Ngày 14.3.1988, hai lăm năm nhìn lại
14/03/2013 03:20
Tháng 3.1988, 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam ngã xuống trong sóng biển Đông đã tạo nên một giá trị lịch sử to lớn.
Sự kiện tháng 3.1988 không phải là một cuộc hải chiến. Thực tế, chỉ có một bên là quân Trung Quốc xâm lược với tàu chiến tối tân với pháo 100 li bắn thẳng vào khoảng 50 chiến sĩ công binh Hải quân Việt Nam, tay không vũ khí và kết thành vòng tròn bất tử quanh 3 lá cờ Tổ quốc trên bãi đá Gạc Ma, cùng 3 tàu vận tải đang thực hiện công vụ một cách bình thường.
Không một điều luật nào của Hiến chương LHQ 1946 cho phép sử dụng vũ lực để tranh giành lãnh thổ đã có chủ quyền. Nghị quyết 2625 (XXV) của Đại hội đồng LHQ ngày 24.10.1970 (Tuyên ngôn về các nguyên tắc của luật pháp đề cập các quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương LHQ) khẳng định: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm đóng quân sự, kết quả của việc sử dụng vũ lực trái với các điều khoản của Hiến chương LHQ. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là một đối tượng thụ đắc bởi một quốc gia khác do đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào bằng sự đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực đều là bất hợp pháp”.
|
Cưỡng chiếm Gạc Ma và các đảo đá Trường Sa, Trung Quốc đã bất chấp tất cả các quy tắc về luật Chiến tranh được quy định từ Công ước La Haye năm 1899 và 1907, các quy tắc về luật Nhân đạo quốc tế trong các Công ước Genève 1949 và các Nghị định thư năm 1977. Các tàu mang cờ của Hội Chữ thập đỏ đến cứu chữa thương binh và quy tập hài cốt các nạn nhân đã bị từ chối.
Nhưng sự hy sinh đó của các chiến sĩ không vô ích. Đất nước không bị bất ngờ, mất cảnh giác trước âm mưu bành trướng dù chúng ta chưa lường hết tính tàn bạo trong việc này. Ngay trong tháng 1.1988, Quân chủng Hải quân đã xác định: "Lúc này, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển và quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ quan trọng nhất, khẩn trương nhất và vinh quang nhất của Quân chủng Hải quân". Chính sự chấp hành không nổ súng, không để mắc mưu đối phương, chấp nhận hy sinh, giữ vững kỷ luật quân đội của các anh đã giúp đất nước, lúc đó đang ở thế khó khăn tránh được một cuộc chiến không cân sức, tạo điều kiện để dân tộc đứng vững được trên 21 đảo như hiện nay. Sự hy sinh quả cảm của các anh và đường lối ngoại giao bình tĩnh, sáng suốt cũng như sự ủng hộ của dư luận đã làm đối phương phải chùn bước.
Hành động cho tàu ủi bãi, hy sinh để giữ đảo trong năm 1988 không phải là của kẻ hèn nhát không dám nổ súng. Không nổ súng khi bị đối phương tấn công đối với người lính thật khó khăn. Việc giữ kỷ luật không nổ súng trong năm 1988 có thể so sánh như chấp hành lệnh kéo pháo ra, chuẩn bị chu đáo để giành chiến thắng chắc chắn sau này ở Điện Biên Phủ năm 1954. Sự hy sinh cần thiết, ở mức thấp nhất cho mục đích cuối cùng. Nó cho đất nước có thời gian để giải quyết những việc hệ trọng ở biên giới tây nam, biên giới phía bắc, phá thế gọng kìm, củng cố lực lượng mở rộng ra biển.
Biển Đông là của chung nhân loại, không phải là ao nhà một nước. Nó thực sự là vấn đề, là quan tâm quốc tế mà không cần phải nỗ lực quốc tế hóa hay song phương hóa của bất cứ quốc gia nào. Thảy đều hướng tới mục tiêu hòa bình, phát triển và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các quốc gia trong khu vực.
Với chúng ta, chiến tranh là sự lựa chọn cuối cùng để bảo vệ đất nước, còn hòa bình mới là kế sách lâu dài. Đạo lý của dân tộc ngàn năm nay vẫn là đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo. Bên cạnh việc khẳng định mạnh mẽ chứng cứ lịch sử và pháp lý đối với chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sự kiện tháng 3.1988 đã thúc đẩy ý thức bảo vệ chủ quyền biển của chúng ta một cách có tổ chức, khoa học, thực tiễn và tự chủ hơn trước. Từ xây dựng cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ trên các bãi ngầm thuộc thềm lục địa Việt Nam năm 1989, đưa chương trình biển đảo vào các trường phổ thông và đại học, gia nhập Công ước LHQ về luật Biển năm 1994, tới đỉnh cao mới là luật Các vùng biển Việt Nam năm 2012, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9.2.2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” nhằm mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về biển, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đồng thời bảo vệ vững chắc an ninh chủ quyền biển.
Tháng 3.1988 đã tạo động lực góp phần đoàn kết người Việt ở trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài trong mối quan tâm chung và thiêng liêng vì chủ quyền biển đảo. Việc Trung Quốc dùng vũ lực thôn tính một lãnh thổ có chủ quyền đã cảnh tỉnh dư luận thế giới và ASEAN về nguy cơ bất ổn mới trong khu vực, thúc đẩy thông qua Tuyên bố ASEAN về biển Đông năm 1992, Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) và đang hướng đến Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Cúi mình thắp tâm hương trước anh linh của các anh hùng vừa là nhắc nhở các thế hệ nối tiếp về tinh thần cảnh giác, luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, hữu nghị với bạn bè chân chính, kiên quyết với ngoại xâm, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì chủ quyền đất nước, vì bình yên hạnh phúc của nhân dân.
Hướng về Trường Sa
Sáng nay 14.3, Hội Cựu chiến binh, Thành đoàn, Đài PT-TH Đà Nẵng và Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu "Hướng về Trường Sa thân yêu" nhằm ôn lại lịch sử chiến đấu anh dũng của Hải quân nhân dân Việt Nam nhân 25 năm trận hải chiến Gạc Ma - Trường Sa Việt Nam; đồng thời tưởng nhớ, tri ân 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó TP.Đà Nẵng có 9 liệt sĩ. Dịp này, Hội Cựu chiến binh, Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng thời kỳ 1984-1987 cũng tổ chức gặp mặt các chiến sĩ đã sống, chiến đấu trên quần đảo Trường Sa, trên tàu HQ84, HQ85, HQ87, HQ88 trong thời kỳ này. Hội Cựu chiến binh TP tặng quà cho 9 gia đình liệt sĩ người Đà Nẵng hy sinh trong trận hải chiến này.
Hay tin có cuộc gặp mặt, anh Lê Hữu Thảo đã bày tỏ nguyện vọng về dự để tìm lại đồng đội năm xưa. Lê Hữu Thảo, quê ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), là nhân vật trong bài viết 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 2: Anh hùng đất Việt đăng trênThanh Niên Online. Các đồng nghiệp, bạn bè và đại diện Báo Thanh Niên tại miền Trung đã tổ chức phương tiện, nơi ăn nghỉ để anh Thảo vào Đà Nẵng. Hội Cựu chiến binh TP.Đà Nẵng hay tin cũng đã mời anh Thảo tham gia cuộc gặp gỡ này. Thông qua Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Duy Khánh, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thuốc lá Sài Gòn (đặt tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, TP.HCM), đã quyết định hỗ trợ anh Thảo (do hoàn cảnh gia đình anh rất khó khăn) số tiền 10 triệu đồng để làm lộ phí tham gia chương trình trên. Sáng 13.3, đại diện của Thanh Niên đã trao số tiền này cho anh Lê Hữu Thảo.
Nguyễn Thế Thịnh
|
Tại sao Trung Quốc đánh chiếm các đảo của Việt Nam vào tháng 3.1988?
14/03/2013 13:15
(TNO) Từ đầu năm 1988, Trung Quốc đã sử dụng một lực lượng lớn hải quân gồm nhiều tàu chiến chiếm đóng một loạt đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 2: Anh hùng đất Việt
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 3: 1.000 ngày bị địch bắt
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 4: Cuộc trở về của anh hùng Nguyễn Lanh
>> Ngày 14.3.1988, hai lăm năm nhìn lại
Cao trào của hành động xâm lược này diễn ra vào ngày 14.3.1988 khi biên đội gồm 6 tàu chiến, trong đó có 3 tàu hộ vệ có trang bị tên lửa và pháo 100 mm, của Trung Quốc đã bắn chìm và cháy 3 tàu vận tải của Việt Nam tại bãi đá ngầm Gạc Ma trong cụm đảo Sinh Tồn của Việt Nam.
Trong vụ thảm sát này, 64 binh sĩ Việt Nam đã anh dũng hy sinh. Sau đó Trung Quốc còn ngăn chặn không cho tàu mang cờ chữ thập đỏ ra cứu những người bị thương, bị nạn.
Điều phải lưu ý là đây là lần đầu tiên người Trung Quốc (lục địa) đặt chân đến Trường Sa. Trước đó, với tư cách quan phương, Trung Quốc chưa bao giờ có mặt ở vùng biển này.
Tàu HQ505 đã lao lên bãi ngầm ở đảo Cô Lin cắm cờ khẳng định chủ quyền Tổ quốc vào ngày 14.3.1988 - Ảnh: tư liệu
Đã một phần tư thế kỷ trôi qua, từ sự kiện 14.3.1988, có những điều cần phải nói rõ như sau:
Đầu tiên, ngay sau ngày 14.3.1988, thông qua hệ thống tuyên truyền khổng lồ của mình, Trung Quốc đã ngang nhiên bịa đặt trắng trợn với dư luận trong nước và quốc tế rằng: Các tàu Trung Quốc đang thả neo để yểm trợ cho tàu chở đoàn các nhà khoa học Liên Hiệp Quốc (LHQ) đi khảo sát khoa học tại Trường Sa thì bị các tàu chiến của Việt Nam tấn công. Vì thế hải quân Trung Quốc bắt buộc phải đánh trả tự vệ!
Sau đó thông qua người phát ngôn của Tổng thư ký, LHQ đã nói rõ: không hề có tàu của LHQ tổ chức khảo sát khoa học ở Trường Sa vào 3.1988!
Rõ là “cháy nhà ra mặt chuột” và chính quyền Trung Quốc đã “lấy thúng úp voi”, đã “lấy thịt đè người” lại còn muốn lấy tay che mặt trời!
Đã không có tàu khảo sát khoa học của LHQ thì chắc chắn không có việc tàu chiến Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc. Điều mà nhiều người đều biết đó là chuyện “ngậm máu phun người” là sở trường của các nhà cầm quyền Trung Quốc.
Trước đó, năm 1962 Trung Quốc phát động chiến tranh biên giới với Ấn Độ và chiếm của Ấn Độ hàng nghìn km2 nhưng lại vu cáo Ấn Độ xâm lược Trung Quốc. Năm 1979, Trung Quốc tiếp tục đem 60 vạn quân xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Sự việc rõ ràng như vậy nhưng cũng được họ tuyên truyền là “phản kích tự vệ quân Việt Nam xâm lược”!
Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh ngày 14.3.1988 tại Cam Ranh (Khánh Hòa) - Ảnh: tư liệu
Thứ hai, có một câu hỏi cần đặt ra là, tại sao Trung Quốc lại tiến hành đánh chiếm các đảo của Việt Nam tại Trường Sa vào tháng 3.1988?
Cuối 1987 đầu 1988 là thời kỳ Việt Nam rơi xuống điểm thấp nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Tình hình trong nước chồng chất khó khăn: kinh tế đình đốn, đời sống của đại đa số người dân cực kỳ vất vả.
Cũng trong thời điểm đó, Liên Xô cũng bắt đầu lâm vào khủng hoảng chính trị - xã hội. Bắc Kinh cúi mình trước Washington, tự nhận là “NATO phương Đông” để nhận được nguồn tài chính và công nghệ, kỹ thuật từ Mỹ và phương Tây để phục vụ cho mục tiêu hiện đại hóa. Trong bối cảnh ấy, Trung Quốc cũng đã câu kết với Mỹ và hầu hết các nước trong khu vực (trừ Lào và Campuchia) siết chặt vòng bao vây, cấm vận đối với Việt Nam.
Lợi dụng tình thế khó khăn đó của Việt Nam, Trung Quốc đánh chiếm một số đảo của Việt Nam tại Trường Sa phục vụ cho ý đồ lâu dài.
Trung Quốc cũng là bậc thầy trong việc lợi dụng thời điểm. Mặc dù đã đưa lực lượng ra Trường Sa và có những hoạt động đe dọa từ đầu năm 1988, nhưng thời điểm được Trung Quốc lựa chọn nổ súng rơi đúng vào 14.3.1988 cũng là thời điểm lễ tang Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng được tổ chức tại Hà Nội! Một khi họ đã có dã tâm thì chuyện “tang gia bối rối” lại trở thành điều có thể lợi dụng được!
Độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là tài sản lớn nhất, quý giá và quan trọng nhất của cả dân tộc - Ảnh: Chiến sĩ canh gác trên đảo Len Đao (quần đảo Trường Sa) - Ảnh: D.Đ.Minh
Câu chuyện xảy ra ngày 14.3.1988 tại Trường Sa đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự. Sự hy sinh của những người lính Việt Nam 25 năm trước là một lời nhắc nhở tới 90 triệu người đồng bào hôm nay, trước hết là những người có trọng trách với dân tộc, không bao giờ được quên những điều sau:
Một là, lòng tin phải được đặt đúng chỗ. Đối với Trung Quốc, điều quan trọng không phải là lời nói mà là hành động.
Hai là, cần phải hiểu về con đường mà Trung Quốc lựa chọn. Những toan tính và hành động của Trung Quốc liệu có phải là một quốc gia cộng sản đồng chí như họ từng miêu tả hay thực tế là chính sách dân tộc nước lớn vị kỷ?
Việc vô cớ đem quân đánh chiếm các đảo của một quốc gia láng giềng, bất kể quốc gia đó phát triển theo đường lối nào cũng là đi ngược lại những nguyên tắc sơ đẳng trong quan hệ quốc tế và phản bội đối với chủ nghĩa Marx - Lênin mà Trung Quốc từng sử dụng như một chiêu bài.
Láng giềng là vĩnh viễn và không bao giờ thay đổi, trừ phi có một trận siêu động đất đẩy hai quốc gia ra xa nhau!
Việt Nam cần và mong muốn có một mối quan hệ hữu nghị, ổn định, lâu dài với Trung Quốc. Tuy nhiên quan hệ ấy cần được đặt trong sự tôn trọng lẫn nhau về nhiều mặt, đặc biệt là vấn đề “bất biến” là chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc. Không tỉnh táo nhận thức được điều này, lệ thuộc vào những yếu tố “ứng vạn biến” như “mười sáu chữ”, “bốn tốt” có thể dẫn đến những bước đi sai lầm mang lại hậu quả lớn cho quốc gia, dân tộc!
Chúng ta đã có được bài học đắt giá khi rơi vào cảnh bị cô lập trên trường quốc tế từ 1979-1990. Bài học ấy cùng với sự kiện 14.3.1988 mách bảo chúng ta rằng bị cô lập không đồng nghĩa với có độc lập, mà ngược lại, bị cô lập sẽ dẫn đến thảm họa, thậm chí mất cả độc lập và chủ quyền quốc gia.
Các nhà sử học Việt Nam chân chính và những người Việt có lương tâm trong sáng sẽ còn mất nhiều thời gian và công sức nghiên cứu, mổ xẻ, soi xét sự kiện 14.3.1988 một cách khách quan để rút ra bài học bổ ích cho những người Việt hiện nay và các thế hệ mai sau.
Độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc không thuộc sở hữu riêng của riêng ai. Nó là tài sản lớn nhất, quý giá và quan trọng nhất của cả dân tộc.
>> Vì Hoàng Sa, Trường Sa
>> Mãi mãi Hoàng Sa
>> Quyết liệt vì Hoàng Sa
>> Xứng danh con cháu đội hùng binh Hoàng Sa
>> Gặp gỡ Hoàng Sa, Trường Sa
>> Môt đời vì Hoàng Sa-Trường Sa
>> Cương Quyết với Hoàng Sa
>> Tri ân liệt sĩ Nhà giàn DK1
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Máu xương làm dấu mốc biên cương
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Mòn mỏi đợi em về
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma - Khát vọng phụng sự Tổ quốc
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Quyết chiến bảo vệ đảo
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Đây là lãnh thổ Việt Nam!
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Về quê hương anh hùng Trần Văn Phương
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma và Nhà giàn DK1
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Những ngôi mộ gió ở Quảng Trị
>> Tri ân liệt sĩ nhà giàn DK1 - Ôm cờ Tổ quốc vào lòng
No comments:
Post a Comment