(GDVN) - Người dân lao động Trung Quốc vốn cần cù, hiền lành đang bị
giới tinh hoa của nước này tìm cách “biến đổi gen”, họ đang thực sự trở
thành AQ.
Trước hết phải nói ngay cụm từ “người Trung Quốc” sử dụng trong bài
viết này chỉ là nhắc lại lời lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong phát
biểu ở thủ đô nước Pháp gần đây, tuyệt đối không có ý ám chỉ nhân dân
lao động Trung Quốc.
Ông Tập nói đại ý: “Trong máu người Trung Quốc không có gen xâm lược”, vậy họ có gen gì, đâu là gen trội và đâu là gen lặn?
Gen đại Hán
Ngày xưa, các hoàng đế Trung Hoa coi các dân tộc láng giềng là man di
mọi rợ, là đối tượng cần phải chinh phục. Ngày nay, nguyên Bộ trưởng Bộ
Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì, tại diễn đàn khu vực năm 2010 đã
cao giọng với các nước Asean: “Có một sự khác biệt cơ bản giữa chúng
ta, Trung Quốc là một nước lớn, còn quý vị là những nước nhỏ hơn”.
Các nước “nhỏ hơn” ấy bao gồm Việt Nam, Indonexia, Singapore…, đặc
biệt là Singapore, nơi có tới 75% dân số là người Hoa, thế có nghĩa dù
là người Hoa nhưng không nghe theo chính quốc, dù có là quốc gia phát
triển đến mấy vẫn bị coi là nhược tiểu, là đối tượng phải bị chinh
phục.
Sự việc biểu tình ở Bình Dương đã được Bắc Kinh triệt để lợi dụng,
chẳng thế mà họ sẵn sàng cho “đồng bào Đài Loan” nhập cảnh vào Trung
Quốc, họ rất thương “đồng bào Đài Loan” trong khi toàn bộ hòn đảo này đã
nằm trong tầm ngắm của hàng nghìn tên lửa từ Trung Quốc đại lục.
Theo một nguồn tin tình báo Mỹ hơn 1.000 tên lửa DF-15 đã được triển khai tại tỉnh Phúc Kiến, đặt toàn bộ Đài Loan vào trong tầm bắn của nó. |
Người gốc Hoa ở hải ngoại đang bị giới lãnh đạo Bắc Kinh biến thành quân
cờ trên bàn cờ chính trị bá quyền, lúc thì họ là “đồng bào yêu quý”,
lúc thì họ là những kẻ mất gốc mà Singapore chỉ là một trường hợp minh
họa. Còn với những người Hoa đại lục, hãy nghe Hồ Tiến Tích - Tổng biên
tập báo Hoàn Cầu viết về người lính Trung Quốc trong cuộc chiến tranh
xâm lược Việt Nam năm 1979: “Người ta chọn ra một đội cảm tử quân để
biểu thị quyết tâm, sau đó tập trung tất cả vào một căn phòng lớn. Tại
đây, có các binh sĩ đông gấp đôi tổ "cảm tử quân" canh chừng họ, sợ
những "cảm tử quân" này sẽ bỏ chạy".
Ngày nay nhìn những hàng lính Trung Quốc quân phục chỉnh tề, miệng mở
rộng hết cỡ hô khẩu hiệu, không ít người cảm thấy choáng váng. Chỉ có
điều, thế giới không ai là không biết ít nhất 70% binh lính Trung Quốc
là con một, Mạnh Tử nói: “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (Trong ba tội
bất hiếu, không có con nối dõi là tội lớn nhất), liệu trong đám “kiêu
binh con một” ấy bao nhiêu người sẽ tự nguyện vào “đội cảm tử” như Hồ
Tiến Tích mô tả?
Kích động tư tưởng dân tộc cực đoan đại Hán, chính là cách mà giới lãnh
đạo Bắc Kinh hy vọng sẽ có được một đội quân cảm tử, thực chất họ luôn
coi dân là “những con chuột bạch” trong mưu đồ xưng bá với hy vọng sẽ
được lưu danh thiên cổ. Những sự phản đối, những quan điểm trái chiều
luôn bị đàn áp dã man bất kể là nguyên soái khai quốc công thần hay học
sinh, sinh viên. Các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc như người Tạng trên
cao nguyên Thanh Tạng, người Hồi ở Tân Cương… luôn là đối tượng trong
chính sách Hán hóa.
Một người Hồi ở Mỹ đã phát biểu: “Chính quyền Trung Quốc không tạo ra
công ăn việc làm cho người Uighur (người Hồi). Chính quyền Trung Quốc
chỉ tạo công ăn việc làm cho người Hán đến đây định cư”. Chính sách chia
để trị được áp dụng triệt để khi 60% dân số Tân Cương là người Hồi, 40%
là người Hán, nhưng quan chức đại đa số là người Hán.
Những người đã đưa đất nước Trung Hoa từ chỗ chết đói mấy chục triệu
người trong “đại nhảy vọt” đến một nước Trung Hoa hùng mạnh ngày nay có
công to lớn với dân tộc họ. Nhưng nhân loại từ Á sang Âu đang chuyển từ
ngạc nhiên sang lo ngại, trước hết là lo ngại về sự ổn định của đất nước
hơn một tỷ dân khi mà lần đầu tiên kể từ năm 1949, Trung Quốc phải tiến
hành một chiến dịch mà họ gọi là “chống khủng bố”. Đánh mất lòng tin
với chính nhân dân mình làm sao giới lãnh đạo Trung Quốc có thể gây dựng
lòng tin với láng giềng, với thế giới?
Gen bành trướng
Bên cạnh các cuộc chiến tranh tàn khốc xâm chiếm lãnh thổ lân bang, còn
một cuộc xâm chiếm khác nhẹ nhàng, ít gây xáo động nhưng hiệu quả vô
cùng to lớn ấy là di dân đến các quốc gia khác và truyền bá văn hóa
Trung Hoa, điều này đã được người Trung Quốc thực hiện một cách âm thầm
qua nhiều thế kỷ. Có một lời giáo huấn mới nghe tưởng chừng nghịch lý:
“Những người Hoa ra nước ngoài, không trở về tổ quốc là yêu nước”. Sự
thật là chính nhờ chủ thuyết đó, tại nhiều quốc gia đã hình thành nhan
nhản các phố người Hoa, thậm chí là cả một quốc gia mà người Hoa chiếm
đa số như Singapore.
Sử sách còn ghi lại chuyện vua Đường gả công chúa Văn Thành cho vua nước
Thổ Phồn (Tây Tạng ngày nay). Đoàn tùy tùng mà công chúa Văn Thành mang
theo đông hàng nghìn người. Người Tạng mơ màng về một mối giao hảo, một
nền hòa bình giữa hai quốc gia nên không phòng bị, ba mươi năm sau họ
mới giật mình tỉnh ngộ khi nhà Đường đưa quân tiến đánh Thổ Phồn, mặc
dù, khi đó công chúa Văn Thành vẫn còn là đệ nhị hoàng hậu của nước này.
Ở Việt Nam, câu chuyện Mỵ Châu Trọng Thủy có thể không tìm được các
chứng cứ minh định song có một điều chắc chắn, rằng tổ tiên người Việt
đã nhắc nhở con cháu đừng bao giờ tin vào những gì mà người Trung Quốc
nói, dù là công chúa như Văn Thành, con quan như Trọng Thủy hay dân
thường thì rốt cuộc họ vẫn chỉ là con tốt được gí sang sông, sống chết
không biết lúc nào.
Một lần về thăm đền vua Đinh ở Ninh Bình, người viết đã được cụ già
trông nom đền giải nghĩa bốn chữ “Bắc môn tỏa thược” (北 門 鎖 鑰) ngay trên
cổng vào đền thờ, bốn chữ đại tự ấy như lời vua dặn con cháu phải luôn
cảnh giác với kẻ thù phương Bắc, cái cửa hướng Bắc (Bắc môn) phải luôn
được rào dậu kỹ lưỡng (tỏa thược).
Mấy chục năm trước, người Việt truyền khẩu một câu chuyện, có một thời ở
Mục Nam Quan bên kia biên giới người ta dựng bức tượng “lãnh tụ vĩ đại”
tay chống nạnh, tay chỉ về phương Nam, không biết ngầm ý đe dọa hay là
chỉ hướng tấn công cho các “đạo quân xà cạp”. Để đáp lại, bên này biên
giới, người Việt cho xây một bức tường, trên tường kẻ dòng chữ “Không có
gì quý hơn độc lập, tự do” chắn ngang tầm chỉ của bức tượng. Sau đó bên
kia biên giới người ta phải phá bức tượng đi.
Dòng chữ “Bắc môn tỏa thược” trên cổng đền vua Đinh |
Gen xảo trá
Xảo trá, đổi trắng thay đen có lẽ là gen trội nhất trong các gen mà Bắc
Kinh được thừa hưởng. Gen này được di truyền suốt chiều dài lịch sử
Trung Hoa, nó tạo cho giới cầm quyền một công cụ nhằm đánh lừa dư luận
thế giới và cũng là để đánh lừa chính nhân dân các dân tộc Trung Quốc.
Trong truyện Tam quốc diễn nghĩa, Chu Du mắc mưu Gia Cát Lượng tức đến
nỗi hộc máu mà chết. Gia Cát Lượng tỉnh bơ đến đám tang Chu Du, lại còn
khóc lóc thảm thiết tỏ vẻ thương tiếc, người Trung Quốc đời sau lập miếu
thờ Gia Cát, ca ngợi là bậc đại trí mặc dù cả cuộc đời Gia Cát luôn là
những trận chiến giết hại không biết bao dân lành.
Tính chất xảo trá của giới cầm quyền Trung Quốc từ thời các hoàng đế cho
đến thời các “đồng chí” không có gì thay đổi. Chẳng thế mà tại đối
thoại tại Shangri-la vừa qua, tướng Vương Quán Trung - Phó tổng tham mưu
trưởng quân đội Trung Quốc nói: “Trung Quốc không bao giờ là bên châm
ngòi cho các rắc rối tại Biển Đông”. Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại
giao Trung Quốc nói: “Tại vùng biển liên quan, tàu thuyền của Trung Quốc
chỉ là bên phòng ngự, còn tàu thuyền phía Việt Nam là bên tấn công…”.
Thử hỏi nếu khai thác dầu tại vùng biển chủ quyền của Trung Quốc hoặc
vùng biển quốc tế liệu Bắc Kinh có phải đem hàng trăm tàu chiến, máy bay
canh chừng, bảo vệ không? Lu loa có chứng cứ chứng minh chủ quyền ở
biển Đông hàng mấy nghìn năm qua nhưng lại không dám ra tòa án quốc tế,
thực chất đó không phải là cách hành xử của kẻ có chính nghĩa. Đó chỉ có
thể là cách hành xử thiếu tự tin của những kẻ đang ngộ nhận là quốc gia
ở vị trí trung tâm của thế giới.
Gen văn hóa
Đây là loại gen mà các học giả quốc tế đang cố tìm hiểu tại sao nó lại
biến mất ở thế hệ lãnh đạo và đa số trí thức Trung Quốc hiện tại. Không
ai phủ nhận Trung Hoa là đất nước có nền văn minh rực rỡ trong quá khứ
nhưng tại sao người Trung Quốc hiện nay lại bị nhân loại nhìn nhận một
cách rất tiêu cực? Phải chăng “gen văn hóa Trung Hoa” đã trở thành gen
lặn với thế hệ hiện tại?
Hãy xem nhận xét của một học giả: “Rất nhiều lần trong cuộc đối thoại
Shangri-la, người điều hành phiên họp đã phải ngăn hoặc cố gắng ngăn các
câu hỏi khiếm nhã và hung hăng mà các thành viên đoàn Trung Quốc đưa ra
đối với các diễn giả”. Không chỉ có thế, người ta đã phải đặt câu hỏi:
“Vì sao thế giới ngày càng ghét Trung Quốc”.
Người dân lao động Trung Quốc vốn cần cù, hiền lành đang bị giới tinh
hoa của nước này tìm cách “biến đổi gen”, họ đang thực sự trở thành AQ
khi sẵn sàng vứt ra sông Hoàng Phố hàng vạn con lợn chết vì nhiễm bệnh,
họ đang đầu độc chính con cháu họ bằng sữa có nhiễm hóa chất công nghiệp
melemine, trên tất cả họ đang đầu độc thế giới bằng những thứ hàng
nhiễm chất độc như quần áo, đồ chơi trẻ em, hoa quả, thực phẩm… Sông Mê
Kông, con sông nuôi sống bao nhiêu triệu người của bốn quốc gia Thái
Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam cũng đang bị người Trung Quốc bức tử.
Phải chăng nét văn hóa duy nhất mà Trung Quốc mong muốn là Trung Quốc
trở thành thiên triều của toàn nhân loại, chỉ cần người Trung Quốc sống,
nhân loại chết hết cũng không sao?
Để tránh ảo tưởng về một quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, thiết
nghĩ đã đến lúc chúng ta phải cởi cái giây tự buộc ở tay mình, phải cho
nhân dân, nhất là lớp con cháu nhận diện người hàng xóm phương Bắc với
bản chất thâm căn cố đế của họ. Hòa bình không bao giờ có với kẻ yếu,
nhất là khi phải sống bên cạnh một kẻ có dòng máu xâm lược cha truyền
con nối.
Muốn sống trong hòa bình, bên cạnh lòng yêu nước cần phải có thanh gươm sắc.
Muốn sống trong hòa bình, bên cạnh lòng yêu nước cần phải có thanh gươm sắc.
No comments:
Post a Comment