Biểu tượng của hy vọng và hòa giải
Cập nhật: 12:15 GMT - thứ ba, 2 tháng 7, 2013
Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, 94
tuổi, đang trong tình trạng sức khoẻ nguy kịch từ ba tuần qua. Bước vào
những thời gian cuối của đời người, khi ra đi, ông sẽ để lại cho thế
giới sự cảm phục và nhiều bài học.
Là biểu tượng của sự quyết tâm chống kỳ thị, đòi
bình quyền cho nhân dân Nam Phi qua một cuộc tranh đấu kéo dài, với giá
ông đã phải trả là gần ba thập niên trong các nhà tù.
Nam Phi nổi tiếng sản xuất nhiều
vàng, kim cương và là quốc gia phát triển nhất châu Phi. Đất nước này
thời apartheid có hơn 30 triệu dân, đa số da đen, người da trắng chỉ
chiếm 14% nhưng nắm hết mọi quyền chính trị.
Gian truân
Đại diện cho African National Congress (ANC),
Nelson Mandela được bầu chọn làm tổng thống Nam Phi năm 1994 sau khi
đảng này nhận được 63% số phiếu trong một cuộc tổng tuyển cử tự do dân
chủ có sự tham dự của mọi sắc dân, nhiều đảng chính trị. Ông là tổng
thống da đen đầu tiên sau khi chính sách kỳ thị chủng tộc – apartheid –
được bãi bỏ và những cải cách chính trị tại Nam Phi được ban hành.
Đến năm 1990 ANC vẫn bị đặt ngoài vòng pháp luật
và Nelson Mandela còn ở trong tù. Tháng 2-1990 Tổng thống F.W. de Klerk
mới ký lệnh cho ANC được công khai hoạt động và trả tự do cho Nelson
Mandela sau 27 năm giam tù vì tranh đấu chống kỳ thị mầu da, chống đàn
áp và đòi bình quyền cho người da đen, có những lúc với chủ trương bạo
động. Sau khi ra tù ông đã chọn đường lối hoà giải để giải quyết những
vấn đề chính trị sắc tộc của Nam Phi.
ANC thường được biết đến là một phong trào với
mục đích giải phóng Nam Phi khỏi ách cai trị của người da trắng. Ra đời
từ năm 1912, hoạt động cho đến năm 1961 thì chính thức bị cấm vì có
những lãnh đạo chủ trương bạo động qua phá hoại, khủng bố, chiến tranh
du kích, phát động cách mạng mở rộng và nhất quyết đòi đuổi người da
trắng ra khỏi Nam Phi.
Là người trong ban lãnh đạo ANC, Mandela đã bị
chính quyền qui kết nhiều tội, bao gồm “phản quốc”, “phá hoại” và “tiến
hành lật đổ chính phủ”.
Nelson Mandela sinh ngày 18-7-1918, khi đó Liên
hiệp Nam Phi đã thành hình và có quyền tự trị nhưng vẫn đặt dưới sự bảo
hộ của Vương quốc Anh với chính quyền do người da trắng nắm giữ.
Chính quyền Nam Phi với chủ trương kỳ thị sắc
tộc – apartheid – đã có những chính sách không cho người da đen làm một
số công việc, phải sống trong những khu vực dành riêng (township), không
được kết hôn với người da trắng, không được dùng tiện nghi công cộng
chung với người da trắng, không được làm chủ căn nhà, không được quyền
bầu cử hay ứng cử.
Gia đình Nelson Mandela thuộc dòng hoàng tộc
Thembu. Sinh ở làng Qumu, là con của một trưởng tộc, được đặt tên
“Rolihlahla” có nghĩa “người tự chuốc rắc rối vào thân”. Tuổi thơ của
Mandela cũng như bao đứa trẻ khác là thích nô đùa nơi đồng quê, trông
nom gia súc, lội sông, tắm suối.
Mồ côi cha từ thuở niên thiếu, ông sống với gia
đình chú bác và được học hành để chuẩn bị làm cố vấn cho trưởng tộc, với
tương lai nối nghiệp cha. Những bài học đầu tiên về dân chủ ông học
được là qua sinh hoạt bộ tộc, nơi mọi người đều có quyền phát biểu dù đó
là một binh lính, bác sĩ hay một nông dân, người bán hàng.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông từ một trường đạo
của giáo sĩ tin lành ở Healdtown, năm 1938 Mandela theo học Đại học Fort
Hare. Ở đó ông hoạt động chính trị sinh viên, tham gia tẩy chay bầu cử
nên bị đuổi học.
Ông lên Johannesburg học luật. Sau khi tốt
nghiệp, năm 1942 ông và một người bạn mở văn phòng ở thủ đô, là công ty
luật đầu tiên do người da đen làm chủ, chuyên bênh vực cho quyền lợi của
dân da đen.
Năm 1944 ông gia nhập ANC và khởi xướng thành lập tổ chức Liên hiệp
Thanh niên cho phong trào. Năm 1950 ông được bầu vào ủy ban điều hành
ANC.
ANC chủ trương chống lại chính sách kỳ thị bằng
những cuộc tẩy chay, đình công, bất tuân dân sự và cả những biện pháp
bạo động như đặt bom, phá hoại khi chính sách kỳ thị ngày một trở nên
khắc khe và chính quyền đã dùng vũ khí để trấn áp những người biểu tình.
Là lãnh đạo của phong trào, năm 1956 Mandela và
cả trăm đồng chí đã bị buộc tội phản quốc. Vụ xử án kéo dài 5 năm, cuối
cùng ông và các đồng chí được tuyên bố vô tội. Thời gian đó đem lại cho
Mandela nhiều điều không vui, ông không được hành nghề luật và người vợ
đầu cũng đã bỏ đi.
Sau vụ án, ANC bị cấm hoạt động vì thế ông phải
sống lẩn trốn, nhưng vẫn tiếp tục tranh đấu trong bí mật đòi hỏi sửa đổi
hiến pháp, cải cách chính trị cho mọi công dân được quyền bình đẳng.
Không được công khai hoạt động tại Nam Phi,
nhiều lãnh đạo của tổ chức đã ra nước ngoài tìm sự yểm trợ quốc tế cho
phong trào. Năm 1962 ông bị bắt, bị buộc tội “rời nước bất hợp pháp” và
“khích động nổi loạn” và bị xử án 5 năm tù.
Tự biện minh trước toà, Nelson Mandela phát
biểu: “Tôi bị kết án, theo luật, là một tội phạm, không phải vì những gì
tôi đã làm mà vì những gì tôi đại diện.”.
ANC từ năm 1961 đã lập ra một phân bộ riêng gọi
là Umkhonto we Sizwe, có nghĩa là “Mũi nhọn của Quốc gia”, hoạt động với
chủ trương bạo động chống chính quyền.
Năm 1964, một lần nữa Mandela và thành phần lãnh
đạo phong trào bị cáo buộc “phá hoại” và “có kế hoạch lật đổ nhà nước”
trong vụ án Rivonia. Ông và tám lãnh đạo của ANC bị kết án tù chung
thân.
Nelson Mandela đã phải trải qua 27 năm trong các nhà tù Nam Phi, từ Robben Island, Pollsmoor đến Victor Verster.
Ước vọng tự do
Với quyết tâm và hy vọng vào một tương lai tốt
đẹp hơn cho Nam Phi, ông đã dành thời gian trong tù để truyền đạt ước
vọng tự do, niềm tin vào sự bình đẳng “mỗi người dân một lá phiếu” cho
những tù nhân trẻ bị bắt giam vì chống đối chính quyền. Nhà tù Robben
Island nơi ông trải qua 18 năm bị giam cầm và lao động cực khổ được
những nhà tranh đấu gọi là “Đại học Mandela”.
Thập niên 1980 nổi lên nhiều vụ biểu tình, nổi
loạn và đình công lớn với cả triệu người tham gia. Hàng vạn người bị bắt
giữ mà không hề xét xử. Chính quyền của Tổng thống P.W. Botha ban bố
tình trạng an ninh khẩn trương, dùng vũ khí tấn công vào những khu dân
cư da đen làm nhiều người chết.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc ra quyết nghị cấm vận vũ khí đối với Nam Phi.
Nhiều lãnh đạo quốc gia, đại diện các tổ chức
quốc tế kêu gọi Nam Phi bãi bỏ chính sách kỳ thị, trả tự do cho Nelson
Mandela. Quốc hội Hoa Kỳ ban hành đạo luật trừng phạt kinh tế đối với
Nam Phi. Công ty lớn của nhiều quốc gia rút đầu tư để tạo sức ép.
Thập niên 1980, sân trường đại học Mỹ thường có biểu tình chống chính sách apartheid.
Trong chuyến viếng thăm Nam Phi vừa qua, Tổng thống Barack Obama và gia đình đã ra đảo viếng nhà tù Robben nơi giam Mandela nhiều năm.
Nói chuyện với sinh viên Đại học Cape Town hôm
30-6-2013, Tổng thống Barack Obama nhắc đến sự kiện khi còn là sinh viên
ở California ông đã tham gia biểu tình ủng hộ dân Nam Phi và biết đến
tù nhân Madila, là tên người châu Phi dùng để gọi Nelson Mandela.
Thời đó, sinh viên từ Long Beach, Los Angeles
lên đến San Francisco, Berkeley thường xuyên xuống đường phản đối chế độ
apartheid. Các thành phố Oakland, Berkeley và San Francisco đã biểu
quyết thông qua luật rút quỹ đầu tư khỏi những công ty giao thương với
Nam Phi. Công nhân bến cảng Oakland từ chối bốc rỡ hàng nhập vào Mỹ từ
nước này.
Phản đối quốc tế và quyết tâm tranh đấu của người dân đã buộc chính quyền Nam Phi phải nhượng bộ, đáp ứng những đòi hỏi của ANC.
Sau khi được trả tự do vào đầu năm 1990, mùa hè
Nelson Mandela đi thăm một số quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, để cám ơn
lãnh đạo và công dân các nước đã luôn nghĩ đến dân tộc Nam Phi và đòi tự
do cho ông.
Tại những thành phố lớn ở Mỹ từ New York,
Atlanta qua Los Angeles, Oakland ông đã được nhiều vạn người nghênh đón
trong vòng bảo vệ an ninh chặt chẽ vì sợ có kẻ muốn ám sát. Sau lãnh tụ
dân quyền da đen người Mỹ là Mục sư Martin Luther King Jr., Nelson
Mandela là người da đen thứ nhì đã thu hút được cảm tình của dân chúng
Mỹ.
Ông kêu gọi các nước tiếp tục biện pháp trừng
phạt kinh tế cho đến khi có những cải cách chính trị thực sự để đem đến
sự bình đẳng cho người dân Nam Phi.
Về nước, Nelson Mandela, đại diện cho ANC, và
Tổng thống F.W. de Klerk đã thương thảo và đưa ra những chính sách hoà
giải, cải cách chính trị. Năm 1993 Mandela và de Klerk được trao giải
Nobel Hoà bình.
Tháng 4-1994 Nelson Mandela được bầu chọn làm
tổng thống da đen đầu tiên cho Nam Phi. Ông lãnh đạo Nam Phi một nhiệm
kỳ cho đến năm 1999.
Tháng 11-2009, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc đã
biểu quyết chọn ngày 18-7, ngày sinh của ông, là “Mandela Day” để ghi
nhớ những đóng góp của ông cho hoà bình thế giới.
Tại nhiều thành phố như London ở Anh quốc,
Caracus ở Venezuela, Rio de Janeiro ở Brazil, New York và Oakland ở Mỹ
nay có những con đường, công viên mang tên Mandela.
Trong chuyến công du châu Phi vừa qua, Tổng thống Barack Obama đã gọi Nelson Mandela là một anh hùng.
Tại Đại học Cape Town, Tổng thống Mỹ phát biểu:
“Tinh thần của Mandela không bao giờ có thể bị giam hãm” và ca ngợi
những tiến bộ của Nam Phi, vì trong hai thập niên qua, đây là nơi mà
“một tù nhân có thể trở thành tổng thống”.
Cuộc đời của Nelson Mandela không chỉ là biểu
tượng tranh đấu cho sự bình đẳng, chống áp bức mà còn là biểu tượng của
hy vọng và hoà giải.
Tác giả dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco.
No comments:
Post a Comment