Theo trang tin Stratfor (Mỹ), việc hoãn xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 công suất 4.400 MW có thể làm suy yếu an ninh năng lượng của Việt Nam nhưng là hành động đúng đắn để đảm bảo an toàn
Sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi (Nhật Bản) sau thảm họa sóng thần. |
Đề phòng một thảm kịch như Fukushima
Trong bài viết có tiêu đề “Sự trì hoãn xây dựng nhà máy điện hạt nhân
sẽ làm gia tăng lo ngại về an ninh năng lượng của Việt Nam” xuất bản
hồi cuối tháng 1/2014, mạng tin tình báo Stratfor của Mỹ cho biết: “Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu
tiên 4.400 MW Ninh Thuận 1, dự kiến sẽ bắt đầu trong năm nay, sẽ bị hoãn
đến năm 2020 do lo ngại về an toàn và hiệu quả. Thủ tướng Dũng cũng đã
yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) sớm xây dựng nhà máy
điện khí 5.000 MW để bù đắp lượng điện thiếu hụt từ việc lùi thời gian
xây nhà máy điện hạt nhân”.
Theo Stratfor, sự chậm trễ này có thể làm suy yếu an ninh năng lượng
của Việt Nam. Trước mắt, Việt Nam sẽ phải tăng nhập khẩu nguồn thủy
điện, than và khí tự nhiên hóa lỏng để bù đắp cho phần cung cấp từ điện
hạt nhân. Điều này sẽ tạo áp lực lên khả năng của Việt Nam trong việc
duy trì cán cân thương mại và bảo đảm an toàn chuỗi cung ứng năng lượng
bằng đường hàng hải. Tuy nhiên, Hà Nội hy vọng việc kéo dài thời gian sẽ
giúp Việt Nam chuẩn bị tốt hơn cho kế hoạch theo đuổi năng lượng hạt
nhân trong dài hạn.
Bình luận về hành động này, mạng tin Stratfor đã trích dẫn lời Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng chính yêu cầu về hiệu quả và an toàn đã
dẫn đến quyết định trì trên. “Ông Thủ tướng Việt Nam cũng nhấn mạnh Hà
Nội sẽ không đẩy nhanh tiến độ dự án nếu không đạt các tiêu chuẩn cần
thiết”, Stratfor viết. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
Nguyễn Quân cũng nói thêm rằng việc khởi công xây dựng nhà máy có thể bị
trì hoãn cho tới năm 2016 hoặc 2017. Trước đó, Hà Nội tuyên bố bắt đầu
xây dựng nhà máy vào năm 2014 để nhà máy bắt đầu hoạt động vào đầu những
năm 2020.
Cũng theo Stratfor, Việt Nam trước đó đã trì hoãn dự án điện hạt nhân
này và “sự trì hoãn là vấn đề phổ biến đối với những quốc gia mới tiếp
cận năng lượng hạt nhân”.
Nghi ngờ về khả năng của Việt Nam trong đảm bảo an toàn năng lượng
hạt nhân đã gia tăng thời gian gần đây. Tuần trước, Giám đốc Cơ quan
Năng lượng nguyên tử quốc tế Yukiya Amano đã gặp gỡ với giới chức tỉnh
Ninh Thuận và ban quản lý dự án và khuyên Việt Nam không nên vội vã với
dự án này. Đây là động thái mới nhất trong bối cảnh lo ngại trong nước
và quốc tế gia tăng về việc Việt Nam thiếu kỹ năng, công nghệ và cơ sở
hạ tầng để vận hành một nhà máy hạt nhân an toàn.
Nga, quốc gia có Tập đoàn điện hạt nhân Rosatom trúng thầu xây dựng
nhà máy, đang tìm cách giải quyết những lo lắng này nhằm hỗ trợ xuất
khẩu hạ tầng và dịch vụ điện hạt nhân của mình. Các nhà khoa học Nga
đang đào tạo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, kỹ sư và lực lượng quản
lý để đảm bảo Việt Nam có đầy đủ kỹ năng cần thiết vận hành một nhà máy
hạt nhân dân sự, trong đó có cả bài học về cách thức phản ứng với một
cuộc khủng hoảng như sự kiện Fukushima Daiichi tại Nhật Bản. Nga cũng có
kế hoạch mở một trung tâm đào tạo khoa học hạt nhân ở Việt Nam.
An toàn hạt nhân là mối quan tâm hàng đầu đối với giới lãnh đạo Việt
Nam cũng như cộng đồng quốc tế. Hà Nội cũng đã nhận thức được khó khăn
cực lớn sẽ phải đối mặt trong việc quản lý bất kỳ cuộc khủng hoảng hạt
nhân nào - thậm chí một sự kiện nhỏ hơn nhiều so Fukushima - vì nguồn
lực và khả năng kém hơn nhiều so với Nhật Bản.
Giải pháp thay thế
Với kế hoạch chậm nhưng chắc về điện hạt nhân, Việt Nam phải tìm kiếm
các nguồn năng lượng khác để đáp ứng nhu cầu điện tới năm 2020 và xa
hơn. Hiện nay, phần lớn nguồn điện Việt Nam được tạo ra từ khí tự nhiên,
thủy điện và than, với lượng điện chiếm 52% tiêu thụ. Nhà máy điện hạt
nhân của Việt Nam từng dự kiến sẽ giúp tăng nguồn điện hạt nhân thêm 2%
vào năm 2020 và 10% vào năm 2030, trong khi giảm thị phần điện bằng khí
đốt từ 41% xuống còn 14% vào năm 2030 và thị phần thuỷ điện từ 28% xuống
còn 9%. Sản lượng điện từ than đá lại dự kiến tăng từ 20% lên 58%. Kế
hoạch của Việt Nam nhằm khai thác than tại chỗ, chi phí thấp để sản xuất
điện trong tương lai nhằm giảm nhập khẩu năng lượng từ 6% hiện nay
xuống còn 4% vào năm 2030.
Các nguồn cung năng lượng của Việt Nam: Gió 0,1%; Thủy điện 28,3%; Khí đốt 41,3%; Dầu 4,5%; Than 19,8% Nhập khẩu 5,9% (nguồn: Stratfor) |
Nhu cầu điện năng của Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng (tốc độ tăng
trung bình hàng năm đã vượt 12% trong thập kỷ qua) và bất kỳ sự trì
hoãn nào thêm đối với điện hạt nhân sẽ càng buộc Việt Nam phải nhập khẩu
năng lượng nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng. Hà Nội đã
nhập khẩu thủy điện từ Lào và Trung Quốc, một sự phụ thuộc chiến lược mà
Việt Nam muốn hạn chế tối đa. Hà Nội cũng đang nỗ lực tăng cường sản
xuất điện từ than nhằm tăng công suất phát điện từ 6.000 MW lên 36.000
MW vào năm 2020. Trữ lượng than cũng đã được phát triển, dù chủ yếu tập
trung ở phía Bắc, trái ngược với phía Nam, nơi có nhu cầu điện tăng
nhanh. Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu than trong nửa cuối của thập
kỷ này để đáp ứng nhu cầu điện than của mình.
Ngoài than, Việt Nam cũng cần phải tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên.
Yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng PetroVietnam phải bù đắp cho
sự chậm trễ của nhà máy điện hạt nhân bằng một nhà máy điện khí tự nhiên
mới với nguồn tiêu thụ khoảng 5-7 tỷ m3 khí mỗi năm. Chi phí xây dựng
một nhà máy điện chạy bằng khí tự nhiên chỉ bằng một nửa so với nhà máy
hạt nhân. Chi phí cụ thể trong trường hợp này dự kiến sẽ dao động trong
khoảng 8-10 tỷ USD. Các nhà máy khí tự nhiên có thể được xây dựng một
cách nhanh chóng và với bí quyết công nghệ đã có sẵn trong nước. Tuy
nhiên, nhu cầu ngày càng tăng của Việt Nam đối với khí tự nhiên đã gây
ra sự thiếu hụt nguồn cung. Việc thiếu khí đốt tự nhiên sẽ ảnh hưởng
không chỉ đến mạng lưới điện mà tới lĩnh vực tiêu dùng và phân bón. Việc
tìm ra một giải pháp cho vấn đề này sẽ đòi hỏi lượng đầu tư đáng kể để
khai thác khí đốt ngoài khơi và cơ sở hạ tầng liên quan để đưa khí tự
nhiên vào đất liền. Ngoài ra, cần nguồn đầu tư trong tương lai để xây
dựng các nhà máy nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng.
Tuy nhiên, ngay cả khi khai thác tối đa, Việt Nam vẫn khoảng 6 tỷ m3
khí tự nhiên vào năm 2020 và 16 tỷ m3 vào năm 2025. Đó là lý do tại sao
Hà Nội đã đề xuất xây dựng một số nhà máy phục vụ nhập khẩu khí hóa lỏng
và đã ký một thỏa thuận nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng từ Nga. Dự án
đầu tiên Cái Mép - Thị Vải, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm
2016 với công suất hàng năm 1-2 tỷ m3. Dự án thứ hai, Mỹ Sơn, sẽ hoạt
động vào năm 2018 với công suất ban đầu 2,3 tỷ m3, mở rộng đến 8 tỷ m3
vào đầu những năm 2020. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là chưa có dự án nào
bắt đầu được khởi công sau khi bị trì hoãn nhiều lần.
Ý nghĩa chiến lược
Nhu cầu phải tăng nhập khẩu năng lượng đã làm nổi bật những lợi thế
chiến lược mà Việt Nam hy vọng cuối cùng có thể có được từ chương trình
hạt nhân dân sự. Trong khi năng lượng hạt nhân sẽ tăng cường nguồn năng
lượng tự cung tự cấp cho Việt Nam, thu hút đầu tư từ Nga và Nhật Bản
nhằm bảo đảm sự can dự lợi ích sâu sắc của các cường quốc này vào Việt
Nam. Sự chậm trễ này sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch tăng xuất khẩu công
nghệ hạt nhân của Nga và có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đối với các nhà
sản xuất nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản, quốc gia hy vọng sẽ xây dựng
Ninh Thuận 2 sau khi hoàn thành nhà máy đầu tiên.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ theo dõi
tình hình trong trường hợp sự chậm trễ vượt ngoài tầm dự án của Nga và
có thể ảnh hưởng đến dự án 9,6 tỷ USD của Nhật Bản tại Vĩnh Hải, dự án
dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2020. Sự chậm trễ trong việc phát
triển các nhà máy điện hạt nhân do nước ngoài đầu tư của Việt Nam cũng
sẽ làm chậm chiến lược ràng buộc lợi ích kinh tế của các nước này đối
với an ninh năng lượng và ổn định kinh tế của Việt Nam.
An ninh nguồn cung năng lượng và nhu cầu hút đầu tư nước ngoài sẽ
tiếp tục thúc đẩy kế hoạch khởi động một chương trình hạt nhân trong dài
hạn và thiết lập nền tảng cho việc xây dựng thêm nhiều các lò phản ứng
hạt nhân và tăng nguồn cung cấp điện từ trong nước. Tuy nhiên, hiện nay
bất kỳ kế hoạch điện hạt nhân dường như đều có khả năng bị trì hoãn.
Điều này đặt ra vấn đề về việc Hà Nội phải tập trung đáp ứng nhu cầu
năng lượng ngay lập tức càng nhanh, càng rẻ thì càng tốt, chờ thêm thời
gian để xây dựng các nền tảng thể chế cho một chương trình hạt nhân
trong tương lai. Bên cạnh đó, việc trì hoãn cũng cho thấy nhận thức của
giới lãnh đạo Việt Nam về sự cần thiết phải điều chỉnh những tham vọng
năng lượng và nhìn thấy những thách thức nghiêm trọng trong việc quản lý
sản xuất năng lượng trong nước, cán cân thương mại và an ninh hàng hải.
Hoãn điện hạt nhân, chưa lo thiếu điện |
||
Văn Nam | ||
|
Ảnh: Kinh Luân. |
(TBKTSG) - Từ nay đến năm 2020 lần lượt có thêm trên dưới 10 nhà máy
nhiệt điện với công suất xấp xỉ 10.000 MW được đưa vào vận hành và miền
Nam sẽ không quá lo chuyện thiếu điện, dù có hoãn khởi công nhà máy điện
hạt nhân đến năm 2020.
Kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có thể sẽ bị chậm
lại sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết tại lễ tổng kết năm của
tập đoàn Dầu khí (PVN) ngày 15-1 vừa qua là việc khởi công xây dựng nhà
máy điện nguyên tử Ninh Thuận có thể sẽ phải hoãn đến năm 2020 (Tuổi
Trẻ, 16-1-2014).
Trước đó, theo Quyết định 906/2010 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm
2030 Việt Nam sẽ xây dựng 13 tổ máy điện hạt nhân. Giai đoạn đầu, đến
năm 2015, sẽ hoàn thành việc phê duyệt dự án đầu tư, địa điểm, tổ chức
lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị chuyên gia kỹ thuật nòng cốt để khởi công
xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Dự kiến đến năm 2020, sẽ hoàn
thành việc xây dựng và đưa tổ máy đầu tiên của nhà máy điện hạt nhân
Ninh Thuận 1 vào vận hành với công suất 1.000 MW.
Đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân là khoảng 8.000
MW và sẽ tăng lên 15.000-16.000 MW vào năm 2030 (chiếm khoảng 10% tổng
công suất nguồn điện).
Lý giải về nguyên nhân có thể hoãn khởi công nhà máy điện nguyên tử
Ninh Thuận đến năm 2020 (thay vì năm 2014 theo kế hoạch), ông Trần Viết
Ngãi, Chủ tịch Hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng hiện dự án này còn một
số vấn đề quan trọng chưa gút được.
Cụ thể là phương án tài chính vẫn đang được bàn thảo, chưa ngã ngũ giữa Việt Nam và các nước cho vay. Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vay vốn của Nga và phía Nga đồng ý cho Việt Nam đối ứng 20% vốn của dự án, nghĩa là Việt Nam chỉ bỏ ra 20%, còn lại vay từ Nga.
Trong khi đó, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 vay vốn của Nhật Bản và phía Nhật lại yêu cầu Việt Nam đối ứng 30% vốn.
Từ nay đến năm 2020 miền Nam sẽ được đảm bảo đủ điện,
thậm chí còn dư 20% nguồn dự phòng, nên không quá lo ngại về nguồn cung
điện và cũng chưa cần đến điện nguyên tử. |
Theo ông Ngãi được biết, các hạng mục chính như công nghệ, thiết bị,
loại lò phản ứng nào sẽ được lựa chọn để tính giá trị tổng dự toán, làm
cơ sở xác định nguồn vốn vay vẫn còn đang được các bên thảo luận. Đối
với điện nguyên tử, yếu tố quan trọng hàng đầu chính là lựa chọn công
nghệ, do đó việc cần thêm thời gian để Việt Nam có thể lựa chọn công
nghệ tối ưu cũng là điều dễ hiểu.
Xét về tính cấp thiết của điện nguyên tử tại Việt Nam, ông Ngãi nhận
định thêm từ nay đến năm 2020 sẽ có một số dự án điện quan trọng có thể
đủ cấp điện cho miền Nam gồm Nhiệt điện Long Phú 1, Long Phú 2, Sông
Hậu, Duyên Hải 1, Duyên Hải 2, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh
Tân 2, Vĩnh Tân 4... với công suất tăng thêm gần 10.000 MW.
Như vậy, từ nay đến năm 2020 miền Nam sẽ được đảm bảo đủ điện, thậm chí
còn dư 20% nguồn dự phòng, nên không quá lo ngại về nguồn cung điện và
cũng chưa cần đến điện nguyên tử.
Cũng tại buổi tổng kết năm 2013 của PVN, Thủ tướng Chính phủ đã giao
PVN đảm bảo khí để làm cụm nhà máy điện 5.000 MW, thay thế cho 4.000 MW
điện nguyên tử. Tuy nhiên, theo các chuyên gia năng lượng, thời gian tới
nguồn điện có thể bổ sung vào nguồn cung lưới điện quốc gia chủ yếu là
nhiệt điện, còn nguồn điện từ khí sẽ khó đảm bảo bởi hiện tại các lô khí
đang có ở khu vực phía Nam đã được khai thác tối đa mới có thể đáp ứng
khoảng 40% sản lượng điện cả nước.
Hiện khu vực phía Nam đang có các nguồn khí chính từ mỏ PM3 Cà Mau, Nam
Côn Sơn, Bạch Hổ khu vực Đông Nam bộ với tổng sản lượng khai thác
khoảng 20 triệu mét khối/ngày. Nguồn khí này đang được EVN huy động tối
đa để phát điện. Vì vậy, để bổ sung thêm 5.000 MW công suất điện khí để
bù 4.000 MW điện hạt nhân hiện chỉ có thể khai thác nguồn khí khu vực
miền Trung.
Ông Nguyễn Quốc Thập, Phó tổng giám đốc PVN, cho biết cuối tuần qua là
hiện tại PVN đang thăm dò, xác định trữ lượng tại lô 118 - mỏ Cá Voi
Xanh khu vực miền Trung để lấy nguồn khí cung cấp cho cụm nhiệt điện
khí. Dự kiến cụm khí - điện miền Trung sẽ được xây dựng và đưa vào vận
hành trong giai đoạn 2020-2022.
Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua vào tháng 11-2009. Theo đó, dự án gồm hai nhà máy với tổng công suất 2.000 MW, vốn đầu tư ước khoảng 200.000 tỉ đồng (khoảng trên 10 tỉ đô la Mỹ) và dự kiến sẽ được khởi công vào năm 2014 và đưa vào vận hành tổ máy đầu tiên vào năm 2020. |
No comments:
Post a Comment