Cập nhật lúc 09:00, 19/01/2014
(Doanh nghiệp)
- Ngày 17/1, tại hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài nguyên - môi trường
(TNMT) với 120 doanh nghiệp khai thác khoáng sản phía Nam diễn ra tại Đà
Nẵng, ông Nguyễn Văn Thuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và
khoáng sản (Bộ TNMT) - khẳng định nhiều giấy phép khai khoáng đã được
bán cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Doanh nghiệp Việt đứng tên cho chủ Trung Quốc "đào" khoáng sản
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn
Thuấn cho rằng những năm về trước việc khai thác khoáng sản nở rộ như
hoa. Thống kê của năm 2010 cho thấy cả nước có đến 5.000 giấy phép khai
khoáng được cấp cho hơn 2.000 doanh nghiệp.
Thế nhưng rất nhiều doanh nghiệp sau khi có giấy phép khai khoáng đã tìm cách bán lại cho đối tác khác.
“Đơn cử như ở phía Bắc có đến hơn 60%
mỏ có dấu vết của các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc. Người Trung Quốc
gần như đứng đằng sau điều hành việc khai khoáng của chúng ta” - báo
Tuổi trẻ dẫn lời ông Thuấn khẳng định.
Ông Thuấn cho rằng trong khi cán bộ
quản lý ở các địa phương vừa thiếu vừa yếu thì các doanh nghiệp khai
khoáng lại đào bới loạn xạ... khiến việc khai khoáng trong suốt một thời
gian dài không kiểm soát được.
“Nếu tiếp tục đào bới như vậy sẽ là
một thảm họa cho đất nước. Tài nguyên nếu chưa khai thác thì để lại đó
tương lai con em chúng ta tiếp tục khai thác. Còn nói nghị định 203 (quy
định về mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản) ra đời là “thuế
chồng thuế” thì hoàn toàn không đúng. Cách tính tiền cấp quyền khai thác
khoáng sản là nhằm ngăn chặn tình trạng bán giấy phép, loại bỏ các
doanh nghiệp khai thác nhỏ lẻ...” - ông Thuấn nói.
Một cách khai thác vàng tại mỏ vàng Phước Sơn (Quảng Nam) thuộc Công ty Besra VN quản lý |
Than, khoáng sản xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc?
Trước thực tế nhiều loại khoáng sản
của Việt Nam, đặc biệt là than và bauxite đều có thị trường xuất khẩu
chính là Trung Quốc, trả lời Đất Việt, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng
Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương cho rằng:
"Về alumina tôi được biết hiện nay
Trung Quốc không phải là khách hàng chính mà chỉ là chúng ta ưu tiên cho
họ vì trả giá cao. Hiện có rất nhiều khách hàng nước ngoài ở Trung
Đông, Hàn Quốc đều mong muốn mua alumina của Việt Nam nhưng không có để
bán".
Ông Quân cũng cho biết: "Trung Quốc
đúng là hiện nay đang nhập khẩu than của Việt Nam nhiều nhất nhưng như
tôi đã nói chúng ta bán theo phương thức đấu giá.
Theo tôi được biết, ngoài Trung Quốc
ra cũng có một số khách hàng rất muốn mua than của mình. Ví dụ, Nhật
Bản, Hàn Quốc và kể cả Châu Âu. Theo báo cáo của Tập đoàn hiện nay,
khách hàng đăng ký mua trong năm tới vượt sản lượng của Vinacomin. Chính
vì vậy tôi cho rằng rủi ro khách hàng là khó xảy ra vì nhu cầu là có
thực".
Không chỉ riêng than là mặt hàng mà
Trung Quốc nhập khẩu nhiều, mới đây Hiệp hội Thép Việt Nam bằng thu thập
của mình có báo cáo Chính phủ và Bộ Công thương về việc xuất lậu quặng
sắt sang Trung Quốc, đặc biệt có sự chênh lệch về số lượng và giá quặng
sắt của Hải quan Trung Quốc đều cao gấp đôi so với thống kê của Hải quan
VN.
TS. Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban
Nhôm - Titan, Tổng Công ty Khoáng sản VN (Tập đoàn Công nghiệp Than -
Khoáng sản VN - Vinacomin) cho biết: "Việc xuất lậu quặng sắt đúng là
vấn đề trầm trọng, gây nhức nhối, tuy không có số liệu cụ thể nhưng chắc
chắn có.
Tôi dám chắc con số của Hải quan Việt
Nam một đằng còn Hải quan Trung Quốc một nẻo là chuyện tất nhiên. Tình
trạng xuất lậu xảy ra qua nhiều tuyến khác nhau, không chỉ có đường bộ
còn đường sông, xuất lậu qua các tuyến đường tiểu ngạch rất nhiều.
Trong ngành luyện kim màu thuộc chuyên
môn của tôi, cũng diễn ra tình trạng tương tự. Tôi từng nghe những
người làm việc ở các mỏ nói là nhiều trường hợp các đối tượng xuất lậu
chở ra phao số 0 hoặc cho đi đường sông ra biển rồi sang Trung Quốc.
Với quặng sắt, hôm tôi lên Cao Bằng,
các đồng nghiệp và một số lái xe tải nói lại là trước họ lái xe chở
quặng qua các cửa khẩu, sau đó chủ trương thay đổi, việc xuất lậu đường
bộ khó khăn, thì các đối tượng xuất lậu cho quặng đi đường sông ra biển
rồi sang Trung Quốc".
Tiến sĩ Ban cho biết thêm: "Việc xuất
lậu các loại quặng với số lượng lớn sang TQ và với cách thức khai khống
số lượng và giá cả để trốn thuế xảy ra thường xuyên, từ ngày xưa, trước
đổi mới là bắt đầu có nhưng chưa nhiều, nhưng tới lúc bắt đầu mở cửa đã
bùng nổ (giai đoạn những năm cuối 80 của thế kỷ trước), lúc bấy giờ chủ
yếu xuất lậu những quặng có giá trị như thiếc, kẽm, chì, đồng, titan,
mangan…"
Huyền Hồ
No comments:
Post a Comment