Thứ bảy 19/10/2013 13:27
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2014 sẽ được cải
thiện nhờ các biện pháp tích cực của Chính phủ. Nguồn: internet
Kinh tế Việt Nam năm 2013: Đã cải thiện và ổn định hơn
Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á
- Thái Bình Dương vừa công bố ngày 7/10 của Ngân hàng Thế giới (WB)
khẳng định, nền kinh tế Việt Nam đang rơi vào thời kỳ tăng trưởng chậm
dài nhất kể từ khi bắt đầu đổi mới vào thập niên 1980 tới nay. Tăng
trưởng GDP giảm từ 6,4% năm 2010 xuống 6,2% năm 2011 và 5,2% năm 2012.
Gần 29.000 doanh nghiệp đã đóng cửa, thanh lý hoặc tạm dừng hoạt động
trong nửa đầu năm 2013, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2012 trong khi
con số đăng ký mới là 39.000 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Báo cáo này cũng nhận định
kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã cải thiện và tương đối ổn định. Lạm phát
giảm liên tục trong vòng 2 năm qua và dừng ở mức 7,3% vào tháng 7/2013
(lạm phát tính theo năm), cán cân thương mại thặng dư nhờ xuất khẩu tăng
nhanh, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng từ 1,6 tháng nhập khẩu vào
cuối năm 2011 lên 2,8 tháng trong quý I/2013. Thị trường chứng khoán
Việt Nam cũng tăng gần 18% năm 2012 và khoảng 19% trong 7 tháng đầu năm
2013 sau khi giảm liền hai năm 2010 và 2011. WB cho rằng ổn định vĩ mô
Việt Nam đạt được gần đây đã giúp Việt Nam vượt qua được những sóng gió,
bất ổn vừa qua của kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, theo HSBC, Việt Nam đang
trong quá trình hồi phục từ sau giai đoạn khó khăn khi nhu cầu thế giới
và trong nước chậm lại trong nửa đầu năm 2013. Tuy nhiên, hiện nay các
điều kiện trong nước đang ổn định, tăng trưởng tín dụng cũng đang tăng
nhẹ so với thời kỳ trì trệ nửa đầu năm 2013.
Báo cáo Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt
Nam của HSBC trong tháng 9 đã phản ánh quá trình hồi phục khi có mức
tăng từ 49,4 điểm trong tháng 8 lên 51,5 điểm trong tháng 9. Mặc dù vẫn
còn yếu do các điều kiện trong nước nhưng chỉ số PMI trong tháng 9 đã
cải thiện nhờ vào nhu cầu nước ngoài tăng. Theo báo cáo, điều đáng ghi
nhận là lạm phát toàn phần trong tháng 9 đang chậm lại còn 6,3% từ mức
7,5% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. HSBC hy vọng lạm phát toàn
phần sẽ tiếp tục chậm lại trong những tháng tới.
“Việt Nam dường như đang hồi phục một
cách chậm rãi. Bức tranh vĩ mô ổn định hơn. Dòng vốn FDI đang đổ vào
mạnh, tăng hơn 50% so với đầu năm. Mặc dù tăng trưởng chậm lại trong
những năm gần đây, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư lâu
dài, đặt biệt là từ các nhà đầu tư Đông Á. Samsung, LG Electronics và
Foxcom là một vài trong số những nhà sản xuất điện tử quan trọng đang
xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam,” báo cáo của HSBC nhận định.
Cùng quan điểm trên, Tổ chức xếp hạng
tín nhiệm hàng đầu thế giới (Fitch) cũng cho rằng kinh tế Việt Nam tiếp
tục ổn định, trụ vững trước sự bất ổn tài chính toàn cầu vốn ảnh hưởng
đến các nền kinh tế khác trong khu vực. Đây là một trong những đánh giá
mới nhất được hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đưa ra trong báo cáo về kinh
tế Việt Nam ngày 30/9. Nền kinh tế vĩ mô Việt Nam có được xu hướng ổn
định đó là do chính sách tài khóa và tiền tệ được quản lý theo cách hiệu
quả hơn.
Điều này được thể hiện rõ qua các chỉ số
như cán cân vãng lai thặng dư nhẹ và lạm phát được giữ ở mức một con
số. Trong khi đó, tăng trưởng GDP được cho là đã đi qua giai đoạn khó
khăn nhất với mức tăng 5,5% trong quý III, cao hơn mức 4,9% của 6 tháng
đầu năm 2013.
Tuy nhiên, Fitch cũng cho rằng triển
vọng kinh tế trong trung hạn và hồ sơ tín dụng của Việt Nam vẫn bị đè
nặng bởi tốc độ tái cấu trúc khu vực ngân hàng khá chậm và quá trình cổ
phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn chậm chạp.
Cũng về vấn đề này, Ngân hàng Phát triển
châu Á (ADB) vẫn giữ nguyên dự báo về tăng trưởng GDP của Việt Nam là
5,2% trong năm nay và cho rằng những tiến bộ dần dần đạt được trong quá
trình xử lý nợ xấu sẽ giúp cho tốc độ tăng trưởng đạt 5,5% trong năm
tới. Lạm phát được dự báo sẽ giảm xuống còn 6,5% trong năm nay do kết
quả hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay còn thấp, giá lương thực
giảm nhanh hơn dự kiến.
Nhiều tín hiệu tích cực cho năm 2014
Bà Christine Lagarde - Tổng Giám đốc Quỹ
tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, bà đánh giá cao quyết tâm và các chính
sách nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam trong năm
2013 vừa qua. Bà Lagarde tin tưởng, với chiến lược cải tổ tổng thể đang
được thực thi, Việt Nam sẽ vừa đạt được sự ổn định, vừa hy vọng tiếp tục
tăng trưởng cao hơn mức hơn 5% hiện nay, đồng thời khẳng định IMF sẽ
tiếp tục trợ giúp Việt Nam thông qua các báo cáo kinh tế hàng năm của
IMF và cung cấp sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật.
Ông Shinohara - Phó tổng giám đốc IMF
khuyến nghị Việt Nam không nên quá tập trung vào tăng trưởng kinh tế mà
cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và củng cố các
khoảng đệm chính sách để có thể đối phó và vượt qua những tác động tiêu
cực và khó khăn có thể xảy ra trong thời gian tới. IMF khuyến khích
Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế thị trường, cải cách các
khu vực kinh tế và nâng cao tính minh bạch nhằm tạo nền tảng vững chắc
cho phát triển bền vững.
Cũng về nhận định kinh tế Việt Nam năm
2014, trong báo cáo “Triển vọng Ngân hàng Việt Nam 2014” công bố ngày
23/9, Fitch cho rằng triển vọng vẫn là “ổn định”.
Theo cuộc khảo sát Chỉ số kinh doanh của
các doanh nghiệp châu Âu của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam
(EuroCham), xét về tương lai, triển vọng kinh tế Việt Nam được đánh giá
sẽ tiếp tục cải thiện với lượng phản hồi tích cực của các doanh nghiệp
châu Âu tăng lên 51% so với mức 43% của quý trước và 30% của quý trước
nữa.
Trong khi đó, ADB thì dự báo rằng tốc độ
tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2014 sẽ được cải thiện nhờ các biện
pháp tích cực của Chính phủ nhằm giải quyết các vấn đề của khu vực ngân
hàng, song các cuộc cải cách thường không ổn định và gặp nhiều thách
thức. Đặc biệt là vấn đề nợ xấu chỉ có thể được giải quyết khi có sự
phối hợp liên ngành và phải thành lập Ban chỉ đạo liên ngành. Giải quyết
được vấn đề nợ xấu sẽ tạo điều kiện hạ thấp lãi suất một cách ổn định,
mà không làm gia tăng lạm phát.
Ông Dominic Mellor, Kinh tế trưởng ADB
tại Việt Nam cho biết, tổ chức này dự báo trong năm 2014, GDP của Việt
Nam chỉ đạt 5,5% - mức này thấp hơn so với triển vọng mà ADB từng đưa ra
hồi đầu năm (5,6%).
Các tin đã đưa
- Kinh tế vĩ mô Việt Nam qua góc nhìn của các tổ chức quốc tế
- ODA: 42 tỷ USD chảy vào Việt Nam qua 2 thập kỷ
- Kích cầu vốn cho nông nghiệp nông thôn
- Thu hút vốn FDI “về đích” sớm
- 4 bài học kinh nghiệm để Việt Nam và các nhà tài trợ hợp tác tốt hơn
- Cần điều phối ODA mạnh mẽ hơn
- Góc khuất doanh nghiệp FDI
- Thận trọng trước lời mời ủy thác đầu tư
- Chống bệnh “vênh GDP”
- Định hướng thu hút và sử dụng vốn ODA
No comments:
Post a Comment