Wednesday, July 17, 2013

Số liệu thống kê về kinh tế Việt Nam: Ông nói gà, bà nói vịt!











Thực tế đang có tình trạng số liệu thống kê vênh nhau giữa các cơ quan, giữa trong nước và quốc tế, giữa số liệu và thực tế... dẫn đến bức tranh kinh tế bị méo mó.


Cần thiết phải có hệ thống thống kê chính xác vì nó giúp mọi người vẽ ra được một bức tranh thật của nền kinh tế

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh


Ông nói gà, bà nói vịt

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), 5 tháng đầu năm xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), kể cả dầu thô, đạt 32,7 tỉ USD; nhưng cùng thời điểm, số liệu của Tổng cục Hải quan (TCHQ) đưa ra cho thấy kim ngạch xuất khẩu của khu vực này chỉ đạt gần 30,52 tỉ USD. Sự chênh lệch đáng kinh ngạc là ở số liệu nhập siêu. TCHQ cho biết thâm hụt thương mại 5 tháng qua là 1,2 tỉ USD nhưng theo TCTK thì nhập siêu của riêng tháng 5 cũng là 1,2 tỉ USD, nên nhập siêu 5 tháng, theo cơ quan này, lên tới 1,9 tỉ USD. 

Hai cơ quan này liên tục mâu thuẫn về số xuất siêu. Theo TCTK, quý 1/2013 xuất siêu 481 triệu USD; trong đó khu vực FDI xuất siêu 3,1 tỉ USD, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,6 tỉ USD. Tuy nhiên, TCHQ lại cập nhật xuất siêu quý 1 là 278 triệu USD, chênh 194 triệu USD với TCTK. Riêng khu vực FDI xuất siêu chưa bằng phân nửa số liệu của TCTK (1,19 tỉ USD) và khu vực trong nước nhập siêu rất nhỏ - 900 triệu USD mà thôi. 

Chưa hết, TCTK cho hay, 2 tháng đầu năm xuất siêu 1,68 tỉ USD, bằng 8,8% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Còn TCHQ có con số khác, xuất siêu 782 triệu USD. Vào tháng 1.2013, TCTK nói xuất siêu 200 triệu USD; nhưng theo hải quan thì tới 776 triệu USD. Chưa kể số liệu thống kê xuất nhập khẩu của từng ngành, từng thị trường giữa hai cơ quan này cũng chênh lệch nhau rất lớn.

Tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 5 vừa qua, nhiều đại biểu đặt câu hỏi, trong bối cảnh kinh tế khó khăn mà tỷ lệ thất nghiệp chỉ 2% thì có đáng tin cậy? Cũng với vấn đề này, trong một kỳ họp Quốc hội năm 2012, tiến sĩ Trần Du Lịch từng phát biểu: Trong khi doanh nghiệp đóng cửa, phá sản hàng loạt mà con số tạo việc làm mới vẫn thống kê lên tới hơn 1,5 triệu người trong năm nay thì không thể hình dung được.


Ai đúng - ai sai ?

Trong lĩnh vực thu hút vốn FDI, tình trạng tương tự cũng diễn ra. Theo TCTK, nửa đầu năm 2013 cả nước có 44 tỉnh, thành phố có dự án FDI được cấp phép mới. Nhưng Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) nói con số này là 46. TCTK tuyên bố tỉnh Thái Nguyên có số vốn đăng ký lớn nhất với 2,141 tỉ USD; còn theo FIA đó là tỉnh Thanh Hóa. Chưa hết, trong khi TCTK nói con số 41, thì FIA khẳng định có 45 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại VN và không phải Singapore như TCTK đưa ra mà là Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư.

Trao đổi với PV Thanh Niên, tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia thuộc Cục Thống kê của Liên Hiệp Quốc, cho biết thống kê về FDI của VN không theo chuẩn mực quốc tế. “FDI VN tính bao gồm cả phần vay mượn, dù trong nước hay nước ngoài. VN có lúc còn tính giá trị FDI bao gồm cả phần góp vốn bằng đất đai của VN. Nguyên tắc là chỉ tính trong vốn tự có phần của nước ngoài bỏ ra (sở hữu) là bao nhiêu. Các tổ chức quốc tế như ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á) và IMF (Tổ chức tài chính quốc tế) cho biết số vốn FDI đầu tư thấp hơn con số VN đưa ra”, tiến sĩ Việt phát biểu.

Tiến sĩ Việt lấy ví dụ, năm 2011, VN công bố vốn FDI đăng ký đạt 15,5 tỉ USD, thực hiện được 11 tỉ USD; nhưng ADB cho biết vốn thực hiện chỉ khoảng 6,48 tỉ USD, còn theo IFM là 7,43 tỉ USD. Hay như thời đỉnh cao của FDI vào VN là năm 2008 với công bố thực hiện 11,5 tỉ USD, ADB đưa ra con số 9,279 tỉ USD và IMF là 9,579 tỉ USD.

Bên cạnh đó, các nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô của các tổ chức tài chính độc lập quốc tế cũng khác với cơ quan trong nước. Theo một báo cáo của Ngân hàng HSBC thực hiện tại Hồng Kông, trong tháng 6, lĩnh vực sản xuất của VN suy giảm đáng kể. Số lượng đơn đặt hàng mới cũng giảm khiến các công ty phải cắt giảm việc làm và đơn mua hàng. Tuy nhiên, TCTK lạc quan cho rằng sức mua của thị trường có xu hướng ấm dần lên, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,9% so cùng kỳ; chỉ số sản xuất cũng tăng và chỉ số hàng tồn kho tương đối tốt; chỉ số sử dụng lao động tăng…
Số liệu thống kê về kinh tế Việt Nam: Ông nói gà, bà nói vịt
Thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu đang không thống nhất - Ảnh: D.Đ.M

Hậu quả khôn lường

Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, số liệu của VN rất khó kiểm chứng. Chẳng hạn, số liệu thất nghiệp trong thời gian qua cũng thiếu căn cứ, vì VN không có hệ thống thống kê các trường hợp mất việc làm. Hay GDP tăng nhưng tiêu dùng điện lại không tăng. Thậm chí, quý 3 và 4 năm ngoái, tiêu dùng xăng giảm thì không hiểu GDP tăng như thế nào? 

Ông Doanh cho rằng, nếu doanh nghiệp phải sử dụng số liệu hàng tồn kho, xuất nhập khẩu vào các thị trường, tăng trưởng hàng hóa xuất khẩu… không chính xác sẽ dẫn đến kết luận kinh doanh sai lầm và phải trả giá. Còn đối với quản lý nhà nước, hậu quả khó lường vì sẽ cho ra những chính sách không phù hợp thực tế. “Cần thiết phải có hệ thống thống kê chính xác vì nó giúp mọi người vẽ ra được một bức tranh thật của nền kinh tế", ông Doanh nói.

Tiến sĩ Hoàng Thọ Xuân, Viện Nghiên cứu thương mại, cho rằng tác động lớn nhất của việc nhiễu loạn số liệu chính là mất lòng tin về các con số thống kê của người dân, doanh nghiệp. Con số hiện nay chưa thực sự thuyết phục được mọi người, và họ còn nghi ngờ vào số liệu. Đây là vấn đề nguy hiểm nhất. Nguyên nhân, theo tiến sĩ Xuân, hiện việc thống kê chủ yếu là liên hệ ngang, mà không phải dọc. Cụ thể, các bộ lấy số liệu thống kê của các sở ngành địa phương mà không thông qua cơ quan thống kê của địa phương. Trong khi Cục Thống kê địa phương lại thu thập số liệu rồi chuyển về TCTK. Cho nên, bộ có số liệu khác TCTK. “Phải có cách tính thống nhất và phải thống nhất việc thống kê ở cơ sở. Cuối cùng, số liệu của TCTK phải là số liệu đáng tin cậy nhất. Đừng để con số ước tính hay tạm tính mà không có con số chốt cuối cùng”, TS Xuân kết luận.

Với TS Vũ Quang Việt, số liệu vênh nhau có ba nguyên nhân: kỹ thuật; không muốn theo chuẩn quốc tế và giả dối. Chẳng hạn, số liệu xuất nhập khẩu của TCHQ chỉ có phần về hàng hóa, chứ không có phần dịch vụ. Thống kê về nợ công không tính phần nợ của doanh nghiệp quốc doanh.

Nợ xấu có tới 3 kết quả
 
Ngày 13.7.2012, trước sức ép của dư luận, ông 

Nguyễn Hữu Nghĩa, quyền Chánh thanh tra NHNN, họp báo công bố tỷ lệ nợ xấu theo kết quả giám sát của cơ quan này tính đến thời điểm tháng 3.2012 là 8,6% tổng dư nợ, tương đương 202.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, báo cáo của các TCTD cho thấy nợ xấu chỉ hơn 117.000 tỉ đồng, chiếm 4,47% tổng dư nợ. Còn trước đó, tại diễn đàn QH, Thống đốc báo cáo nợ xấu toàn ngành khoảng 10% tổng dư nợ.

Cho đến thời điểm hiện tại, NHNN báo cáo, tính đến hết tháng 5.2013, nợ xấu 4,65% tổng dư nợ toàn hệ thống. Nhưng nhiều ý kiến chưa thực sự tin nợ xấu được xử lý và giảm nhanh đến mức như vậy.

Anh Vũ
Thâm hụt ngân sách cũng khác nhau
 
Tại báo cáo đánh giá về nợ công của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Chiến lược và chính sách tài chính và Ủy ban Kinh tế vừa công bố, con số thâm hụt ngân sách của Việt Nam theo báo cáo của các tổ chức quốc tế khác xa với báo cáo của Bộ Tài chính. Cụ thể 2009, thâm hụt ngân sách theo số liệu của Bộ Tài chính là 3,7% GDP, trong khi đó ADB và IMF dự báo 3,9% và 7,2% GDP. 


Năm 2012, nợ công của VN theo Bộ Tài chính khoảng 55,4% GDP.  Tuy nhiên, báo cáo của nhóm nghiên cứu trên đã chỉ ra, nếu tính cả nợ trong hệ thống ngân hàng của khu vực DNNN khoảng 16,5% GDP, cộng với các khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác của DNNN, nợ công Việt
Nam sẽ lên tới xấp xỉ 95% GDP.

Anh Vũ

No comments:

Post a Comment