Sunday, August 4, 2013

Những công trình biết nói

 06/07/2013 8:18

Các tỉnh duyên hải vùng vịnh Bắc bộ vừa chịu một số thiệt hại từ cơn bão số 2 Bebinca thổi qua. Một số đoạn đê biển bị vỡ, một số đoạn bờ kè bị sụt lún.


Thật ra, đê biển và bờ kè ấy có thể chịu đựng được cường độ của những cơn bão mạnh hơn; trong khi bão số 2 chỉ là cơn bão nhỏ. Chúng sạt lở, bị vỡ vì áp lực của triều cường mà bão số 2 lại đổ bộ vào đúng ngày cao điểm của triều cường 16 âm lịch. Hiện tượng thiên nhiên trùng lặp đó cắt nghĩa được lý do của những thiệt hại.

Mùa mưa bão đã đến. Trước đó, một đập thủy điện ở Gia Lai vỡ, không có lý do. Trước đó nữa, một đập thủy điện khác ở Kon Tum vỡ, lý do là vì bị một xe chở cát đá tông vào. Lại trước đó nữa, một đập thủy điện ở Quảng Trị vỡ, cũng không có lý do. Nhưng dù có hay không có lý do để cắt nghĩa, một loạt ba đập thủy điện vỡ đe dọa cuộc sống bà con nông dân cũng đủ cho người ta thấy được độ chịu lực của những công trình thủy điện giả mạo, dối trá là như thế nào. Ta gọi đó là những công trình biết nói. Chúng nói lên mức độ ẩu tả và sự vô trách nhiệm của lực lượng thi công.
  Minh họa: DAD
Trước nay, mạng lưới công trình thủy điện vừa và nhỏ trên khắp các tỉnh miền Trung và cao nguyên, đặc biệt là các công trình do tư nhân đầu tư đã trở thành một thứ “vương quốc” béo bở. Người ta tin rằng đắp đập chặn dòng một con sông, đưa turbine vào đó cho dòng nước chảy qua là đã khai thác được dòng điện bán lên mạng lưới điện quốc gia. Người ta tin rằng vốn đầu tư có thể tiết kiệm thật ít mà sản lượng điện khai thác được thì nhiều và có quanh năm. Và chính vì vậy, người ta sẵn sàng xây dựng những công trình kém chất lượng để khai thác cho nhanh.

Đập thủy điện Ia Krêl 2 ở Đức Cơ (Gia Lai) vỡ toác gần đây nhất là một thí dụ cụ thể. Các cơ quan chức năng ở Gia Lai rà soát lại hồ sơ xây dựng, mới hay ra chuyện đập chưa có giấy phép xây dựng.
Trong hoạt động của các ngành kinh tế hiện nay, ngành thủy điện được coi là một trong những ngành chạy làng giỏi nhất. Bất cứ thủy điện nào trước khi xây dựng cũng phải ký kết với địa phương một bản cam kết rằng sẽ trồng rừng bù lại diện tích rừng đã mất. Diện tích rừng bị thủy điện làm mất gồm có rừng trong lòng hồ và rừng bị phá để làm đường vận chuyển thiết bị vật tư, đồng thời là đường trồng trụ truyền dẫn điện lên lưới quốc gia.

Thế nhưng, không có thủy điện nào trồng đủ diện tích rừng trả cho địa phương. Số lượng rừng trồng lại chỉ đạt 35% diện tích là cao. Đã vậy, chất lượng rừng trồng lại cũng không đáng kể; nhiều vạt rừng cây chết, cây lưa thưa. Có thủy điện cãi lý rằng họ chỉ trồng cây ở rừng lân cận thủy điện; chỉ qua đất trống ở huyện khác họ không trồng.

Không chỉ là trồng rừng, các thủy điện vẫn sẵn sàng vi phạm các cam kết khác đã ký với địa phương. Thí dụ, họ cam kết với địa phương (bằng văn bản nhé) rằng đến ngày ấy, tháng ấy họ sẽ xả nước để chống hạn, cho nông dân lấy nước làm mùa. Thế nhưng đến ngày tháng ấy, họ không chịu xả nước.

Thí dụ, họ cam kết với các địa phương rằng sẽ tuân thủ xả lũ mùa đông đúng với quy định số mét khối nước/giây để vừa bảo vệ đập, vừa không gây lũ lớn cho nhân dân ở hạ du. Thế nhưng gặp lũ lớn, họ mở van xả nước ào ạt, mặc cho tính mạng nhân dân ở hạ du bị đe dọa, tài sản nhân dân bị nhấn chìm.

Tôi không hiểu các thủy điện vừa và nhỏ đã đem lại bao nhiêu lợi nhuận cho nền kinh tế quốc gia và cũng không hiểu tại sao họ được ưu ái đến vậy, sai phạm lè lè ra đó mà vẫn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Dưới mắt nhìn của nhân dân, những thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung và cao nguyên đã có những hành động hết sức phản cảm. Rút kinh nghiệm sâu sắc từ những thủy điện ấy, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần đưa ý kiến thỉnh thị không cho xây dựng hai công trình thủy điện số 6 và 6A trên thượng nguồn sông Đồng Nai theo đề xuất của một tập đoàn kinh tế tư nhân.

Điều đáng quan tâm là công trình này sẽ xâm hại một số diện tích rừng trong Vườn quốc gia Cát Tiên - một vốn quý của quốc gia mà chúng ta đang hoàn thành hồ sơ để trình UNESCO công nhận. Một vị đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã nêu lại ý kiến này trên diễn đàn Quốc hội và hai vị bộ trưởng đã trả lời.

Nhân dân theo dõi chương trình qua truyền hình chỉ mong hai bộ trưởng mạnh dạn nói cho câu đồng ý hoặc không đồng ý cho xây dựng. Tiếc thay, nhân dân chỉ nghe được hai bộ trưởng trả lời với chữ “nếu”. Ở chừng mực nào đó, chữ “nếu” vẫn là chữ nước đôi; nghĩa là chưa nói được có xây dựng hay không.

Tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Bình Thuận đã xây dựng được hai công trình phong điện (điện gió). Một số huyện đảo và hải đảo của chúng ta cũng đã xây dựng được những công trình phong điện nhỏ. Bước đầu, các công trình phong điện này đã cung cấp nguồn điện cho quốc gia. Kinh phí xây dựng phong điện khá tốn kém nhưng về lâu về dài, phong điện sẽ lời. Vả chăng máy móc tối tân, công nghệ cao cường, phong điện là nguồn năng lượng tốt nhất, lâu bền nhất và thân thiện với môi trường nhất đang được các quốc gia ưa chuộng.

Ngược lại, thủy điện là loại công trình phá hỏng môi trường sống nhanh nhất. Nó tàn hủy thiên nhiên, làm hao mòn diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn và đã thực sự gây thêm khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Vũ Đức Sao Biển
 
Từ: Tin nóng

No comments:

Post a Comment