Sunday, November 3, 2013

Âu thuyền xây 80 tỷ nhưng bão 12 về tàu không dám vào trú


Âu thuyền An Hòa (Quảng Nam) được đầu tư với số tiền 80 tỷ đồng làm nơi cho tàu tuyền tránh bão hiện đang bỏ phí. Không những thế, hễ có giông bão tàu thuyền còn phải tránh xa khu vực này để được an toàn.

 
Theo VOV, đầu năm 2011, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa (âu thuyền An Hòa) do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam làm chủ đầu tư với số vốn gần 80 tỷ đồng (từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới và ngân sách nhà nước) được đưa vào sử dụng. Công trình có diện tích 40 ha mặt nước, với 70 cột trụ ​để neo đậu cho hơn 450 phương tiện khai thác thủy hải sản ở khu vực Núi Thành, Tam Kỳ (Quảng Nam) và một số tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi.
 
Tuy nhiên, hơn một năm sau, khu neo đậu vẫn vắng bóng tàu thuyền, ngư dân không dám cho phương tiện vào vì sợ bị hư hỏng. Người dân địa phương gọi đây là “bãi cọc bê tông”. Các trụ neo nằm san sát nhau, chỉ đủ kích cỡ cho tàu có công suất 300 - 400 CV, trong khi đó, tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân các xã Tam Quang, Tam Giang, Tam Tiến và Tam Hải (huyện Núi Thành) lại có công suất 300 - 650CV.
 
Trong điều kiện bình thường, tàu còn có thể neo tại đây, nhưng khi khi có bão sóng to gió lớn sẽ làm các tàu va vào cột neo và tự va vào nhau. Độ sâu của âu thuyền chỉ 2,7 - 3,5 m nên các tàu lớn không thể vào tránh bão. Âu thuyền cũng không có đê chắn sóng.
 
Theo ngư dân huyện Núi Thành, nhà nước xây dựng âu thuyền nhưng không hề tham khảo ý kiến người dân địa phương. Công trình được xây dựng một cách chắp vá. Đường dẫn bị bồi lấp, luồng lạch không khác gì ma trận. Cọc bê tông xây dựng xong không có đê bao chắn sóng nên ngư dân không dám đưa tàu thuyền vào đây tránh trú bão. Trên thực tế, khu vực này trống gió không thể xây dựng âu thuyền được.
 
Và khi cơn bão số 12 đang về gần, hơn 1.500 tàu thuyền của ngư dân huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam lại phải đôn đáo tìm nơi trú. Đây chính là ví dụ sống động nhất của việc đem tiền chùa đổ xuống biển, để rồi những người dân đóng thuế lại phải đánh cược cuộc sống của mình mỗi khi trời đất nổi cơn giận.
 
H.T.

No comments:

Post a Comment