Saturday, March 28, 2015

Xả lũ và thủy điện - Phải có người chịu trách nhiệm chứ ?!

THANH NIÊN

Xả lũ và thủy điện

29/03/2015 06:00

Nước lũ trên các sông đang xuống nhưng nhiều diện tích rau màu của người dân Quảng Ngãi vẫn còn bị ngập úng.(28/3/2015 http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/quang-ngai-mua-lu-lam-mot-nguoi-chet-545778.html)

Bị ngập úng, nhiều loại hoa màu bắt đầu bị thối gốc, vàng lá, nông dân chỉ còn cách nhổ bỏ


Mưa lũ thuận mùa hay bất thường rõ ràng là chuyện của thiên nhiên. Miền Trung có mưa lớn vào mùa này là bất thường lắm, nhưng chúng ta cũng chỉ có thể ngước mắt nhìn trời mà xót xa cho những thiệt hại hoa màu, tài sản của người dân. Chúng ta không thể ngược thời gian để lấy lại những thảm rừng tự nhiên, dòng chảy tự nhiên đã mất.

Và biến đổi khí hậu là câu chuyện của cả thế giới, cũng giống như xây dựng thủy điện là yêu cầu bắt buộc của phát triển năng lượng. Do vậy, công bằng mà nói, không nên cứ mỗi khi có lũ lớn lại réo thủy điện mà mắng.

Thực ra, không có thủy điện thì lũ lụt vẫn gây hại (dù có thể ít hơn). Trên thực tế, thủy điện ngoài chức năng phát điện còn có chức năng điều tiết lũ, giữ nước mùa mưa để cân bằng với mùa khô. Câu chuyện ở đây là sự kiểm soát. Đúng là có chuyện thủy điện chỉ ưu tiên việc tích trữ nước tối đa, đảm bảo việc phát điện và ưu tiên cho an toàn hồ đập. Có việc xả lũ vô trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng lại chưa có chế tài xử phạt. Ngoài quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ, chúng ta cần phải xây dựng và thiết lập quy trình xử phạt việc vận hành thủy điện, xả nước bởi nước là tài nguyên của đất nước. Người dân phải có quyền giám sát việc vận hành thủy điện, giống như giám sát việc chi tiêu ngân sách. Người dân, xã hội hy sinh cho thủy điện phát điện thu tiền, thủy điện gây thiệt hại thì phải đền bù, thế mới công bằng.

Chuyện thủy điện xả lũ bất ngờ, dân trở tay không kịp, gây thiệt hại nặng hơn (thậm chí đã từng có thiệt hại về người hồi năm 2013) là chuyện khó chấp nhận. Khi thiệt hại xảy ra, câu trả lời thường là các hồ đập đều “xả lũ đúng quy trình”. Vấn đề ở đây là quy trình nào? Quy trình ấy có căn cứ thực tiễn để mà dự báo, cảnh báo, giảm thiểu rủi ro hay không?

Hiện VN có trên 7.000 hồ đập, nhưng theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, loại cực nhỏ chiếm tới 70%. Và việc giám sát, quản lý rủi ro đối với những hồ đập nhỏ này lại được giao cho các chính quyền sở tại, nơi thiếu cả nhân lực và trình độ để nhận dạng, dự báo, đánh giá thiên tai.

Theo yêu cầu của Quốc hội, năm 2014 Chính phủ đã rà soát loại ra hơn 400 dự án thủy điện; xác định các vùng hạ du bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thủy điện xả lũ. Nhưng trách nhiệm thuộc về ai thì vẫn chưa rõ, không ai chịu trách nhiệm đền bù cho dân khi có sự cố xảy ra. Sự thiếu hụt về chính sách, chế tài ấy sẽ khiến cho việc xâm phạm quyền lợi của người dân hạ du trở thành chuyện dài “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” đáng tiếc.

Bắc Nguyễn

>> Quảng Ngãi: Mưa lũ bất thường khiến 2 người chết, thiệt hại 75 tỉ đồng
>> Quảng Nam: Thiệt hại gần 82 tỉ đồng do mưa lũ bất thường
>> Mưa lũ bất thường, nông dân khóc ròng trên ruộng dưa hấu
>> Quảng Ngãi: Mưa lũ làm một người chết
>> Miền Trung hứng mưa lũ bất thường


Miền Trung hứng mưa lũ bất thường
28/03/2015 09:00

* Thủy điện xả lũ người dân không kịp trở tay
Đang mùa nắng nhưng tình hình mưa lũ lại diễn biến rất bất thường, gây thiệt hại cho nhiều tỉnh miền Trung.

 Tuyến đường ở xã Hành Dũng, H.Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) bị nước lũ chia cắt, gây ách tắc giao thông

Mưa lớn bất thường

Ngày 27.3, tại các xã Quế Trung, Quế Lâm, Phước Ninh... (Quảng Nam) mưa lớn làm chia cắt nhiều tuyến đường liên thôn. Các thôn của xã Quế Ninh có nơi ngập sâu hơn 1 m, người dân phải đi lại bằng thuyền. Tại biển Cửa Đại (TP.Hội An), do mưa to kèm theo sóng lớn nên bờ biển bị sạt lở nặng nề. Đến chiều qua, mực nước trên các sông Vu Gia, Thu Bồn tiếp tục lên nhanh và đạt đỉnh, ở mức báo động 1.

Miền Trung  hứng mưa lũ bất thường - ảnh 2
Khoảng 7 giờ sáng thì nước đã lênh láng đồng, đường sá đã ngập rồi. Chúng tôi không tài nào mà trở tay kịp được. Họ xả lũ với lưu lượng khoảng 800 m3/giây, chẳng khác nào lượng nước lũ của cơn lũ lịch sử năm 1999
Miền Trung  hứng mưa lũ bất thường - ảnh 3
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng NN-PTNT H.Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế)
Theo ông Nguyễn Sinh, Chủ tịch UBND P.Cửa Đại, khoảng 2 ngày nay xuất hiện sóng biển cao khiến 100 m bờ biển bị sạt lở, ăn sâu vào đất liền khoảng 3 - 4 m. Chính quyền địa phương phải huy động lực lượng dân quân dùng bao cát gia cố tạm thời. Ông Hồ Ngọc Mẫn, Trưởng phòng NN-PTNT H.Đại Lộc cho rằng: “Lượng mưa 3 ngày trở lại đây rất lớn, có nơi đo được trên 300 mm, rất bất thường so với mọi năm”.

Tại Quảng Ngãi, liên tiếp 4 ngày qua các huyện miền núi có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quảng Ngãi cho biết tổng lượng mưa đo được từ ngày 24 đến chiều 27.3 tại Giá Vực (H.Ba Tơ) lên đến 528,3 mm, thị trấn Ba Tơ 498,8 mm, Sơn Giang (H.Sơn Hà) 459 mm. Trong khi đó tại H.Nghĩa Hành, chiều hôm qua mực nước trên sông Vệ và sông Phước Giang đột ngột dâng cao. Mực nước sông Vệ cao 4,24 m (thấp hơn mức báo động 3 là 26 cm) làm nhiều gia đình sống dọc ven sông cấp tập lo thu dọn đồ đạc chạy lũ. Theo ông Đào Khắc Sáu (thôn An Sơn, xã Hành Dũng, H.Nghĩa Hành), người dân ở đây chưa bao giờ chứng kiến cảnh lũ lụt xảy ra vào mùa nắng như năm nay. Đây là điều hết sức bất thường nên ai cũng rất lo lắng. Đến chiều tối qua, trên địa bàn Quảng Ngãi nhiều nơi vẫn còn mưa to. Nước trên sông Vệ dự báo sẽ lên mức báo động 3. Đây là đợt lũ lịch sử chưa từng diễn ra trong tháng 3. Do vậy, các địa phương đang triển khai nhanh các phương án đối phó với mưa lũ.

Tại Quảng Trị, ông Dương Viết Hải, Trưởng phòng NN-PTNT H.Hải Lăng cho biết trên địa bàn huyện vừa xảy ra một đợt lũ sớm, làm ngập đường sá và đe dọa một số diện tích lúa vụ đông xuân đang thời kỳ lên đòng. Mưa từ ngày 26.3, đến khoảng 3 giờ sáng 27.3 nước từ thượng nguồn sông Ô Lâu và Thác Ma bất ngờ đổ một lượng lớn về hạ du thuộc các xã Hải Tân, Hải Hòa, Hải Thọ, Hải Dương... Nước sông dâng cao trong đêm, tràn vào xóm làng và đồng lúa. Ngay trong đêm, cán bộ thủy nông và người dân nhanh chóng đóng các cống điều tiết, không cho nước vào sâu trong đồng ruộng. Người dân địa phương hết sức lo lắng trước trận lũ sớm này.

Còn tại H.Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế), do lượng mưa lớn liên tục đổ về từ chiều 26.3 đến sáng 27.3 khiến mực nước trên các sông lên rất nhanh. Mưa lũ làm nhiều khu vực dân cư bị ngập và bị nước lũ chia cắt. Tuyến quốc lộ 1A đoạn qua xã Lộc Trì bị ngập khoảng 0,4 m khiến giao thông đi lại rất khó khăn. Có nhiều xã đã bị ngập lũ như Lộc Bổn, Lộc An, Lộc Điền, Lộc Trì, Lộc Thủy... Nhiều tuyến đường nông thôn bị ngập 0,5 m.

Thủy điện xả lũ

Đáng chú ý, hôm qua một lượng nước lũ rất mạnh bất ngờ đổ về nhiều địa phương của hai huyện Phú Lộc và Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế) khiến người dân không kịp trở tay, hàng ngàn héc ta lúa, hoa màu bị nhấn chìm.

Nước lũ dâng cao đột ngột trên sông Vệ (Quảng Ngãi) khiến nhiều người sống ven sông lo chạy lũ - Ảnh: Hiển Cừ

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn thuộc các xã Quảng An, Quảng Phước, Quảng Thọ... của H.Quảng Điền vẫn còn bị ngập lũ, đến chiều hôm qua nước lũ vẫn chưa có dấu hiệu rút. Tình trạng lũ dâng bất thường ở huyện nằm hạ nguồn sông Bồ xảy ra từ sáng sớm 27.3. Hàng chục tuyến đường bị nước lũ chia cắt, nước lũ lênh láng trên ruộng đồng và dâng nhanh với tốc độ chóng mặt dù trời chỉ âm u hoặc mưa lất phất. Thống kê sơ bộ của Phòng NN-PTNT H.Quảng Điền cho biết có hơn 800 ha lúa bị lũ nhấn chìm, gần 30 ha lạc, 13 ha sắn và hoa màu các loại bị ngập. Đáng nói, tình trạng nước lũ dâng nhanh, xảy ra trên diện rộng tại nhiều xã thuộc Quảng Điền được cho là do thủy điện Hương Điền (thượng nguồn sông Bồ) xả lũ. Người dân tại đây rất bức xúc khi họ nắm thông tin xả lũ quá muộn, khiến mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn. Nhiều gia đình phải tháo chạy do nước lũ dâng nhanh.

Trao đổi với PV Thanh Niên, Trưởng phòng NN-PTNT H.Quảng Điền Nguyễn Ngọc Tiến cho biết ông nhận điện thoại từ Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thông báo về việc thủy điện Hương Điền xả lũ vào lúc 5 giờ 30 ngày 27.3, khi mà thủy điện đã tiến hành xả lũ. Do lượng nước lũ dâng quá nhanh nên hầu như các hệ thống đê thoát lũ đều không phát huy tác dụng. “Khoảng 7 giờ sáng thì nước đã lênh láng đồng, đường sá đã ngập rồi. Chúng tôi không tài nào mà trở tay kịp được. Họ xả lũ với lưu lượng khoảng 800 m3/giây, chẳng khác nào lượng nước lũ của cơn lũ lịch sử năm 1999” - ông Tiến than thở.

Thiệt hại nặng nề
Tình trạng mưa bất thường khiến khoảng 80 ha hoa màu của người dân trồng dọc bờ sông Vu Gia (thuộc các xã: Đại Cường, Đại Nghĩa, Đại Minh, Đại Phong và Đại Hồng, Quảng Nam) bị ngập úng nặng, trong đó 30 ha dưa hấu đang ra quả bị mất trắng; khoảng 50 ha đậu, bắp, lúa... ven sông suối bị hư hại nặng do ngập úng. Còn H.Ba Tơ (Quảng Ngãi) mưa to kéo dài làm tuyến độc đạo từ xã Ba Bích đi xã Ba Nam bị sạt lở nghiêm trọng; lượng đất đá đổ xuống mặt đường khoảng 60.000 m3 khiến xã Ba Nam với hơn 1.000 hộ dân bị cô lập hoàn toàn. Theo báo cáo của H.Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), tính đến 17 giờ hôm qua, toàn huyện có gần 300 ha lúa vụ đông xuân đang giai đoạn trổ bông, hơn 500 ha hoa màu bị ngập chìm trong nước và đổ ngã gây hư hại nặng. Nước lũ còn cuốn trôi một cây cầu, một số tuyến đường trên địa bàn xã Hành Dũng, Hành Nhân, Hành Thiện bị nước lũ chia cắt, gây ách tắc giao thông.
Theo thống kê sơ bộ của Phòng NN-PTNT H.Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế), ít nhất 850 ha lúa chuẩn bị làm đòng bị ngập lũ từ 0,8 - 1,2 m, 50 ha tôm mới thả giống khoảng 3 tuần bị ngập lũ. Mưa lũ còn cuốn trôi hàng chục lán trại kinh doanh du lịch tại Khu du lịch Suối Voi và thác Bồ Ghè (xã Lộc Tiến), hai đập đất ở xã Lộc Thủy bị vỡ.

Thanh Niên
>> Lũ dâng bất thường, người dân không kịp trở tay
>> Báo động tình trạng sạt lở bất thường giữa mùa khô
>> Lũ về, người dân vừa mừng vừa lo
>> Dịch vụ ăn theo nước lũ kiếm bộn tiền
>> Quảng Nam mở chiến dịch chặn gỗ lậu 'tuồn' theo lũ

No comments:

Post a Comment