Thời sự trong nước
“Mắt thần” giám sát biển đảo
Thứ Sáu, 03/05/2013 23:02
VNREDSat-1 được kỳ vọng sẽ mở ra một trang mới trong lĩnh vực nghiên cứu và chinh phục vũ trụ của Việt Nam nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng
Vào
lúc 9 giờ 6 phút hôm nay (4-5), VNREDSat-1, vệ tinh viễn thám quang học
đầu tiên của Việt Nam, sẽ được phóng vào quỹ đạo. Với vốn vay viện trợ
phát triển 55,8 triệu euro và 65 tỉ đồng vốn đối ứng từ Chính phủ, vệ
tinh này được kỳ vọng sẽ mở ra một trang mới trong lĩnh vực nghiên cứu
và chinh phục vũ trụ của Việt Nam nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã
hội, an ninh - quốc phòng.
Vệ tinh VNREDSat-1 được các chuyên gia đưa vào khoang chở hàng của tên lửa đẩy VEGA (Ảnh do Viện Công nghệ Vũ trụ cung cấp)
Lợi ích không thể tính bằng tiền
Trao đổi với phóng
viên Báo Người Lao Động, TS Bùi Trọng Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Công
nghệ vũ trụ, Trưởng Ban Quản lý dự án vệ tinh nhỏ - Viện Hàn lâm Khoa
học và Công nghệ Việt Nam, cho biết VNREDSat-1 sẽ được Công ty
Arianespace phóng vào quỹ đạo bằng tên lửa đẩy VEGA từ sân bay vũ trụ
Kourou (Guyana, thuộc Pháp) vào 23 giờ 6 phút ngày 3-5 (theo giờ
Kourou), tức 9 giờ 6 phút ngày 4-5 (theo giờ Hà Nội).
VNREDSat-1 là vệ
tinh có chức năng quan sát và chụp ảnh bề mặt trái đất. Theo PGS-TS Doãn
Minh Chung, Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ, VNREDSat-1 sẽ khởi đầu
cho hệ thống quan sát trái đất của Việt Nam với khả năng cung cấp ảnh vệ
tinh độ phân giải cao; giúp giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi
trường, thiên tai và biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, đây là
công cụ hữu hiệu góp phần đánh giá và ứng phó với cháy rừng, bão lũ,
tràn dầu cũng như nhiều thảm họa thiên nhiên khác, nhất là nước biển
dâng và biến đổi khí hậu qua việc cung cấp các hình ảnh chân thực nhằm
hỗ trợ hiệu quả cho công tác cứu hộ, cứu nạn. “Với VNREDSat-1, chúng ta
có được vệ tinh quan sát trái đất riêng để xây dựng hệ thống dữ liệu
ảnh.
Từ đó, Việt Nam có
thể theo dõi diễn biến thiên tai, giám sát biển đảo, ứng dụng khai thác
tài nguyên môi trường, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội,
quốc phòng - an ninh. Vì vậy, lợi ích của VNREDSat-1 không thể tính bằng
tiền” - PGS - TS Doãn Minh Chung nhấn mạnh.
Theo PGS-TS Doãn Minh
Chung, với việc chủ động nguồn ảnh vệ tinh độ phân giải cao, chúng ta có
thể quan sát, xác định vị trí tàu thuyền trên những vùng biển đảo của
Tổ quốc; khi kết hợp với phương pháp khác như trạm quan sát, tuần tra
trên biển sẽ có hiệu quả cao trong phòng chống thiên tai, an ninh, quốc
phòng…
Các chuyên gia đang lắp đặt vệ tinh VNREDSat-1. (Ảnh do Viện Công nghệ Vũ trụ cung cấp)
Tiến tới làm chủ công nghệ
Việc vệ tinh
VNREDsat-1 được phóng lên quỹ đạo có thể coi là bước đi đầu tiên đến quá
trình làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ của Việt Nam, một trong những mục
tiêu của chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020
của Chính phủ.
Để chuẩn bị cho quá
trình tiếp nhận và vận hành vệ tinh VNREDSat-1, tại Việt Nam, 3 cơ sở
mặt đất để điều hành, tiếp nhận và xử lý tín hiệu ảnh vệ tinh đã được
triển khai, gồm: trung tâm điều hành, trạm thu phát tín hiệu điều khiển
vệ tinh và trạm thu ảnh vệ tinh. Hiện tại, cả 3 cơ sở này đã sẵn sàng để
tiếp nhận, điều hành và khai thác vệ tinh ngay sau khi VNREDSat-1 được
phóng thành công. Các hạng mục hạ tầng kỹ thuật bổ trợ như hệ thống cung
cấp điện, mạng thông tin liên lạc… cũng đã được Chính phủ đầu tư xây
dựng đồng bộ.
“Hiện nay, không chỉ
cán bộ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam mà cả đơn vị phối hợp
là Trung tâm Viễn thám quốc gia, Bộ Tài nguyên - Môi trường đều có khả
năng đảm đương việc điều hành, điều khiển và thu nhận cũng như khai thác
ảnh vệ tinh cho nhu cầu cần thiết của Việt Nam” - TS Bùi Trọng Tuyên
khẳng định.
Trên thế giới hiện chỉ
có 25 nước sở hữu vệ tinh quan sát trái đất. Trong đó, các quốc gia
phát triển như Mỹ, Nga có tới hàng trăm vệ tinh viễn thám.
Với kích thước 600
mm x 570 mm x 500 mm, nặng khoảng 120 kg, tuổi thọ thiết kế của
VNREDSat-1 là 5 năm. TS Bùi Trọng Tuyên cho biết ngoài dự án VNREDSat-1,
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã triển khai một số dự án
khác, điểm nhấn là việc khởi công xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc - Hà Nội…
“Động thái này nhằm
tiến tới làm chủ công nghệ và tự chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất,
có khả năng quan sát toàn lãnh thổ Việt Nam trong mọi điều kiện thời
tiết bằng công nghệ radar hiện đại; phục vụ giám sát và cảnh báo sớm
thiên tai, các thảm hoạ môi trường; dự báo sớm sản lượng nông nghiệp,
nguồn lợi hải sản, cập nhật hệ thống bản đồ điện tử cho quản lý và quy
hoạch đất đai…” - TS Bùi Trọng Tuyên nói.
Hai ngày tới sẽ có ảnh trái đất
Ngày
4-5, tên lửa đẩy VEGA - chủng loại tên lửa mới, được phát triển bởi Cơ
quan Vũ trụ châu Âu (ESA) - sẽ phóng vệ tinh VNREDSat-1 vào quỹ đạo. Sau
khi rời mặt đất 2 giờ, vệ tinh VNREDSat-1 sẽ tách ra khỏi tên lửa đẩy
VEGA và khởi động động cơ đẩy của mình để tự điều chỉnh tới quỹ đạo làm
việc.
Tín
hiệu đầu tiên từ vệ tinh VNREDSat-1 có thể được thu nhận từ 14 giờ 30
phút ngày 4-5. Nếu mọi việc đúng như dự kiến, chúng ta sẽ có được những
bức ảnh chụp trái đất sau 2 ngày và những bức ảnh chụp khu vực lãnh thổ
Việt Nam sau đó 1 ngày.
Công
ty Arianespace đã từng phóng thành công 2 vệ tinh viễn thông Vinasat-1
và Vinasat-2 của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT).
|
DƯƠNG NGỌC
No comments:
Post a Comment