Sau khi đài truyền thanh phường thông
báo về việc thu hồi đất, các cán bộ trong phường phát cho mỗi hộ dân tập
tài liệu do Trung tâm quỹ đất thị xã Từ Sơn tổng hợp, trong đó có ghi
mức bồi thường và một số văn bản liên quan đến việc xây dựng nhà máy.
Tuy nhiên, theo Khoản 2, Điều 30, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP của Chính
phủ thì sau khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần phải
lấy ý kiến người dân, niêm yết công khai tại UBND phường ít nhất 20 ngày
thì BQLDA lại không thực hiện đầy đủ. Những người có trách nhiệm chỉ
lấy ý kiến duy nhất của ông Đỗ Văn Nguyện để đại diện cho các hộ có đất
bị thu hồi và ghi vào biên bản “Trong quá trình công khai phương án bồi
thường các hộ không thắc mắc, khiếu nại gì, những khiếu nại sau thời
gian trên sẽ không được giải quyết”(?). Các hộ dân cho biết, theo quy
định, quyết định thu hồi đất và phương án đền bù phải được phát đến từng
hộ thì phường cũng không thực hiện, nhiều quy định khác cũng vi phạm
nhự Khoản 3, Điều 98 và Điều 124 Luật tổ chức HĐND và UBND. Do việc
triển khai dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhân dân phường Châu Khê
gửi đơn khiếu nại đến UBND phường và thị xã Từ Sơn. UBND thị xã giao
cho thanh tra thị xã kiểm tra, làm rõ, kiến nghị UBND xử lí. Ngày
18/9/2012, Thanh tra thị xã Từ Sơn ra Kết luận số 30/BC-TTr giải quyết
đơn (Phó Chánh thanh tra Ngô Đình Chanh kí) không chấp thuận nội dung
đơn cùa một số công dân phường Châu Khê và đề nghị các hộ dân chưa nhận
tiền đền bù phải chấp hành quyết định của cấp có thẩm quyền, bàn giao
mặt bằng cho chủ đầu tư để dự án thực hiện đúng tiến độ. Đại diện các hộ
dân, các ông Đỗ Văn Hào, Dương Văn Quát và bà Đỗ Thị Thêm cho biết các
hộ dân không đồng tình với kết luận thanh tra vì thanh tra…”ngang quá”.
Ông Hào lật bản kết luận thanh tra dài 8 trang chỉ những chỗ thanh
tra…”nói ngang”, ví dụ, kết luận viết: Phương án bồi thường, hỗ trợ đã
được Hội đồng GPMB tổ chức niêm yết công khai 20 ngày tại UBND phường và
khu phố Trịnh Nguyễn để người bị thu hồi đất và những người liên quan
tham gia ý kiến theo quy định. Việc niêm yết đã lập thành biên bản, có
xác nhận của đại diện UBND, UB MTTQ phường Châu Khê và đại diện hộ dân
có đất bị thu hồi. Ông Hào nói: Rõ ràng phường không niêm yết 20 ngày
nhưng thanh tra cứ kết luận là đã niêm yết đủ 20 ngày, rồi đại diện dân
đã xác nhận, trong khi dân không cử ông Đỗ Văn Nguyện là đại diện. Đại
diện dân là chúng tôi đây, có biên bản bầu hẳn hoi, ông Nguyện lấy đâu
ra biên bản dân bầu?
Chúng tôi hỏi về nội dung khiếu nại,
ông Hào nói: Dân ủng hộ việc xây dựng nhà máy xử lí nước thải nhưng yêu
cầu lùi xuống Đồng Khô, cách vị trí dự định ở Lỗ Vó khoảng 400m. Đồng
thời ông nói có 5 lí do không nên xây dựng ở Lỗ Vó: Gần khu đông dân cư,
vị trí xây nhà máy ở đầu cánh đồng tưới tiêu của gần 100 mẫu ruộng, nhà
máy đặt đúng đầu hướng gió thổi về dân Trịnh Nguyễn, nhà máy gần trạm
bơm tưới tiêu cho 5 huyện có nhiều chất ô nhiễm môi trường, cuối cùng
cánh đồng Lỗ Vó là “bờ xôi ruộng mật” đã giao cho 42 hộ gia đình thương
binh, liệt sĩ, gia đình chính sách. Như vậy, nếu xây dựng nhà máy xử lí
nước thải ở Lỗ Vó thì gần 100 mẫu ruộng mất nguồn nước, tức là mất nguồn
sinh sống bằng nghề nông của nhiều hộ gia đình, trước mắt là 42 hộ gia
đình chính sách. Do tầm quan trọng của vị trí đặt nhà máy, tất cả các
cuộc họp chi bộ đều có nghị quyết đề nghị cấp trên di chuyển địa điểm
xây dựng nhà máy về khu Đồng Khô. Nhưng ông Bí thư Đảng uỷ phường Nguyễn
Tuấn Khang không đồng ý, ông chỉ đạo họp chi bộ để thi hành kỉ luật
đảng viên không nhận tiền đền bù bằng hình thức khai trừ Đảng. Bà Ngô
Thị Đức, vợ liệt sĩ, 47 năm tuổi đảng kể: Ngày 20/4/2012, chi bộ khu phố
Trịnh Nguyễn họp xét kỉ luật, chủ toạ là Bí thư chi bộ Dương Quang Sắc.
Cuộc họp bỏ phiếu kín, tổng số 27 phiếu (đều hợp lệ), 26 phiếu đề nghị
không kỉ luật, 1 phiếu đề nghị khai trừ Đảng. Biên bản gửi lên phường và
Đảng bộ phường quyết định khai trừ Đảng kể từ ngày 8/5/2012(?). Ngoài
bà Ngô Thị Đức, có ông Đặng Văn Nhu cũng bị khai trừ Đảng vì không nhận
tiền đền bù.
Do cách làm mất dân chủ của chính
quyền phường Châu Khê và thị xã Từ Sơn, nhân dân không đồng tình ủng hộ
dự án. Chính quyền phường và thị xã tập trung lực lượng chuẩn bị cưỡng
chế. Ngày 12/6-/013 lực lượng cưỡng chế đổ về Lỗ Vó. Ngay lập tức, nhân
dân báo động cho nhau và kéo về khu Lỗ Vó để “chống cưỡng chế”, bảo vệ
42 gia đình chính sách, có lúc đông đến hơn một nghìn người. Chúng tôi
đến Lỗ Vó khi cuộc “cưỡng chế và chống cưỡng chế” kéo dài đã 4 ngày. Bà
con kể vào ngày 16/6/2013 thị xã huy động toàn bộ lực lượng dân phòng đi
cưỡng chế nhưng đại đa số dân phòng không đồng tình với quyết định trên
nên đã bỏ không tham gia.
Việc cưỡng chế dẫn đến dân tập trung
đông người phản đối ở phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn là rất đáng tiếc và
hoàn toàn không cần thiết. Để giải quyết vụ khiếu nại đông người này,
UBND thị xã Từ Sơn chỉ cần lắng nghe, đối thoại dân chủ với dân là chắc
chắn sẽ có cách giải quyết hợp lí, hợp tình tạo đồng thuận cao trong
nhân dân, bảo đảm thành công của dự án. Đấy cũng là lời đề nghị của
chúng tôi gửi đến UBND thị xã Từ Sơn và phường Châu Khê.
Trần Lê Dân
No comments:
Post a Comment