24/03/2015 07:16
Singapore đau buồn tiễn biệt cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu giữa lúc nhiều lãnh đạo thế giới gọi đây là sự mất mát một huyền thoại của lịch sử.
Theo thông cáo của Văn phòng Thủ tướng Singapore, ông Lý “ra đi nhẹ nhàng” lúc 3 giờ 18 phút sáng (giờ Singapore) ngày 23.3 tại bệnh viện đa khoa (SGH), nơi ông đã lưu trú trong tình trạng viêm phổi nặng phải thở máy trong phòng cấp cứu từ ngày 5.2.2015, hưởng thọ 91 tuổi. Sự ra đi của ông kết thúc hơn một tháng người dân đảo sư tử sống trong hồi hộp, lo âu, hy vọng rồi thất vọng.
Cho tới trước sáng qua, mọi người dân Singapore đều mong muốn ông Lý sống qua lễ quốc khánh kỷ niệm 50 năm lập quốc vào ngày 9.8. Ngày đó cách đây nửa thế kỷ, ống kính đã ghi lại hình ảnh ông Lý Quang Diệu rơi nước mắt tuyên bố tách Singapore ra khỏi liên bang Malaysia, bắt đầu cuộc hành trình độc lập của một đảo quốc nhỏ bé. Ông Lý làm Thủ tướng Singapore từ năm 1959 đến năm 1990 và được đánh giá là người có công lớn nhất đưa hòn đảo diện tích tự nhiên chưa đầy 600 km2 ở Đông Nam Á “từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất”.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, cũng là con trai trưởng của ông Lý Quang Diệu, nghẹn ngào trong thông điệp quốc gia phát trên truyền hình lúc 8 giờ sáng qua về sự ra đi của người được coi là “cha già dân tộc”: “Người đầu tiên trong số những nhà lập quốc của chúng ta đã không còn. Ông ấy đã truyền cảm hứng, cho chúng ta sự can đảm và đưa chúng ta đến ngày hôm nay. Đối với nhiều người Singapore và thực tế là với nhiều người khác nữa, Lý Quang Diệu chính là Singapore”. Hình ảnh của Thủ tướng Lý trên truyền hình không khỏi làm nhiều người xúc động.
và hoàng hậu đến viếng trong ngày 23.3 - Ảnh: Reuters
Hôm qua, gần 15.000 người đã đến cổng dinh Istana, nơi tọa lạc văn phòng thủ tướng và văn phòng tổng thống, để viết những lời chia buồn và tri ân đến ông Lý và gia đình. Bên cạnh đó, hơn 1.200 lãnh đạo các nước, các nhà ngoại giao, thương gia lớn, quan chức nhà nước và bạn bè thân hữu vào dinh Istana viếng thi hài ông Lý trong hai ngày 23 và 24.3. Trong số này có Quốc vương Brunei Hassanal Bokiah, tỉ phú Hồng Kông Lý Gia Thành...
Singapore sẽ trải qua một tuần quốc tang, từ 23 - 29.3. Người dân sẽ được nhìn thấy ông Lý lần cuối tại tòa nhà quốc hội trong các ngày 25 - 28.3 và thi thể của ông sẽ được hỏa táng tại nhà hỏa táng Mandai vào chiều 29.3 sau lễ tang cấp quốc gia được tổ chức tại Trường đại học Quốc gia NUS.
Thị trường chứng khoán Singapore chỉ giảm nhẹ 0,06% trong hôm qua. Theo các chuyên gia, sự ra đi của ông Lý không ảnh hưởng quá lớn đến nền kinh tế Singapore, đặc biệt là thị trường tài chính vốn được vận hành chặt chẽ và ít bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn chính trị trong nước. Về lâu dài, “những gì ông Lý Quang Diệu đã làm cho Singapore sẽ còn mãi. Đặc biệt, những nguyên tắc, trật tự xã hội và tinh thần chuộng người tài mà ông ấy định hình sẽ giúp Singapore tiếp tục đi lên”, ông Chandrasekaran Sundaraju, công dân Malaysia sống tại Singapore hơn 20 năm qua, nói với Thanh Niên.
Nhân vật huyền thoại của châu Á
Hàng chục lãnh đạo trên thế giới trong ngày 23.3 đã gửi các thông điệp chia buồn đến Singapore. Từ Mỹ, Tổng thống Barack Obama gọi ông Lý là một “người có tầm nhìn” đã đưa Singapore thành một trong những quốc gia thịnh vượng nhất thế giới. “Ông ấy là một người khổng lồ đích thực của lịch sử. Ông ấy sẽ được nhớ mãi bởi nhiều thế hệ kế tiếp như một vị cha già của Singapore và là một trong những nhà chiến lược vĩ đại nhất về châu Á”, ông Obama nói.
Thủ tướng David Cameron của Anh, quốc gia đô hộ Singapore gần 150 năm, cũng nhìn nhận: “Ông Lý là một trong những nhà lãnh đạo đáng kính nhất của thế giới hiện đại”. Còn Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói: “Ông Lý Quang Diệu là một nhân vật huyền thoại của châu Á”.
Tại châu Á, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi ông Lý là “một trong những lãnh đạo vĩ đại mà châu Á từng sinh ra”; Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ví von ông Lý là “một con sư tử trong số các lãnh đạo” còn Trung Quốc và Indonesia gọi ông Lý “là người bạn lớn”.
Người bạn lớn của VN
Ngày 23.3, được tin cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từ trần, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi điện chia buồn tới các cấp lãnh đạo nhà nước, chính phủ và đảng Nhân dân hành động cầm quyền và nhân dân Singapore.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội chia buồn. Thay mặt chính phủ, nhân dân VN và nhân danh cá nhân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi tới chính phủ và nhân dân Singapore lời chia buồn sâu sắc nhất. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viết vào sổ tang: “Sự ra đi của Ngài Lý Quang Diệu là một mất mát vô cùng to lớn, không chỉ đối với Singapore mà còn đối với Cộng đồng ASEAN nói chung. Những cống hiến to lớn của Ngài Lý Quang Diệu cho Singapore cùng những tư tưởng của Ngài về xây dựng, phát triển quốc gia sẽ luôn là nguồn cổ vũ to lớn cho các thế hệ mai sau. Nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ tình cảm và sự giúp đỡ quý báu của Ngài Lý Quang Diệu dành cho Việt Nam. Tôi mong Chính phủ và nhân dân Singapore sớm vượt qua thời khắc đau thương này”.
Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Singapore K Shanmugam, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định ông Lý Quang Diệu là người bạn lớn của nhân dân VN và những đóng góp của ông cho việc thúc đẩy quan hệ song phương luôn được trân trọng và gìn giữ.
Cũng trong ngày 23.3, đoàn lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải dẫn đầu đến Lãnh sự quán Singapore viếng và viết vào sổ tang tưởng niệm ông Lý Quang Diệu. Ông Lê Thanh Hải chia buồn sâu sắc, đặt vòng hoa và ghi vào sổ tang: “Đất nước Singapore mất đi một nhà lãnh đạo tài năng và có tầm nhìn vĩ đại. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM mất đi người bạn cố tri, người hiểu sâu sắc và quan tâm đặc biệt đến VN nói chung, TP.HCM nói riêng”.
Đình Phú - Theo TTXVN
|
Thục Minh (Văn phòng Singapore)
>> Cộng đồng mạng thương tiếc cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu
>> Ghi nhớ tình cảm và sự giúp đỡ quý báu của Ngài Lý Quang Diệu
>> Lãnh đạo Việt Nam điện chia buồn ông Lý Quang Diệu qua đời
>> Thế giới tôn vinh ông Lý Quang Diệu 'nhìn xa trông rộng'
>> Ông Lý Quang Diệu trước khi nổi tiếng làm gì ?
>> Lý Quang Diệu, người đưa Singapore từ thế giới thứ ba lên thứ nhất
>> Những ngày đáng nhớ của ông Lý Quang Diệu
>> Ông Lý Quang Diệu, Singapore và Việt Nam
>> Singapore để tang ông Lý Quang Diệu 7 ngày
>> Một Singapore không có ông Lý Quang Diệu
No comments:
Post a Comment