Wednesday, January 8, 2014

Bất lực hay bắt tay?



Hàng lưu niệm thủ công bày bán tại Sa Pa đều là hàng TQ


Nếu hỏi các nhà sản xuất trong nước họ sợ nhất điều gì lúc này, hầu hết đều có câu trả lời giống nhau: hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Từ chỗ chỉ bùng phát vào dịp cuối năm, hàng lậu mấy năm trở về đây "nóng" quanh năm.


Từ vài sản phẩm, hàng lậu -  hàng giả hiện nay không thiếu thứ gì. Từ phụ tùng ô tô, xe máy, điện thoại di động, vật liệu xây dựng, vải, quần áo may sẵn, rượu ngoại, dược phẩm... đến các mặt hàng cấm như pháo, vũ khí thô sơ, thuốc lá nguyên liệu... Đáng sợ hơn là thực phẩm bẩn, thực phẩm sử dụng chất bảo quản độc hại... được nhập lậu vào thị trường nội địa ngày càng nhiều. Sự bùng phát của hàng lậu, hàng nhái khiến các nhà sản xuất, nuôi trồng trong nước điêu đứng. Hàng lậu còn khiến từ người nông dân, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ tới những doanh nghiệp (DN) có thương hiệu đều trở nên điêu đứng. Đằng sau những xe chở gia cầm, gia súc, nội tạng hôi thối qua biên giới là những chuồng trại bị bỏ hoang của người nông dân trong nước do giá bán không đủ bù giá thành. Khi khoai tây, cà rốt, hành, tỏi... Trung Quốc tràn ngập các chợ thì ở nhiều vùng rau, người nông dân Việt Nam đang khóc ròng vì tình trạng rau không tiêu thụ được. Các cơ sở may mặc trong nước bị "bóp" chết...

Nhưng điều đáng sợ hơn là DN đang cảm thấy đơn độc trong cuộc chiến này. Một DN may mặc lớn yêu cầu tôi khi viết về hàng nhái đừng nêu tên công ty ông. Ông bảo, ông đã báo cơ quan chức năng, công ty cũng đã phối hợp với nhiều cấp, ngành nhưng bao năm nay vẫn không dẹp nổi nạn hàng giả. "Nói nhiều, người tiêu dùng sẽ tẩy chay luôn hàng của mình để khỏi mua nhầm hàng nhái" - ông chua chát. Đây cũng chính là nỗi niềm của rất nhiều nhà sản xuất trong nước. Câu chuyện quản lý thị trường bắt cả lô lớn tem chống giả cũng cho thấy, sự bất lực của chúng ta trước nạn hàng lậu, hàng nhái, hàng giả hiện nay.

Vấn đề đặt ra là tại sao chúng ta lại bất lực? Tại sao hàng lậu, hàng giả ngày càng nhiều đất sống trong khi có rất nhiều cơ quan cùng có nhiệm vụ phòng chống, kiểm soát, thanh tra... các mặt hàng này? Nhìn lại suốt thời gian qua, câu trả lời chung của hầu hết các cơ quan có thẩm quyền là "lực lượng quá mỏng" nên không đủ sức kiểm soát, hoặc "chế tài quá nhẹ" nên không đủ sức răn đe. Nhưng sự thật không hoàn toàn như vậy. Lực lượng dù mỏng cũng chẳng thể không nhìn thấy những đoàn xe chở hàng lậu rồng rắn đi qua biên giới; những cơ sở sản xuất hàng nhái, hàng giả không nằm ở hành tinh khác. Tất cả máy móc, con người, việc vận chuyển, giao dịch đều được thực hiện ngay trong các khu dân cư, lẽ nào chính quyền địa phương lại không thấy? Nên trong việc này, có thể khẳng định, ngoài việc buông lỏng còn có cả yếu tố bắt tay nhau giữa một số cơ quan quản lý với đối tượng buôn lậu, làm hàng nhái, giả. Có lẽ, đây mới là mấu chốt của sự bất lực chứ chẳng phải "lực lượng mỏng" hay “chế tài quá nhẹ”.

Trẻ em Việt Nam đang sống trong mối hiểm họa đồ chơi nhiễm độc từ Trung Quốc. Hàng triệu người dân ngày ngày phải đối mặt với thực phẩm bẩn, thực phẩm mất an toàn nhập lậu qua biên giới. Sản xuất trong nước ngày càng teo tóp vì cạnh tranh không nổi với các loại hàng này. Hỗ trợ DN, thiết thực hơn là cách các cơ quan có thẩm quyền thực sự bắt tay vào cuộc chiến chống hàng thẩm lậu qua biên giới, đẩy lùi tệ nạn hàng nhái, hàng giả đang hoành hành trên thị trường nội địa. Nếu cơ quan quản lý mà bất lực, DN biết trông cậy vào đâu?
Nguyên Hằng

 

Trong khi cơ quan chức năng lấy mẫu để kiểm tra thông tin giày dép Trung Quốc chứa chất lạ, gây ngứa, lở loét và tê chân đang gây hoang mang dư luận, trên các ngả đường, chợ đêm, trung tâm thương mại, hội chợ… giày dép Trung Quốc vẫn được bày bán tràn lan.

Giày dép Trung Quốc
Giày dép Trung Quốc giá rẻ đang thống lĩnh thị trường giày dép nội - Ảnh: Nguyên Nga
Lãi gấp 2 - 3 lần hàng Việt

Cô Nga, chủ doanh nghiệp (DN) tư nhân kinh doanh giày tại chợ Tân Định thẳng thừng: “Hằng ngày, 3 quầy hàng của tôi (1 tại chợ Tân Định và 2 shop trên đường Hai Bà Trưng, Q.3) khách vào toàn mua giày Trung Quốc (TQ), giày nội trưng vài đôi "nhỡ" khi khách hỏi. Còn thì họ chê giày nội kiểu quê, đơn điệu cho dù bền, chắc”. Ra sức quảng bá hàng TQ nhưng có một chi tiết bà Nga không đề cập là tiền lãi từ bán giày dép của TQ lời hơn nhiều so với giày dép nội. Chủ thương hiệu giày Pasteur, thương hiệu giày Việt đã có thời được giới tiêu dùng hạng trung ưa chuộng, từng tiết lộ rằng tiền lãi từ giày TQ nhập cao gấp 2 - 3 lần so với giày sản xuất trong nước.


Nếu tôi đầu tư thiết kế mẫu mã, sản xuất trong nước, trừ lương công nhân, điện nước, thuế má hết, lãi nhiều lắm được 5% trong khi để nhập hàng về, in dập tên thương hiệu lên rồi bán đã lời được 25 - 30% rồi


Ông P., chủ một DN sản xuất giày Việt


Ngày 7.1, khảo sát tình hình kinh doanh giày dép tại chợ sỉ Bình Tây (Q.6), chúng tôi phát hiện nhiều mẫu dép giống hoặc na ná mẫu dép TQ bị nghi ngờ chứa chất độc gây ngứa, lở loét, ung thư mà dư luận TQ và các tỉnh phía bắc nước ta đang xôn xao.

Tương tự, tại khu chợ kinh doanh giày dép Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông (Q.5), giày dép TQ tràn ngập nhưng các chủ sạp hàng ở đây từ chối bán lẻ. Giày dép đủ các loại, đủ màu sắc và giá rất rẻ, từ 10.000 - 100.000 đồng/đôi. Ước tính, phải có đến 90% dép ở đây là hàng TQ hoặc hàng không rõ nhãn mác. Các tiểu thương tại các chợ Bình Tây, An Đông, Tân Bình, Tân Định… đều tỏ ra ngơ ngác khi được hỏi về thông tin dép TQ nghi ngờ nhiễm chất độc.

Trước thông tin dép TQ nghi ngờ nhiễm độc, cô Ấn, chủ sạp số 863 chợ Tân Định, thẳng thắn: “Tôi mong có dép VN mẫu mã đẹp, nhẹ như dép TQ để lấy hàng bán. Tôi nói thật, nếu có dép VN sản xuất được như hàng TQ tôi lấy ngay, vì rất dễ bán”.

Không chỉ tung hoành tại các chợ, ngay tại các đại lý của các thương hiệu giày dép nội địa, tỷ lệ giày TQ vẫn chiếm đa số. Theo quan sát của chúng tôi, tại đại lý giày dép Biti’s của trẻ em trên đường Hai Bà Trưng (Q.3, TP.HCM) thì 2/3 là hàng TQ. Ngay trong thương xá Tax cũng vậy, lượng giày dép TQ chiếm đại đa số.

Nhưng độc hại

Rẻ, mẫu mã đẹp đi kèm với độc hại. Đó là điểm chung của rất nhiều mặt hàng TQ. Trên thế giới, chỉ điểm sơ trong vòng 5 năm trở lại đây, tại một số nước phát triển, có hàng loạt vụ thu hồi tiêu hủy giày có xuất xứ từ TQ. Năm 2009, Ý đã phải thu hồi 1,7 triệu đôi giày da TQ để điều tra và kết quả xét nghiệm cho thấy, những đôi giày xuất xứ TQ chứa chất có thể gây ung thư cho người sử dụng mà bắt đầu bằng hiện tượng gây lở loét. Trong hai năm 2011 và 2012, tại Mỹ đều có những vụ thu hồi và tiêu hủy hàng ngàn đôi giày trẻ em do nghi chứa chất độc hại gây ảnh hưởng da trẻ.

Tại VN, hàng độc hại TQ trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người và mới nhất là vụ giày dép TQ chứa chất lạ, gây ngứa, lở loét và tê chân. Thế nhưng cơn bão hàng TQ cũng đã đè bẹp không ít DN sản xuất giày trong nước. Cách đây 10 năm, xưởng chuyên gia công giày cho các thương hiệu giày nữ của ông Phạm Văn Phú trên đường Lạc Long Quân (Q.11) với 14 công nhân làm không kịp hàng. Nay liên lạc qua điện thoại, ông Phú cho biết đã giải tán công nhân và hiện ông mở cửa tiệm kinh doanh giày gần khu công nghiệp Tân Bình.

Ông P., chủ một DN sản xuất giày Việt được thành lập từ năm 1997, cho biết gần 5 năm qua, công ty của ông chỉ sản xuất giày nam, kiểu cổ điển mà số khách hàng tiềm năng vẫn còn chuộng. Với giày nữ, đa số nhập khẩu, dập mác của DN để lấy lời. Từ chối nêu tên lên báo, ông P. nói: “Nếu tôi đầu tư thiết kế mẫu mã, sản xuất trong nước, trừ lương công nhân, điện nước, thuế má hết, lãi nhiều lắm được 5% trong khi để nhập hàng về, in dập tên thương hiệu lên rồi bán đã lời được 25 - 30% rồi”.

Theo anh Nguyễn Hữu Phước, chủ cơ sở da giày Nguyên Phước (Bình Dương), doanh số của công ty giảm ít nhất 30% so với trước đây do giày dép TQ tràn ngập thị trường. Cơ sở giày Nguyên Phước của anh Phước chuyên sản xuất giày dép nữ, phân khúc bình dân, bán tại các chợ đầu mối như An Đông, Tân Bình (TP.HCM). “Tụi tui còn cầm cự vậy là giỏi lắm rồi. Nhiều cơ sở nhỏ “chết” như rạ", anh Phước nhận xét.

Thị trường nội địa lớn nhưng DN sản xuất nội địa lại đang “chết” ngay trên sân nhà vì không chống lại với hàng TQ.


Nguyên Nga - Hoàng Việt
>> Hàng Trung Quốc tràn ngập hội chợ hàng Việt
>> Vẫn bày bán tràn lan đồ chơi chứa chất cấm  
>> Tiếp tục kiểm nghiệm chất cấm trong đồ chơi  
>> Phát hiện chất độc trong búp bê đầu trái cây  
>> Trung Quốc tràn lan sách trẻ em nội dung bạo lực, khiêu dâm

 

Hàng Trung Quốc tràn ngập hội chợ hàng Việt


Không chỉ tràn ngập các chợ, trung tâm thương mại, giờ đây hàng Trung Quốc kém chất lượng còn chễm chệ tại các hội chợ hàng Việt.


Hàng Trung Quốc tràn ngập hội chợ hàng Việt
Hàng Trung Quốc tràn ngập hội chợ hàng Việt
Hội chợ "Kết nối cùng hàng Việt" nhưng tràn ngập hàng Trung Quốc giá rẻ - Ảnh: Nguyên Nga

Dạo quanh một số hội chợ mua sắm cuối năm do các quận tổ chức trên địa bàn TP.HCM, rất dễ nhận thấy hàng Trung Quốc (TQ) kém chất lượng đang tràn ngập những nơi này. Thậm chí, ở những hội chợ gắn với hai chữ “hàng Việt”, tỷ lệ hàng TQ trong đó cũng không vì thế mà giảm đi.
 
10.000 đồng/3 món

Tại Hội chợ “Tuần lễ mua sắm và hướng nghiệp” ở Q.Bình Thạnh vừa kết thúc hôm 3.1, hàng TQ chiếm lĩnh gần hết không gian. Đập vào mắt người tham quan mua sắm ngay từ quầy đầu tiên là chi chít những bảng giá được treo lơ lửng, dán trên tường quầy hàng cùng nội dung “10.000 đồng/3 món”. Những món hàng đó có thể là cây kẹp, sợi dây thun buộc tóc đủ màu sắc, lọ nước sơn móng tay, bàn chải đánh răng, gói tăm, dao cạo râu, móc chìa khóa, bông tắm, lược nhựa, gương, bông ngoáy tai, bút bi, bút chì… Tất cả đều được bán đồng giá 10.000 đồng/3 món, có đến 90% bao bì sản phẩm in chữ TQ.


Hội chợ ở đây chỉ mang tính chất phục vụ dân nghèo là chính, do đó hàng rẻ cũng để phục vụ người nghèo. Chúng tôi kiểm tra thì cũng chỉ nhắc nhở, đề nghị đơn vị tổ chức nhắc nhở cùng với mình chứ đình chỉ luôn cũng khó

Ông Nguyễn Văn Kháng, Phó chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận, Trưởng ban Chỉ đạo tổ chức hội chợ “Kết nối cùng hàng Việt và hỗ trợ việc làm vì sự phát triển thanh niên”


Đi sâu vào trong, khá nhiều món trong nhóm hàng kể trên được bày bán trên những tấm nhựa trải dưới đất với giá bán chỉ 2.000 đồng/món. Những quầy hàng áo quần, giày dép tại đây cũng đủ màu sắc và rất nhiều sản phẩm TQ, thậm chí hàng TQ được người bán giới thiệu là hàng Việt. Nhiều mặt hàng áo quần trẻ em lòe loẹt còn đính những “mác” giấy in toàn chữ TQ, giá bán 12.000 đồng/bộ. Đây là loại hàng đêm đêm được người bán rao ra rả tại chợ Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp) là “hàng nhà may lâu lâu mới có một lần”, lời rao y chang như tại hội chợ này.

Một nhân viên đang bán hàng quần tây, áo sơ mi nam tại hội chợ tên Tuấn cho biết: “Do tâm lý người tiêu dùng không còn chuộng hàng TQ nữa nên phải tìm cách mông má hàng hóa, dập “mác” Việt để bán cho dễ, thực tế là giày dép, áo quần nữ và trẻ em toàn hàng Tàu bán ở đây”. Những mặt hàng này cũng dễ dàng tìm thấy tại tuần lễ mua sắm vừa được tổ chức tại công viên 23.9, Q.1 vừa qua.

Đáng nói hơn, tại hội chợ “Kết nối cùng hàng Việt và hỗ trợ việc làm vì sự phát triển thanh niên” được tổ chức tại công viên Gia Định từ ngày 3 - 9.1.2014, những mặt hàng TQ kém chất lượng như thế cũng được bày bán nhan nhản, chiếm đa số tại các gian hàng phía mặt tiền hội chợ. Một lần nữa, các sản phẩm 10.000 đồng/3 món, giày dép nhựa trẻ em, cài kẹp đủ màu sắc, dây nịt, bóp ví... của TQ bình thường đã tràn ngập các chợ Bình Tây, An Đông, chợ đêm Bà Chiểu, chợ đêm Hạnh Thông Tây và có mặt tại các tuần lễ mua sắm như đã kể trên, nay lại ngập tràn hội chợ “kết nối hàng Việt” này. Bên cạnh doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh giày dép Việt đã có thương hiệu là Giày Hồng Thạnh có gian hàng trưng bày, còn lại là rất nhiều gian hàng bán giày dép TQ. Dù có vài đôi in câu “made in Vietnam” nhưng bìa lót trong những đôi giày dép này cũng toàn tiếng TQ.
 
Hội chợ “nhà nghèo” nên chấp nhập du di ?

Tình trạng nhiều hội chợ hàng Việt tràn ngập hàng TQ, thậm chí cả hàng TQ đội lốt hàng Việt đang trở nên phổ biến. Mới nhất là ngày 20.12.2013 vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh đã phát hiện một lô hàng áo ấm có xuất xứ từ TQ nhưng lại dán nhãn VN bán trong Hội chợ Thương mại Hà Tĩnh 2013. Tuy nhiên, những vụ việc này đều là phần nổi của tảng băng, quá mỏng so với thực tế.

Tại Q.Phú Nhuận, ông Trần Nguyễn Quang Hiển, Trưởng ban tổ chức hội chợ, nói ban tổ chức phối hợp với đơn vị tổ chức hội chợ đã kiểm tra kỹ doanh nghiệp tham gia hội chợ, sẽ phối hợp kiểm tra và đình chỉ gian hàng nếu phát hiện sai phạm trong việc đưa hàng “không thuần Việt” vào tham gia hội chợ “kết nối hàng Việt” này. Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Kháng, Phó chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận, Trưởng ban Chỉ đạo tổ chức hội chợ này, thì cho rằng việc có “hàng ngoại” (cụ thể đây là hàng giá rẻ từ TQ - NV) ở hội chợ nào cũng có.

“Hội chợ ở đây chỉ mang tính chất phục vụ dân nghèo là chính, do đó hàng rẻ cũng để phục vụ người nghèo. Chúng tôi kiểm tra thì cũng chỉ nhắc nhở, đề nghị đơn vị tổ chức nhắc nhở cùng với mình chứ đình chỉ luôn cũng khó”, ông Kháng nói.

Ông Kháng cũng thừa nhận có nhiều sản phẩm là quần áo, giày da “không phải hàng Việt” tham gia bày bán tại hội chợ và cho là “những con sâu làm rầu nồi canh” nhưng “không thể bắt họ kết thúc hợp đồng vì dù sao doanh nghiệp tham gia là phần nào giúp hỗ trợ quà cho thiếu nhi nghèo của quận” (!?)


“Ban tổ chức làm sai rồi”

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng: “Nếu lấy tên gọi là “hội chợ hàng tiêu dùng” thì có thể du di cho hàng ngoại tham gia, nhưng cũng trong chừng mực nào đó, vì chúng ta đang chủ trương kêu gọi người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Cuối năm cũng là cơ hội cho doanh nghiệp nội xả hàng, người dân có cơ hội tiếp cận hàng chất lượng và giá phải chăng. Nhưng nếu mang tên gọi là “kết nối hàng Việt” mà để lọt hàng ngoại, lại hàng dỏm nữa thì mang tiếng hàng Việt lắm. Nếu người tiêu dùng nghe tên là hội chợ hàng Việt, đến đó lại thấy toàn hàng ngoại, ở đây theo phản ánh là hàng TQ kém chất lượng, như vậy ban tổ chức làm sai rồi. Thứ nữa, khách đến tham quan mua hàng, nếu cứ theo đúng cái tên hội chợ đi, lại thấy như bị lừa. Như vậy là không ổn rồi”.


Bắt vụ vận chuyển 4 tấn bánh kẹo Trung Quốc
Chiều 6.1, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an TP.Hà Nội) cho biết đang phối hợp cùng Đội QLTT số 6 (Chi cục QLTT Hà Nội) tạm giữ chiếc xe tải cùng lô hàng bánh kẹo có nguồn gốc từ Trung Quốc để điều tra làm rõ. Khoảng 6 giờ sáng cùng ngày, tại địa bàn H.Gia Lâm (TP.Hà Nội), tổ công tác liên ngành phát hiện một xe tải vận chuyển 291 thùng bánh kẹo tổng cộng khoảng 4 tấn. Bao bì bánh kẹo này đều có mã vạch sản xuất từ Trung Quốc nhưng nhãn mác lại ghi xã La Phù, H.Hoài Đức, TP.Hà Nội. Lái xe tải là Nguyễn Hữu Ba khai nhận vận chuyển thuê 4 tấn bánh kẹo này từ tỉnh Lạng Sơn về TP.Hà Nội để tiêu thụ.

Hà An

Ký kết nhưng không thực hiện

Công ty TNHH thương mại quảng cáo Nam Ánh Quang là đơn vị thực hiện Hội chợ “Kết nối cùng hàng Việt và hỗ trợ việc làm vì sự phát triển thanh niên” tại Q.Phú Nhuận. Trả lời Thanh Niên, đại diện công ty cho biết giá thuê một gian hàng tại hội chợ này là 8 triệu đồng và có trên 170 gian hàng của trên 90 doanh nghiệp tham gia hội chợ. Trong đó, khoảng 20 doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận, còn lại khoảng trên 70 doanh nghiệp trên cả nước tham gia. Trong bản “Kế hoạch liên tịch” được ký kết giữa hai đơn vị chủ trì và thực hiện có ghi rõ và được tô đậm: “Đảm bảo các doanh nghiệp tham gia các mặt hàng là hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, xuất xứ, có chứng nhận của các đơn vị chức năng”. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra tại hội chợ này, nội dung ký kết coi như không thực hiện được.


Nguyên Nga







Với kim ngạch 23,7 tỉ USD, Trung Quốc là thị trường nhập siêu lớn nhất của VN năm 2013.  Điều đáng sợ là, với chính sách giá tận diệt, rất nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã và đang triệt tiêu nhiều doanh nghiệp nội địa.


Điêu đứng vì hàng 'dỏm' Trung Quốc
Hàng lưu niệm thủ công bày bán tại Sa Pa đều là hàng TQ
Điêu đứng vì hàng 'dỏm' Trung Quốc 1

Tăm tre TQ đội lốt doanh nghiệp Việt tràn lan trên thị trường VN - Ảnh: Ng.Nga


Mua tre, bán tăm


Nghịch lý của chúng ta là xuất hàng ngàn tấn tre để đổi nhập khẩu tăm đũa tre từ TQ mỗi năm. Trung bình, để có 1 kg tăm, phải tốn 6,5 kg tre tươi

Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Cơ sở sản xuất tăm tre Bình Minh


 Cách đây 3 năm, lượng tăm nhập khẩu vào VN qua cảng Cát Lái là trên 1.100 tấn/năm, trong đó chủ yếu tăm xuất xứ từ Trung Quốc (TQ). Thời điểm đó, TQ đang thu mua tre nguyên liệu từ VN với giá rẻ bèo và bán tăm ồ ạt sang VN cũng với giá, mà theo ông Nguyễn Văn Hà  -  Giám đốc Cơ sở sản xuất tăm tre Bình Minh, chỉ bằng một nửa so với giá tăm trong nước. Thời điểm năm 2008 - 2010, giá tăm nguyên liệu mua ở VN là 700 - 800 đồng/kg, đến nay tăng gấp 4 lần là 3.200 đồng/kg. Thống kê riêng mặt hàng tăm tre nhập từ TQ hiện nay không chính xác bởi đã có thêm khá nhiều mặt hàng "cùng họ tre", cây truyền thống của VN cũng được nhiều doanh nghiệp (DN) nhập vào thị trường nội địa. Thông tin từ Cục Hải quan TP.HCM cho biết có nhiều DN nhập khẩu nhiều mặt hàng đồ dùng nhà bếp (trong đó có cả hàng tăm đũa xiên tre) vào chung một container. “Ước tính khoảng vài chục ngàn tấn cả tăm, xiên và đũa vào VN trong năm qua”, một cán bộ hải quan TP.HCM cho biết.

Theo ông Hà, thời hoàng kim, khi chưa có cơn bão tăm TQ đổ vào VN, tăm Bình Minh từng chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Có tháng DN này xuất hàng tăm và xiên từ 1 - 2 containner (18 - 20 tấn/cont.) và thị trường trong nước tiêu thụ lên cả chục ngàn tấn. Từ 4 xưởng sản xuất với 274 công nhân nay Bình Minh chỉ duy trì 1 xưởng với 35 công nhân làm việc. Năm 2013, Bình Minh đã không xuất được 1 cái tăm do không có nguồn nguyên liệu tre đủ chất lượng để làm hàng. “Trong năm qua, chúng tôi không xuất đi 1 cái tăm nào cả mà nguyên nhân chính là từ nguyên liệu không đảm bảo. Đã có những khách hàng đến từ Malaysia, Ấn Độ, Đông Âu đặt hàng nhưng tôi phải từ chối. Bởi nếu cứ liều làm hàng bằng nguyên liệu tre non chưa đủ tuổi, hàng xuất đi không bị trả lại thì khi họ dùng, phát hiện kém chất lượng, mình cũng mất uy tín, mất luôn khách hàng”, ông Hà chia sẻ. Vị doanh nhân này cay đắng nói thêm: “Nghịch lý của chúng ta là xuất hàng ngàn tấn tre để đổi nhập khẩu tăm đũa tre từ TQ mỗi năm. Trung bình, để có 1 kg tăm, phải tốn 6,5 kg tre tươi”.

Tham khảo một số DN chuyên khai thác nguyên liệu cây tre để làm hàng mây tre xuất khẩu được biết, với cơ chế quản lý lỏng lẻo, tình trạng xuất khẩu tre nguyên liệu ồ ạt từ VN sang TQ khiến nay nguồn nguyên liệu tre VN cạn kiệt khủng khiếp. Đến nay, DN thu mua tre để làm hàng trong nước ổn định đã khó khăn.

5 năm, giá không đổi


Rẻ để diệt

Theo các chuyên gia, 4 lý do để TQ duy trì và sống khỏe với chính sách giá rẻ đó là: quy mô sản xuất lớn; lực lượng lao động giá rẻ hùng hậu; chính phủ có chính sách hoàn thế giá trị gia tăng cho các DN xuất khẩu đi từ TQ lên đến 13 - 17%; tỷ giá nhân dân tệ được duy trì ở mức thấp. Bên cạnh đó, một lý do để TQ có chính sách bán giá thấp hơn giá sản xuất là nhằm chinh phục hoặc triệt tiêu một thị trường nếu cần. Chi phí cho “chiến lược” này của DN đôi khi lại nhận được sự hậu thuẫn của chính phủ TQ.


Giá rẻ là vũ khí lớn nhất của hàng hóa TQ nhưng rất nhiều người, nhiều DN vẫn kinh ngạc khi có rất nhiều mặt hàng 5 -  7 năm vẫn giữ nguyên một mức giá. Bà Sáu Phương, kinh doanh các sản phẩm giấy (giấy gói quà, bao thư, bao lì xì) trên đường Châu Văn Liêm (Q.6, TP.HCM), thông tin: “Cách đây 5 năm tui bán bao lì xì loại in hình 2 em bé đã 4.000 - 5.000 đồng/bịch mà nay cũng bán giá đó thôi. Trong khi hàng VN mẫu mã kém hơn hẳn, giá đã gấp 2 - 3 lần rồi. Nên hàng Việt khó bán lắm”. Đáng nói là, rẻ nhưng họ vẫn lời lớn. Theo giá khai báo nhập khẩu riêng mặt hàng bao lì xì tại hải quan TP.HCM khoảng 19.000 đồng/kg. Nhưng giá bán sỉ ra thị trường cao gấp 20 lần như thế, khoảng 350.000 - 360.000 đồng/kg, bà Phương cho biết.

Ông Danny Đặng, một doanh nhân Việt kiều từng xuất khẩu nước mắm, tương ớt, bún khô, tôm cá khô sang Mỹ nhưng 3 năm trở lại đây đã chọn nhập khẩu từ TQ về bán tại VN. “Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ khiến mọi đơn hàng thưa thớt và rồi ngưng hẳn. Để nuôi công ty và nhân viên, tôi phải chọn thêm giải pháp bán hàng TQ. Và không ngờ, giải pháp đó đã cứu chúng tôi 3 năm qua”, ông Danny nói. Hiện công ty của ông Danny Đặng chuyên nhập và cung cấp các đồ dùng gia dụng trong nhà bếp (có xuất xứ từ Đài Loan, TQ). Thế là từ miếng rửa chén, rế inox, móc dán treo tường, bông tắm, bàn chà phòng tắm, miếng nhấc nồi, dao cắt tỉa, vợt diệt ruồi muỗi... có xuất xứ từ TQ đã được tiêu thụ rất chạy ở VN vì giá rẻ. "Làm thế này, đôi khi thấy thương cho DN Việt, nhưng nếu mua hàng Việt với giá cao, bán không có lãi, nhà kinh doanh cũng chết. Đành nhắm mắt mà làm!”, ông Danny Đặng thú thật.

Đó là lý do, nhiều mặt hàng TQ không chỉ chi phối thị trường VN mà khiến một ngành sản xuất truyền thống Việt cũng bị mai một, thu hẹp đáng báo động.


Nguyên Nga

 

No comments:

Post a Comment