Saturday, October 12, 2013

Bầm dập vì tố cáo tiêu cực!

Người lao động


BẦM DẬP VÌ TỐ CÁO TIÊU CỰC (*)

Vướng vòng lao lý

Thứ Năm, 10/10/2013 20:33

Bị bắt vì tội vu khống, phá rối trật tự; bị vu mắc bệnh tâm thần, ông Trần Văn Ước không nản lòng, vẫn vác đơn kêu cứu vì môi trường

 


Bao nhiêu năm nay, dù nắng hay mưa, hễ có nhà báo cần tìm thông tin viết bài về môi trường, ông Trần Văn Ước (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP HCM) lại xung phong dẫn đi. Tôi là một trong số những nhà báo may mắn gặp và được ông giúp đỡ tận tình.  

Bị bắt giam 8 tháng

Leo lên “con ngựa sắt”, giữa trưa nắng chang chang, ông phóng nhanh chở tôi đến nhà các hộ dân có người mắc bệnh ung thư sống các ấp quanh khu vực bãi rác Đông Thạnh. Đến nhà nào, ông cũng được chào đón như người thân vì họ biết “chú Ước làm việc có ích”. 

Ông Cao Tấn Sỹ, bệnh nhân bị ung thư tuyến yên và ung thư sọ hầu, mếu máo: “Sao nhà báo viết hoài mà chẳng có thay đổi gì vậy chú?”. Câu hỏi khiến chúng tôi đắng lòng. Ông Ước quay sang tôi, nói: “Cả xã Đông Thạnh có nhiều người chết vì bệnh ung thư, chưa kể rất nhiều người đang mắc bệnh khiến gia đình điêu đứng, tán gia bại sản. Tôi cứ dẫn hết nhà báo này đến nhà báo nọ đi, chỉ mong góp một tiếng kêu cứu từ xóm ung thư này.
 
Những cư dân sống quanh bãi rác Đông Thạnh với bán kính 4-5 km, đa số sử dụng nước giếng khoan sâu vài chục mét trong nhiều năm, việc ảnh hưởng sức khỏe là đương nhiên”. Nói rồi, ông chỉ tay về đồi rác đang mọc xanh cỏ, buồn bã: “Đồi rác xanh um, đời người quanh bãi rác thì héo úa”.
 
Ông Trần Văn Ước bức xúc về cái ao sâu gây ô nhiễm
 
Bãi rác Đông Thạnh hoạt động từ 1988 đến năm 2002 chính thức đóng cửa vì ô nhiễm. Trong khoảng thời gian đó, cũng như những người dân sống quanh bãi rác phải chịu mùi hôi đến từ nước rỉ rác, ông Ước vác đơn đi khắp nơi kêu cứu.
 
Cũng vì quá “mạnh miệng”, tháng 10-1999, ông bị bắt giam vì tội vu khống, phá rối trật tự. Kỳ lạ là trong thời gian bị giam, ông Ước vẫn được hưởng lương và đóng Đảng phí đầy đủ (ông Ước là thiếu tá thuộc T67 của Quân khu 7 - PV). Sau 8 tháng, ông được thả ra với lý do “bệnh tâm thần”. “Tôi không bệnh tâm thần và đang sống rất tốt, họ nói tôi tâm thần nên trong thời gian bị bắt giam, họ làm cho tôi sổ hưu và buộc phải nhận mức lương hưu rất thấp từ tháng 12-1999” - ông Ước buồn bã nói. 
 
Trở về nhà, để có tiền trang trải cuộc sống, nuôi 2 con ăn học, ông bắt tay làm mắm tép, mắm cá cơm bán cho các quán ăn, chợ nhỏ, rồi về quê Tây Ninh mua thịt bò bỏ mối cho các quán ăn ở TP HCM. 

Đau đáu nỗi lo môi trường 

Vài năm trở lại đây, sau một thời gian đóng cửa, bãi rác Đông Thạnh được cho phép xây lò xử lý rác thải y tế và bùn hầm cầu, ông Ước lại tiếp tục kêu cứu về vấn đề môi trường và dẫn nhà báo đi khắp nơi khi cần thiết.
 
“Họ nói xử lý quy trình khép kín nhưng người dân vẫn thấy mùi hôi và khói đen. Quanh bán kính 2 km là Trường Tiểu học Trần Văn Danh, Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến và hàng trăm hộ dân, ngày ngày vẫn sinh hoạt, ăn uống bằng nguồn nước giếng” - ông Ước lo lắng.
 
Cầm trên tay tờ báo có thông tin về vụ án ông Nguyễn Văn Khỏe (nguyên Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn), ông Ước cho biết: “Điều tôi trăn trở là đến nay vụ tiêu cực tại khu đất công sử dụng làm bãi rác và trồng cây xanh diện tích hơn 1 triệu m2 vẫn chưa rõ ràng”. Thời điểm bắt nguyên chủ tịch huyện vì tội lạm dụng chức quyền, rất nhiều người dân xã Đông Thạnh tán thành, trong đó ông Ước là người mạnh dạn cung cấp thông tin cho phóng viên viết bài.
 
Dẫn tôi đến cái ao rộng gần 2.000 m2 bị đào sâu vài chục mét đất nằm sát bãi rác Đông Thạnh, ông Ước bức xúc: “Nhìn như cái hàm cá mập. Người ta sợ trẻ con, người lớn té ao nên rào lại. Bây giờ, muốn lấp cái ao này phải tốn hơn 300 tỉ đồng, tiền đâu nhà nước bỏ ra. Trong khi đó, những người đứng đầu UBND xã thời đó dưới sự đỡ đầu của ông Tám Khỏe đã chấp thuận cho móc gần 1 triệu m2 đất với độ sâu từ 15-20 m.Thời điểm đó, mỗi ngày có hàng trăm xe tải ra vào chở với giá 200.000 đồng/xe, số tiền bán đất thu về không dưới 150 tỉ đồng, rơi vào túi các cá nhân”.
 
Vẫn bức xúc, ông Ước nói với tôi: “Hậu quả còn đó nhưng chẳng thấy ai đứng ra khắc phục. Không lẽ cứ để cái ao sâu rất nguy hiểm này tồn tại mãi? Thật xót lòng”.
Nỗi đau còn đó 

12 năm trôi qua, vụ án anh Đặng Vũ Thắng (nguyên Phó Phòng Kế toán của Thảo Cầm Viên Sài Gòn) bị người tình của giám đốc thuê người sát hại do tố cáo tiêu cực trong xây dựng các vườn thú vẫn như vết dao cứa sâu vào da thịt những người thân của anh. Bà Trần Thị Hành, mẹ anh Thắng, buồn bã nói: “Vụ án qua lâu rồi nhưng nhắc lại vẫn thấy đau lắm... Bản án tòa tuyên cho những kẻ sát hại con mình, gia đình chúng tôi bằng lòng và không vướng bận gì. Chỉ thương vợ và 2 con của Thắng. Sau khi Thắng mất, vợ nó xin phép dẫn 2 con về sống bên ngoại cho đỡ tủi, thỉnh thoảng mấy mẹ con về đây thắp nhang cho Thắng. Ngày ấy, Thắng mất đi, chính sách hỗ trợ, bảo vệ người chống tiêu cực và ngươi thân chưa đầy đủ, vợ con Thắng lao đao vì mất đi trụ cột gia đình. Vợ Thắng phải làm 2-3 việc, đầu tắt mặt tối để có tiền nuôi mẹ già và 2 con ăn học thành tài. Hiện đứa lớn học năm thứ 2 của Trường ĐH Sài Gòn, đứa nhỏ học lớp 9. Khó khăn vẫn chồng chất... Dẫu vậy, các con của Thắng luôn tự hào về cha mình”.
Bài và ảnh: THU HỒNG 
 


Bầm dập vì tố cáo tiêu cực
Thứ Tư, 09/10/2013 20:28

Trải qua nhiều thị phi, “lên bờ xuống ruộng”, thậm chí nguy hiểm tính mạng khi đứng ra tố cáo tiêu cực nhưng họ vẫn khẳng định sẽ kiên quyết đấu tranh cho đến lúc tìm được lẽ phải

Vụ tố cáo tiêu cực xảy ra đã 7 năm nhưng trong buổi trò chuyện với chúng tôi mới đây, “Người đương thời” Đỗ Việt Khoa luôn lặp đi lặp lại câu nói: “Tôi không đặt yêu cầu gì cho bản thân, chỉ mong cái sai bị xử lý”.

“Bố nó lôi ra thì chết”!

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2006 tại Trường THPT Phú Xuyên A, tỉnh Hà Tây (cũ), bức xúc trước việc giáo viên bỏ vị trí coi thi, nhân viên phục vụ thì vào tận phòng phân phát bài giải sẵn cho thí sinh, thầy Khoa đã quay video và đưa ra công luận. Trước sức ép của dư luận, tháng 7-2006, ông Nguyễn Minh Hiển, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đã từ chức.
Chị “Nguyệt - Hoài Đức”: “Lương tâm nghề nghiệp không cho phép tôi im lặng”  Ảnh: NGỌC DUNG

Ông Nguyễn Thiện Nhân lên làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, phát động phong trào “hai không”: Nói không với tiêu cực thi cử và bệnh thành tích trong ngành giáo dục. Từ đó, nhiều tiêu cực trong ngành giáo dục được ngăn chặn. Thầy Khoa được Đài Truyền hình Việt Nam mời tham gia chương trình Người đương thời và nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về thành tích dũng cảm chống tiêu cực thi cử.

Tháng 12-2007, thầy Khoa tiếp tục tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của lãnh đạo Trường THPT Vân Tảo, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (cũ). Sở GD-ĐT Hà Tây bao che, không xử lý. Thầy Khoa bị trù dập, bôi nhọ. Người ta vu cáo ông là bị thần kinh, phản động. 

Những người bị tố cáo còn thuê các đối tượng giang hồ hành hung, cướp tài sản, cảnh cáo thầy Khoa không được can thiệp vào các sai phạm của nhà trường. Cũng trong thời gian ấy, cô con gái lớn của ông vừa học hết tiểu học thì bị một trường THCS từ chối, không cho nhập học với lý do: “Bố nó chống tiêu cực, nhận nó vào lỡ nay mai có chuyện gì, bố nó lại lôi ra thì chết!”. 

Nỗi buồn bị cô lập, bị người xung quanh ghẻ lạnh luôn đeo bám nhưng thầy Khoa vẫn kiên trì trên con đường đấu tranh làm rõ trắng - đen. Đơn tố cáo các sai phạm của Trường THPT Vân Tảo được ông gửi lên Sở GD-ĐT Hà Nội, Bộ GD-ĐT nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. 

Những ngày tháng nặng nề kéo dài đến giữa năm 2010, thầy Khoa phải làm đơn xin thôi việc ở trường này. Tuy nhiên, trước áp lực của dư luận, Sở GD-ĐT Hà Nội đã điều động ông về công tác tại Trường THPT Thường Tín.

Năm 2012, thầy Khoa lại hỗ trợ một giáo viên và một thí sinh cung cấp cho báo chí những hình ảnh tiêu cực gây chấn động tại hội đồng thi Trường THPT Dân lập Đồi Ngô, tỉnh Bắc Giang trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012. 

“Tin đồn xấu về tôi nhiều lắm. Có lúc tôi mất niềm tin nhưng nghĩ lại, mình phải làm những gì đúng với trách nhiệm của người thầy. Như thế tôi mới được sống đúng lòng mình, đúng lý tưởng” - thầy Khoa thổ lộ. 

Chúng tôi thắc mắc liệu có bao giờ thầy Khoa thấy nản lòng trên con đường chống tiêu cực? Ông tâm sự: “Không chỉ riêng tôi, người nào đấu tranh chống tiêu cực cũng nản. Chúng tôi bị “bạo hành tâm lý”, bị mất niềm tin vào bộ máy quản lý. Riêng mình, dù thế nào thì tôi cũng vẫn làm”. 

Hiện mỗi tuần thầy Khoa dạy 16 tiết, thu nhập “có thể sống được”. Để tích lũy, nuôi 2 con ăn học, ông phải làm thêm việc chụp ảnh, kinh doanh máy tính và đang dự định mở quán nước tại nhà. “Tôi thấy vui vì mình kiếm tiền từ những công việc chính đáng, dù rất khó khăn. Mình có trong sạch thì mới kết nối, động viên được anh em chống tiêu cực. Cái xấu luôn được bao che nhưng còn sức thì tôi còn đấu tranh đến cùng” - ông quả quyết.

Chấp nhận hy sinh

Gặp lại chị “Nguyệt - Hoài Đức”, tức Hoàng Thị Nguyệt - cán bộ Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hoài Đức, TP Hà Nội - chúng tôi nhẹ lòng khi nụ cười đã trở lại trên môi chị. “Tôi tố cáo không ngoài mong muốn những sai phạm được thay đổi, bệnh nhân được chẩn đoán đúng bệnh, an toàn và không còn bị lừa dối, trục lợi” - chị Nguyệt bộc bạch.

Khi chị Nguyệt quyết định viết đơn tố cáo, gia đình khuyên chị dừng lại, đồng nghiệp thì nói ra nói vào. Bản thân chị cũng lo lắng cho những đồng nghiệp làm sai sẽ bị kết tội nặng… “Nhưng lương tâm nghề nghiệp không cho phép tôi im lặng khi thấy những phiếu xét nghiệm trùng được in ra từng xấp. Chỉ trong 10 ngày, chúng tôi đã thu hơn 400 bản. Không thể lường hết được những hậu quả mà người bệnh phải gánh chịu từ việc làm sai trái, phi đạo đức đó. Một kết quả xét nghiệm được tận dụng in thêm để cùng trả cho nhiều người, việc lấy máu chỉ để bỏ đi, trong khi bệnh nhân phải chờ đợi vất vả, mệt mỏi, khổ sở. Chính vì vậy, tôi chấp nhận hy sinh” - chị bày tỏ. 

Lá đơn tố cáo chưa được gửi đã bị lộ. Giám đốc BVĐK Hoài Đức phân công người xuống gặp chị Nguyệt để uy hiếp, bắt rút đơn, theo dõi mọi hoạt động... Chị đã gầy đi 5 kg, nhiều đêm không ngủ, thường xuyên căng thẳng và đau đầu. Đến cơ quan công an và báo chí để tố cáo, chị luôn trong tâm trạng căng thẳng vì sợ bị cướp giật toàn bộ hồ sơ, chứng cứ. Khi đơn đã gửi, chị lại lo lắng không biết sự việc sẽ được xử lý ra sao. Khi mọi việc được đưa ra ánh sáng, chị Nguyệt vẫn trăn trở, không an lòng vì chị Oanh, người giúp chị thu thập các bằng chứng để tố cáo, bị khởi tố. 

Chị Nguyệt tâm sự: “Bây giờ, tôi phải thận trọng hơn vì còn có gia đình và các con. Tố cáo để đòi lại công bằng cho người bệnh và đồng nghiệp đang hết lòng với chuyên môn nhưng giờ đây, chính tôi cũng chưa hết ngổn ngang lo nghĩ”. 

Sau vụ việc này, chị Nguyệt đề đạt nguyện vọng chuyển sang khoa khác. Không phải chị sợ hay né tránh nhưng không ai muốn hằng ngày gặp lại những người không cùng quan điểm trong công việc. Tuy vậy, chị Nguyệt vẫn xác định BVĐK Hoài Đức vẫn là môi trường gắn bó lâu dài, giúp chị tiếp tục theo đuổi nghề y mà mình say mê.
Phải bảo vệ người tố cáo

Theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi, Đoàn Luật sư TP HCM, Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng... đã có nhưng còn thiếu những quy định cụ thể. Chẳng hạn, người tố cáo tham nhũng, tiêu cực được bảo vệ như thế nào, ai sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ họ vẫn chưa được quy định, phân công rõ. 

Luật sư Thi cho rằng muốn chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả, trước hết phải bảo vệ cho được người tố cáo; đồng thời trừng trị nghiêm những kẻ có hành vi trả thù người tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
                                                                                     H.Hiếu
 
Yến Anh - Ngọc Dung
 

No comments:

Post a Comment