13/06/2014 09:00
Nếu xây dựng lại kế hoạch thực hiện Đề án ngoại ngữ 2020 như lãnh đạo Bộ GD-ĐT phát biểu thì cần phải hướng đến tính thực tiễn, tiết kiệm và với mục tiêu khiêm tốn hơn.
>> Đầu tư cả ngàn tỉ đồng vẫn chưa hiệu quả - 'Làm lại' đề án ngoại ngữ
>> Đầu tư cả ngàn tỉ đồng vẫn chưa hiệu quả
Phát biểu gây choáng váng
Hai phát biểu gây choáng váng cho những ai quan tâm đến việc dạy và học ngoại ngữ ở nước ta đều đến từ lãnh đạo Bộ GD-ĐT.
Trước tiên là Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Trả lời chất vấn trước Quốc hội
ngày 11.6, bộ trưởng đã tuyên bố: “Cách dạy, cách học, cách thi ngoại
ngữ hiện nay của chúng ta không giống ai trên thế giới”.
Thứ hai, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói với Báo Thanh Niên
là Bộ “đang xây dựng lại kế hoạch thực hiện Đề án ngoại ngữ 2020 cho phù
hợp thực tiễn hơn”, một động thái mà báo cho là “làm lại đề án ngoại
ngữ”.
Choáng váng là vì Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục
quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” được thông qua năm 2008 rồi triển khai
rầm rộ với kinh phí gần 9.400 tỉ đồng. Từ đó đến nay năm nào chúng ta
cũng nghe tỉnh này, tỉnh kia bỏ ra mấy trăm tỉ đồng cho việc triển khai
đề án. Nay bỗng nhiên nghe hai vị lãnh đạo Bộ tuyên bố như thế hóa ra
bao nhiêu công sức, tiền của đổ sông đổ biển?
Choáng váng là vì đề án đưa ra mục tiêu trung hạn “đến năm 2015 đạt
được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của
nguồn nhân lực”, thế mà kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi chỉ có chưa đến
16% thí sinh chọn ngoại ngữ làm môn thi.
Theo nhận xét của nhiều giáo viên được hỏi, mấy năm qua việc triển
khai đề án chủ yếu tập trung vào hai việc: mua sắm trang thiết bị đắt
tiền như bảng tương tác cho các trường ở các thành phố lớn và đổ tiền
đào tạo lại giáo viên để đạt chuẩn châu Âu, gây biết bao chuyện dở khóc
dở cười. Dĩ nhiên cả hai đều không đạt hiệu quả mong muốn như chúng ta
đã thấy vì nói gì thì nói yếu tố thương mại hóa trong hai hoạt động này
là không thể loại trừ.
Phải từ bỏ tham vọng ôm hết mọi chuyện
Chuyện đã qua dù sao cũng không quan trọng bằng chuyện sắp tới: Làm
sao để có một chương trình dạy và học ngoại ngữ khác, có tính thực tiễn
hơn, tiết kiệm hơn với mục tiêu khiêm tốn hơn - giới trẻ Việt Nam khi ra
đời có được một số vốn ngoại ngữ ban đầu để tiếp nhận tri thức của thế
giới và sau đó có khả năng tự học suốt đời.
Đây là đề tài lớn cần có sự tham gia bàn bạc của cả xã hội, nhưng
trước mắt có thể nêu một số ý chính mang tính nguyên tắc mà mọi người có
thể đạt được sự đồng thuận ngay.
Trước hết, Bộ GD-ĐT phải từ bỏ tham vọng ôm hết mọi chuyện, từ đào
tạo lại giáo viên, biên soạn chương trình, sách giáo khoa đến trang bị
máy móc, công cụ giảng dạy. Với điều kiện kinh tế hiện nay mà cứ suy
nghĩ theo hướng “Tiếp tục xây dựng các phòng dạy và học ngoại ngữ, phòng
nghe nhìn và học đa phương tiện cho các trường học các cấp” thì chỉ có
lãng phí tiếp liền lãng phí.
Thứ hai là với điều kiện của VN hiện nay, không nên cầu toàn đòi học
sinh phải nói tiếng Anh làu làu, rồi đòi dạy và học các môn tự nhiên
bằng tiếng Anh một cách duy ý chí... Nên chú trọng kỹ năng đọc hiểu, xem
đó là bước khởi đầu cho quá trình tạo sự tự tin ở học sinh.
Nhu cầu cho con em học và sử dụng được ngoại ngữ trong phụ huynh là
rất lớn; nhu cầu vượt qua rào cản ngoại ngữ để tiếp xúc được thông tin
từ thế giới bên ngoài trong thanh niên cũng rất lớn, nhất là trong các
lĩnh vực giải trí (phim, nhạc), tin học... Đây là đòn bẩy mà Bộ cần tận
dụng. Muốn vậy, Bộ phải buông hết những cái tự xem là nhiệm vụ hiện nay
và chỉ tập trung vào một số việc: Chấn chỉnh việc đào tạo giáo viên
ngoại ngữ ở các trường ĐH, CĐ; thay đổi cách ra đề thi (từ kiểm tra học
kỳ đến thi tốt nghiệp) sao cho trọng tâm dịch chuyển từ khảo sát ngữ
pháp sang khảo sát đọc hiểu, bổ sung các kỹ năng nghe, nói nếu có điều
kiện. Hãy để cho từng trường được quyền chọn sách giáo khoa miễn sao xác
định được mức độ kỹ năng mà học sinh phải đạt ở từng cấp học. Hãy
khuyến khích các thầy cô rèn cho học sinh các kỹ năng ngoại ngữ thông
qua trò chơi, bài hát, xem phim, đọc truyện, làm câu đố, thuyết trình,
kể chuyện bằng tiếng Anh...
Nếu chú ý chúng ta sẽ thấy những học sinh giỏi ngoại ngữ là những người
tự học là chính, thông qua một say mê nào đó liên quan đến ngoại ngữ vì
suy cho cùng ngoại ngữ chỉ là công cụ, sử dụng ngoại ngữ để làm cái gì
đó mới là mục tiêu.
Tận dụng nguồn tài nguyên hữu ích trên internet
Với giáo viên, cái nỗ lực để đạt “chuẩn châu Âu” mơ hồ không quan
trọng bằng cập nhật kiến thức. Bởi tiếng Anh trong 20 năm qua thay đổi
nhanh chóng một phần do kiến thức hay nội dung thông tin mà nó chuyển
tải đã thay đổi. Người không nắm được nội dung thông tin thì kể cả có
giỏi ngoại ngữ cũng đành chịu.
Việc dạy và học ngoại ngữ bây giờ đã thuận lợi hơn trước gấp bội lần
nhờ vào internet, 3G, máy tính, điện thoại thông minh và truyền hình.
Các chuyên viên của Bộ chỉ cần thu gom hết mọi tài nguyên hữu ích trên
internet vào một chỗ rồi hướng dẫn cho giáo viên sử dụng sẽ còn hữu ích
gấp nhiều lần so với các khóa tập huấn tốn kém, nặng nề.
Tại sao không thử nghiệm lấy ngoại ngữ làm môn thí điểm cho nhà
trường và giáo viên được tự do nhiều hơn, tự biên soạn nội dung giảng
dạy, tự sắp xếp giờ dạy để tổ chức được những hoạt động như thi đố vui
bằng tiếng Anh... Hiện nay, một chương trình học ngoại ngữ đồ sộ đã có
thể chứa trong một app (ứng dụng) miễn phí chạy trên điện thoại di động,
học mãi chưa hết thế mà tư duy chúng ta vẫn còn nặng về bảng tương tác,
đèn chiếu, rồi phòng lab nghe nhìn thì phải nói bỏ đề án cũ, làm lại đề
án mới là chuyện trước sau gì cũng phải thừa nhận.
Dạy - học - thi ngoại ngữ “không giống ai”
Tại phiên trả lời chất vấn QH ngày 11.6 về câu hỏi liên
quan đến việc dạy và học ngoại ngữ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nói:
“Trong quá trình xây dựng đề án đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, chúng
tôi đã tổ chức những đợt khảo sát các môn học, bậc học có tiếng Anh và
ngoại ngữ thì thấy rằng cách dạy, cách học, cách thi ngoại ngữ hiện nay
của chúng ta không giống ai trên thế giới. Chúng ta dạy và học chủ yếu
là ngữ pháp nên học hết phổ thông cũng không nói được, người ta nói
không hiểu”.
Tuệ Nguyễn (ghi)
|
Nguyễn Vạn Phú
>> Học sinh miền núi 'né' ngoại ngữ
>> Thi tốt nghiệp THPT: Đổi mới ra đề thi môn ngữ văn, ngoại ngữ
>> Khó khăn trong chuẩn hóa giáo viên ngoại ngữ
>> Thi tốt nghiệp THPT: Học sinh Quảng Bình ít chọn môn ngoại ngữ
>> Ngân sách bị lãng phí trong Đề án ngoại ngữ
>> Cho phép nhiều đối tượng miễn thi ngoại ngữ trong đào tạo thạc sĩ
No comments:
Post a Comment