21/10/2013 03:00
Quốc hội đã đi được nửa đường của nhiệm kỳ 13. Nhiều cử tri, và những đại biểu có ý thức trách nhiệm dân cử, đã và đang đặt câu hỏi: các đại biểu đã làm được gì để xứng với tiền thuế của dân, và phải làm gì để rút ngắn những khoảng cách còn lại đáng lo, đáng buồn, thậm chí đáng phẫn nộ...
Khoảng cách đầu tiên là tình trạng tiệm cận, song song, nhưng không
gặp nhau giữa nguyện vọng, nhu cầu, lợi ích của nhân dân và sự đáp ứng
về chuyên môn, trách nhiệm và đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ,
công chức và các định chế nhà nước. Vụ Dương Chí Dũng ở Vinalines, gần
20 triệu USD bị rút khỏi công quỹ để đổi lấy một ụ nổi phế thải từ nước
ngoài có giá trị chưa bằng 1/4, để chiếm đoạt hàng triệu USD chia nhau
mà không gặp bất kỳ trở ngại nào, và một đại tá công an - cơ quan bảo vệ
pháp luật - đã đặt tội phạm là người thân lên trên luật pháp. Tình
trạng hành dân, nhũng nhiễu doanh nghiệp để trục lợi ngày càng công
nhiên, tràn lan. Hàng lậu, hàng giả, hàng độc hại tràn ngập các chợ và
siêu thị, hủy hoại sản xuất trong nước và sức khỏe người dân. Và ở hàng
vạn dự án treo, nhiều người dân có nhà mà không được xây sửa, mua bán,
thiếu đất mà phải ngồi nhìn cảnh hàng ngàn héc ta bỏ hoang hóa, có những nơi kéo dài hơn 20 năm.
Những đại biểu gần dân và sâu sát với cơ sở dễ thấy cái khoảng cách
giàu nghèo tiếp tục rộng ra với tốc độ nhanh; cái nghèo dẫn đến thất
học, bệnh tật và do đó càng nghèo hơn, còn người giàu thì dùng tiền để
mua những thứ giúp mình giàu hơn mà lại an toàn hơn, trong đó có “món
hàng” quyền lực bị thoái hóa.
Trong những khoảng cách hiện hữu ấy, cái làm cho các đại biểu thường
băn khoăn, trăn trở là khoảng cách giữa những nghị quyết mà mình đã bấm
nút với kết quả thực hiện, giữa những yêu cầu, kiến nghị của người dân
mà mình đã chuyển giao, những vi phạm hay tiêu cực mà mình đã chất vấn
với tình trạng không chuyển biến, không xử lý, thậm chí không hồi đáp.
Bao trùm lên tất cả là khoảng cách giữa trình độ phát triển của nước
ta với các nước láng giềng và khu vực sau 38 năm hòa bình, thống nhất.
Theo Báo cáo phát triển VN 2009 của Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình
quân đầu người của VN tụt hậu 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với
Thái Lan và 158 năm so với Singapore.
Điều làm bức bối hơn cả sự thua sút về kinh tế, là những dấu hiệu tụt
hậu về hiệu lực pháp luật, giáo dục và chăm sóc sức khỏe, khoa học và
công nghệ, nếp sống và đạo đức xã hội, và cả chiều cao của thế hệ trẻ.
Ngoài nỗi lo về sự giãn ra của những khoảng cách hiện hữu, có một
điều đáng lo hơn. Đó là: đã từng có những cơ hội rút ngắn cách biệt,
nhưng đã bị bỏ qua hay quá chậm trễ, và đang có những cơ hội mới xuất
hiện, nhưng liệu VN có quyết tâm đổi mới để nắm bắt. Giáo sư Keinichi
Ohno, người đã gần 18 năm tham gia tư vấn chính sách kinh tế cho VN,
cảnh báo: Nếu cải thiện các chính sách kinh tế, VN có thể bắt kịp Thái
Lan trong vòng 10 năm tới; nhưng nếu không, VN sẽ không bao giờ có thể
bắt kịp Thái Lan, chứ đừng nói đến Malaysia, vì khoảng cách phát triển
sẽ ngày càng xa.
Phải chăng, cái khoảng cách giữa niềm ước mong dân tộc Việt “sánh vai
với các cường quốc năm châu” của Hồ Chí Minh, cũng như giữa mục tiêu
“dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” với hiện tình đất
nước đang ngày càng xa hơn? Những đại biểu Quốc hội tâm huyết với dân,
với nước, dù được bầu theo nhiệm kỳ, chắc sẽ làm hết sức mình để xóa đi
cái khoảng cách phi-nhiệm-kỳ này.
LS Trương Trọng Nghĩa
Ảnh minh họa. Y.M
Đọc thêm:
08/07/2011
Chênh lệch giàu, nghèo tại Việt Nam lên tới 9,2 lần
TP - Công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, về kết quả
cuộc khảo sát mức sống hộ dân cư, cho thấy chênh lệch giàu nghèo tại VN
lên tới 9,2 lần.
Ảnh minh họa. Y.M
Trong khi thu nhập bình quân của người VN đạt 1,387
triệu đồng/người/tháng, thì nhóm nghèo nhất mỗi tháng một người chỉ thu
nhập 369.000 đồng, còn thu nhập trung bình của nhóm giàu nhất lên tới
trên 3,4 triệu đồng. Khoảng cách này đang giãn ra ngày càng rộng.
Không chỉ giữa đô thị và nông thôn, mà ngay trong các
vùng quê, chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn. Kết quả điều tra hộ gia
đình nông thôn năm 2010 tại 12 tỉnh trên cả nước của Viện Nghiên cứu
quản lý kinh tế trung ương, vừa công bố ngày 6-7, cũng cho thấy ngay
trong những gia đình nông thôn, giãn cách giàu nghèo ngày càng rộng.
Mức thu nhập bình quân thấp nhất là Quảng Nam với
trung bình chỉ 42 triệu đồng/hộ/năm, tiếp đến là Lai Châu 46 triệu
đồng/hộ/năm. Cao nhất là Long An với 114 triệu đồng/hộ/năm.
Trong nền kinh tế thị trường, chênh lệch giàu nghèo là
tất yếu. Nhưng sự chênh lệch giàu nghèo phản ánh sự bất bình đẳng trong
xã hội ngày càng tăng. Ở góc độ nào đó, đây là nguyên nhân khoét sâu mâu
thuẫn giữa các giai tầng trong xã hội.
Việt Nam được đánh giá là nước khá thành công trong
công cuộc xoá đói, giảm nghèo. Nhưng vì sao, khoảng cách giàu nghèo vẫn
ngày càng giãn ra?
Trong nhiều năm trước, các chuyên gia đã khuyến cáo
Việt Nam sẽ gặp phải một thách thức là sự xuất hiện của nhóm nghèo mới
do đất nông nghiệp bị thu hồi để chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác.
Vì thế, tác động xã hội của quá trình đô thị hoá phải được đánh giá cẩn
thận và cân nhắc đầy đủ trong quy hoạch đô thị, để có những chính sách
kèm theo và những giải pháp phù hợp.
Nhưng xem ra những cảnh báo ấy, chưa được quan tâm đúng
mức. Bởi thế, không ít dự án giải phóng dân lấy đất làm đô thị, khu
công nghiệp, sân golf...xong, người dân bị bỏ mặc. Ráo mồ hôi tiêu hết
tiền điền bù, họ thành nhóm nghèo nhất.
Nhật Anh
Theo Tiền Phong
No comments:
Post a Comment