Saturday, November 23, 2013

Triều cường

Theo  Tin nóng

  23/11/2013 15:50

Sau cơn mưa lớn, Hà Nội bị ngập nhiều tuyến đường. Sau hai cơn bão số 10 và số 11, các tỉnh Bắc Trung bộ bị lũ lớn. Một số nơi, lũ lụt còn được sự hỗ trợ nhiệt tình của các hồ đập và thủy điện xả nước khiến nước tràn mênh mông, gây ngập sâu.

Thiên tai kết hợp với nhân tai; nhấn chìm nhà cửa, vườn tược, hoa màu của bà con chúng ta trong biển nước.
 Triều cường
Phía nam không có lũ lụt nhưng lại có nạn triều cường. Con nước rong đầu mùng một tháng chín và giữa rằm tháng chín âm lịch khiến Cần Thơ, Sóc Trăng và TP.HCM ngập nặng. Các tỉnh, thành phố khác cơ bản đều có vùng ngập. 

Trong kinh nghiệm dân gian, đỉnh triều cường cao nhất luôn luôn tập trung vào ngày mồng 3 và ngày 17 âm lịch. Ngày 17 tháng chín âm lịch năm nay, mực nước cao nhất tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn lên đến 168 cm, cao hơn đỉnh triều năm ngoái 6 cm.

Cắt nghĩa đỉnh triều cao đột ngột ấy, một chuyên gia khí tượng thủy văn phát biểu trên tivi rằng khoan hãy đổ thừa cho tình trạng biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu là có nhưng chưa gây hệ quả gì nặng nề. Ông phân tích ba nguyên nhân: Mưa nhiều ở hạ du và thượng nguồn làm nước lên; gió mùa đông bắc (gió chướng) đẩy thủy triều vào sâu trong đất liền; xây dựng thiếu quy hoạch ngay trên cống rãnh khiến nước không có đường thoát.

Chính vì ba lý do ấy mà thành phố ngập nặng dù đã chi ra số tiền khổng lồ 50.000 tỉ đồng để chống ngập!

Ở miền Tây, đợt triều cường có cái dở nhưng vẫn có cái hay của nó. TP.Cần Thơ nằm sát bờ sông Hậu, đường 30 Tháng 4 và đường Phan Đình Phùng chỉ cách sông trên dưới 100 m mà ngập sâu! Thủy triều theo sông Hậu tràn vào huyện Cù Lao Dung tỉnh Sóc Trăng, phá vỡ bờ bao ngăn mặn khiến ruộng vườn, hoa màu nhiều xã ngập nặng. Nhiều ao cá nuôi của bà con 12 tỉnh thành phố miền Tây bị vỡ bờ; cá thoát ra sông rạch.

Trên các tỉnh đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu như Long An, Đồng Tháp, An Giang, nước nổi rút chậm. Bà con nông dân có dịp đánh bắt thêm nhiều cá linh, mè vinh, trê, lóc. Ở các tỉnh duyên hải như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, ngày triều cường là ngày cá kèo thiên nhiên “chạy” nhiều. Chúng theo dòng nước lớn, tràn vào sông rạch; bà con tha hồ đánh bắt. 

Bọn ốc len leo lên bám đầy trên thân cây tràm, đước, sú, vẹt; cũng là cơ hội tốt cho bà con thu hoạch làm kế sinh nhai.

Ở TP.HCM, các quận huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Gò Vấp, Bình Thạnh, quận 2, 11, 12... ngập thường xuyên. Nước vào thì dễ dàng nhưng thoát đi thì khó khăn bởi xóm nghèo nằm trong chỗ trũng, lại bị nhà cửa, công trình xây chặn dòng chảy. Nước cường triều kết hợp với nước thải từ nhà dân xả ra tạo nên một thứ nước hôi hám, dơ bẩn.

Thương thay cho những hộ dân nghèo sống trong những xóm lao động trũng thấp, những người đi đường, các em học sinh sinh viên phải thường xuyên lội trong dòng nước đó để làm việc, học tập, sinh hoạt. Cuộc sống đã khó khăn, công việc lao động để kiếm đồng tiền lại khó khăn thêm trong những đợt triều cường. 

Trong khi đó, ông nguyên Giám đốc Công ty thoát nước TP - nhân vật chính trong kịch bản giải quyết nạn ngập nước, lại lãnh lương 2,6 tỉ đồng mỗi năm, vừa bị cách chức và vẫn... ung dung sống khỏe.

Nếu bạn hỏi người thành phố sợ cái gì nhất, có lẽ họ sẽ trả lời không đắn đo là sợ những cơn mưa lớn về chiều đúng vào những ngày triều cường. Công việc lao động, học tập chấm dứt lúc 4 giờ rưỡi chiều, họ trở về nhà là phải chịu nỗi khổ lội bì bõm trong dòng nước hôi hám, ô nhiễm ấy. Nam phụ lão ấu, người sạch nhất cũng hóa ra người dơ bẩn. Đã vậy, xe chết máy; con nít không lội được, khóc ré lên. 

Ai có nghĩ giữa một thành phố văn minh, tiên tiến bậc nhất của đất nước mà kịch bản này vẫn lặp đi lặp lại nhiều lần?
Để chống lại nạn triều cường, nhân dân đã bỏ ra công sức không nhỏ. Những người nông dân, thanh niên, dân phòng đã nhanh chóng lấy đất, đắp lại những bờ bao bị vỡ, gia cố những thân đê đập yếu. Những hộ gia đình đã mua bao cát về “đắp đê” ngay trong nhà mình, ngăn không cho nước vào nhà. Có hộ đã tháo cửa, tháo ván ra “bắc cầu” đi trong nhà, lòng chỉ mong chờ cho nước rút. Cả nhà thi nhau tát nước. 

Trong ngày triều cường, nhân dân ta vẫn không quên giúp đỡ lẫn nhau. Ở quận 6, quận 11, nhiều người đã tình nguyện ra đường lội trong nước, cầm loa tay hướng dẫn lối đi cho xe cộ. Nhiều thanh niên các quận huyện khác tình nguyện đẩy xe cho những người bị chết máy, bồng giúp các cháu nhỏ cho những bà mẹ trẻ đi hết qua đoạn đường ngập. Nhiều thanh niên đem phụ tùng, dụng cụ ra sửa xe không lấy tiền giúp cho người qua đường.

Nhưng có lẽ huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) là có cách tương trợ “bài bản” nhất. Đường vào thị trấn Long Hồ có một đoạn ngập sâu, người qua đó thường dễ gặp tai nạn. Các anh cảnh sát, chiến sĩ thị đội, dân quân, thanh niên tình nguyện luôn luôn có mặt trên đoạn đường ngập này, làm mọi cách để giúp đỡ cho bà con về nhà an toàn trong đêm tăm tối. Họ hướng dẫn lối đi, dẫn xe giúp, bồng người già em bé qua những nơi ngập sâu, tổ chức sửa xe miễn phí ngay trên những lề đường cao và những nhà mặt tiền đường. Ống kính truyền hình cho ta thấy họ làm mọi công việc giúp dân với cả tinh thần trách nhiệm.

Quy luật thiên nhiên vốn như vậy, con người không có cách gì chống được triều cường ngoài cách làm đê đập chặn nước, đặt các van chống thủy triều xâm nhập, gia cố bờ bao, trực những nơi xung yếu. Theo ý kiến của các chuyên gia, thành phố chúng ta phải coi lại cách quy hoạch và nên có một quy hoạch tổng thể hoàn chỉnh, ít ra là đối với việc thoát nước. 

Có chuyên gia nhận định nạn ngập sâu của thành phố là do con người đã tính sai khi cho san lấp những sông rạch ở quận 7 để làm khu dân cư. Nơi đây vốn là nơi thoát nước ra sông Nhà Bè và Soài Rạp, giờ đã thành phố xá cao tầng sáng trưng ánh điện. Văn minh tươi đẹp thì có thật đấy nhưng hậu quả để lại là nước ngập nặng nề.
Chưa nói đến biến đổi khí hậu, chỉ nói riêng một chuyện nước ngập ngày triều cường, ta đã thấy được những hậu quả của việc mình tự vẽ bùa cho mình đeo. Con người sống là sống giữa thiên nhiên nên phải tuân thủ những quy luật khách quan của thế giới tự nhiên ấy. Ấy vậy mà con người đã quá đỗi duy ý chí, cứ muốn bắt thiên nhiên phải thần phục mình và đã bị trả giá.

Người xưa nói: “Thuận với trời thì còn, nghịch với trời thì mất” - Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong. Chúng ta hiểu khái niệm “thuận” ở đây không phải là cúi đầu khuất phục mà là không làm những gì đi ngược lại với quy luật vốn có của thiên nhiên. Nghĩa là con người phải nương theo thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên mà sống. 

Ta đã không chịu hòa hợp với thiên nhiên thì thiên nhiên cũng không hòa hợp với ta. Mới chỉ đang đối mặt với triều cường mà ta đã xính vính như vậy thì không hiểu còn những hiện tượng biến đổi khí hậu khác, ta phải ứng phó sao đây?
Vũ Đức Sao Biển

>> Triều cường kỷ lục, cả TP.HCM ngập trong nước
>> Chiều nay 20.10, đỉnh triều cường tại TP.HCM sẽ vượt mức kỷ lục?  
>> TP.HCM: Triều cường đã trên mức báo động 3
>> Cảnh báo triều cường lên báo động 3  
>> Khẩn trương phòng chống triều cường tăng cao đột biến

No comments:

Post a Comment