Thursday, October 10, 2013

World Bank: tăng trưởng Việt Nam sẽ còn tụt

 BBC
Cập nhật: 14:24 GMT - thứ hai, 7 tháng 10, 2013 

Theo dự báo mới nhất về các nền kinh tế châu Á mà Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa công bố trong tuần họp APEC, tăng trưởng kinh tế vùng giảm hơn so với dự báo cũng chính cơ quan này nêu ra tháng 4 năm nay.

Tổng thống Indonesia chơi đàn tại APEC nhưng kinh tế vùng chưa khởi sắc
Tổng thống Indonesia chơi đàn tại APEC nhưng kinh tế vùng chưa khởi sắc

Việt Nam bị hạ mức dự báo tăng trưởng xuống chỉ còn 5.3% cho năm 2013 và 5.4% cho cả hai năm tới, theo  báo cáo về khu vực châu Á – Thái Bình Dương ra tháng 10 này.

Chính phủ Việt Nam hồi giữa năm còn muốn duy trì mức tăng trưởng năm nay là 5.5%.

Trong lúc Chủ tịch Tập Cận Bình tới dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Bali, Indonesia để cam kết sẽ thúc đẩy giao thương toàn vùng, Trung Quốc, đầu tàu về tăng trưởng kinh tế khu vực cũng bị tụt từ mức dự báo từ 7.5% xuống 7.1% cho năm nay.

Cũng vì sự vắng mặt của Tổng thống Barack Obama, cơ hội để các nhà lãnh đạo khác, gồm cả Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang, muốn đối thoại về Hiệp định xuyên Thái Bình dương (TPP) lần này không còn bao nhiêu.

Điều này có thể làm khả năng phục hồi kinh tế của toàn vùng bị chậm lại, theo một số nhà quan sát.

Tuy thế, về trung hạn, World Bank dự báo “Trung Quốc vẫn có thể duy trì mức tăng trưởng từ 7.5% và 7.7%.

Không kể Trung Quốc, các nước còn lại trong khu vực bị giảm từ 6.2% năm 2012 xuống còn 5.2% năm, trước khi hồi phục trở lại ở mức 5.3% (2014) và 5.7% (2015).

Riêng với Việt Nam, cả mức tăng trưởng thực và dự báo của World Bank về nền kinh tế nước này giảm liên tục những năm qua.
World Bank nêu ra con số 6.2% dự báo tăng trưởng cho Việt Nam hồi 2012 nhưng đến 2013 chỉ còn 5.3%.

Tụt hạng nghiêm trọng

So với các nước có thu nhập đầu người thấp nhất trong vùng thì tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam đang bị tụt hạng nghiêm trọng.

Ngay hai nước láng giềng là Lào và Campuchia đều có dự báo tăng trưởng cao hơn Việt Nam: Lào đạt 8% (2011), 8.2% (2012), 8.0% (2013), 7.7 (2014) và 8.1% vào năm 2015.

Campuchia có con số tương ứng là 7.1% (2011), 7.3% (2012), và 7.0% cho các năm còn lại.

Mông Cổ thì có dự báo tăng trưởng cao hơn cả, từ 17.5% hồi 2011, bị giảm xuống trên 10% trong hai năm tới.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam hồi tháng 5/2013, Việt Nam muốn “ưu tiên mục tiêu tăng trưởng”, nhằm “phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% của năm nay”.

Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cam kết đưa ra “các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ chung cho tổng cầu”.

Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng nói rằng “chính sách tiền tệ cần tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất để giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp, nhằm khuyến khích doanh nghiệp vay vốn đầu tư đẩy mạnh sản xuất; đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu”.

“Chính sách tài khoá cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân vốn đầu tư nhằm hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế, nhất là tập trung đẩy mạnh giải ngân cho những dự án đã có kế hoạch hoàn thành trong năm 2013,”

“Đẩy nhanh việc thực hiện các giải pháp cắt giảm, giãn hoãn các khoản thu ngân sách, trong đó quan tâm đến thuế VAT, bởi liên quan đến tiêu thụ, giảm tồn kho.”

Dù bị sức ép mạnh từ cạnh tranh quốc tế và khu vực, chính phủ Việt Nam muốn “các doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm chi phí, hạ giá bán sản phẩm, cơ cấu lại sản phẩm để tiêu thụ nhanh”, theo bài hôm 5/5/2013 trên  trang chính phủ

Tuy vậy, vấn đề của Việt Nam hiện nay không còn là chuyện nhận biết các căn bệnh của nền kinh tế, mà là có quyết tâm cải tổ để giải quyết hay không.

Theo con số thống kê được trong 9 tháng đầu năm 2013, Việt Nam bội chi hơn 140.000 tỷ đồng của ngân sách, tương đương 7 tỷ USD.

More:

 

No comments:

Post a Comment