TTO - Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thừa nhận như vậy tại hội nghị nêu lên ý kiến của nhân dân với Đảng, Nhà nước về các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức sáng 31-7.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Việt Dũng
Hội nghị có sự góp mặt của nhiều chuyên gia, nhà giáo dục có uy tín.
Mục đích của hội nghị là thu thập các ý kiến tâm huyết,
có giá trị để gửi đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng sắp tới
(bàn về chuyên đề đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục VN).
Học hết phổ thông để làm gì?
Đó là câu hỏi của GS Văn Như Cương - hiệu trưởng Trường
THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - dành cho nhiều học sinh. “Câu trả lời của
tất cả các em là để thi vào một trường đại học nào đó. Vì sao vậy, vì
chương trình THPT hiện chỉ có một, và chỉ có một mục đích là vào đại học
mà thôi. Theo tôi, đây là lệch lạc lớn nhất của mục tiêu đào tạo trong
phổ thông” - GS Cương nói.
Ông cho rằng chương trình hiện tại có hai phương hướng
lệch lạc. Một là quá chú trọng phần kiến thức văn hóa nói chung. Bắt trẻ
con học những thứ mà sau khi tốt nghiệp không bao giờ chúng gặp phải
trong cuộc sống hay nghề nghiệp. “Tôi cho rằng những kiến thức toán học
như số phức, tích phân, các phương trình lượng giác, các bài toán hình
học không gian rối rắm… hoàn toàn không phải là kiến thức phổ thông.
Không biết những kiến thức đó sẽ làm chết ai khi mà người ta làm nghề
báo chí, viết văn, kinh tế, ngân hàng, y tế, luật sư, lãnh đạo… Hai là
các môn học làm người không được chú trọng. Những quy tắc đơn giản trong
giao tiếp, ứng xử với cộng đồng, thái độ đối với môi trường, thiên
nhiên, những điều ác cần tránh, điều thiện nên làm… đều không được dạy
dỗ một cách hệ thống” - GS Cương quả quyết.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà - phó chủ tịch Hội Liên hiệp
phụ nữ VN, vấn đề là phải thay đổi tư duy toàn xã hội, để có một nền
giáo dục hướng đến giá trị “học để tự tin, học để có kiến thức, học để
sống chứ không phải học để có bằng cấp như hiện nay”.
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu cho rằng muốn có nền giáo
dục phát triển lành mạnh, đúng hướng thì phải có một môi trường xã hội
lành mạnh. Những tiêu cực xã hội như tình trạng mua quan bán chức ảnh
hưởng rất lớn đến mục tiêu học hành của học sinh.
"Tôi thấy đang thiếu những giải pháp để làm cho tâm
người thầy sáng hơn. Cần đặt yêu cầu lớn nhất là nhà trường là môi
trường không có tham nhũng, môi trường giáo dục là môi trường ít tiêu
cực nhất. Cơ chế tuyển dụng phải làm như thế nào để cơ quan tuyển dụng
tuyển được những người làm việc mà trình độ tương xứng với bằng cấp. Học
không phải là để lấy tấm bằng làm đồ trang sức” - GS Châu bày tỏ.
Chỉ học những gì cần thiết
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị
Doan cho rằng bây giờ không phải là lúc chúng ta nói chung chung, nhấn
mạnh phải thế này thế khác, vì nghị quyết đã nói cả rồi, bây giờ là lúc
đổi mới tư duy bằng cách xác định mục tiêu từng cấp học, xem nó đang
khiếm khuyết cái gì để sửa ngay vào đó.
“Ví dụ, để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao thì cái
đầu tiên phải có nhân cách của con người VN, sau đó là trình độ chuyên
môn. Vậy nhân cách hình thành từ đâu? Bậc tiểu học là thời gian hình
thành nhân cách, từ đó chi phối toàn bộ quá trình phát triển sau này.
Nếu chúng ta xác định mục tiêu của các cấp học là số lượng, bằng cấp và
nặng về lý thuyết thì chúng ta cứ giữ đào tạo như hiện nay, việc gì phải
đổi mới” - bà Doan nói.
Phó chủ tịch nước xác định: "Chúng ta cần phải thay đổi
sản phẩm giáo dục. Hiện nay sinh viên ra trường không làm được việc,
phải đào tạo lại rất tốn kém. Tôi thống nhất với nhiều ý kiến là xuất
phát từ mục tiêu đào tạo của mỗi cấp học để có phương pháp, chương trình
cho hợp lý. Nếu giảng dạy mà cứ đọc chép, độc thoại, không có phòng thí
nghiệm, không có các cuộc đi thực tế… thì sẽ tạo ra sản phẩm như hiện
nay".
“Phải bắt đầu từ người thầy. Tôi thấy hiện nay ngay cả ở
trường đại học vẫn có những thầy không biết sử dụng vi tính. Trình độ
người thầy như thế thì không thể đổi mới được. Trong các trường dạy nghề
hiện nay, thử hỏi có bao nhiêu trường được trang bị hiện đại, phù hợp
với tình hình thực tế để nghề ra nghề, trường ra trường, lớp ra lớp.
Mình có cái gì thì mình dạy cho người học cái đó hay là nghiên cứu xem
người học cần gì để mình dạy cái đó để có đầu tư trang bị thiết bị, kỹ
thuật. Chúng ta có lỗi rất nhiều trong nội dung, chương trình đào tạo” -
Phó chủ tịch nước nói.
LÊ KIÊN
Phó Chủ tịch nước đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT
Thứ Tư, 31/07/2013 15:55
(NLĐO)- Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan ngày 31-7 đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT do tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trên toàn quốc năm nào cũng 95 - 96%; kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ tổ chức quá gần nhau gây căng thẳng, tốn kém.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại hội nghị ngày 31-7
Đề nghị này được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan
nêu lên tại hội nghị nêu ý kiến và kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà
nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam về Các giải pháp nâng cao chất lượng
giáo dục Việt Nam hiện nay được Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt
Nam tổ chức ngày 31-7 tại Hà Nội.
Lý do của đề nghị này, theo Phó Chủ tịch nước, là tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trên toàn quốc năm nào cũng 95 - 96%. “Chỉ duy nhất 1 năm khi thực hiện cuộc vận động “2 không” là thắt chặt, có trường đỗ tốt nghiệp 10 - 20%, thậm chí có lớp không có học sinh nào đỗ. Liệu có thắt chặt mãi được không? Nếu “thắt” thì phải thắt khâu quản lý, “thắt” quá trình dạy và học để bỏ kỳ thi này” - Phó Chủ tịch nước.
Một lý do nữa cũng được Phó Chủ tịch nước nêu ra, đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ được tổ chức quá gần nhau gây căng thẳng cho thí sinh cũng như tốn kém tiền của xã hội. “Hai kỳ thi quá gần nhau vừa khổ cho gia đình vừa khổ cho nhà trường” – Phó Chủ tịch nước nhìn nhận.
PGS Văn Như Cương: Không cần phải tổ chức một cuộc thi quốc gia rất nặng nề và căng thẳng như hiện nay
Quan điểm của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng là ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục. PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT nên tổ chức nhẹ nhàng và giao về cho các sở. “Không cần phải tổ chức một cuộc thi quốc gia rất nặng nề và căng thẳng như hiện nay: thi cùng ngày, cùng đề, cùng biểu điểm…” - PGS Văn Như Cương đặt vấn đề.
Theo PGS Văn Như Cương, thi cử lạc hậu là điều khiến học sinh, phụ huynh khổ sở vì không đánh giá được thực chất. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng học lệch học tủ, học thêm. “Không thể chấp nhận học ròng rã 12 năm trời lại chỉ được đánh giá bằng bài thi 3 tiếng, nên giảm tải kỳ thi” - PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.
Tin - ảnh: Yến Anh
Từ: Người lao động
No comments:
Post a Comment