Wednesday, May 29, 2013

Tàu Trung Quốc húc liên tiếp vào tàu cá Quảng Ngãi

 
 Thứ ba, 28/5/2013, 11:00 GMT+7

Tàu Trung Quốc húc liên tiếp vào tàu cá Quảng Ngãi

Tàu sắt 264 của Trung Quốc rồ ga rồi húc mạnh vào tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi khiến nó nghiêng về một bên. Nước tràn vào khoang, các ngư dân bị va đập vào mạn tàu, kêu la hoảng loạn.


> Phản đối tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam/ Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị húc vỡ ở Hoàng Sa

Sau khi bị tàu sắt 264 Trung Quốc đâm, mỏ neo tàu cá của ông Quang cắm sâu vào thành tàu. Ảnh: Trí Tín.


17h30 ngày 20/5, trời nhá nhem tối, tàu cá của ông Trần Văn Quang kết thúc phiên biển, chạy ngang qua đảo Tri Tôn thuộc vùng biển Hoàng Sa. Bất chợt, mọi người phát hiện cả chục chiếc tàu phía trước có chữ "China" (Trung Quốc) đang dàn hàng ngang cản đường.


"Linh tính chẳng lành, tôi trấn an anh em, chuẩn bị sẵn phao cứu sinh phòng khi tàu bị tông chìm. Đúng như dự đoán, ba tàu sắt to lớn của Trung Quốc vô cớ tấn công, cản trở không cho tàu chúng tôi về Quảng Ngãi", ông Quang kể.


Theo ông Quang, tàu sắt dẫn đầu sơn màu trắng bạc, số hiệu 32001 có vẽ hình mỏ neo giữa thân tàu với khoảng gần 20 người mặc đồ rằn ri. Tàu có trang bị vũ khí, súng máy, thủy thủ liên tục cầm cờ Trung Quốc ra hiệu xua đuổi. Đi cùng còn có tàu 73 sơn màu trắng và tàu 264 màu da cam giống tàu lai dắt (mỗi tàu có khoảng 10-15 người).


Sau gần 30 phút bao vây, tàu 264 bất ngờ lao đến đâm vào mũi tàu cá Quảng Ngãi khiến nó chao đảo, suýt lật nghiêng. "Tàu sắt 264 lớn gấp bốn lần nên khi bị nó lao vào, tàu của chúng tôi kêu răng rắc, mỏ neo trước mũi bị gãy ghim sâu vào thân tàu. Chúng tôi hò hét tìm nơi ẩn núp dưới khoang", ngư dân Ngô Văn Điệp kể.


Các ngư dân thoát nạn trở về vẫn còn chưa dám tin mình còn sống sót trở về với vợ con. Ảnh: Trí Tín.
Các ngư dân còn chưa dám tin mình còn sống sót trở về với vợ con. Ảnh: Trí Tín.


Sau cú đâm trực diện vào mũi tàu, tàu 264 tiếp tục quay đầu, lao thẳng vào giữa thân tàu cá khiến giàn đèn pha vỡ loảng xoảng, những trụ đà gãy răng rắc. Thuyền trưởng Trần Văn Trung cố gắng giữ bình tĩnh, hai tay thoăn thoắt lắc bánh lái hết xoay phải rồi nghiêng trái để né những cú đâm hiểm hóc của tàu sắt Trung Quốc.

Khi tàu cá vẫn trụ được trên sóng, tàu sắt 264 một lần nữa rồ ga, lao vun vút húc vào đuôi tàu. Cú đâm mạnh khiến tàu của ông Quang nghiêng về một bên, nước tràn vào khoang, các ngư dân bị hất văng, va đập vào mạn tàu. "Biết họ cố tình đâm chìm nên tôi tìm cách rồ ga tháo chạy. Vừa giữ tính mạng anh em vừa bảo vệ 7 tấn cá đánh bắt cả tháng qua. Tàu sắt 264 tiếp tục truy đuổi chúng tôi 20 phút nữa mới chịu buông tha", thuyền trưởng Trung kể.


Chạy thoát đoàn tàu Trung Quốc, tàu cá của ông Quang mang nhiều "thương tích" trở về nhà. Trong đó be phải tàu bị gãy dài 17 m; be phía sau gãy 6,8 m; 4 đà ngang, ca bin cũng gãy, ba bóng đèn (mỗi bóng 1.000 W) vỡ toác... Ước tính tổng thiệt hai 100 triệu đồng, chưa kể chi phí nhiên liệu tốn thêm hàng chục triệu đồng vì hành trình trở về cảng mất thêm nửa ngày.


Tàu cá của ông Quang là loại hành nghề lưới rút có công suất 340 CV, công nghệ hiện đại, được trang bị hệ thống thiết bị ánh sáng cao áp, giàn kéo lưới bằng máy, cần cẩu để nhấc giàn chì lưới nặng hàng tấn. Theo ngư dân, nếu tàu công suất nhỏ hơn thì có thể họ đã bỏ xác ở vùng biển Hoàng Sa.


Mạn tàu cá của ông Quang bị vỡ, nứt thành vệt dài sau những cú đâm của tàu sắt Trung Quốc ở vùng biển Hoàng Sal. Ảnh: Trí Tín.
Mạn tàu cá của ông Quang bị nứt thành vệt dài sau những cú đâm của tàu sắt Trung Quốc ở vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: Trí Tín.


Trao đổi với VnExpress, ông Phùng Đình Toàn, Chi cục phó Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi cho biết, từ đầu năm đến nay, ngư dân Quảng Ngãi đã báo cáo có hơn 100 vụ tàu Trung Quốc cản trở, quấy rối trong lúc họ hành nghề hợp pháp ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. "Việc tàu Trung Quốc liên tục ngăn cản, uy hiếp ngư dân Quảng Ngãi hành nghề ở hai vùng biển này cao hơn rất nhiều so với các năm trước", ông Toàn nói.


Ngay sau khi có xác minh của các cơ quan chức năng, ngày 26/5, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động của các tàu Trung Quốc.


"Hành động của các tàu Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam. Hành động này cũng đi ngược lại Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp thêm tình hình trên biển", phát ngôn viên ngoại giao Việt Nam nêu rõ.


Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc xử lý nghiêm khắc hành vi của các tàu nói trên, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam và không để tái diễn các vụ việc tương tự.

Trí Tín


More:

 
Thứ ba, 28/5/2013, 08:02 GMT+7

Tàu Trung Quốc rầm rộ ra Biển Đông

Các tàu hải quân, tàu hậu cần và đội tàu cá của Trung Quốc liên tục tiến ra Biển Đông từ đầu tháng 5 để đánh cá cũng như phô trương sức mạnh.


> Ba hạm đội Trung Quốc tề tựu ở Biển Đông

 


Ngày 6/5, 30 tàu cá Trung Quốc cùng với một tàu cỡ lớn 4.000 tấn và một tàu 1.500 tấn, rời cảng Bạch Mã Tỉnh ở thành phố Đam Châu, tỉnh Hải Nam, đến đánh cá tại Biển Đông. Các tàu dự kiến đánh bắt cá trong vòng 40 ngày tại khu vực quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền. Đây là chuyến đi với đông đảo tàu thuyền cỡ lớn nhất kể từ sau khi 30 tàu cá của tỉnh Hải Nam tới đánh cá ở Trường Sa hồi tháng 7/2012. Ảnh: Chinanews

Đến 17h20 ngày 13/5, tàu hậu cần 1.500 tấn Quỳnh Tam Á F8138 thả neo tại 6 độ 01 phút vĩ bắc, 108 độ 48 phút kinh đông. Sau khi di chuyển trong vòng 8 ngày (mất khoảng 173 giờ), với hơn 860 hải lý, đội tàu 32 chiếc của tỉnh Hải Nam đến địa điểm đánh cá ở Trường Sa. Ảnh minh họa: Hinews

Ngày 18/5, tàu Ngư Chính 311 xuất hiện tại khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngư Chính 311 nặng 4.000 tấn, vốn là tàu cứu hộ 503 của hạm đội Nam Hải. Nó bắt đầu được cải tạo thành tàu ngư chính cho Cục Ngư chính Nam Hải vào năm 2006. Tàu dài 113,5 m và rộng 15,5 m, được trang bị các thiết bị hiện đại. Đây là tàu ngư chính có trọng lượng lớn nhất và tốc độ nhanh thứ hai trong số các tàu ngư chính của Trung Quốc. Ảnh:Chinanews

Tàu Ngư Chính 311 của Trung Quốc xâm phạm Trường Sa. Trước diễn biến trên của các tàu Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị hôm 9/5 khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Ông tuyên bố mọi hoạt động của các bên ở khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: Chinanews

Ngoài việc cử đội tàu cá cùng tàu hậu cần và tàu ngư chính hùng hậu đến Trường Sa, Trung Quốc cũng điều một tàu chiến và hai tàu chính phủ xuất hiện tại bãi cạn Second Thomas. Trong ảnh là tàu hộ vệ 053H1G thực hiện bắn đạn thật trên Biển Đông, ở gần vùng biển của Philippines ngày 18/5. Ảnh: Navy.81.cn

Bãi cạn Second Thomas thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền. Tên tiếng Việt của nó là Bãi Cỏ Mây, nằm ở phía đông đảo Vành Khăn. Thủy quân lục chiến Philippines đồn trú trên bãi cạn từ giữa thập niên 90. Trong ảnh là đội tàu Trung Quốc tại bãi cạn do Philippines ghi được. Ảnh: GMA

Đến cuối tháng, hải quân Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận chung hiếm có bao gồm đại diện của cả ba hạm đội trên Biển Đông. Cuộc tập trận có sự tham gia của các tàu chiến, tàu ngầm, máy bay chiến đấu, biên phòng và binh sĩ của Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải. Ảnh: Huanqiu

Các hạm đội Nam Hải, Đông Hải và Bắc Hải của Trung Quốc phân thành hai nhóm xanh và đỏ, tiến hành chiến tranh giả định trên biển. Cuộc tập trận lần này của hải quân Trung Quốc được cho là gửi tín hiệu đến Mỹ và Philippines, sau khi tàu sân bay Mỹ USS Nimitz hiện diện ở Biển Đông trong những ngày qua. Ảnh: Huanqiu

Cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc trên Biển Đông diễn ra ngay trước thềm Diễn đàn An ninh châu Á, còn gọi là Đối thoại Shangri-La, sẽ diễn ra từ ngày 31/5 tới 1/6. Dự kiến, vấn đề duy trì an ninh hàng hải trên Biển Đông sẽ là một nội dung quan trọng tại hội nghị an ninh thường niên quan trọng bậc nhất châu Á quy tụ các quan chức cấp cao nhất về an ninh của 28 quốc gia. Ảnh: Huanqiu


Video: Ba hạm đội Trung Quốc tập trận trên Biển Đông


Vũ Hà






Ngư dân Việt Nam vẫn bám biển, ra khơi

No comments:

Post a Comment