Wednesday, October 9, 2013

"Nhân văn" của ngành điện!

THANH NIÊN
 

EVN 

Trong cơ cấu giá điện của EVN có cả chi phí xây dựng biệt thự, hồ bơi - Ảnh: Ngọc Thắng

"Nhân văn" của ngành điện



Tôi cứ suy nghĩ mãi về cái sự "nhân văn" mà lãnh đạo Tập đoàn điện lực VN (EVN) giải thích cho chuyện hạch toán việc xây dựng biệt thự, sân tennis, bể bơi... vào giá điện.

Không biết khi nói như vậy, lãnh đạo EVN có biết rằng, để cán bộ, chuyên gia ngành mình có sân tennis chơi thể thao, có biệt thự song lập - đơn lập... hàng triệu người dân đã gồng mình chịu 7 lần tăng giá điện trong vòng từ năm 2009 tới nay với mức tăng gần gấp đôi.

Cụ thể, năm 2009, giá điện bán lẻ là 948 đồng/kwh, bán buôn là 706 đồng/kwh thì nay, giá bán điện bình quân đã lên tới 1.508 đồng/kwh. Với mức tăng này, đã có biết bao gia đình đã phải cắt xén chi tiêu trong sinh hoạt hằng ngày để bù cho hóa đơn tiền điện cứ đội lên mỗi năm? Biết bao doanh nghiệp phải dừng hoạt động, thu gọn quy mô, thậm chí phá sản bởi không chịu nổi sự leo thang của giá điện cũng như một loạt các sản phẩm - dịch vụ đầu vào khác.

7 lần tăng giá điện trong 5 năm kinh tế cực kỳ khó khăn vừa qua, lý do duy nhất của ngành điện là thua lỗ. Mỗi lần tăng giá, không chỉ lãnh đạo EVN mà cả cơ quan chủ quản đều lên tiếng kêu gọi người dân, doanh nghiệp thông cảm; đều khẳng định việc tăng giá điện như một tất yếu của việc đưa điện theo giá thị trường. Nhưng trong khi "bắt" cả nền kinh tế phải chịu hậu quả của việc kinh doanh thua lỗ thay mình thì mặt khác, ngành điện vẫn tự trả lương - thưởng rất cao. Còn nhớ năm 2011, dư luận đã vô cùng bức xúc khi Tổng giám đốc EVN cảm thấy "đau lòng" khi lương bình quân của EVN "chỉ" có ... 7,3 triệu đồng/tháng. Nên nhớ, lúc này EVN đang lỗ cả chục ngàn tỉ đồng. Hay kết luận mới nhất của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, dù lỗ nhưng EVN vẫn "sắm" xe hơi hạng sang, vượt mức quy định tới trên 3 tỉ đồng. Sốc hơn nữa là dù kinh doanh thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng nhưng các công ty trực thuộc Công ty truyền tải điện quốc gia (NPT) và Công ty điện lực miền Trung vẫn trích tiền tỉ để... thưởng cho nhân viên.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao ngành điện có thể làm như vậy? Câu trả lời là vì họ có thể "đổ vào giá" mọi cái. Đầu tư tay trái thua lỗ: đổ vào giá; xây biệt thự - sân tennis, sắm xe sang: đổ vào giá; dự án xây dựng bị trục trặc (Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng) không thèm bắt đền nhà thầu mà hoạch toán luôn vào chi phí hoạt động sản xuất; bán điện giá rẻ để rồi chịu lỗ thay cho cả doanh nghiệp nước ngoài... Vậy tại sao những chuyện phi lý như vậy vẫn có thể xảy ra? Câu trả lời là: tại độc quyền.

Không dùng điện của EVN, doanh nghiệp chỉ còn cách đóng cửa, người dân chỉ có thể thắp đèn dầu. Họ không có sự lựa chọn cho dịch vụ, sản phẩm mình sử dụng khi EVN vẫn chi phối hầu như toàn bộ việc cung cấp và phân phối điện trên thị trường.

Dư luận đang chờ đợi việc xử lý nghiêm các sai phạm của EVN mà Thanh tra Chính phủ vừa công bố để hạn chế bớt những chuyện phi lý, nghịch lý mà người dân, doanh nghiệp phải chịu đựng suốt bao năm qua. Đặc biệt, trước khi làm rõ các ẩn khuất mua sắm, lương thưởng, đầu tư thua lỗ... nhất thiết không để ngành điện tăng giá, không thể bắt người dân phải gánh thêm phần chi phí "nhân văn" như giải thích của lãnh đạo EVN. 

Nguyên Hằng



Đầu tư tràn lan ngoài ngành gây thua lỗ lớn, hạch toán nhiều khoản vô lý vào giá thành điện... là những sai phạm tại Tập đoàn điện lực VN được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

 EVN Trong cơ cấu giá điện của EVN có cả chi phí xây dựng biệt thự, hồ bơi - Ảnh: Ngọc Thắng

Kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn tài sản tại Tập đoàn điện lực VN (EVN) cho biết, trong quá trình đầu tư các dự án nguồn điện, EVN đã đưa nhiều khoản chi phí vô lý để tính vào giá bán điện. Cụ thể, qua kiểm tra, 6 dự án của EVN có sử dụng hơn 355.000 m2 đất để xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên gồm nhà biệt thự đơn lập, song lập, sân tennis, bể bơi… với tổng giá trị gần 600 tỉ đồng, được Bộ Công thương và EVN thống nhất đưa vào khoản mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa” nằm trong tổng mức đầu tư của các dự án nguồn điện. Những khoản chi phí này sau đó được đưa vào tính trong giá bán điện. 

Tại dự án Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng, có tổng mức đầu tư trên 4.200 tỉ đồng, TTCP phát hiện sau khi đưa vào vận hành nhà máy không thể hoạt động liên tục trong 1 tháng. Trong 3 năm từ 2010 đến 2012 đã xảy ra 37 lần sự cố, chỉ tính riêng việc khởi động lại nhà máy đã mất hơn 12.500 tấn dầu FO trị giá hơn 163 tỉ đồng. Số tiền này Công ty TNHH MTV nhiệt điện Uông Bí không lấy từ nhà thầu mà lại hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp này bị lỗ nặng trong năm 2010 và 2011.

Chưa hết, EVN đã hướng dẫn hạch toán nguồn vốn không đúng quy định tại 11 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động, làm tăng chi phí hoạt động trong năm 2011 số tiền hơn 223 tỉ đồng. 

Đầu tư ra ngoài hơn 1,5 lần vốn điều lệ

Theo kết luận thanh tra, tính đến hết năm 2011, công ty mẹ EVN đã đầu tư vốn ra ngoài lên đến trên 121.000 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ gần 77.000 tỉ đồng. Việc EVN đầu tư ra ngoài vượt vốn điều lệ khoảng 45.000 tỉ đã vi phạm quy định của Bộ Tài chính. Theo TTCP, trong tổng số vốn đầu tư ra ngoài có hơn 69.000 tỉ đồng được EVN cho 23 đơn vị thành viên vay từ nguồn vốn vay của nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, EVN dành gần 2.000 tỉ đồng đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro như bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng nhưng vượt tỷ lệ góp vốn theo quy định. 

TTCP cũng chỉ rõ, EVN đầu tư vào EVN Telecom gây mất vốn nhà nước hơn 2.400 tỉ đồng; sử dụng hơn 1,6 triệu USD và hơn 467 tỉ đồng để ký kết hợp đồng đào tạo thạc sĩ kinh doanh cho 164 cán bộ công nhân viên, nhưng đến nay bằng cấp đối tác cấp cho cán bộ của EVN chưa được cơ quan nhà nước của VN công nhận. Tại các đơn vị thành viên của EVN, TTCP cũng phát hiện nhiều khoản thua lỗ nghiêm trọng. Trong đó, tính đến năm 2011, Tổng công ty (TCT) truyền tải điện quốc gia (NPT) lỗ 3.145 tỉ đồng, TCT điện lực miền Nam lỗ hơn 1.200 tỉ đồng.

Giao chỉ tiêu... lỗ

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV EVN, cho rằng việc EVN giao chỉ tiêu kinh doanh lỗ cho các TCT vì năm 2010, 2011 rất khó khăn, nhu cầu phụ tải tăng cao trong khi nắng hạn, thiếu nước, ngành điện phải huy động lượng dầu rất lớn để phát điện nên 2 năm liên tiếp lỗ tổng cộng hơn 12.000 tỉ đồng. “Tại sao lại giao lỗ? Vì quy trình dự toán kinh doanh hằng năm tập đoàn giao cho các TCT, đơn vị trong tập đoàn, năm 2010, 2011 khó khăn nên dự kiến lỗ để các đơn vị trong hoạt động thực tế lỗ giảm hơn so với lỗ kế hoạch”, ông Vượng nói.

Báo cáo sản xuất kinh doanh năm 2011 của EVN cho biết, kết thúc năm 2011 EVN lỗ khoảng 3.500 tỉ đồng, nhiều đơn vị khó khăn như NPT. Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra, NPT đã không bảo toàn được vốn nhà nước do phải thực hiện kế hoạch lỗ EVN giao (đến hết năm 2011 đơn vị này lỗ 3.145 tỉ đồng). Nhiều đơn vị khác cũng không bảo toàn được vốn do thực hiện kế hoạch lỗ EVN giao như EVN Hà Nội, Điện lực miền Nam…

Việc hạch toán cả chi phí đầu tư “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa” các dự án nhiệt điện (gồm cả biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà trẻ, bể bơi, sân tennis) vào tổng mức đầu tư dự án và quy ra giá thành điện cũng được thanh tra chỉ ra. Nhưng ông Vượng cho rằng: “EVN đã xây dựng và được các bộ ngành cho phép xây khu điều hành khang trang hơn, trong báo cáo gọi là biệt thự, tennis, vườn trẻ, để thu hút lực lượng cán bộ có tay nghề tốt vận hành tài sản hàng tỉ USD. Tôi cho là nhân văn, vì vùng sâu xa, cán bộ không có sân chơi thể thao, không có vườn trẻ cho con cái cũng rất khó thu hút”. 

Ông Vượng cũng khẳng định: “Hạch toán giá thành của EVN cơ bản tuân thủ các quy định của nhà nước, năm nào cũng có kiểm toán, kiểm tra để đảm bảo hạch toán công khai. Khi EVN chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mua bán điện thì mọi chi phí đầu tư cho các dự án điện đều hạch toán vào giá điện”. Tuy nhiên, việc thiếu minh bạch trong hạch toán kinh doanh của EVN đã làm tăng chi phí giá sản xuất điện, khiến người dân phải gánh giá thành sản xuất điện bất hợp lý.


EVN cần sòng phẳng
Theo một chuyên gia kinh tế, EVN kêu lỗ mà chuyển vào giá bán điện là không hợp lý, không thể bổ vào đầu người dân. Không chỉ thoái vốn ngoài ngành, EVN cần sòng phẳng trong việc xử lý các kết luận của thanh tra, thông báo với người dân. Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nói là đầu tư nhà ở công nhân mà thành biệt thự, rồi tính vào giá thành điện là vô lý, cần phải làm rõ, xác định lại giá thành điện thực chất là bao nhiêu. Lâu nay bức xúc nhất của người dân vẫn là việc EVN thiếu minh bạch trong giá thành, kết luận thanh tra đã cho thấy những bất hợp lý trong cơ cấu tính giá của EVN. Điều người dân quan tâm là sau khi có kết luận trên, EVN và Bộ Công thương sẽ xử lý, bóc tách thế nào giá thành điện để người dân không phải gánh giá điện bất hợp lý.

Mai Hà

Thái Sơn - Mai Hà
>> Tăng giá điện có minh bạch?  
>> Tăng giá điện: EVN có thêm 3.000 - 4.000 tỉ đồng  
>> Giá điện tăng từ 1.8: Doanh nghiệp phải tiết kiệm để vượt qua khó khăn  
>> Giá điện tăng thêm 5%

No comments:

Post a Comment