Wednesday, November 20, 2013

Điểm mặt thủ phạm

Sống mới

Thủy điện bị phán xét, Bộ trưởng bị truy trách nhiệm

Phiên chất vấn Quốc hội hôm qua như sục sôi khi các câu hỏi về nguyên nhân gây lũ cũng như trách nhiệm trong việc xả nước tùy tiện của các công trình thủy điện liên tiếp được đặt ra. Thậm chí, có ý kiến còn đề nghị xem xét trách nhiệm của người đứng đầu ngành Công thương. 

 
Trong những ngày này miền Trung vẫn đang phải vật lộn với nước lũ dù còn chưa kịp gượng dậy sau chuỗi bão tố liên miên trước đó. Những khó khăn, mất mát của người dân đã đón nhận được sự chia sẻ của đồng bào cả nước, bên cạnh đó, cũng là nỗi bức xúc về tình trạng “tháo nước” tùy tiện khiến sức phá hủy của lũ thêm tàn khốc. Bởi vậy ngay khi bắt đầu phiên chất vấn sáng qua, các “tội lỗi” của thủy điện đã được đưa ra để mổ sẻ và phán xét.
 
Đại biểu Đỗ Văn Đương đặt vấn đề: “Lẽ ra trước khi bão đến, mưa lớn thì các hồ thủy điện phải xả hết nước đi, tăng dung tích hồ chứa lên đằng này cứ giữ nước để mà phát điện kiếm một vài tỷ đồng, nhưng khi xả lũ hạ lưu thì sẽ gây thiệt hại hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng và còn liên quan cả tính mạng người dân nữa. Bộ Công thương có bài tính nào cho vấn đề này hay không?"
 
Cùng tâm trạng này, đại biểu Nguyễn Văn Phúc đã  không kìm được xúc động khi bày tỏ trước Quốc hội rằng ngay khi phiên họp đang diễn ra thì bà con các tỉnh Nam trung Bộ vẫn đang khốn khổ vì lũ. Năm nào miền trung cũng phải gánh lũ, nhưng chưa có biện pháp căn cơ nào. Và nếu không khắc phục được thì thiệt hại năm nay sẽ nối tiếp trong năm sau. Nhiều đại biểu cũng cho rằng do việc xả nước của các hồ chứa thủy điện không đúng quy định đã khiến miền Trung ngập chìm trong nước lũ.
 
Tuy nhiên, trong một văn bản trả lời trước đó, Bộ công thương cho biết không có nhiều nhà máy thủy điện xả lũ. Dù rằng báo chí trong những ngày qua đã phản ánh thấy rõ rất nhiều công trình thủy điện xả nước ồ ạt, thậm chí có nơi còn không báo cho dân biết trước. Không kìm được sự bức xúc, ông Nguyễn Văn Phúc đã kiến nghị điều tra, xử lý hình sự các trường hợp xả lũ tùy tiện. “Không để người dân thiệt hại cả tính mạng của cải mà không ai bị xử lý". Kiến nghị này cũng nhận được sự đồng tình của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, thậm chí bà còn nhận định rằng thủy điện thời gian qua đã quá coi nhẹ tính mạng của người dân.
 
Mặc dù hôm qua, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng không có mặt do đang đi công tác nước ngoài, song nhiều đại biểu vẫn yêu cầu có sự trả lời xác đáng của Bộ trưởng. Báo Đầu Tư cho biết trước đó, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng từng khẳng định quy hoạch thủy điện trải qua nhiều thời kỳ là quy hoạch chung của cả nước chứ không phải quy hoạch riêng của Chính phủ hay Bộ. Từ năm 2006 trở lại đây, các quy hoạch thủy điện nhỏ đều giao về cho địa phương xét duyệt. Song giải trình này của Bộ trưởng đã không được các đại biểu Quốc hội chấp nhận bởi thực tế, các quy hoạch này muốn được thông qua cũng phải cần có sự chấp thuận của Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT. Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) thẳng thắn cho rằng khâu quy hoạch, đầu tư ở các địa phương cứ dàn trải không tính đến đặc thù thì mãi mãi gây lãng phí và mang tiếng với người dân.
 
 Đại biểu Nguyễn Thái Học đề nghị xem xét trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng về chính sách hỗ trợ người dân diện tái định cư
 
Việc hỗ trợ cho đồng bào nghèo trong diện tái định cư ở các công trình thủy điện cũng được các đại biểu băn khoăn. Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho biết tại kỳ họp thứ 3, thứ 4, Quốc hội cũng có nghị quyết là trong năm 2013 sẽ ban hành chính sách liên quan đến vấn đề trên và Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã hứa sẽ ban hành chính sách này. Thế nhưng, đến nay, chính sách đó vẫn chưa thấy đâu còn Bộ trưởng Bộ Công thương lại chuyển trách nhiệm sang cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Do đó, ông đã kiến nghị xem xét trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong việc này.
 
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát được chỉ định trả lời thay Bộ trưởng Hoàng về chính sách đồng bào nghèo tái định cư. Ông cho biết đã tiến hành khảo sát cùng Bộ Công Thương đánh giá tình hình di dân tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện gửi Quốc hội. Hiện đang lập chính sách ổn định cuộc sống người dân, dự kiến cuối 2013 (tháng 12) sẽ nghiệm thu, trình Chính phủ đề án kèm theo chính sách để khắc phục các khó khăn tồn tại.
 
Cũng để an lòng các đại biểu, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo, rà soát và loại khỏi quy hoạch 4 dự án thủy điện lớn bậc thang và loại khỏi quy hoạch 418 dự án thủy điện nhỏ ảnh hưởng đến môi trường sống và có hiệu quả thấp. Ông cũng cho biết sẽ xử lý nghiêm minh kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự tổ chức, cá nhân nào gây ra hậu quả cho người dân và xã hội.
 
Tình trạng thủy điện mọc lên tràn lan gây ra khá nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và đời sống an sinh đã trở thành vấn đề nóng trong những phiên họp quốc hội gần đây. Theo Tiến sĩ Vũ Thị Thu Lan, Phó viện trưởng Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết trên Thời báo kinh tế Sài Gòn trong những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế xã hội ở các tỉnh miền Trung là một phần nguyên nhân phá vỡ quá trình cân bằng của tự nhiên khiến ngập lụt do lũ ngày càng lớn. Cụ thể tuyến đường giao thông 1A, đường sắt Bắc – Nam và các tuyến quốc lộ khác trên lưu vực đã trở thành các con đê ngăn lũ thoát ra, gây cản trở tới khả năng thoát lũ tự nhiên của các tỉnh miền Trung.
 
Ngoài ra, việc đào đắp, xây dựng các cơ sở, công trình phục vụ nuôi trồng thủy sản cùng với sự tập trung dân cư tại các đồng bằng ven biển, cửa sông không có quy hoạch cụ thể khiến dòng chảy và các vật liệu khác từ đất liền bị cản trở ra biển. Cùng với việc mưa bão thất thường, các tỉnh miền Trung sẽ thường xuyên bị lũ và thời gian ngập lũ cũng có xu hướng tăng lên. Mà theo như ông Nguyễn Minh Việt, Viện trưởng Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo, thời gian qua chúng ta đã quá chú trọng vào các công trình thủy điện. Các nhà máy thủy điện ở miền Trung đều muốn tối đa hóa lợi nhuận nên không có dung tích phòng lũ. Để khắc phục chỉ có thể chuyển chức năng của chúng làm hồ thủy lợi nhưng việc này không hề dễ dàng. Và như vậy, lũ chồng lũ sẽ còn là điệp khúc tiếp diễn nhiều năm.
 
Hải Băng

 

Đại biểu Quốc hội bức xúc trước tình trạng thủy điện gây ‘lũ chồng lũ’

Sự kiện miền Trung chịu cảnh “lũ chồng lũ” khiến 41 người thiệt mạng, hàng ngàn hecta hoa màu bị thiệt hại khiến cuộc sống trở nên vô cùng khó khăn, mà trong đó nguyên nhân từ việc 15 hồ thủy điện xả lũ đột ngột đang làm tâm điểm khiến một loạt các đại biểu Quốc hội rất bức xúc.

 
Chỉ đích danh Bộ Công thương trên tờ VnMedia, Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) cho rằng việc xảy ra lũ lụt ở miền Trung, Tây Nguyên rõ ràng là hậu quả tất yếu của việc buông lỏng, dễ dãi trong quản lý từ đầu tư, quy hoạch, xây dựng đến vận hành khai thác đối với thủy điện nhỏ, dẫn đến việc thủy điện xả lũ chỉ khi có lũ mà bất lực trong việc dự đoán, gây thiệt hại lớn cho người dân. Theo ông Thiện, thủy điện nhỏ không hề tính đến phương án vỡ đập khi bị lũ, vì chất lượng đập quá kém. Và Chính phủ phải làm rõ trách nhiệm, trong đó trước hết phải là Bộ Công thương vì đây là Bộ chủ quản về thủy điện, chứ không thể đẩy trách nhiệm sang cho địa phương, hay bộ nào khác.
 
Theo đánh giá của Bộ TN-MT, mỗi năm cả nước thiệt hại do bão lũ thiên tai đến 1,5% GDP. Cả vùng sau một thời gian nỗ lực khá lên đôi chút thì sau 1 trận bão lũ lại quay lại đói nghèo.
 
ĐBQH  Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) - Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội.
Phân tích sâu hơn tác hại của thủy điện, Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Ngãi) cho rằng mùa khô thì thủy điện tích nước khiến cho sông dưới hạ du chỉ là sông chết, rồi khi mưa to thì mạnh ai nấy xả, tác hại khôn lường. Điều bất cập là dù phân cấp quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa cho địa phương, nhưng nhà nước phải quản lý, rà soát, nếu không dân vẫn chịu thiệt. Mà Bộ Công thương không có trách nhiệm là vô lý, không thể chấp nhận được, ông Minh nhấn mạnh. Đồng quan điểm, Đại biểu Dương Trung Quốc cũng cho rằng Bộ Công thương - lúc này đang có lãnh đạo đi công tác nước ngoài - giải trình chung chung, trách nhiệm không rơi vào đâu cả. Nếu xác định nguyên nhân là do con người thì người dân hoàn toàn có thể khởi kiện.
 
Cũng trong phiên thảo luận về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội sáng 19/11, Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đã yêu cầu phải điều tra xử lý trách nhiệm hình sự. “Không thể chấp nhận được việc xả lũ làm nhiều người chết như vậy mà không ai chịu trách nhiệm” - ông Phúc nói.
 
Thanh Hà

 

Điểm mặt thủ phạm

Không phải đợi đến trận lũ lịch sử vừa mới xảy ra trong tuần qua người ta mới biết thủ phạm gây ra trận đại hồng thủy ấy, mà từ 10 năm nay, khi các công trình thủy điện ở miền Trung và Tây nguyên lần lượt “khánh thành và đưa vào sử dụng” thì người dân luôn đón nhận những trận lũ “bất thường”.

Chỉ cần qua vài mùa mưa mà cứ lặp lại những trận lũ bất thường như vậy, đến đứa trẻ lên 5 cũng biết nguyên nhân do đâu chứ nói chi đến người già. Trận lũ vừa rồi một lần nữa đã xác tín cái điều mà có thể có người vẫn còn hồ nghi về thủ phạm gây ra bao cảnh tang thương cho người dân miền Trung. Chính thủy điện với cách xả lũ “sống chết mặc bay” của các chủ hồ đập là thủ phạm chứ không ai khác.

Trở lại với trận lũ lịch sử vừa rồi. Nếu như cơn bão Haiyan, các đài khí tượng dồn dập thông báo về mức độ nguy hại của cả bão lẫn lũ bao nhiêu thì cơn bão số 15 vừa rồi, việc “dự báo” về tác hại của nó lại “nhẹ nhàng” bấy nhiêu. “Nhẹ nhàng” đến mức, nhiều cư dân ven các con sông lớn không màng quan tâm đến chuyện lũ lụt, để đến khi nước lũ thập thò ngoài ngõ thì mới bắt đầu chạy lụt. Người dân chủ quan là có lý do, vì thực tế thì lượng mưa như vừa rồi là quá đỗi bình thường với họ. Điều không bình thường là ở chỗ, mưa không quá lớn mà nước thì lại lớn đột ngột. Nhiều người đã trải qua hàng chục mùa lũ dữ ở miền Trung nhưng chưa thấy có năm nào mà chỉ trong 2 giờ, nước lũ đã ngấp nghé đến tận nóc nhà như trận lũ vừa rồi. Lo chạy tháo thân có khi còn không kịp, nói gì đến chuyện thu dọn tài sản.

Rõ ràng, trong trận đại hồng thủy vừa qua có sự tiếp sức rất tích cực của các hồ thủy điện. Các hồ chứa không những “góp phần cắt lũ” như luận chứng kinh tế mà các chủ đầu tư đã “bảo vệ” trước các hội đồng cấp tỉnh và cấp nhà nước mà còn “hỗ trợ” thêm cho thiên tai. Vì vậy, báo cáo của Văn phòng thường trực phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn gửi Bộ Công thương cho rằng trong đợt lũ vừa qua, không có nhiều thủy điện xả lũ và mức xả không lớn là một cách nói rất thiếu trách nhiệm với dân.

“Đổ lỗi cho trời” là một cách chối bỏ trách nhiệm nhẹ nhàng nhất nhưng những gì diễn ra ở miền Trung trong đợt lũ vừa rồi đã không cho phép các chủ đập thủy điện vô can. 24 người chết, 10 người mất tích do lũ là những con số nhói buốt. Cơn lũ cũng đã tàn phá ghê gớm cơ sở hạ tầng và cướp đi nhiều tài sản của người dân. Sẽ không thiệt hại nhiều nhân mạng và tài sản như thế nếu như việc xả lũ từ các công trình thủy điện có trách nhiệm và khoa học hơn.

Trong câu chuyện tang thương này không thể không nói đến một phần trách nhiệm của các nhà “đo nắng đong mưa”. Bão Haiyan báo “mưa rất to khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi” thì chả thấy giọt nào, còn bão số 15 đổ bộ vào Ninh Thuận thì nước lại nhấn chìm suốt 4 tỉnh miền Trung cách cơn bão những 500 - 600 km. Thủy điện thì tin vào dự báo bên khí tượng để xả lũ mà khí tượng thì mọi người đều biết, báo mưa nhưng có khi nắng, còn báo nắng thì lại... mưa to, cũng là chuyện đã từng.

Trần Đăng

No comments:

Post a Comment