Thursday, May 30, 2013

Ấn - Nhật: Gọng kìm cắt chuỗi thòng lọng Trung Quốc

Ngày 29/5, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã tiến tới hội đàm chính thức với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với một số thỏa thuận quan trọng.


Bất chấp sự hậm hực của Bắc Kinh, New Delhi và Tokyo đã nâng mối quan hệ chiến lược lên tầm cao mới không ngoài mục đích “đảm bảo sự ổn định trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc phô trương, lấn lướt”, tờ Times of India bình luận.
  
Cuộc đối thoại giữa 2 đất nước dân chủ nhanh chóng đi đến nhiều điểm chung trong những thỏa thuận hợp tác thương mại. Trong đó, Nhật Bản sẽ cam kết hỗ trợ tài chính cho một số dự án công nghiệp tại Chennai Bangalore, dự án tàu cao tốc New Delhi - Mumbai, còn phía Ấn Độ đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác khai thác đất hiếm - một yếu tố giúp Nhật Bản không còn bị Trung Quốc khống chế bằng nguyên liệu quan trọng này.
 
Một hiệp ước năng lượng hạt nhân dân sự đã không làm Ấn Độ thất vọng khi các tập đoàn lớn trong công nghệ hạt nhân như Toshiba, Hitachi sẽ nhảy vào cuộc. New Delhi hy vọng sẽ nâng cao năng lực điện của mình lên 63.000 MW vào năm 2032 bằng cách lắp đặt thêm 30 lò phản ứng. Hiện nước này chỉ có 20 lò hạt nhân loại nhỏ, đáp ứng 2% tổng công suất điện, còn phần lớn vẫn phụ thuộc khá nhiều vào ngành than nhiệt điện.
 
Trong vấn đề an ninh, ông Abe nhấn mạnh mối quan hệ đồng minh tự nhiên giữa 2 nước và cho rằng cả 2 bên đều có chung nhiệm vụ là bảo vệ đại dương. “Ấn Độ phía tây, Nhật Bản phía đông, nơi hợp lưu hầu hết những giá trị tinh hoa của nền dân chủ - nhân tố quan trọng trong lợi ích chung của quốc tế. Tôi tin rằng, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ đảm bảo khu vực châu Á cân bằng trong hòa bình, thịnh vượng” - Thủ tướng Nhật ca ngợi.
 
Tonohika Tanaguchi - Cố vấn chánh văn phòng nội các, thành viên của nhóm nghiên cứu chiến lược truyền thông Abe - cho biết mối quan hệ này có thể phát triển thành một liên minh sâu sắc. Dù không nhấn mạnh vào mục đích của liên minh này cụ thể hướng tới nước nào, nhưng ông Tanaguchi cũng đề cập đến tình trạng leo thang liên tục của Trung Quốc tại Hoa Đông.
 
Thông điệp cụ thể và rõ ràng trước sự bành trướng của Trung Quốc mà 2 nhà lãnh đạo cùng thống nhất, đó là cam kết tự do hàng hải và thương mại không bị cản trở. Điều này đồng nghĩa với việc phản đối sự tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc tại Biển Đông, cũng như tham vọng khống chế Ấn Độ Dương bằng chuỗi ngọc trai của Bắc Kinh.
 
Ngày mai (31/5), Thủ tướng Ấn Độ sẽ kết thúc chuyến công du tại Nhật Bản và bay sang Thái Lan, nước được cho là đang bị rơi khỏi trọng tâm chiến lược Đông Nam Á cũng như các sáng kiến đối ngoại của liên minh Mỹ - Nhật khi có xu hướng ngày càng thân Trung Quốc.
 
Mạnh Kiên 

 

Tàu chiến Ấn Độ mở tour xẻ đứt “đường lưỡi bò”

Nằm trong kế hoạch tăng cường quan hệ với ASEAN, Chuẩn Đô đốc Ajith Kumar cùng 800 thủy thủ đoàn trên 4 tàu chiến thuộc hạm đội Viễn Đông đã khởi hành từ Ấn Độ ngày 20/5 và tiến tới Malaysia, Việt Nam, Philippines trong vài ngày tới.


Như vậy, thông điệp hướng Đông của Thủ tướng Manmohan Singh không chỉ được thể hiện bằng con đường ngoại giao mà đã được tăng sức nặng với tiểu hạm bao gồm một tàu khu trục tàng hình INS Satpura, khu trục tên lửa INS Ranvijay, tàu hộ tống tên lửa INS Kirch và tàu tiếp liệu INS Shakti. Chuẩn Đô đốc Ajit Kumar cho biết đây là ý tưởng tăng cường an ninh Ấn Độ Dương bằng việc tham gia với các cường quốc hàng hải trong khu vực.
 
Tờ Indian Times bình luận Nhật Bản và Việt Nam đang được Ấn Độ đặt vào trọng tâm hợp tác nhằm phá bỏ chuỗi ngọc trai của Trung Quốc. Trước khi đến Malaysia, hạm đội này đã có một cuộc tập trận chung với Hải quân Singapore tại eo biển Malacca - một trọng huyệt giúp Ấn Độ khống chế được Ấn Độ Dương.
 
Còn theo đánh giá của Tiến sĩ Subhash Kapila trên tờ Eurasia Review, nhìn vào hải trình và thời gian khởi hành của hạm đội Viễn Đông cho thấy một thông điệp quan trọng bởi nó diễn ra ngay sau chuyến công du Ấn Độ của ông Lý Khắc Cường - Thủ tướng Trung Quốc. Sự hiện diện của Ấn Độ tại Nhật Bản, Việt Nam, Philippines đều cho thấy tuyên bố chung giữa Bắc Kinh và New Delhi về vấn đề “an ninh khu vực” cùng những lời hùng biện to tát của ông Lý không có nhiều trọng lượng khi Trung Quốc đang đồng loạt gây hấn trên Hoa Đông và Biển Đông.
 
Sau khi rời Malaysia vào ngày 29 vừa qua dự kiến tiểu hạm này sẽ cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng vào ngày 4/6.
 
Ngày 11/05, chính Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K Antony tiếp tục bày tỏ lo ngại trước động thái quyết đoán của Trung Quốc. “Dù Ấn Độ không có tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông, nhưng New Delhi có quyền lợi thương mại trong vùng biển này, và các tuyến hàng hải cần được đảm bảo tự do, thông suốt” - ông Atony khẳng định.
 
 
Thiết Sơn

No comments:

Post a Comment