16:34 |23/01/2014
NangluongVietnam -
Theo TTXVN, ngày 22/1, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất kế hoạch tăng mục
tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính lên 40% vào năm 2030 so
với mức phát thải năm 1990, đồng thời tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái
tạo lên 27% vào năm 2030. Đây là mục tiêu bắt buộc được áp dụng cho cho
toàn EU nhưng lại không ràng buộc đối với chính phủ của từng nước thành
viên.
>> Thế giới và vấn đề biến đổi khí hậu
>> Giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng cho khu vực châu Á
Các quan chức Uỷ ban Châu Âu tại buổi
họp báo công bố kế hoạch ứng phó với hiện tượng thay đổi khí hậu đến
năm 2030. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trước đó, EU chỉ cam kết cắt giảm 20%
lượng khí thải so với năm 1990 và nâng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo
lên mức 20% vào năm 2020.
Công ước khung của Liên hợp quốc về biến
đổi khí hậu (UNFCCC) đã hoan nghênh kế hoạch trên của EU, khẳng định đây
là "tín hiệu tích cực" cho việc đạt được một thỏa thuận khí hậu toàn
cầu mới tại Hội nghị các bên tham gia UNFCCC, dự kiến diễn ra tại thủ đô
Paris (Pháp) vào tháng 12/2015.
Theo kế hoạch, nếu được ký kết, thỏa
thuận này sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2020 với mục tiêu duy trì
nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Viện nghiên cứu các nguồn lực thế giới
(WRI) có trụ sở tại Washington cũng cho rằng kế hoạch trên của EU đang
đi "đúng hướng" cho dù mục tiêu cắt giảm 40% lượng khí thải vào năm 2030
chỉ là mức thấp nhất theo khuyến cáo của các nhà khoa học.
Tuy nhiên, các nước đang phát triển và
những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu vẫn muốn EU
thể hiện tham vọng cắt giảm lớn hơn nữa.
Tuyên bố của Liên minh các quốc đảo nhỏ
(AOSIS) - nhóm các quốc gia chịu tác động mạnh nhất của hiện tượng nước
biển dâng do tình trạng nóng lên của Trái đất - nêu rõ: "Nếu đây là điểm
khởi đầu cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu thì chắc chắn chúng ta
còn rất nhiều việc phải làm để đảm bảo rằng đến năm 2015 thế giới sẽ đạt
được một thỏa thuận chung đủ để đối mặt với những thách thức (về khí
hậu) hiện nay."
Tổ chức Hòa bình xanh (Green Peace) cũng
cho rằng đề xuất của EU là chưa tương xứng vì năng lượng tái tạo có thể
chiếm tới gần một nửa năng lượng tiêu thụ ở châu Âu vào năm 2030.
Các tổ chức phi chính phủ khác cũng kêu
gọi EU nâng mục tiêu cam kết tại hội nghị vào tháng Ba tới, trong khi
Hiệp hội các nhà khoa học môi trường có trụ sở tại Mỹ cảnh báo mục tiêu
cam kết ở mức thấp của EU có nguy cơ tác động tiêu cực tới kết quả của
Hội nghị UNFCCC lần thứ 21 vào tháng 12/2015.
Theo số liệu thống kê chính thức, tính
đến cuối năm 2012, EU đã cắt giảm 18% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà
kính. Tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo cũng đã chạm mức 12,4% từ năm
2010.
Các nước đang phát triển và những
nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu vẫn muốn EU thể
hiện tham vọng cắt giảm lớn hơn nữa.
Cho phép khai thác khí đốt đá phiến
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 22/1 đã thông
qua đề nghị của các quốc gia thành viên cho phép tự do khai thác khí đốt
đá phiến ở châu Âu với điều kiện phải tuân thủ các nguyên tắc chung tối
thiểu, đặc biệt là các nguyên tắc liên quan đến vấn đề sức khỏe và môi
trường.
Phóng viên TTXVN tại Brussels dẫn lời Ủy
viên phụ trách về môi trường của EU, ông Janez Potocnik, cho biết khí
đốt đá phiến là niềm hy vọng của một số khu vực ở châu Âu nhưng cũng gây
ra nhiều lo lắng.
Do vậy, EC đáp ứng yêu cầu khai thác khí
đá phiến của các nước thành viên, nhưng cũng đòi hỏi các nước phải hành
động theo nguyên tắc bảo vệ môi trường và sức khỏe.
EC khẳng định sẽ không áp đặt các quy
định pháp lý mang tính ràng buộc liên quan đến hoạt động thăm dò và khai
thác này, mà chỉ trợ giúp các nhà đầu tư và khai thác nâng cao khả năng
dự báo về những tác động có thể xảy ra.
Tuy nhiên, tổ chức "Những người bạn Trái
đất" cho rằng các quy định của EC chưa đủ để bảo vệ người dân và môi
trường trước nguy cơ sẽ có thêm nhiều khí thải hydrocarbon được tạo ra
trong quá trình khai thác khí đá phiến.
Tổ chức này còn ra thông cáo chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) đã không áp dụng các biện pháp cụ thể trong lĩnh vực này.
Khí đốt đá phiến là niềm hy vọng của một số khu vực ở châu Âu nhưng cũng gây ra nhiều lo lắng.
Để bảo vệ quyết định của mình, EC khẳng
định đã đưa ra quyết định dựa trên việc đánh giá tác động của phương
pháp khai thác bằng thủy lực đối với mạch nước ngầm, nguy cơ rò rỉ trên
bề mặt cũng như việc thông tin cho dân chúng về những hoạt chất được sử
dụng trong quá trình khai thác.
Ngoài ra, EC cũng yêu cầu các nước phải
định kỳ đánh giá các tác động đối với môi trường và công khai công nghệ
sử dụng khai thác khí đá phiến.
Việc khai thác và sử dụng khí đá phiến hiện gây nhiều tranh cãi trong EU.
Một số quốc gia như Anh, Đan Mạch, Ba Lan
và Romania đang tiến hành các dự án khai thác nguồn năng lượng này,
trong khi Đức lại không cho phép sử dụng phương pháp khai thác bằng thủy
lực ở những khu vực có nhiều nguồn nước.
NangluongVietnam.vn
No comments:
Post a Comment