Saturday, November 16, 2013

29 người chết trong lũ, một loạt thủy điện miền Trung – Tây Nguyên xả nước tự do





Bình Định hiện đang là nơi chịu thiệt hại về người cao nhất khi đã có 10 người chết, 2 người mất tích, trong đó có 3 học sinh tại phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn bị cuốn trôi khi phụ huynh đón về. Toàn tỉnh còn có 11 ngôi nhà bị sập, hơn 94.000 ngôi nhà bị ngập, sâu nhất là tại An Nhơn, có nơi nước dâng đến 2m, hàng trăm người phải leo lên nóc nhà, ngọn cây kêu cứu. Câu Liêm Trực, trên QL1A đoạn qua phường Bình Định, thị xã An Nhơn đã bị sập. Thừa Thiên Huế đã có 7 huyện/thành phố bị ngập.
 
Tại Quảng Ngãi đã có 3 người chết, 3 người mất tích, huyện Ba Tơ đã tan hoang sau cơn mưa lớn khoảng 4.000 hộ với hơn 16.000 người dân vẫn còn bị cô lập do lũ cuốn trôi cầu bắc ngang qua sông Liêng, sông Tô. Tỉnh Quảng Nam có huyện Đại Lộc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 34.000/39.000 nhà dân bị ngập từ 0,2 đến 3m.
 
Tỉnh Gia Lai, cầu sông Ba chực bị cuốn trôi nếu nước sông tiếp tục dâng cao. Nước chảy mạnh khiến công tác ứng cứu đình trệ. Quốc lộ 19 đã ách tắc vì đường sạt lở. Tại Kontum đã xuất hiện lũ ống, có 1 trường hợp được ghi nhận là mất tích. Quốc lộ 24 đã bị cắt đứt.
 
Trong khi đó, từ 6 giờ ngày 16/11 đã có 15 hồ thủy điện xả lũ, Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn TP.Đà Nẵng thừa nhận trên tờ Thanh Niên, trong đợt mưa lũ lớn lần này các thủy điện hoàn toàn không có tác dụng cắt lũ do thượng nguồn mưa lớn, nước đổ về tăng đột biến.
 
Thiết Sơn
Tổng hợp 



 
Người dân tại Quy Nhơn khẩn trương chạy lũ (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Cơn bão số 15 nhanh chóng giảm cấp thành áp thấp nhiệt đới khi đổ bộ vào đất liền. Tuy nhiên, nó vẫn gây ra mưa lớn, lốc xoáy khiến lũ lớn xuất hiện nhanh tại nhiều tỉnh miền Trung khiến người dân không kịp trở tay.

Sáng nay hồ Định Bình thuộc huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định xả lũ với lưu lượng 1.576 m3/s cộng với lượng mưa lớn khiến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh bị ngập lụt. Chỉ trong ngày hôm nay, lũ đã khiến 8 người thiệt mạng và 1 người mất tích. Hàng ngàn nhà dân ở các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, An Lão đều ngập sâu trong biển nước. Tại các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn cũng bị lũ lớn đã chia cắt nhiều vùng trũng.
 
Lũ lớn lần đầu xảy ra tại thị trấn Phú Phong, Bình Định (ảnh: Thanh Niên).
 
Mưa lũ cũng làm sạt lở và ngập đường tránh trên tuyến tỉnh lộ ĐT 638 khiến giao thông bị ách tắc, hơn 2.000 hộ dân bị nước lũ chia cắt. Nước lũ dâng cao cũng khiến tuyến đường sắt Bắc Nam hướng vào tỉnh Phú Yên bị tê liệt, 3 đoàn tàu mang số hiệu SE21, SE1, TN1 phải dừng tại ga và đoạn đường sắt Bắc Nam đoạn qua xã Canh Vinh (huyện Vân Canh, Bình Định) cũng hư hỏng nặng.

 Sáng nay Quảng Ngãi đã xuất hiện mưa lớn kèm lốc xoáy. Gió mạnh đã cuốn bay em Vương Thị Thu Thủy, học sinh lớp 5C, trường tiểu học Nghĩa Hành (huyện Nghĩa Hành) đang trên đường đi học xuống vực khiến em bị chết đuối.
 
Lũ về nhanh và đột ngột khiến hàng nghìn hộ dân sống dọc ven sông Vệ, Trà Khúc (Quảng Ngãi) phải sơ tán khẩn cấp (ảnh: VnExpress).
 
Từ 16h chiều nay, một mưa lớn kéo dài đã xuất hiện tại thành phố Huế khiến nhiều tuyến phố tại cố đô cũng bị ngập sâu. Nhiều người dân tại khu vực trũng của thành phố bị ngập sâu tới 1m. Nhiều hộ dân đang phải khẩn trương di chuyển tránh lũ. Mưa lớn và nước lũ cũng đang chia cắt một số tuyến đường giao thông khiến nhiều du khách "mắc kẹt" tại đây. Đến 21h ngày 15/11, nước đã tràn vào nhiều nhà dân và khu nhà trọ của sinh viên. Việc di chuyển trong mưa lũ hết sức khó khăn, nhưng nhiều người dân lo sợ nước sẽ tiếp tục dâng cao trong đêm nên đã  chuyển đồ đạc tới những nơi cao ráo hoặc di tản đến những nhà cao hơn lánh tạm.
 
Lũ đang nhấn chìm nhiều tuyến đường tại thành phố Huế (ảnh: Dân Việt).
 
Bên cạnh đó, với lượng mưa quá lớn so với dự kiến đã khiến các thủy điện đồng loạt xả lũ làm   nhiều địa phương của Quảng Nam chìm trong biển nước. Nhiều địa phương bị chia cắt, cô lập do nước lũ. Giao thông tại nhiều tuyến đường như ĐT609 có khu vực cầu Gò Quan Âm (Đại Quang - Đại Nghĩa), bến đò ông Bốn (Đại Đồng - Đại Lãnh); tuyến ĐH3 cầu Lừ (Đại Phong), đường nội thị có cầu Ngoại Thương (thị trấn Ái Nghĩa), thôn Đại Phú (xã Đại Nghĩa), xã Đại Phong cũng tê liệt vì nước lũ.

Đến 19h hôm nay, mực nước sông Vu Gia tại thị trấn Ái Nghĩa đã trên mức báo động 3. Dự báo trong đêm nay và sáng ngày mai, mực nước còn dâng cao và có khả năng gây lũ lớn toàn huyện.

Lũ vẫn tiếp tục lên
 
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng và thủy văn TƯ trong đêm nay và sáng mai (16/11) Lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Phú Yên tiếp tục lên. 
  - Các sông ở Quảng Trị lên mức BĐ2;
- Các sông ở Thừa Thiên Huế dao động ở mức BĐ3;
- Sông Vu Gia tại trạm Ái Nghĩa lên mức 9,8m, trên BĐ3: 0,8m;
- Sông Thu Bồn tại Câu Lâu lên mức 4,0m, ở mức BĐ3, tại Hội An lên gần mức BĐ3;
- Sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc lên mức 8,7m, trên BĐ3:2,2m, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 (8,36m);
- Sông Vệ tại trạm Sông Vệ lên mức 6,1m, trên BĐ3: 1,4m, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999(5,99m);
- Sông Kôn tại trạm Thạch Hòa: 9,4m, trên mức BĐ3: 1,6m, tương đương với đỉnh lũ lịch sử năm 1987: 9,44m;
- Sông Ba tại AuynPa lên mức 158,0m, trên mức BĐ3: 2,0m; tại Củng Sơn và Phú Lâm lên mức BĐ2.
 
Ngân Hà 
Tổng hợp

No comments:

Post a Comment