Sunday, October 6, 2013

‘Made in China’ vẫn là hiểm họa tiêu dùng

Có thể nói, công nghệ “cắt gọt” chi phí bằng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng chính là sản phẩm công nghiệp sáng tạo nhất của Trung Quốc.

Ảnh minh họa: Korea Times 
 
Theo báo cáo của hải quan các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), chỉ tính riêng năm 2011, các quan chức khu vực này đã bắt giữ khoảng số hàng giả, hàng nhái có tổng trị giá vào khoảng 1,3 tỷ euro (khoảng 1,7 tỷ USD), mà chiếm đến 73% là từ Trung Quốc.
 
Bức tranh hàng “Made in China” có thể nhìn rõ nhất từ ngành công nghiệp năng lượng mặt trời. Do ngưỡng giới hạn nhập cảnh hàng hóa thấp cộng với việc thiếu các tiêu chuẩn an toàn bắt buộc, ngành này đã bắt đầu có dấu hiệu của sự rối loạn. Có khoảng 5.000-6.000 nhà sản xuất đang hoạt động trong lĩnh vực này, nhưng 20 doanh nghiệp đứng đầu chiếm gần 30% thị phần. Và cứ mỗi năm qua đi, lại có hàng ngàn doanh nghiệp hoặc sụp đổ hoặc thu nhỏ lại, để lại những tấm pin mặt trời nằm phơi trên mái nhà mục nát.
 
Bất chấp tình cảnh đó, tương tự như thị trường điện máy Việt Nam “sụp” nhiều mà “dựng lên” vẫn lắm, nhà máy vẫn mọc lên như nấm và các doanh nghiệp không ngần ngại hy sinh tiêu chuẩn chất lượng để giảm chi phí, rồi cuối cùng kết thúc trong cay đắng, phá sản và giải thể. Chỉ có 53,9% khách hàng hài lòng với sản phẩm họ nhận được, và cụm từ “chất lượng kém” gần như đã trở thành bạn đồng hành với hàng Trung Quốc.
 
Ảnh minh họa: Toonpool
 
Doanh nghiệp Trung Quốc có định kiến cố hữu rằng cứ “to là tốt”, chỉ chực chạy theo thị phần, bất chấp một thực tế là thị phần tạo nên thương hiệu, song thương hiệu không nhất thiết phải cần thị phần. Đặc biệt với các nhãn hàng sang trọng, cái quan trọng hơn không hẳn là bao nhiêu người dùng, mà là những người đó là ai và sản phẩm của mình có độc đáo hay dẫn đầu trào lưu hay không. Song các doanh nghiệp Trung Quốc hầu như chỉ tập trung vào lợi ích trước mắt, và giá rẻ được coi là chiến lược tiếp thị chính. Chính điều này đã khiến các doanh nghiệp Trung Quốc không còn sức để nỗ lực đầu tư cho công nghệ và kỹ thuật, chấp nhận đánh đổi chất lượng để hạ chi phí - hoàn toàn ngược lại với các nước có nền công nghiệp phát triển, khi chính khoa học kỹ thuật chất lượng cao đã giúp họ giảm chi phí mà không phải hy sinh chất lượng.
 
Ngay đến cả thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc cũng dính đến vô số bê bối. Nổi bật là vụ sữa nhiễm độc melamine khiến 6 trẻ em thiệt mạng và hàng trăm trẻ em phải chịu di chứng, rồi đến thuốc “độc”, thịt lợn siêu nạc được nuôi bằng chất kích thích tăng trọng,… đã khiến các sản phẩm đến từ Trung Quốc gần như không chứa đựng cái gọi là “uy tín”. Chính vì vậy, “Made in China” đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, dĩ nhiên không phải danh tiếng kiểu như Apple hay Louis Vuitton.
 
Tại Hội thảo Phòng, chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được tổ chức ở Hà Nội ngày 1/10, phần lớn các doanh nghiệp đều chung một nỗi niềm: Với ưu đãi thuế quan giữa Trung Quốc và ASEAN, từ trái cây, rau củ cho đến thực phẩm khô, đồ gia dụng, giày dép, dụng cụ học tập, đồ chơi trẻ em,… xuất xứ từ Trung Quốc đã thừa cơ xâm lấn thị trường Việt. Điều đáng nói là không chỉ chợ búa, mà ngay cả các siêu thị, nhà sách, các khu mua bán - lúc nào cũng rầm rộ khẩu hiệu “người Việt dùng hàng Việt” - cũng ghi nhận sự lấn lướt của các nhãn mác “Made in China”. Nếu hỏi nguyên do, sẽ là những lời biện bạch kiểu như không phân biệt đối xử các loại hàng hóa hay hàng Trung Quốc chỉ chiếm số ít.
 
Đồ chơi Trung Quốc nhan nhản ở Hàng Mã
 
Ngay ở khu phố cổ - nơi khách du lịch thường xuyên qua lại và có nhu cầu mua quà lưu niệm Việt Nam, từ chiếc nhẫn bé tí cho đến đồ chơi trẻ em hay thuốc Bắc người lớn đều ngập hình ảnh Trung Quốc. Nhưng người bán nhỏ lẻ cũng chỉ có thể chạy theo thị trường, khi hàng Trung Quốc vừa rẻ vừa mã đẹp, còn hàng Việt Nam bị đánh giá là thô, nặng nề, lại còn cao giá. Nếu nhập chính ngạch từ các nước khác thì sẽ vô cùng đắt đỏ, đặc biệt là sắp tới đây rất có thể Chính phủ sẽ cho phá giá tiền đồng, càng có cơ đẩy giá sản phẩm lên cao.
 
Nguy hại hơn, vì cụm “giá rẻ” gần như bị đánh đồng với Trung Quốc, nên ngay cả khi hàng nội có rẻ, thì tâm lý người tiêu dùng vẫn tỏ ra e dè, hoài nghi và xa lánh. Thậm chí, khi được người bán đưa ra nhiều lựa chọn các mặt hàng từ các thị trường khác nhau, người mua cũng chỉ tặc lưỡi chọn luôn hàng Trung Quốc vì chắc mẩm hàng nào cũng quy về một mối cả thôi, chọn cái khác có khi còn bị “hớ giá”.
 
Nhưng cố nhiên, sự thịnh vượng được đánh đổi bằng đạo đức kinh doanh thì không thể bền vững. Xét trên quan điểm dài hạn, đây chính là “điểm chết”. Như Charles Handy – nhà triết lý kinh doanh nổi tiếng của Anh Quốc – từng nói: “Để đạt được lợi ích ngắn hạn mà hy sinh chất lượng thì doanh nghiệp đó không thể có tuổi thọ lâu dài. Chất lượng sản phẩm cũng như sự thật vậy. Không ai và không doanh nghiệp nào có thể sống quá lâu với những lời nói dối.”
 
Thực tế đã cho thấy, người tiêu dùng các nước đang dần tẩy chay hàng Trung Quốc. Đến ngay cả doanh nghiệp Mỹ, thường rất ngại đặt cơ sở sản xuất ngay tại quê nhà, cũng đã bắt đầu tìm cách “lánh xa” cái tên Trung Quốc. Tuy nhiên, trong khi các nước có hàng rào thuế quan vững chắc thì Việt Nam vẫn còn quá “dễ tính” khi hàng độc, hàng kém chất lượng vẫn tràn ngập thị trường trong sự thoái thác trách nhiệm của cơ quan chức năng.
 
Lục Dương

No comments:

Post a Comment