vị liên quan đến vụ án oan điển hình này vẫn chưa hề được … cất tiếng.
Rút cục, ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn đang phải ca bài Đợi- đợi một lời xin lỗi từ các cơ quan chức năng- đến mức, ngày 17/04/2014, ông này đã gửi đơn yêu cầu công khai cải chính, xin lỗi ông theo đúng quy định của pháp luật và đòi bồi thường bị tù oan 10 năm (NLĐ, ngày 04/8/2014)
Hài hước là, trong khi các vị liên đới có trách nhiệm vẫn im lặng là… quyền lực, thì trước đó, tháng 5/2013, từ trong trại giam, nghi can Lý Nguyễn Chung, kẻ nhận tội đã giết người, lại nhờ luật sư chuyển lời xin lỗi tới gia đình bị hại và ông Nguyễn Thanh Chấn vì những đau khổ phải chịu đựng do tội ác anh ta gây ra.
Cứ logic như những điều nói trên, chẳng lẽ kẻ phạm tội lại có điều gì đó … cao hơn những người thực thi công vụ, trong vụ án oan này?
Nhưng cũng không phải lời xin lỗi nào cũng xuất phát từ nhận thức đúng- sai, hay từ sự tự trọng biến thành tự giác. Bởi có những lời xin lỗi mà dư luận XH nếu theo dõi cả một quá trình dài, mới thấy lời xin lỗi này thuộc loại … “đẻ khó”.
Tỷ như lời xin lỗi của ông cựu Chánh TTCP. Phải sau một thời gian áp lực dư luận báo chí, dư luận cộng đồng rất mạnh, bị điều tra, kết luận về sai phạm với một khối tài sản to bự ở các t/p, các tỉnh, ông này mới chịu gửi lời “xin lỗi Đảng, xin lỗi nhân dân”. Hay như chủ nhân của biệt thự khủng ở khu rừng cấm thuộc Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng mới đây, trước sức ép dư luận, trước chỉ đạo của t/p Đà Nẵng, mới chịu viết thư tường trình và xin lỗi, nhưng lại xin chịu phạt để tồn tại.
Chưa biết cách xử lý thực tế sẽ diễn ra sao, nhưng chắc chắn đó là những lời xin lỗi không xuất phát từ sự tự giác, nhận thức đúng- sai, mà xuất phát từ sự bắt buộc để hy vọng níu giữ, bảo toàn lợi ích cá nhân của mình, những lời xin lỗi gắn… động cơ.
Điều kỳ lạ nhất, ngay cả lĩnh vực văn hóa, mà lời xin lỗi vốn là con đẻ, thì nhiều khi “đứa con này” cũng rất khó sinh.
Dư luận xã hội còn chưa quên cách đây ít lâu vụ việc cô Lượm, gần đây vụ Điều ước thứ 07. Vụ việc đã sờ sờ, vậy mà phải rất lâu, lâu thảy lâu thay, dưới sức ép của dư luận, các bài báo, các trang mạng xã hội, mới thấy những lời xin lỗi “vàng ngọc”. Đủ biết, lời xin lỗi vô cùng cao giá thế nào.
Vụ Điều ước thứ 07 mới tạm lắng xuống, mới đây, nữ nghệ sĩ cải lương Thanh Nga tài danh một thuở, bị sát hại vào những năm xa xưa bỗng biến thành… tự sát, vào đúng lúc tên bà chuẩn bị được gắn với một con đường, khiến những người yêu mến tài năng của bà bất bình. Dù đã khuất bóng, hương hồn người nữ nghệ sĩ ở một vụ án đau đớn, lại bị tiếp tục tổn thương.
Mới đây con trai của nữ nghệ sĩ cho biết sẽ gửi văn bản đến các cơ quan chức năng và báo chí yêu cầu xin lỗi, đính chính đúng thông tin. Có lẽ, dường như đã thấm thía ở những vụ việc ê ẩm trước, mà lần này lời xin lỗi khá “nhanh chân”.
Cho dù có chung hai từ xin lỗi, nhưng sự xin lỗi ở mỗi tình huống của con người lại vẫn phản chiếu tinh tế nhân cách và tầm văn hóa rất khác nhau. Ở nơi này là sự thành thực. Ở nơi kia là sự đối phó. Mà sự hướng thiện chỉ đến với nơi có lòng thành thực mà thôi.
Chợt tự hỏi, đến bao giờ, lời xin lỗi của người Việt biến thành một thói quen thường trực, nhất là các quan chức lãnh đạo các ngành, các cấp trước những sai phạm, thất thoát không ít, khiến người dân luôn phải chung sống với sự hoài nghi? Hay chỉ khi bị bắt tận tay, day tận trán, một số vị, khi trở thành nghi can, mới gửi lời xin lỗi nhân dân
Chả lẽ, xin lỗi cứ mãi giống như hàng bày mẫu trong tủ kính với chú thích: Xin đừng sờ vào … hiện vật?
Vào đúng lúc câu chuyện 12 con dê đi nhầm vào nhà ông Bí thư Huyện ủy Thạch Thành (Thanh Hóa) vừa lắng xuống, tuần này lại nổi lên câu chuyện “Quan xã ăn chặn cả gói mì tôm của người khuyết tật” (Dân trí, ngày 03/2). Đọc mà không tin nổi, cái sự táng tận lương tâm của ông Mai Hiển Dũng, cán bộ phụ trách Lao động, thương binh và xã hội của xã Trịnh Xá (Phủ Lý- Hà Nam). Có gì đó như sự tàn nhẫn đến tăm tối.
Bởi người bị ông ta ăn chặn cũng vừa được báo chí viết về số phận và hoàn cảnh cực kỳ thương tâm, anh Ngô Trung Sổng, bị khuyết tật nặng, không thể đi lại được. Trong suốt hơn một năm trời, hằng ngày anh này phải bẻ mì tôm sống để ăn, trong ngôi nhà xập xệ. Số phận một con người- nói theo kiểu văn học- đã ở đáy của XH, vậy mà còn gặp phải một con người có hành vi còn… “đáy” hơn.
Đó là vụ việc số tiền trợ cấp của nhà nước cho anh Sổng, theo quy định của chính sách- 270.000 đ/tháng. Suốt từng ấy thời gian, ông Mai Hiển Dũng nhẫn tâm ăn bớt 90.000 đ/tháng. Thực chất hằng tháng, người đàn ông đáng thương này chỉ được lĩnh 180.000 đồng. Theo cách tính của anh, ông cán bộ xã Mai Hiển Dũng ăn bớt của anh mỗi ngày 01 gói mì tôm.
Chuyện vỡ lở. Nhưng hóa ra, anh Ngô Trung Sổng chưa phải là nạn nhân duy nhất. “Đội ngũ nạn nhân” như anh này, theo số liệu mới nhất, còn có các ông: Ngô Quang Doan, Ngô Phú Tươi, Ngô Đức Kệ và Ngô Doãn Xoa. Và nếu so với ông cụ Ngô Đức Kệ, 76 tuồi, thì anh Ngô Trung Sổng còn may chán. Trợ cấp của nhà nước cho cụ Ngô Đức Kệ là 360.000 đồng/ tháng, qua tay ông Mai Hiển Dũng, cụ chỉ được hưởng có một nửa-180.000 đ.
Điều lạ nhất, theo báo Dân trí (ngày 04/2) mới đây, mặc dù lương chỉ 1,4 triệu đồng/tháng, nhưng ông Mai Hiển Dũng vẫn xây được căn nhà 02 tầng bề thế, khang trang, to nhất ở làng An Thư. Trong khi những người khuyết tật bị ông ăn bớt tiền sống trong những ngôi nhà rách nát. Rất có thể, những đồng tiền ông xây nhà còn có sự tích cóp của gia đình ông, nhưng với việc ăn chặn nhẫn tâm đến vậy, người ta vẫn có quyền đặt câu hỏi, trong số tiền xây nhà đó, có bao nhiều tiền ông tích cóp từ những nguồn tiền ăn chặn?
Nhất là ăn chặn của những người mà đời sống chẳng may rơi vào thế cùng kiệt, thì nhân cách của một quan chức xã như ông mới thực sự là “khuyết tật” và “rách nát”.
Được biết, mới đây, những người bị ăn chặn đã được xã mời lên “điều đình”, để ông Mai Hiển Dũng xin lỗi (lại xin lỗi)- và xã cấp lại sổ mới, cùng bồi hoàn số tiền bị ăn chặn của họ. Ngoại trừ cụ Ngô Đức Kệ, nhận 2.700.000 đồng bồi hoàn, 04 người còn lại không chịu. Vì họ mong muốn cơ quan chức năng làm sáng tỏ vấn đề. Có lẽ đến lúc này, lời xin lỗi của ông Mai Hiển Dũng đã thành… vô giá trị với họ, dù tài sản của những người nghèo như họ chẳng đáng giá bao nhiêu.
Và tuy việc làm của ông quan xã này, chỉ là thứ tép riu, nó cũng đủ “sâu mọt” phá hủy niềm tin một bộ phận cư dân trong cộng đồng làng xã, sau lũy tre làng.
Còn những vụ việc mà báo Đất Việt mới đây thông tin, ngày 03/2, thì nó phá hủy không chỉ niềm tin, mà còn làm an nguy đến cả an ninh, an sinh chế độ, thông qua những đồng tiền bẩn, những đồng tiền tham nhũng.
Đó là trong suốt 06 năm trời, đã có tới một lượng tiền khủng “33 tỷ USD chảy ra nước ngoài: Đe dọa an ninh tiền tệ” đất nước. Kinh hoàng!
Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích đã có tới 04 cách tuồn tiền ra nước ngoài, và thẳng thắn cho rằng, Việt Nam đã có chính sách kiểm soát hối đoái, đã có Luật Tiền tệ, nếu muốn mang được một lượng tiền lớn ra nước ngoài qua con đường chính thức là vô cùng khó khăn. Nếu vậy, số lượng tiền lớn như vậy đã được chuyển ra nước ngoài chỉ có thể bằng con đường bất hợp pháp. Hay nói cách khác là thông qua việc rửa tiền và tham nhũng.
Bốn con đường bất hợp pháp này là: 1) Rửa tiền thông qua buôn lậu, nhất là buôn lậu tại các cửa khẩu với các quốc gia láng giềng.
2) Một lượng ngoại tệ không nhỏ được chuyển ra nước ngoài dưới hình thức hoán đổi nội tệ với ngoại tệ trực tiếp thông qua giao dịch trung gian.
3) Thông qua một loại tiền ảo tồn tại dưới dạng mật mã trên máy tính, ví dụ như đồng Bitcoin hay các loại đồng tiền ảo khác (đồng tiền này được sử dụng nhiều trong giao dịch qua hệ thống điện tử, không chịu sự quản lý của cơ quan nào. Hình thức này buộc người ta phải dùng tiền thật để mua tiền ảo qua mạng. Số tiền này sẽ được quy đổi ra ngoại tệ chuyển qua ngân hàng hoặc qua hình thức nhập lậu chuyển ra nước ngoài).
4) Thông qua đầu tư BĐS và hay bất cứ tài sản có giá trị cao nào trong nước- lỗ hổng tạo cơ hội biến đồng tiền bẩn thành đồng tiền sạch.
Đặt cả bốn cách đi của tiền bẩn, tiền tham nhũng, trong bối cảnh văn hóa tiền mặt là chủ đạo, không kiểm soát được nguồn gốc; quản lý nhà nước trong các lĩnh vực tiền tệ, giao thương …., đều lỏng lẻo, và những bất cập, non kém về luật pháp, thì rất có thể con đường đi của những “giao dịch đen- rửa tiền” lại là con đường rộng thênh thang ta bước.
Đặt trong bối cảnh tham nhũng suốt 03 năm nay luôn…. ổn định, đặt trong đặc thù của kẻ có cơ hội, cơ may tham nhũng, người đọc có quyền đặt câu hỏi: Những ai mới “đủ tài đủ tâm” làm những việc này? Hẳn nhân cách những kẻ này khó mà lành lặn, hay nói cách khác, cũng chính là những kẻ nhân cách bị “khuyết tật” nặng.
Chắc chắn không có ai. Bởi có tới 99% công chức, cán bộ hoàn thành nhiệm vụ- cơ mà!
Bài trên Tuần VN: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/220711/quan-xa-an-chan-mi-tom-va-van-hoa-xin-loi.html
No comments:
Post a Comment