Thứ Sáu, 16/08/2013 23:59
Lấy được đất để xây dựng dự án thủy điện xong, nhiều chủ đầu tư dường như không còn quan tâm đến chuyện người dân bị ảnh hưởng ra sao. Đập vỡ thì trả treo đền bù, dân tái định cư thiếu đói quay về khu vực nguy hiểm cũng mặc kệ...
Đã hơn 2 tháng kể từ ngày
xảy ra vụ vỡ đập thủy điện Ia Krel 2, những lời hứa hẹn đền bù của Công
ty Bảo Long Gia Lai vẫn như gió bay, trong khi hàng trăm hộ dân đang
phải đối mặt với nạn đói.
Người dân xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai vẫn chưa được đền bù sau khi bị thiệt hại nặng nề vì vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 Ảnh: Nam Hoàng
Chủ đầu tư phủi trách nhiệm
Rạng sáng 12-6, thủy điện Ia Krel 2 bị vỡ
trong sự hoang mang lo sợ của người dân xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh
Gia Lai. Nguyên nhân vỡ đập được xác định do chất lượng công trình kém.
Tuy nhiên, không cơ quan chức năng nào của tỉnh Gia Lai có thể cung cấp
thông tin về đơn vị thiết kế, thi công, giám sát công trình trước sự
chất vấn của các cơ quan báo chí. Ngay cả ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Xây
dựng tỉnh Gia Lai, khi đập thủy điện Ia Krêl 2 bị vỡ thì mới biết "mồm
ngang mũi dọc" của nó như thế nào.
Vào thời điểm vỡ đập, hàng ngàn mét khối
đất, đá cùng hơn 5 triệu m3 nước như một trận "đại hồng thủy" ùn ùn đổ
về hạ lưu cô lập 30 hộ gia đình ở xã Ia Dom. Tuy không có thiệt hại về
người nhưng đời sống của những hộ dân nơi đây đã rơi vào cảnh bần cùng
vì toàn bộ tài sản, hoa màu, lương thực đầu bị cuốn trôi theo dòng nước.
Lý giải về việc chậm trễ đền bù, ông Nguyễn
Ngọc Ẩn, Phó Giám đốc Công ty Bảo Long Gia Lai, cho biết mức giá 3,6 tỉ
đồng tiền đền bù, hỗ trợ là do người dân và hai doanh nghiệp bị thiệt
hại (Công ty 711 và 72 thuộc Tổng Công ty 15) đề xuất. "Chúng tôi đang
thương lượng với người dân và Công ty 72, còn Công ty 711 thì đã thống
nhất mức giá đền bù cũng như các biện pháp hỗ trợ" - ông Ẩn nói.
Ông Hồ Đình Kỳ, Phó Chủ tịch Thường trực
UBND xã Ia Dom, cho biết chính quyền phải xuất ngân sách cứu đói cho
21/136 hộ dân bị thiệt hại. "Trong tuần tới, chúng tôi sẽ làm việc cụ
thể với Công ty Bảo Long Gia Lai để yêu cầu phải thực hiện đền bù, hỗ
trợ cho dân trong tháng 8" - ông Hà Xuân Minh, Phó Chánh Văn phòng UBND
huyện Đức Cơ, khẳng định.
Người dân xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai vẫn chưa được đền bù sau khi bị thiệt hại nặng nề vì vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 Ảnh: nam hoàng
Tháo chạy khỏi khu tái định cư
Gần 6 năm trước, hơn 2.000 hộ dân ở huyện
Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã rời quê đến nơi ở mới tại huyện Thanh
Chương, tỉnh Nghệ An để nhường đất cho thủy điện Bản Vẽ. Sau gần 6 năm
tại nơi ở mới, cuộc sống của nhiều hộ dân vẫn chưa thể ổn định vì thiếu
đất sản xuất.
Điển hình là các hộ dân ở bản Kim Hồng, xã
Ngọc Lâm và bản Chà Coóng 2, xã Thanh Sơn. Ông Quang Diễn Hoàn, Trưởng
bản Kim Hồng, than thở: "Vì di dời muộn nhất nên đất sản xuất bị những
người ở các bản khác về trước chiếm hết. Đã hơn 3 năm về đây, nhiều hộ
dân tái định cư vẫn chưa được chia đất để sản xuất. Nếu biết khổ như thế
này thì chắc không ai bỏ quê cả".
Cuộc sống của những người được cấp đất cũng
không khá hơn vì phải đối mặt với nhiều khó khăn như đất xấu, diện tích
không đủ sản xuất. Anh Vi Văn Bình (ngụ bản Mà, xã Ngọc Lâm) bức xúc:
"Nhà có 5 người, được chia hơn 10.000 m2 đất nhưng quá xấu nên làm không
đủ ăn".
Ông Lô Huy Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc
Lâm, cho biết xã đang kiến nghị nhà nước cấp đủ đất cho người dân tái
định cư để họ ổn định cuộc sống. "Nếu chỉ 2.500 m2/người thì rất khó bảo
đảm cuộc sống lâu dài" - ông Hùng nhận định.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao
Động, các hộ dân tái định cư ở xã Ngọc Lâm còn phải đối diện với tình
trạng thiếu nước sinh hoạt, trường học, y tế... Ngoài ra, nhà ở tái định
cư cũng đang xuống cấp trầm trọng do không bảo đảm chất lượng. "Hàng
trăm căn nhà mới bàn giao cho dân đã bị hư hỏng" - ông Hùng cho biết.
Hiện nay, các khu tái định cư ở xã Ngọc Lâm rất hoang vắng vì người
dân bỏ nhà về quê cũ mưu sinh. Bản Kim Hồng có 102 hộ dân thì giờ chỉ
còn gần một nửa, trong đó có nhiều hộ về khu vực lòng hồ thủy điện Bản
Vẽ dựng nhà tạm, bè nổi để sinh sống. Đến nay, đã có trên 200 hộ với hơn
500 người rời khu tái định cư ở huyện Thanh Chương để về vùng lòng hồ
thủy điện Bản Vẽ sinh sống, bất chấp nguy hiểm.
Lãng quên
Theo kế hoạch, đến ngày 31-8, công trình
thủy điện Đăkđrinh (vốn đầu tư 5.000 tỉ đồng) thuộc các xã Sơn Long, Sơn
Liên, Sơn Dung của huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi và huyện Kon Plông,
tỉnh Kon Tum sẽ bắt đầu tích nước, đến đầu tháng 9-2013 thì vận hành tổ
máy phát điện đầu tiên. Thế nhưng, số phận của cư dân nơi đây lại đang
lửng lơ giữa dòng…
Chính quyền huyện Sơn Tây cho biết tại khu
tái định cư Nước Vương (xã Sơn Liên), người dân được chuyển đến ở trong
những ngôi nhà khang trang. Trong khi đó, các khu tái định cư khác là
Anh Nhoi 1, Anh Nhoi 2, Anh Nhoi 3 (xã Sơn Long) với 94 hộ dân và Nước
Lang (xã Sơn Dung) với 66 hộ thì mới chỉ san ủi mặt bằng.
Theo ông Bùi Đức Thạch, Chủ tịch UBND xã
Sơn Dung, vẫn còn 19 hộ dân với gần 100 nhân khẩu ở thôn Nước Lang, xã
Sơn Dung nằm giữa lòng hồ nhưng lại không có trong danh sách tái định
cư. Sự "lãng quên" này được Ban Quản lý thủy điện Đăkđrinh giải thích là
do các hộ dân không nằm trong vùng ngập nước khi thủy điện ngăn đập.
Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, khi thủy điện ngăn dòng tích
nước thì những hộ dân này sẽ bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài.
Tại huyện Kon Plông, công tác di dời những
hộ dân trong lòng hồ thủy điện Đăkđrinh vẫn chưa thực hiện xong. Ông
Đặng Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, cho biết chính quyền
đang huy động tối đa các lực lượng để giúp 217 hộ với hơn 1.000 người
gấp rút tháo dỡ nhà cửa để lên khu tái định cư.
|
NHÓM PHÓNG VIÊN
No comments:
Post a Comment