Wednesday, March 4, 2015

Tại LHQ: Manila tố cáo Bắc Kinh xây đảo nhân tạo ở Biển Đông

Đăng ngày 04-03-2015 Sửa đổi ngày 04-03-2015 13:24

Tại LHQ: Manila tố cáo Bắc Kinh xây đảo nhân tạo ở Biển Đông

Trọng Nghĩa 

Bức ảnh bộ Ngoại giao Philippines công bố hôm 14/5/2014 cho thấy Trung Quốc đang hút cát để mở rộng mặt bằng bãi đá Gạc Ma (Johnson Reef) trong quần đảo Trường Sa.REUTERS/Armed Forces of the Philippines/Handout via Reuters

Trong số các nước bị Bắc Kinh chèn ép dữ dội nhất vì tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, Philippines tiếp tục là quốc gia mạnh bạo nhất trong việc tố cáo các hành vi của Trung Quốc. 

Vào hôm qua, 03/03/2015, Manila đã công bố nội dung lời tố cáo của đại diện Philippines ngay tại một cuộc họp ở Hội Đồng Bảo An tổ chức gần đây, theo đó các công trình bồi đắp đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang rốt ráo tiến hành tại vùng Trường Sa trực tiếp đe dọa an ninh trong khu vực. 

Lời tố cáo của Philippines được bà Irene Natividad Susan, Phó Đại diện Thường trực của Philippines tại Liên Hiệp Quốc nêu lên nhân một cuộc thảo luận mở của Hội Đồng Bảo An diễn ra ngày 23/02 tại New York. 

Theo nhà ngoại giao Philippines, việc Trung Quốc ồ ạt xây đảo nhân tạo trên các bãi đá tại vùng quần đảo Trường Sa là « một mối đe dọa trực tiếp đến Philippines và các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền (trong vùng), và cần được coi là một mối quan ngại lớn cho tất cả các nước vì đe dọa an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực ». 

Không chỉ là một nguy cơ đối trong lãnh vực an ninh, các hành động nạo vét lòng biển để bồi đắp đảo nhân tạo của Bắc Kinh còn bị Manila tố cáo là tàn hại môi trường, vừa « phá hủy trên bình diện rộng tính chất đa dạng sinh học của khu vực », vừa « làm mất đi vĩnh viễn thế cân bằng sinh thái (ở Biển Đông) ». Đối với bà Natividad : « Các tổn thất không thể đảo ngược đó sẽ tác hại lâu dài trên các cư dân… đã phải dựa vào biển để tìm kế sinh nhai qua nhiều thế hệ ». 

Đây là lần đầu tiên mà Philippines nêu bật vấn đề Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo trên Biển Đông trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, định chế có chức năng duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. 

Điều đáng nói Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã phải trực tiếp nghe những lời tố cáo của Philippines nhân cuộc thảo luận do chính Bắc Kinh đề nghị trong vai trò Chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Bảo An vào tháng Hai.

Philippines như vậy là tiếp tục vai trò đi đầu trong việc tố cáo các hành vi thái quá của Trung Quốc tại Biển Đông. 

Philippines vẫn năng động, trái với sự dè dặt của Việt Nam và Malaysia 

Trước bài phát biểu của bà Natividad tại Hội Đồng Bảo An, Manila đã từng gởi công hàm phản đối Bắc Kinh sau khi phát hiện việc Trung Quốc đang đẩy mạnh việc bồi đắp và xây dựng tại Đá Vành Khăn (Mischief Reef), đã chiếm từ tay Philippines vào năm 1995.

Ngoài Đá Vành Khăn, Trung Quốc cũng đang có công trình bồi đắp và xây dựng trên một loạt bãi đá khác trước đây do Việt Nam hay Philippines kiểm soát : Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), Đá Ga Ven (Gaven Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Én Đất (Eldad Reef). 

Thái độ năng động của Philippines tương phản với sự kín đáo của hai nước Việt Nam và Malaysia, bị cho là sẽ bị các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông gây thiệt hại nhiều nhất. 

Phản ứng của phía Việt Nam đã được Bắc Kinh gợi lên vào hôm qua, 03/03, khi trong buổi họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã bác bỏ những phản đối của Việt Nam về các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Nam Sa). 

Lập luận của Trung Quốc vẫn như cũ, tức là Trường Sa đã là của Trung Quốc rồi, cho nên : «Các hoạt động xây dựng thông thường của Trung Quốc trên các đảo của Trung Quốc và ở trong nước Trung Quốc đều hợp pháp, hợp lý và chính đáng ». 


Đăng ngày 28-02-2015 Sửa đổi ngày 28-02-2015 16:09

Vì an ninh quốc gia, Manila tẩy chay chuyên gia Trung Quốc

Trọng Nghĩa

Yêu sách của Bắc Kinh Biển Đông khiến người Philippines cảnh giác với Trung Quốc.REUTERS/Romeo Ranoco

Phủ Tổng thống Philippines vào hôm nay 28/02/2014, đã chính thức lên tiếng bảo vệ quyết định mới đây của Bộ Năng lượng nhằm đình chỉ sự tham gia của kỹ thuật viên Trung Quốc vào sự phát triển và vận hành của màng lưới điện quốc gia Philippines. Lý do được nêu lên là vấn đề an ninh quốc gia, nhưng giới quan sát cũng gắn liền quyết định này với tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila về Biển Đông.

Theo báo chí Philippines, trên một đài phát thanh địa phương, Phó Phát ngôn viên của Tổng thống Aquino, bà Abigail Valte khẳng định rằng : Khi quyết định không triển hạn công tác cho 16 cán bộ kỹ thuật Trung Quốc đang làm việc tại Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Philippines NGCP, Bộ Năng lượng Philippines đã có nghiên cứu kỹ lưỡng về những ưu và khuyết điểm của vấn đề.

Bà Valte đã tuyên bố như trên sau khi Bắc Kinh lên tiếng đòi Manila phải xử sự công bằng đối với Tập đoàn NGCP – có 40% vốn Trung Quốc – vào việc xây dựng màng lưới điện toàn quốc của Philippines. Theo Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, thì tập đoàn này đã có nhiều đóng góp quan trọng, và Manila phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp của tập đoàn đó.

Tranh cãi đã nẩy sinh từ hôm thứ Tư, 25/02 khi Bộ Năng lượng Philippines loan báo là sẽ chấm dứt công việc của số cán bộ kỹ thuật Trung Quốc đang làm việc trong hệ thống điện toàn quốc, vì những lý do đặc biệt về an ninh quốc gia.

Phát biểu với hãng tin Pháp AFP, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Jericho Petilla xác nhận là 16 kỹ thuật viên Trung Quốc đang công tác tại Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Philippines NGCP sẽ không được triển hạn visa vào tháng 7 tới đây và sẽ phải hồi hương.

Là một công ty tư nhân Philippines, NGCP có tới 40% phần hùn đến từ Tập đoàn Lưới điện Nhà nước Trung Quốc, tập đoàn quốc doanh đang quản lý hệ thống phân phối điện tại Trung Quốc.

Khi được hỏi là phải chăng vấn đề an ninh quốc gia bị đe dọa đã khiến cho chính quyền Manila quyết định như trên, vị Bộ trưởng Philippines đã xác nhận rằng vấn đề đó « hiển nhiên là một mối quan tâm ».

Đối với chính quyền Manila, màng lưới điện quốc gia Philippines phải do chính người Philippines điều hành và người Philippines hiện có đủ năng lực chuyên môn để đảm trách phần việc do người Trung Quốc thực hiện.

Ngoài lý do an ninh nói trên, một số nhà quan sát đã gắn liền quyết định không cho chuyên gia Trung Quốc tiếp tục làm việc trong màng lưới điện quốc gia Philippines với hồ sơ tranh chấp Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh.

Các hành vi lấn lướt của Trung Quốc nhắm vào Philippines trong những năm gần đây, từ vụ giành quyền kiểm soát thực tế trên bãi cạn Scarborough Shoal, cho đến vụ phong tỏa đường tiếp tế cho lính Philippines đồn trú trên bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), đã làm quan hệ song phương xấu hẳn đi.

Theo báo chí Philippines, hôm thứ tư vừa qua, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Philippines cũng thừa nhận rằng tranh chấp Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc đã tạo nên mối quan ngại về sự có mặt của chuyên gia Trung Quốc trong một tập đoàn chiến lược như tập đoàn lưới điện NGCP.

No comments:

Post a Comment