Wednesday, January 15, 2014

Nghị sĩ Mỹ kêu gọi cứng rắn với yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông

15/01/2014 19:15

(Tin Nóng) Tại phiên điều trần ở Hạ viện Mỹ về chủ quyền trên Biển Đông và biển Hoa Đông ngày 14.1, các nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu chính phủ Mỹ không để Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự đối với các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông và biển Hoa Đông, theo AP.


Tàu hải giám Trung Quốc hùng hổ trên Biển Đông - Ảnh: CCTV

Buổi điều trần này do tiểu ban Lực lượng quân sự và Hải quân (Ủy ban Quân lực Hạ viện) và tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương (Ủy ban Đối ngoại Hạ viện) đồng tổ chức.

Các nghị sĩ Mỹ gọi việc gia tăng chủ quyền của Trung Quốc trên biển là "không chấp nhận được" và mang tính xâm lược.

Các nghị sĩ Mỹ đã bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc bành trướng yêu sách trên Biển Đông, khi áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá và đòi tàu cá nước ngoài vào Biển Đông trong khu vực "đường lưỡi bò" phải được Trung Quốc cấp phép.

“Tôi không ngạc nhiên khi Trung Quốc không hành xử như một nước có trách nhiệm toàn cầu. Họ không còn theo đuổi chính sách hòa bình. Trung Quốc đang cố giành cách khu vực tranh chấp bằng vũ lực", nghị sĩ đảng Cộng hòa, chủ tịch tiểu ban Châu Á - Thái Bình Dương, ông Steve Chabot nói.

Nghị sĩ Chabot gọi Trung Quốc là "có tính hung hăng một cách nguy hiểm" và nói nước này đang cố dùng vũ lực chiếm lấy các khu vực tranh chấp "với hy vọng sai lầm rằng Nhật Bản, các nước Đông Nam Á và Mỹ sẽ miễn cưỡng chấp nhận điều này".

“Đây là một phần trong nỗ lực dài hạn mà Trung Quốc theo đổi để kiểm soát khu vực này. Đây là vấn đề đối với Mỹ vì Biển Đông là tuyến đường quan trọng của giao dịch thương mại", ông Walter Lohman, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á, thuộc Quỹ Heritage Foundation phát biểu.

Còn nghị sĩ đảng Dân chủ, Mike McIntyre yêu cầu Quốc hội Mỹ phải quan sát cặn kẽ tình huống này, và cho rằng không phải vấn đề nào cũng có giải pháp quân sự mà nên là giải pháp ngoại giao.

Nghị sĩ Randy Forbes (Cộng hòa) yêu cầu Mỹ phải "100% không dung thứ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc và các biện pháp liên tiếp dùng vũ lực của nước này để thay đổi hiện trạng trong khu vực".
Việc Trung Quốc đưa tàu sân bay Liêu Ninh xuống Biển Đông là nhằm gây sức ép với các nước trong khu vực về tranh chấp biển đảo - Ảnh: Xinhua

Bonnie Glaser, chuyên gia châu Á tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) nói chính quyền tổng thống Obama cần minh bạch quan điểm của mình qua việc ra văn bản chính sách về sự bành trướng trên biển của Trung Quốc. "Một văn bản như vậy sẽ dẫn đến việc làm dịu mối quan tâm", bà Glaser nói.

Các nghị sĩ Mỹ đều tán thành rằng sự bành trướng của Trung Quốc làm họ mất các nước láng giềng và thách thức các quyền lợi an ninh của Mỹ. Họ cũng lo ngại các hành động của Trung Quốc sẽ khiến Mỹ bị lôi kéo vào khủng hoảng hoặc xung đột với Trung Quốc ở các vùng tranh chấp, do Mỹ có hiệp ước an ninh với Nhật và Philippines.

Mỹ tuyên bố có quyền lợi về tự do lưu thông hàng hải ở châu Á - Thái Bình Dương. Dù Mỹ đang gánh nợ công rất lớn nhưng chính quyền Obama vân muốn gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở khu vực, và mới đây còn thông báo viện trợ an ninh hàng chục triệu USD cho Việt Nam và Philippines.

Tàu hộ vệ lớp 056 của Trung Quốc mới được biên chế cho hạm đội Nam Hải - Ảnh: CNS

Tuy vậy, trong buổi điều trần này ông nghị Brad Sherman (Dân chủ) phàn nàn rằng trong khi Mỹ đổ tài nguyên rất lớn để đối đầu với Trung Quốc và giúp bảo vệ chủ quyền cho nhiều nước như Nhật Bản thì Nhật lại chi tiêu rất ít cho ngân sách quốc phòng.
Tin Nóng
>> Cấm đánh cá trên biển Đông là 'hành động của hải tặc nhà nước
>> Trung Quốc nói Nhật không xen vào vụ cấm đánh cá trên Biển Đông
>> Nhật lên án lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc trên Biển Đông
>> Trung Quốc lại cấm đánh bắt cá ở biển Đông
>> Tình hình biển Đông có thể thay đổi vào năm nay?
>> Nhật, Philippines, Đài Loan phản đối Trung Quốc tính lập ADIZ trên biển Đông
>> Báo Trung Quốc hăm đánh chiếm đảo Thị Tứ tại Trường Sa

No comments:

Post a Comment