Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, 02/06/2013 - HTV
Biểu tình chống Trung Quốc gây hấn - Hà Nội ngày 02/06/2013
04/06/2013
Vì sao người biểu tình yêu nước phẫn nộ với công an tại cổng Trại Lộc Hà chiều tối 2 tháng 6 năm 2013?
Đào Tiến Thi
Chiều
tối ngày 2 tháng sáu, một cảnh tượng chưa từng có đã diễn ra tại cổng
Trại Phục hồi Nhân phẩm Lộc Hà (Trung tâm Lưu trú Lộc Hà): những người
đi biểu tình chống cuộc xâm lăng của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc
(gọi tắt là Trung Cộng) bị giam giữ từ sáng, vừa được thả cùng với những
người đi đón họ (từ đây gọi chung là người biểu tình) nằm ra đường để
đấu tranh với công an.
Nhìn bề ngoài dễ lầm tưởng đây là hành vi quá khích của người dân với cơ quan nhà nước.
Nhưng
những người trong cuộc (kể cả phía công an) và những người dân chứng
kiến từ đầu thì hiểu rõ nguyên do. Tôi là một trong số người đi đón bạn,
chứng kiến cảnh đó, xin kể qua diễn biến và suy nghĩ của mình như dưới
đây.
Nguyên nhân sâu xa của cuộc đối đầu căng
thẳng đó là vì những người đi biểu tình chống Trung Cộng sáng ngày
2-6-2013 bị bắt và bị giam một cách vô lý, trái pháp luật. Nhiều người
còn bị đánh. Tệ hại hơn, trong khi bị giam giữ phía công an luôn bắt họ
phải thừa nhận hành vi “gây rối trật tự công cộng”, trong khi ai cũng
biết sự thật (những người công an càng biết rõ hơn): đây là những người
yêu nước, đi biểu tình để phản đối những hành động vi phạm chủ quyền
ngang ngược của Trung Cộng đối với Việt Nam, trực tiếp là hai vụ vừa qua
– vụ bắn cháy ca bin một tàu cá và đâm hỏng một tàu cá khác của ngư dân
Việt Nam trên Biển Đông.
Nguyên
nhân trực tiếp, đó là sự giam giữ dằng dai một số người, khiến những
người được thả trước và người đi đón bồn chồn không yên, vừa sốt ruột vì
trời tối dần, vừa lo lắng cho tính mạng người còn bị giam giữ. Đã thế,
tại cổng, công an đặt biển cấm: cấm đứng, cấm quay phim chụp ảnh. Và tấm
biển cấm này cứ được dịch dần ra để đẩy người đứng chờ xuống vệ đường.
Lực lượng công an được tăng cường ngày càng đông bằng công an xã và an
ninh mặc thường phục chỉ cốt để xua đuổi người đứng chờ. Những hành vi
rất đẹp để đón chào người vừa được thả như bắt tay, ôm hôn, luôn bị nhắc
nhở và cản trở.
Cả hai lý do trên làm cho nỗi
bức xúc của người biểu tình nóng lên và lời qua tiếng lại giữa hai bên
gay gắt dần. Thực ra thì người biểu tình cũng chỉ giải thích cho những
người công an hành vi sai trái của họ. Nhưng trong khi những người công
an xã mặc sắc phục có thái độ ôn hoà thì chính những thanh niên an ninh
mặc thường phục lại có thái độ bặm trợn, căm tức người biểu tình ra mặt.
Từ lời qua tiếng lại dẫn đến cãi cọ và xô đẩy, rồi từ cãi cọ và xô đẩy,
họ cậy thế đông và có võ nghệ, đã lao vào đánh anh Chí Đức và Nguyễn
Văn Phương. Họ kéo lê Chí Đức dọc theo lề đường đá dăm, từ cổng trại Lộc
Hà đến cổng một cơ quan khác (hình như là một đồn công an), trên quãng
đường dài khoảng mấy chục mét. Chí Đức bị đưa vào đồn. Nguyễn Văn Phương
thì bị nhốt vào xe thùng kín mít, và chiếc xe này chuẩn bị lao đi.
Trước
tình hình bất ngờ và nguy hiểm đó, người biểu tình với tay không yếu
mềm không còn cách nào khác là nằm chặn chiếc xe đó lại. Khoảng 15 phút
sau, công an buộc phải thả Chí Đức và Nguyễn Văn Phương. Nguyễn Chí Đức
bị vỡ kính, bị rách tan tành áo sơ mi, lưng bị tướp nham nhở, rớm máu.
Lợi
dụng lúc mọi người tập trung đấu tranh cho Đức và Phương ở phía dưới,
công an khiêng anh Trương Văn Dũng (người bị giam cuối cùng) ném ra vệ
đường từ lúc nào. Anh Dũng nằm chơ vơ trên đống đá dăm trong tình trạng
bị đánh đau. Vết thương ở đỉnh đầu còn đỏ máu.
Trước
cảnh đau thương của anh Dũng và thái độ vô trách nhiệm, vô nhân đạo của
công an, sự bức xúc của người biểu tình vừa lắng xuống nay bùng phát
trở lại. Người biểu tình yêu cầu công an phải đưa anh Dũng đi bệnh viện
và có người của công an đi cùng. Chỉ thế thôi, nhưng hàng trăm công an
có mặt ở đây đã làm lơ. Người biểu tình buộc lại tiếp tục nằm ra đường
gây áp lực.
Hiện tượng công an bắt giam người
trái phép, đánh bị thương trong đồn rồi lạnh lùng vứt ra đường, rồi vẫn
nhởn nhơ đi lại ở xung quanh, có thể nói không thể tìm thấy ở bất cứ chế
độ nào trên thế giới hiện nay. Trong khi ở chế độ này, thật mỉa mai, họ
được vinh danh là “công an nhân dân”, là “vì nước quên thân, vì dân
phục vụ”!
Tôi cố gắng tìm lấy một anh công an xã
đeo phù hiệu có nét mặt hiền lành, yêu cầu anh phải can thiệp. Anh ta
lắc đầu cuồi cuội: “Cháu không biết. Cháu không có trách nhiệm gì trong
việc này”. Tôi bảo: “Này anh, đã là người mặc sắc phục công an, thì
trong bất cứ sự cố nào mình gặp phải, dù là gặp ngẫu nhiên trên đường,
đều phải có trách nhiệm. Trường hợp này chí ít anh phải gọi xe cấp cứu
và báo cho cấp trên của anh biết để xử lý”. Anh công an đổi giọng khiêm
tốn: “Vâng, vâng, cháu sẽ gọi xe cấp cứu. Các bác chờ một tí”. Đây có lẽ
là một anh công an tử tế nhất, dù chức phận của anh có lẽ là bé nhất ở
đây.
Rồi một xe cấp cứu đến (chẳng rõ anh công
an nói trên gọi hay do người biểu tình gọi). Cô cán bộ y tế xuống xem
qua rồi bảo khiêng anh Dũng lên xe. Chúng tôi đề nghị các cô ráng chờ ít
phút để có một công an đi cùng, vì nạn nhân là người bị công an đánh
trong trại rồi vứt ra đây.
Các nhân viên y tế đứng chờ.
Các
công an áo xanh và các an ninh chìm (vừa đánh Đức và Phương) ra về dần.
Cuối cùng chủ yếu còn lại là công an xã (đứng coi người biểu tình) và
công an giao thông (đứng phân luồng).
Các nhân viên y tế chờ lâu quá, họ cũng bỏ đi luôn.
Trời
nổi dông gió, cơn mưa đang kéo đến. Lác đác đã có hạt mưa. Chúng tôi
hoàn toàn thất vọng sẽ có công an đến làm nhiệm vụ, cho nên thảo nhanh
một cái biên bản ghi lại sự việc rồi phân công người đưa anh Dũng đi
bệnh viện. Lúc ấy đã gần 8 giờ tối.
Từ lâu tôi
đã ý thức được mình đang sống trong một xã hội hết sức tồi tệ. Tôi cố
gắng để vừa chấp nhận nó, vừa làm những gì có thể để góp phần thay đổi
nó. Nhưng những gì xảy ra hàng ngày, nhất là những gì tận mắt chứng
kiến, vẫn luôn làm tôi sốc. Như việc này, tôi bị sốc nặng. Tôi thông cảm
một phần những người cán bộ an ninh do “quần nhau” suốt một ngày với
người biểu tình yêu nước, luôn bị người biểu tình dồn vào những lẽ phải
không thể chối cãi được, cho nên đầu óc căng thẳng, đầy mặc cảm “bán
nước”. Tuy nhiên tôi không thể nghĩ những thanh niên tuấn tú, được đào
tạo bài bản bằng tiền của nhân dân đóng góp kia, lại ác đến thế, mất
nhân tính đến thế. Phải chăng họ vì tiền lương cao, bổng lộc nhiều mà
sẵn sàng chà đạp lên lòng yêu nước của nhân dân, chà đạp lên mọi giá trị
thông thường? Hay là họ đã bị nhồi sọ, rằng họ chỉ có nhiệm vụ bảo vệ
chế độ này, coi đó là lý thưởng thiêng liêng và sẵn sàng “tử vì đạo”,
cho nên coi những người dân yêu nước muốn bảo vệ Tổ quốc trước hoạ xâm
lăng của Trung Cộng, là kẻ thù không đội trời chung?
Đ.T.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
NỮ VĂN SĨ THÙY LINH KỂ CHUYỆN ĐI BIỂU TÌNH BỊ BẮT VỀ TRẠI LỘC HÀ
Thứ hai, tháng sáu 03, 2013
Thùy Linh
1. Kể từ lần cuối cùng vào tháng 8 năm 2012
thì ngày 2/6 vừa qua mới lại có cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Mình
vẫn biết lần này sẽ không đông người tham gia, vẫn biết sẽ căng thẳng, vẫn biết
nhiều nỗi lo âu, phập phồng, không thể không có chút sợ hãi…Vẫn biết nhiều chờ
đợi phía trước nhưng vẫn đi. Như một thói quen khó bỏ. Một mối dây thâm tình
với bạn bè, người quen quen mới kịp nhớ mặt sau nhiều lần sát cánh mà chưa kịp chuyện
trò…
Buổi sáng dậy sớm, đạp xe lên Bờ Hồ. Coi như đi dạo sớm, xem phố phường ngái ngủ lúc bình minh. Nhiều trạm gác của công an, dân phòng đã lập dày đặc trên phố. Mỗi lần có lời kêu gọi biểu tình trên mạng đều như vậy, không còn ngạc nhiên nữa.
.
Đến café Thủy Tạ gặp người quen, vào làm ly café cho tỉnh táo, chờ đợi diễn biến sắp xảy ra. Đi nhiều lần rồi mà lần nào cũng hồi hộp. Có cậu em nghe mình nói vậy không tin. Tưởng mình bản lĩnh lắm…
Chưa uống hết ly café và chưa kể tròn câu chuyện thì thấy mấy bà già đeo khẩu hiệu quanh người vừa đi vừa kêu khóc, gọi đảng ơi đảng hời…Dân oan đây. Mình lao ra đường. Có bà vừa đi vừa kể lể chuyện gia cảnh con trai bị tù oan sai gì đó…Có bà thì kêu la bị cướp đất cướp nhà, giờ không còn nơi tá túc. Bà nọ thì chỉ biết chửi, rồi lại khóc…Mình lẽo đẽo chạy theo.
Có rất nhiều tay quay camera là an ninh đi theo quay dân oan và những người chạy theo ủng hộ hay tiếp xúc với họ. Máy quay đen, trắng, nhỏ gọn cầm tay rất đặc trưng của ngành công an sắm sửa cho nhân viên công vụ. Cái mặt mình không biết bao lần lọt vào những ống kính này…Vài bà già cùng cực nghèo, cùng cực khổ, mà có đến cả hàng chục tay máy đi theo, chưa kể chìm nổi vây quanh.
Lần nào cũng thấy một em phóng viên nước ngoài có mặt từ rất sớm mỗi khi có sự kiện nào đó xuất hiện. Em gái đi bên cạnh một bà già để hỏi chuyện. Em khá giỏi tiếng Việt. Mình thành kẻ bám đuôi em này…
Tranh thủ kể chuyện cho phóng viên nước ngoài nghe nỗi oan khuất
Đoàn AN mặc thường phục hoàn thành nhiệm vụ sau vụ bắt các bà già lên xe
Từ Thủy Tạ đến đền thờ Lê Thái Tổ, chỉ một
đoạn đường vài cục mét thì có một xe bus chạy đến. Rất nhanh, những thanh niên
đeo băng đỏ ùa xuống, cứ hai người xốc nách một bà già ấn vội lên xe bus. Những
tiếng kêu khóc khàn khàn của đám người già yếu bất lực tan biến rất nhanh vào
những ồn ào, náo nhiệt của phố phường. Người qua đường mấy ai kịp hiểu chuyện
gì? Mấy ai hiểu và kịp mở lòng trắc ẩn để nhìn theo xe bus mất dạng ở cuối phố Lê
Thái Tổ? Phố phường chủ nhật tấp nập vui vẻ như thường lệ…
.
.
Em gái đứng khóc nhìn các bà già dân oan bị bắt lên xe trong tiếng gào thét...
Một cô gái gầy gò đi theo mấy bà già dân oan
từ bao giờ nhìn cảnh các bà bị bắt lên xe bật khóc nức nở…Em khóc mà không cần
lau nước mắt, để ràn rụa trên gương mặt mộc không son phấn. Xe bus kia bỏ đi
rồi, em vẫn đứng đó khóc nức nở, bờ vai gầy rung bần bật. Mình thấy thương quá
ra vỗ nhẹ vai em: thôi, nín đi em. Khóc cũng không giải quyết được gì đâu.
Nhưng chính mình quay đi để giấu đôi mắt đang đỏ kè…
2. Mình quay lại Thủy Tạ định uống nốt ly café bỏ dở. Nói nốt câu chuyện dở dang. Nhìn qua bên kia hồ thấy một đám đông đang đi. Chắc đoàn biểu tình kia rồi.
Quả nhiên, ngay bên hông Thủy Tạ, đoàn người chưa kịp tập hợp lực lượng vừa đi vừa căng biểu ngữ và hô khẩu hiệu. Chỉ cần thế thôi là quên hết những lo âu, phấp phỏng, sợ hãi…Lao đến bên bạn bè, người quen. Trao nhanh cái nhìn, nụ cười nhẹ…Nhập cuộc ngay và luôn. Các tay máy an ninh vẫn áp đảo các tay máy phóng viên chuyên nghiệp và tay ngang. Mạnh ai người nấy quay và chụp. Biết nhau quá rồi, ít còn bị phân tâm như hồi đầu.
Đi thêm được vài chục mét, đến ngang cửa Thủy Tạ thì lại mấy xe bus xuất hiện. Rất nhiều an ninh mặc thường phục, có người đeo băng đỏ ào xuống như cơn lốc. Rất nhanh họ chia cắt đoàn biểu tình không đông người. Lực lượng chênh lệch quá lớn nên việc bắt những người biểu tình dễ như bắt cóc nhái, hihi…Cứ vài an ninh quây một biểu tình viên, dồn đẩy lên xe bus.
Mình cố lách ra khỏi đoàn để chụp ảnh cảnh bắt bớ này. Đang chụp thì thấy trước ống kính một tấm lưng mũm mĩm chắn ngang. Mới đầu tưởng vô tình vì tình huống lúc đó rất nhốn nháo. Nhưng cứ chạy ra chỗ khác thì cái “phán cảnh” kia lại chạy theo. Hiểu rồi. Em là an ninh gái.
Mình bảo em, đừng làm thế. Nhưng em vẫn chắn ống kính. Mình đành thể hiện “lập trường kiên định” rằng, đừng làm thế, vô ích…Nói là làm, mình chạy vượt qua mặt em, lao về phía giai đẹp Lã Việt Dũng đang bị kéo về phía xe bus. Vậy là em gái chỉ cho đám an ninh đeo băng đỏ gần đó, nói: trường hợp này, trường hợp này…Bốn chàng lao đến quây quanh mình. Chưa bao giờ mình được đàn ông vây quanh nhiều như vậy, hihi…
.
Em AN (mặc áo hoa trắng đứng cạnh cảnh sát lấp ló đằng sau)
là người che ống hính của mình, hihi...
Lã Dũng bị bắt lên xe
Lên bus đã thấy mấy gương mặt “nhàu nhĩ” vì
biểu tình. Mình chọn ghế ngồi nhìn xem còn ai được đưa lên xe tiếp theo? Em an
ninh chắc hài lòng vì hoàn thành nhiệm vụ. Mấy lần trước, cũng đi chụp ảnh như
vậy, nhưng an ninh giai chỉ lấy tay che ống kính của mình và nạt nộ, chị không
đi thì tôi thu máy…Tất nhiên lỉnh ra chỗ khác chụp tiếp. Bài học rút ra: lần
sau đối đầu với an ninh gái thì phải lường tình huống phản xạ với tập tính thù
vặt của đàn bà luôn được phát huy hết công xuất, hehe…
Được chừng 20 người bị tống lên thì xe bus được lệnh chạy đi. Đoàn biểu tình bị dẹp đi nhanh chóng.
2. Tất nhiên lại trực chỉ Lộc Hà. Trên xe mấy biểu tình viên có “bộ hơi” tốt như Bùi Hằng, Trương Dũng, Lã Dũng, Thiện Nhân…lại hô khẩu hiệu. Có người thì “an ninh vận”với mấy chú em an ninh trẻ măng đi kèm.
Mình bình thản quan sát những gì đang diễn ra. Quan sát cả tâm mình, cảm xúc của mình…Lòng mình bình an như đang trong một khóa thiền tập…Nhưng không khỏi rưng rưng…
Anh Trương Văn Dũng giơ chứng minh thư cho mình xem và bảo, hôm nay sinh nhật tôi đấy…Chúc mừng anh. Nếu biết trước thế này sẽ mua ít hoa quả lên Lộc hà liên hoan…
.
Trên xe về Lộc Hà
Những tờ khẩu hiệu đi biểu tình bị xé nát dưới chân an ninh...
3. Xe vào cổng Lộc Hà. Đây là Lộc hà mà lần
đầu tiên mình nghe nhắc đến qua chuyện kể của một cậu bé lạc mẹ. Mẹ cậu làm lẽ
một người đàn ông có vợ nhiều con. Một lần ba mẹ con bị đuổi ra khỏi nhà chồng
hờ, đi bộ từ Nghệ an ra Hà nội. Một chuyến đi vô vọng về miền đói nghèo, không
lối thoát…Gần đến cửa ngõ Hà nội, ba mẹ con ngồi nghỉ dọc đường. Cậu bé mệt mỏi
dựa gốc cây thiếp đi. Lúc tỉnh dậy, không thấy mẹ và em đâu nữa. Cậu bé chừng 8
tuổi đã biết vào đồn công an khai báo. Người ta đưa cậu vào Lộc hà ở cùng với
các cô gái điếm. Ít lâu sau thì cậu bé được đưa vào trung tâm bảo trở xã hội.
Chắc có duyên phận nào đó mà cậu bé này đến giờ vẫn gắn bó với mình như người
thân. Giờ mới có dịp đến đây trong một hoàn cảnh đặc biệt…
4. Xe bus đỗ trước cửa nhà lưu trú rộng, đủ chứa hàng trăm người.
Trước khi anh Trương Văn Dũng xuống xe, mọi
người hát Happy Brithday để chúc mừng. Tranh thủ chụp ảnh nữa.
Tất cả bị lùa vào phòng lưu trú có sẵn ghế nhựa.
Một cuộc tập huấn cấp tốc…Nhiều người trong số 21 biểu tình viên bị bắt đã từng lên đây nhiều lần nên không bỡ ngỡ. Họ nói qua cho những người mới lên đây lần đầu biết những việc sẽ xảy ra, cách ứng xử ra sao, cái gì nên và không nên…Mình cố tìm một gương mặt nào đó tỏ ra sợ hãi hay lo lắng? Tuyệt nhiên không…
Tự do là niềm khao khát. Nhưng con người trước khi cán đích phải được tập làm quen với cái giá của nó: giam cầm và đàn áp. Cái giá này đến nay vẫn đang trong cuộc mặc cả, áp đặt, giành giật, tù đày…chưa đến hồi kết. Không biết những người bị bắt lên Lộc hà đã được tập dượt từ bao giờ mà họ quen vậy nhỉ?
Tưởng chỉ có vậy, nhưng gần 10 giờ thì bổ sung thêm mấy biểu tình viên cần “phục hồi nhân phẩm” nhập hội. Hóa ra sau khi đám biểu tình đầu tiên bị bắt, những người còn lại đi tiếp và cuối cùng cũng bị hốt lên đưa về Lộc hà. Chào hỏi nhau vui vẻ lắm…
.
Biểu tình trong nhà lưu trú
Chia sẻ về biển đảo và hát bài "Việt Nam tôi đâu?" cho các bạn công an nghe
Tán gẫu một lúc thì một thiếu tá đi vào chỉ
mặt một biểu tình viên, nói anh này phải lên phòng thẩm vấn. Tất cả mọi người
phản ứng, quây lấy người thanh niên đó, đấu tranh không cho thiếu tá dẫn đi. Lý
lẽ: những người bị bắt vào đây vì tội gì? Nếu thiếu tá nói rõ ràng tội trạng bị
bắt do biểu tình chống Trung Quốc thì mọi người sẽ đồng ý hợp tác. Đương nhiên
thiếu tá này không thừa nhận. Cuộc đấu lý khá dài, nhưng cái lý thuộc về các
biểu tình viên.
Vài lần thiếu ta đi vào phòng lưu trú với đề nghị duy nhất…Không hiểu sao cứ nhất định là anh thanh niên kia phải đi “lấy cung”? Mình hỏi anh thanh niên này thì biết anh ta lần đầu bị bắt lên Lộc hà, như mình.
Buổi trưa trôi qua bình yên với những hộp cơm xuất khá ngon lành. Tưởng các biểu tình viên chê cơm “chính phủ”, ai ngờ vèo phát, hết mấy chục hộp, hehe…
5. Giữa chiều, thiếu tá nọ lại vào phòng nói chuyện, có vẻ chịu lắng nghe. Tưởng thế là xong. Nhưng bất ngờ bốn người bị khiêng đi thẩm vấn. Cứ 4, 5 thanh niên khiêng một người…Bác Tường Thụy bị năm người khiêng như cái bao tải. Nhìn thấy tức và cười…
Gần cuối chiều, có mấy xe từ Hà nội lên. Mọi người biết chắc sẽ đến hồi kết thúc và chuẩn bị tinh thần.
Quả nhiên. Lúc sau, chừng hơn 100 thanh niên, cả cảnh sát lẫn an ninh thường phục đi vào. Họ đứng thành vòng cung dày đặc khép chặt hơn 20 người đang bị dồn sát vào chân tường. Tự nhiên mình nhớ trailer “Bụi đời chợ lớn” vừa mới đây ồn ào trên báo chí…Thật. Rất giống hai băng đảng vào cuộc tỉ thí, hihi…
Thiếu tá đứng trước ba quân, dõng dạc hô: bắt đầu. Đám công an, an ninh xô vào đám biểu tình. Vài người áp tải một người. Mình được mấy cháu trẻ măng quây quanh. Mình bình tĩnh nói: không cần cưỡng chế, để tự tôi đi. Hai cháu vẫn chưa yên tâm, vòng tay giữ sau lưng mình. Mình đứng lại nói, cứ bỏ tay ra, để tôi tự đi. Ở trong này còn chạy đi đâu được mà sợ? Thế là mình bình tĩnh đi theo họ lên phòng có dán tờ giấy đánh số 3.
6. Phòng thẩm vấn số 3…Phòng rất nóng nực, ngột ngạt vì không có quạt, cửa lại đóng kín vì sợ đối tượng chạy mất. Khổ thế chứ. Nhưng mình không thấy nóng, cũng không đổ mồ hôi. Giữ tâm bình lặng để chống lại cái nóng của nhiệt độ bên ngoài lẫn hơi nóng phả ra từ thái độ căng thẳng của những công an, an ninh đi đi lại lại rất căng thẳng, nhốn nháo đầy sân.
Ngồi khá lâu mà không thấy ai đến làm việc với mình. Tranh thủ quan sát. Ngoài sân xe ô tô đỗ gần chật, toàn biển số trắng, xe cá nhân. Cán bộ công quyền đời sống rất khá. Thảo nào…
Phòng số 3 - chờ lập biên bản tội "gây rối", hihi...
Phải đến nửa tiếng sau mới có một thượng úy đi
vào nói là sẽ làm việc với mình. Đồng ý. Nhưng trước hết cho biết đây là buổi
hỏi cung, lấy lời khai nhân chứng hay đại loại là cái gì? Thượng úy cười ngượng
ngùng nói, em với chị nói chuyện. Đồng ý.
Thượng úy kiểm tra trước, bảo đảm mình không ghi âm. Mình hứa không làm chuyện đó. Thượng úy đề nghị để điện thoại lên bàn. Thì để vì điện thoại bị phá sóng, có làm gì được đâu. Màn kiểm tra giấy tờ khá nhanh. Tất nhiên mình chấp hành. Ra khỏi nhà để làm một việc tử tế thì việc mang theo giấy tờ là đương nhiên, không cần giấu diếm.
Thượng úy nói qua việc tại sao mình phải vào đây: mình vi phạm pháp luật vì gây rối trật tự công cộng…Thượng úy cũng thừa nhận là Trung Quốc đang vi phạm chủ quyền Việt nam, nhưng việc đó đã có đảng, nhà nước lo (quen quá rồi)…Đợi thượng úy nói xong, mình bình tĩnh trình bày ý kiến của mình. Tất nhiên nói những điều ngược lại với thượng úy và tuyên bố sẽ không kí bất cứ văn bản nào với giọng “dịu dàng quá dịu dàng không chịu nổi” như chị tâm tình với cu em. Thượng úy cũng đồng ý, nói chị có quyền không kí vào biên bản. Hai bên rất hòa nhã tuy bất đồng…(chợt nghĩ, đa nguyên đây chứ đâu, hihi).
Sau đó mở rộng hơn chút về đề tài. Thượng úy nói thế này, mình nói thế kia…Qua lại vài phút thì thượng úy “dỗi”, bảo, em không nói chuyện với chị nữa…Thượng úy chuyển qua bàn khác ngồi, để mình ngồi chơ lơ một mình.
Khổ thân mình, đợi mãi mới có dịp tâm sự, giãi bày với “phía bên kia” thì “chàng” lại dằn dỗi thế này…Phòng chỉ có hai người. Huhu…
Thượng úy ngồi một mình không nói gì chắc buồn nên cứ đi ra đi vào, la nóng không chịu nổi. Mình vẫn ngồi bình an, không một giọt mồ hôi, hihi…Mấy lần mình nói vọng mấy câu với “chàng” thì bị gằn hắt, bảo, chị nói ngang lắm, em không nói chuyện với chị…Lại đành ngồi im nhìn ra sân an ninh viên đang tụ bạ chuyện trò.
Mình không thấy giận thượng úy chút nào, dù thượng úy “xúi” mình học cách vô cảm, dửng dưng với thời cuộc. Thượng úy bảo, chị là nhà báo mà còn tham gia biểu tình là sao? Em ơi, chính vì chị là người cầm bút nên chị phải biết những gì đang xảy ra trên đất nước mình chứ? Chị phải biết người dân đang nghĩ gì, làm gì chứ? Chị phải biết vận mệnh đất nước mình đi về đâu chứ?...Vậy mà thượng úy bảo mình nói ngang, nên không nói chuyện nữa, hehe…
Xém chút nữa giở màn sến sẩm đọc thơ cho thượng úy nghe, chỉ hai câu của nhà thơ Chế Lan Viên trong bài “Người đi tìm hình của nước”: “Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê/ Lòng ta chợt thành rêu phong chuyện cũ”.
Nghe thượng úy nói, mình hiểu, giờ mấy ai còn phấp phỏng “đi tìm hình của nước”? Nơi nào cột mốc xưa mất dấu, trôi về bên nước “lạ”? Ải nam quan đã không còn ở lại, mà giờ mỗi lần đọc câu thơ của người xưa bỗng thấy hổ thẹn. Chắc thượng úy không biết chuyện này đâu nhỉ? Thác Bản Giốc chỉ còn một nửa, như một nửa sự thật bị thiếu sáng, thượng úy có biết không nhỉ? Đảo xa biển khơi giờ thành chiến trường?
Ai có lỗi với thượng úy và đồng đội của anh ta???
Thượng úy nói, từ giờ trong hồ sơ lưu trữ về nhân thân mình đã có một tiền sự về tội “gây rối trật tự công cộng”.
Ừ, chị hiểu, em trai ạ. Dù biên bản ghi nhận vụ việc này theo quan điểm của chính quyền, không có chữ kí của chị thì nó vẫn được thừa nhận trên danh nghĩa. Danh nghĩa này không có bất cứ lý lẽ nào. Pháp luật cái nước mình nó thế. Lương tâm chị thì bảo: chị đã có một tiền sự về tội yêu nước…
Lát sau thì thượng úy nói, chị đi ra…Mình hỏi, đi đâu, không được ở lại đây nữa à? Thượng úy bảo đi ra cổng. Hiểu rồi. Games over.
Thượng úy lịch sự “tiễn” mình ra tận đến cổng. Mình chào tạm biệt, vẫn bằng cái giọng “dịu dàng quá dịu dàng không chịu nổi”, hihi…Hy vọng, nếu chẳng may phải lên Lộc hà lần nữa thì sẽ gặp lại thượng úy trẻ này để chia sẻ, đối thoại thẳng thắn hơn. Hy vọng “chàng” đừng có dỗi dằn mình nữa, hihi…
7. Mình ra khỏi cổng trong tâm trạng như vừa được trả tự do sau khi ở tù…Ít ra đó là sự trải nghiệm chưa bao giờ có trong đời.
Người thân, bạn bè đông nghịt đứng chờ ở đó.
Mỗi khi có người được thả ra, họ reo hò,
vỗ tay và hò hét.
Nhiều lần, khi có người bị bắt là những người còn lại lên đây biểu tình đòi trả người và đón đồng đội trở về.
Lần lượt 22 người được thả ra. Nhưng nghiêm trọng nhất là anh Trương Văn Dũng bị đánh chảy máu đầu rồi khiêng ra vứt cổng trại. Ngày sinh nhật năm nay của anh chắc sẽ nhớ đến hết đời…
Ai ngờ sau đó còn xảy ra vụ việc nghiêm trọng hơn, là Trí Đức và Phương bị đánh te tua…Để ngăn xe chở Phương đi nơi nào không rõ, mọi người đã nằm lăn trên đất biểu tình nằm để quyết tâm giữ người. Và đã thành công…
8. Ở Lộc hà lần này, mình gắn bó nhất với một biểu tình viên dự khuyết là cu Phú mới hơn 5 tháng tuổi. Cu theo mẹ Nga đi biểu tình. Hỏi Nga, con nhỏ thế sao cứ tha lôi đi thế này? Nga bảo đi thế này còn hơn ở nhà (Hà Nam), vì an ninh luôn vây nhà, gây sự…Khổ lắm. Ba mẹ con, ba lô trên vai đi khắp nơi.
.
Vừa mới đến nhà lưu trú, khát khô họng...
Em vui...
Cu Phú vô cùng dễ thương, đẹp trai. Cả ngày ở
nhà lưu trú nóng bức tuyệt không một tiếng khóc, vòi vĩnh. Bú mẹ no lại ngủ,
tỉnh dậy lại cười má lúm đồng tiền. Ai bồng bế cũng OK…Có lúc mọi người hô khẩu
hiệu, hoặc tranh luận nảy lửa với viên thiếu tá để kiên quyết giữ người, mình
ôm chặt Phú chỉ sợ cu giật mình. Vậy mà cứ ngủ ngon lành…Bình yên giấc trẻ thơ
trong cái nóng, cái bức bối, cái căng thẳng như dây đàn của thế giới người lớn.
Buổi chiều, sau cơn mưa đái rắt, trời càng oi nồng, mẹ Nga đem cu ra bể nước tắm qua nước lạnh. Mát mẻ quá cu thích, lại cười đùa toe toe…May mà trời Phật thương hay sao mà cu không bị cảm ốm. Nga dặn, quần áo, bột dinh dưỡng ăn liền, bỉm em để trong ba lo, nếu chẳng may em bị lôi đi đâu thì chị chăm con giúp. Mình an ủi, không có chuyện gì đâu, nhưng lòng thắt lại, nhìn hai mẹ con, cổ chợt có gì chẹn ngang…
.
Bữa ăn dặm chiều
Mình ngồi ôm và chơi với cu Phú để Nga đi chiến đấu với đồng đội. Thôi thì để em được tự do bay nhảy dù chỉ chốc lát với những gì em đã lựa chọn…
Một lần vẫn còn mướt mải mồ hôi sau khi tranh đấu với những an ninh đông đúc xông vào định lôi người đi, Nga chợt nhớ giờ cho con bú, em vội quay về tìm con…
Mình đứng bên, nhìn Nga tự nhiên vạch áo ngực cho con bú, trước mặt tất cả những người đàn ông giờ như là người thân của em. Nga không khác gì người đàn bà nông thôn lam lũ, chất phác, đôn hậu, nhưng đảm đang, kiên định…Em cúi xuống cu Phú, vừa vuốt ve con, vừa nựng nịu: mẹ yêu con, mẹ đang đi đòi quyền làm người để sau này lớn lên con sẽ được hưởng…
Mình quay mặt đi nuốt những giọt nước mắt không muốn rơi ra lúc này…
Nguồn: Blog Nhà văn Thùy Linh
No comments:
Post a Comment