22/08/2013 11:00
Sáng 21.8, một số vị giáo sư, tiến sĩ, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh có cuộc gặp bày tỏ ủng hộ kiến nghị của ông Lê Trọng Sành và ông Mai Trọng Tuấn về việc không nên xây dựng sân bay quốc tế Long Thành.
Trước đó, ông Lê Trọng Sành và ông Mai Trọng Tuấn đã có thư gửi đến
các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ để
kiến nghị không nên xây dựng sân bay quốc tế Long Thành. Ông Sành nguyên
là Trưởng phòng Quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất còn ông Tuấn là cựu
phi công Đoàn 919. Sau khi nhận thư kiến nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
đã yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
|
Bộ GTVT: Lựa chọn hiệu quả nhất
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng do Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu
ký, Bộ GTVT vẫn khẳng định cần thiết phải xây dựng thêm cảng hàng không
hỗ trợ, thay thế sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành là lựa chọn
hiệu quả nhất để xây dựng một cảng trung chuyển quốc tế có khả năng cạnh
tranh trong khu vực.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, quá trình đầu tư xây dựng Cảng hàng
không quốc tế (CHKQT) Long Thành dự kiến chia thành 3 giai đoạn. Trong
đó giai đoạn đến năm 2020 hình thành CHKQT công suất 25 triệu hành
khách/năm, đưa vào khai thác nhằm hỗ trợ việc quá tải của sân bay Tân
Sơn Nhất. Đến năm 2030 nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm. Giai
đoạn sau năm 2030 nâng công suất lên 100 triệu hành khách/năm.
Ngày 8.7.2013, Bộ GTVT cũng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho báo
cáo đầu tư dự án. Sau đó đã tiếp thu, chỉnh sửa và báo cáo Hội đồng thẩm
định nhà nước. Cụ thể, phân kỳ đầu tư đến năm 2020 sẽ xây dựng cảng với
công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, với
tổng mức đầu tư cho toàn bộ giai đoạn 1 khoảng 7,8 tỉ USD. Trong điều
kiện khó khăn, nhu cầu đầu tư trước mắt khoảng 5,6 tỉ USD để có thể xây
dựng ngay một đường cất hạ cánh và nhà ga để đáp ứng được nhu cầu vận
chuyển hành khách vào năm 2022.
Những con số “chưa tính đến”
Ông Lê Trọng Sánh (con trai ông Lê Trọng Sành), nguyên là kỹ sư hàng
không, cho rằng Bộ GTVT khi đưa các phương án để so sánh tính khả thi
chỉ đưa ra 2 phương án: Phương án 1 đầu tư tiếp tục vào sân bay Tân Sơn
Nhất để đạt công suất 100 triệu khách/năm như sân bay Long Thành và
phương án 2 là cải tạo sân bay Biên Hòa lên đạt công suất 100 triệu
khách/năm. Tất nhiên cả 2 phương án này đều không khả thi so với phương
án làm mới sân bay Long Thành vì số tiền phải trả cho đền bù giải tỏa
quá cao. Điều này rất dễ hiểu nên kết luận Long Thành là phương án tối
ưu cũng rất chính xác. Tuy nhiên, cần lưu ý phương án mà ông Sành và ông
Tuấn đề nghị là khác hẳn.
Đó là, trước mắt nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất lên công suất 50 - 60
triệu khách/năm bằng cách xây thêm nhà ga mới tại khu đất đang làm dự án
sân golf. Sau đó sẽ cải tạo sân bay Biên Hòa, xây dựng nhà ga để đảm
bảo công suất 30 - 40 triệu khách/năm. Phương án này sẽ đỡ tốn kém vì
không phải giải tỏa nhiều, cũng như không phải xây mới 4 đường băng, mỗi
đường ước tính sẽ phải đầu tư cả tỉ USD.
Cũng theo ông Lê Trọng Sánh, hiện nay chúng ta có 4 sân bay quốc tế
bao quanh Tân Sơn Nhất là Trà Nóc (Cần Thơ), Cam Ranh (Khánh Hòa), Liên
Khương (Lâm Đồng) và Phú Quốc (Kiên Giang). Tổng công suất của các sân
bay này đạt xấp xỉ 20 triệu hành khách/năm đến năm 2025 - 2030. Nếu tổ
chức khai thác tốt sẽ hỗ trợ rất nhiều cho sân bay Tân Sơn Nhất và Biên
Hòa. “Với phương án đầu tư sân bay quốc tế Long Thành, hành khách sẽ
phải trả thêm chi phí di chuyển từ trung tâm TP.HCM đến sân bay Long
Thành, dự tính sẽ khoảng 300.000 đồng/lượt/người, với 100 triệu hành
khách mỗi năm, số tiền có thể lên đến hàng trăm triệu USD, đó là con số
mà Bộ GTVT chưa tính đến”, ông Sánh phân tích thêm.
“Thực ra, nếu chúng ta có đủ tiền và có quy hoạch đồng bộ, dài hạn
thì việc đưa sân bay ra khỏi thành phố là việc cần làm. Tuy nhiên, do
hiện nay đang phải chắt chiu từng đồng để xây dựng hạ tầng, thiết nghĩ
nên dành vốn cho các công trình cần thiết hơn”, ông Sánh đề nghị.
Cụm cảng hàng không Tân Sơn Nhất - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không
- Trường đại học Bách khoa TP.HCM, cho rằng cần phải cân nhắc 2 yếu tố
trước khi quyết định đầu tư một dự án, đó là quy mô và thời điểm. Ông
nói: “Nhu cầu chưa có, tương lai không chắc mà quy mô sân bay lớn quá,
đầu tư trong thời điểm này là chưa phù hợp. Lập luận tôi đưa ra là không
phải không đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, mà thời điểm hiện nay
đưa vấn đề này ra là không nên. Có chăng trong tương lai xa, khoảng năm
2040 - 2050 may ra xem xét việc này mới là hợp lý”.
Theo ông, đã có “nhu cầu ảo” khi đề cập việc đầu tư xây dựng sân bay
Long Thành, để nói sân bay Tân Sơn Nhất không đủ sức đón nhận nhu cầu ảo
đó. Ông đề nghị Bộ GTVT công khai đầy đủ số liệu về lượng khách đi/đến
sân bay Tân Sơn Nhất và tính toán về lượng khách trong tương lai để xem
cụ thể đến thời điểm nào thì sân bay Tân Sơn Nhất thực sự sẽ không thể
đáp ứng nhu cầu.
Riêng TSKH Nguyễn Đăng Diệp, Phó giám đốc Trung tâm công nghệ sinh
học nông nghiệp, thì đề nghị nên xem các bài học thực tế từ chuyện thua
lỗ của Vinashin, Vinalines, từ chuyện Quốc hội đã không thông qua dự án
đường sắt cao tốc, từ chuyện nhiều khu công nghiệp mới sử dụng 20%, 80%
bỏ hoang... để rút kinh nghiệm cho vấn đề đầu tư sân bay Long Thành.
Cần tổ chức hội thảo Các vị giáo sư, tiến sĩ, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh tham gia cuộc gặp hôm qua đều thống nhất đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho tổ chức một cuộc hội thảo tại TP.HCM để lắng nghe ý kiến về việc nên hay không nên xây dựng sân bay Long Thành, với sự tham dự của các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, các cán bộ ngành hàng không, cán bộ hưu trí và nhân dân. |
Mai Vọng
No comments:
Post a Comment