Monday, February 2, 2015

Không thể để lỡ thêm cơ hội tăng tốc nào nữa

Bình An
Chủ Nhật,  1/2/2015, 08:37 (GMT+7)
(TBKTSG) - Bước sang năm 2015, tăng trưởng GDP được kỳ vọng sẽ ở mức cao hơn năm 2014 nhờ vào sự khởi sắc của ba động lực chính: xuất khẩu, tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư tư nhân.

Với định hướng tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng để tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế theo chiều hướng sâu hơn trong năm 2015, Chính phủ nhiều khả năng sẽ vẫn duy trì chính sách tài khóa và tiền tệ theo chiều hướng thận trọng và linh hoạt. Có ba động lực chính có thể sẽ giúp GDP của Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm nay.

Thứ nhất, khu vực kinh tế FDI và xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ những cơ hội do hội nhập mang lại. Về xuất khẩu, năm 2015 được hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam do thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta là Mỹ (chiếm 20%) dự kiến vẫn có mức tăng trưởng kinh tế tốt (Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Mỹ tăng trưởng 3,2% trong năm 2015). Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta sang thị trường này như dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện tử... được dự báo sẽ có mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2014. Các thị trường xuất khẩu khác như EU, Nhật Bản có thể sẽ không có nhiều cải thiện do hồi phục kinh tế tại các khu vực này khá yếu cộng thêm tác động lên giá của tiền đồng so với euro và yen Nhật (khoảng 5-7%) sẽ hạn chế phần nào sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, về cơ bản, dưới tác động của quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và một loạt các FTA được ký kết (FTA với Hàn Quốc, FTA với EU và xa hơn nữa là TPP), xuất khẩu của Việt Nam vẫn được đánh giá sẽ tiếp tục là một điểm sáng cho kinh tế Việt Nam trong năm 2015.

Thứ hai, tiêu dùng hộ gia đình cũng có thể sẽ phục hồi mạnh hơn. Kinh tế suy giảm trong suốt giai đoạn 2011-2013 đã phần nào thay đổi hành vi của người tiêu dùng theo hướng thận trọng và tiết kiệm hơn (doanh số bán lẻ trong giai đoạn này chỉ tăng khoảng 5-6%/năm). Bước sang năm 2015, với mặt bằng giá cả các mặt hàng lương thực - thực phẩm ổn định, giá mặt hàng xăng dầu liên tục được điều chỉnh giảm cùng xu hướng tăng dần của thu nhập, người tiêu dùng được dự báo sẽ tăng chi tiêu, đóng góp lớn hơn vào mức tăng trưởng GDP chung.

Thứ ba, khu vực đầu tư tư nhân cũng có thể khởi sắc hơn trong năm 2015. Niềm tin vào triển vọng tăng trưởng kinh tế cao hơn, mặt bằng lãi suất ở mức thấp hơn, tình hình lạm phát, tỷ giá ổn định, thị trường tiêu thụ được mở rộng nhờ hội nhập và những cải cách mới đây về khuôn khổ pháp lý như Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi... sẽ là những nhân tố kích thích các doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn vay vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh trở lại.

  Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, có một số yếu tố có thể sẽ gây khó khăn cho tăng trưởng GDP trong năm 2015. Đó là chi tiêu của Chính phủ có thể sẽ sụt giảm do tác động tiêu cực của việc giá dầu thô giảm ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, với giả định giá dầu thế giới trung bình ở mức 60 đô la Mỹ/thùng trong năm 2015 thì ngân sách dự kiến sẽ hụt thu khoảng 37.000 tỉ đồng so với dự toán (tương đương 4% tổng thu ngân sách). Khi nguồn thu hụt đi, các biện pháp thay thế sẽ được Chính phủ tính đến, trong đó không loại trừ khả năng sẽ cắt giảm chi tiêu để giữ cân bằng ngân sách. Bên cạnh đó, nhập siêu cũng được dự báo có thể sẽ quay trở lại trong năm 2015 khi Việt Nam phải mở cửa thị trường nội địa cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước đã có ký kết hiệp định thương mại cắt giảm thuế quan.


Không thể để lỡ thêm cơ hội tăng tốc nào nữa


(Baodautu.vn) Nhìn lại 30 năm đổi mới của nền kinh tế Việt Nam để có những bài học cho 10 năm tới là quan điểm của ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư sau khi Hội nghị Trung ương khóa X kết thúc với những yêu cầu đánh giá khách quan, cầu thị, nhìn thẳng vào sự thật, không phiến diện, cực đoan về giai đoạn đổi mới kinh tế vừa qua.

TIN LIÊN QUAN
Giá dầu thấp là cơ hội để cải cách
Hiến kế để Việt Nam phát triển!
Bắt đầu kỷ nguyên của doanh nghiệp sáng tạo
Những yếu tố tạo đà cho tăng trưởng năm 2015
Kinh tế Việt Nam qua đánh giá của các tổ chức quốc tế

Thưa ông, bài học nào từ giai đoạn đổi mới 30 năm qua mà ông cho là cần được quan tâm hơn cả?

Một là, quá trình thực hiện nghị quyết vào cuộc sống phải rất nhanh, để sau 5 năm giải quyết được cơ bản vấn đề như lạm phát, thiếu lương thực giai đoạn 1987-1991. Điều này có thể thấy ngay trong việc thực hiện các nghị quyết của Đảng. Hai là, chưa chọn đúng điểm nóng bức xúc để tháo gỡ và bứt phá.
ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Năm 1986, nền kinh tế Việt Nam có 2 điểm nóng là sản xuất tiêu dùng và nông nghiệp. Sau nhiều thành công của 30 năm đổi mới, đến nay, chúng ta lúng túng chưa chọn được khâu đột phá và thời gian triển khai thực hiện kéo dài.

Theo ông, sao lại có sự lúng túng này?

Lúng túng là do chúng ta chưa có mô hình tăng trưởng phù hợp với các kết quả đạt được của quá trình đổi mới. Cũng có nguyên nhân là chưa trả lời được câu hỏi khi Việt Nam trở thành một nước công nghiệp thì vai trò của nông dân, nông nghiệp trong nền kinh tế như thế nào.

Thứ nữa, chúng ta vẫn chưa xác định là tự đi ra thế giới hay đi cùng với mọi người. Có quan điểm nói rằng, chúng ta đã có uy tín trên trường quốc tế, vai trò trong khu vực… Nhưng nếu nhìn vào những con số xuất khẩu, tầm ảnh hưởng của ta với các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam thì có thể nói, vẫn chưa thể an tâm. Đơn cử, thị trường gạo mà ta đang là một nhà xuất khẩu lớn. Tại sao chúng ta cứ đi một mình một kiểu, đối đầu với các quốc gia xuất khẩu gạo láng giềng bằng cuộc chiến giá cả mà không có được một hiệp hội xuất khẩu gạo thế giới, ngồi cùng với Ấn Độ, Thái Lan để cùng cầm cương thị trường gạo. Hay trong công nghiệp, chúng ta có đi với Samsung trong chiến lược đi ra thế giới không, hay đi với Hyundai trong chiến lược đóng tàu?

Trong nông nghiệp, chúng ta đang mong muốn tỷ lệ người dân liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp trên tổng dân số sẽ giảm xuống tầm còn khoảng 20% tổng dân số, thay vì 63% như bây giờ. Nghĩa là, sẽ có khoảng 50 triệu người lao động và những người có liên quan đến người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ chuyển sang phụ thuộc vào lĩnh vực công nghiệp và thương mại dịch vụ - đây là một bài toán chúng ta phải giải quyết trong 15 năm tới, từ nay tới năm 2030.

Khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về chủ đề này, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã đề nghị cần phải giải thích rõ với dân về việc Việt Nam có thể cơ bản trở thành một quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 không. Ông nghĩ thế nào về câu hỏi này?

Với góc độ người nghiên cứu, có thể nói với nhau nghiêm túc là đến năm 2020, chúng ta chưa thể trở thành 1 quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại. Chắc sẽ phải đến năm 2030. Nghĩa là chúng ta đang bị chậm mất 10 năm so với nhiệm vụ đặt ra.

Nhìn nhận thẳng thắn để tìm ra giải pháp và quan trọng là tận dụng cơ hội để bứt phá. Lấy ví dụ,tỉnh Bắc Ninh có tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ khoảng 95% GDP của tỉnh, 2% là của nông nghiệp đóng góp. Nhưng cơ cấu xã hội vẫn có tới trên 60% dân số sống ở nông thôn và làm nông nghiệp, chỉ khoảng 35-38% dân số sống ở đô thị. Vậy, Bắc Ninh là một tỉnh đã công nghiệp hóa theo hướng hiện đại thành công hay vẫn là một tỉnh nông nghiệp.

Trong 20 năm, chúng ta đã bỏ lỡ 2 cơ hội tăng tốc. Theo đúng quy luật, khi đã lỡ một chuyến tàu, ta sẽ phải đợi chuyển tiếp theo. Nhưng mỗi lần chậm là thêm một lần khó.

Năm 1997-1998, chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội tăng tốc khi các nước trong khu vực rơi vào khủng hoảng tài chính nặng nề.

Năm 2008, một lần nữa cơ hội bị bỏ qua khi chúng ta đã đặt vấn đề rất đúng là dùng gói kích cầu để hỗ trợ nền kinh tế. Tại thời điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế đã kiến nghị dùng số tiền đó kết hợp để tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X nhằm tăng tốc đạt mục tiêu đến năm 2020, nhưng đã không được chấp nhận.

Cũng phải nhìn thấy những cái khó của nền kinh tế còn yếu ớt trong hai lần khủng hoảng trên. Sau năm 1997-1998, nền kinh tế Việt Nam phải đến năm 2002 mới bắt đầu bước ra khỏi khó khăn. Giai đoạn tăng tốc chỉ khoảng 6 năm thì lại rơi vào cuộc khủng hoảng mới. Lần nào chúng ta cũng không tập trung xác định khâu đột phá, vì phải loay hoay chống đỡ khủng hoảng.

Ví dụ, năm 2008, rất nhiều quan điểm cho rằng, không nên kích cầu để tránh những hệ lụy kéo dài. Thực tế, hệ lụy này đã kéo dài đến tận năm 2011. Nếu không giải quyết dứt điểm khó khăn nội tại, vòng luẩn quẩn này khó có thể kết thúc và cũng khó nói trước được rằng, cơ hội đến chúng ta có lại bỏ lỡ hay không.

Hiện tại, có thể nói đang là một cơ hội để bứt phá? Nhất là khi các thể chế kinh tế thị trường đang được hoàn thiện theo hướng hiện đại?

Với các luật Doanh nghiệp, Đầu tư, Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua trong năm 2014, thể chế kinh tế thị trường ngày càng rõ nét.

Trong 2 năm qua, với các chương trình xây dựng pháp luật về kinh tế, có thể nói, về cơ bản, chúng ta đáp ứng được 80% tính tương thích với pháp luật của các nước trên thế giới.

Nhưng vấn đề còn lại trong thể chế - khâu tổ chức thực hiện - đấy mới là vấn đề.

Tiếp theo là cách thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước. Chúng ta quản lý để hỗ trợ, chứ không phải quản lý để gây khó. Ví dụ, doanh nghiệp đăng ký đầu tư 1 tỷ đồng, thì nhà quản lý không phải ghi thống kê 1 tỷ đồng, mà phải quản lý làm sao để doanh nghiệp đưa được hết số tiền này vào hoạt động càng sớm càng tốt, chứ không phải cứ ghi trong vốn đăng ký.

Chúng ta đã xác định mục tiêu xây dựng Việt Nam thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại bằng nền kinh tế thị trường XHCN. Tức là nền kinh tế vận hành theo các quy luật của thị trường là yếu tố có tính tổng quát, định hướng XHCN?là tính đặc thù riêng có của Việt Nam. Vì vậy, trong xây dựng và vận hành nền kinh tế, cần tôn trọng cái phổ quát để tạo ra cái riêng có, đặc thù của Việt Nam.
Nếu cải thiện theo hướng này, cộng với động lực từ những cải cách môi trường pháp lý, áp lực không thể né tránh của hội nhập, chúng ta sẽ lên kịp chuyến tàu này.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Thứ Sáu,  30/1/2015, 09:21 (GMT+7)
Vì sao kinh tế tập thể suy nhược?

(TBKTSG) - Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, ngành nông nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn mà "một trong những nguyên nhân quan trọng là do sự bất cập về thể chế trong đó khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã vẫn chìm trong tình trạng yếu kém".

Ông Phan Quốc Ân, Chủ nhiệm Hợp tác xã Chăn nuôi Quý Hiền, đóng tại huyện miền núi Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai được lãnh đạo tỉnh khuyên nên chuyển quyền sở hữu một số tài sản như ô tô, đất đai của xã viên sang tên cho hợp tác xã. Tuy nhiên, là người từng chứng kiến ba cuộc cách mạng về đất đai bắt đầu từ những năm 1953 đến nay, lời khuyên này làm ông lo ngại. "Chúng tôi rất lúng túng, làm như vậy các hộ có yên tâm không?", ông kể lại tâm trạng của mình. Rốt cuộc, "chúng tôi quyết định không chuyển quyền sở hữu", ông nói.

Quyết định đó, và các quyết định đúng đắn khác đã giúp Hợp tác xã Quý Hiển với 100 xã viên chuyên về nuôi gà và lợn thành công lớn. Ông Ân kể, tất cả các xã viên đều hài lòng với mô hình liên kết này và không một ai bỏ ra ngoài. Các sản phẩm của xã viên là gà, trứng gà đều đạt chất lượng nhờ chăn nuôi đúng quy trình và được hợp tác xã tiêu thụ và bán ra thị trường tỉnh. Ông còn tự hào: "Chúng tôi có thương hiệu nên dù cạnh biên giới Trung Quốc, nhưng Lào Cai không hề có trứng gà Trung Quốc". Quý Hiển thành công do tài sản của các xã viên vẫn là của xã viên, chứ không phải của tập thể. Song, họ biết liên kết với nhau để bảo vệ nhau trên thị trường. Ông Ân tổng kết: "Trong sản xuất, nông dân không biết liên kết nhau lại là không làm ăn được”.
Trong khi lực lượng sản xuất phát triển thì mô hình hợp tác xã vẫn vận hành như một hợp tác xã ngày xưa.

Có bao nhiêu mô hình thành công như Hợp tác xã Quý Hiển trên bình diện cả nước? Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát là người nắm rõ hơn ai hết về điều này.

Theo ông Phát, đến cuối năm 2013, cả nước có hơn 10.000 hợp tác xã, trong đó hơn 9.000 là dịch vụ nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi. Tổng số xã viên hợp tác xã nông nghiệp khoảng 6,7 triệu người, bình quân một hợp tác xã nông nghiệp có 660 xã viên. Tỷ lệ hộ nông dân tham gia hợp tác xã nông nghiệp khoảng 45%. Khoảng 20% số hợp tác xã đã dừng hoạt động nhưng chưa giải thể được do vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản, công nợ. Chỉ có vỏn vẹn 10% số hợp tác xã hoạt động hiệu quả, nghĩa là phần lớn hoạt động khó khăn. Giá trị sản xuất kinh doanh trung bình chỉ vỏn vẹn 1 tỉ đồng/hợp tác xã mỗi năm. Tổng cộng có đến 65% chủ nhiệm hợp tác xã chỉ có trình độ văn hóa chưa qua cấp 2.

Việc tổ chức liên kết chưa được thực hiện rộng rãi trên địa bàn của cả nước… Nhìn chung các hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp chưa phát huy nhiều vai trò là cầu nối nông dân với doanh nghiệp, sản xuất với chế biến, tiêu thụ. Một số mặt hàng, tỷ lệ tiêu thụ qua hợp đồng chỉ chiếm từ 3-15%. Việc triển khai liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa được triển khai rộng rãi.

Những con số thống kê này của Bộ trưởng Phát cho thấy bức tranh kinh tế tập thể - mô hình mà Nhà nước đã cổ vũ bằng nhiều luật, nghị quyết - vẫn có màu xám là chủ yếu. 

Câu trả lời cho tình trạng trên đến từ một người rất có kinh nghiệm thực tế là ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Cây trồng Thái Bình. Ông Báo kể, doanh nghiệp của ông cung cấp giống lúa cho 10% diện tích lúa ở Việt Nam và có 80 điểm bán giống trên cả nước nên ông có kinh nghiệm làm việc với các hợp tác xã nông nghiệp. Đó là những kinh nghiệm buồn.

"Báo cáo các vị, chúng tôi thực sự bế tắc trong việc liên kết với các hợp tác xã. Tổ chức hợp tác xã chưa có mô hình nào ra hồn, hoạt động không theo điều lệ, không theo một quy định nào, không có cơ chế ràng buộc", ông Báo nói tại một hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, và các bộ liên quan tổ chức nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho mô hình hợp tác xã hiện nay.

Theo phân tích của ông Báo thì cách tổ chức hợp tác xã là nguyên nhân của vấn đề. Ông nói: "Nút thắt là quan hệ sản xuất không còn phù hợp với lực lượng sản xuất. Nghị quyết 10 đã hết năng lượng cho sản xuất rồi, phải thay đổi. Trong khi lực lượng sản xuất phát triển thì mô hình hợp tác xã vẫn vận hành như một hợp tác xã ngày xưa". Ông bổ sung thêm: "Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị đã đi vào lịch sử vì bây giờ cần sản xuất chất lượng cao mà không có".

Theo Bộ trưởng Phát, ngành nông nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn mà "một trong những nguyên nhân quan trọng là do sự bất cập về thể chế trong đó khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã vẫn chìm trong tình trạng yếu kém", ông giải thích.
Bộ trưởng Nông nghiệp phân tích, trong kinh tế thị trường, Nhà nước cần phải làm những gì mà thị trường không làm hoặc làm không hiệu quả.

Ở Việt Nam, theo ông Phát, khu vực kinh tế hợp tác xã yếu kém dẫn đến một loạt các hệ lụy quan trọng như hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nông hộ thấp, các hoạt động khuyến nông và chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu các tác nhân trung gian làm bệ đỡ cho kinh tế nông hộ, chi phí giao dịch trong liên kết nông dân với doanh nghiệp lớn khiến các doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro và không mặn mà với việc đầu tư vào khu vực nông nghiệp.

Cánh đồng lớn là một hướng đi quan trọng của nông nghiệp trong tương lai nhưng vì không có các hợp tác xã làm trung gian liên kết nông dân với doanh nghiệp khiến mô hình "Cánh đồng lớn” có nguy cơ không mở rộng ra được và mãi vẫn là "Cánh đồng mẫu" như tên gọi ban đầu của nó. “Cuối cùng, thiếu các tổ chức nông dân, các hợp tác xã làm ăn hiệu quả làm cho vị thế và tiếng nói của người nông dân vốn đã nhỏ bé lại càng nhỏ bé trong các ngành hàng, chuỗi giá trị nông sản. Quyền lợi của người nông dân không được bảo vệ khiến cho xã hội có cảm giác là nông dân đang bị bóc lột cùng cực", ông nhận xét.

Tuy nhiên, những vướng mắc của khu vực kinh tế tập thể này khó mà được giải quyết tại hội thảo trên. Giải pháp đưa ra hầu như chỉ là tăng cường bộ máy nhà nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thành lập Cục Phát triển Kinh tế hợp tác thuộc bộ này ở cấp trung ương, và Phòng Phát triển kinh tế hợp tác tại các sở kế hoạch và đầu tư cấp địa phương. Nếu chỉ như vậy là chưa đủ.

No comments:

Post a Comment