Friday, November 1, 2013

Thực tiễn đã chứng minh là đúng thì nên sửa


Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Thứ Sáu,  1/11/2013, 08:51 (GMT+7)

(TBKTSG) - Giải trình của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tuần rồi với Quốc hội, đặc biệt là về đề nghị không bổ sung Hội đồng Hiến pháp vào dự thảo Hiến pháp, cho thấy việc sửa đổi Hiến pháp đang được thực hiện với một sự thận trọng đáng ghi nhận. 

Quan điểm của nhà soạn thảo khá rõ ràng: vấn đề nào chưa hiểu tường tận thì tạm thời để lại, chưa sửa đổi. Quan điểm này cũng là nguyên tắc chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Với phương châm cái gì đã rõ, đã chín, thực tiễn chứng minh là đúng và tạo được sự thống nhất cao thì chúng ta sửa. Còn nếu chưa rõ, chưa chín, chưa được kiểm nghiệm qua thực tiễn, ý kiến còn khác nhau thì chưa nên sửa, chưa nên đưa vào”.

Sửa đổi Hiến pháp là một vấn đề cực kỳ hệ trọng, liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc, nên việc cân nhắc cẩn trọng là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên có những vấn đề cần được quan tâm triệt để hơn. Có thể dẫn ra vài ví dụ sau đây.

Thứ nhất là vấn đề đất đai. Thực tế cho thấy các quy định pháp luật về đất đai đã và đang gây ra một thực trạng nhức nhối trong xã hội. Nông dân bị thu hồi đất một cách tràn lan, tùy tiện; sự trục lợi trên đất đai và giàu lên nhanh chóng của các nhóm lợi ích bắt tay với quyền lực công; khiếu nại, tranh chấp về đất đai diễn ra khắp mọi nơi và ngày càng nóng bỏng... Nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng trên xuất phát chính từ những bất cập của những áp đặt không phù hợp với thực tiễn cuộc sống của pháp luật về đất đai. Hơn 30 năm áp dụng các quy định này vào thực tiễn, chúng ta đã chứng kiến, đã thấu hiểu sâu sắc rằng chúng cần được sửa đổi một cách toàn diện. Ấy thế mà ngược lại dự thảo sửa đổi Hiến pháp vẫn giữ nguyên một số khái niệm như quy định cho phép “Nhà nước thu hồi đất  cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội”...

Một ví dụ khác là việc dự thảo sửa đổi Hiến pháp vẫn tiếp tục hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước (mà trong đó doanh nghiệp nhà nước là trung tâm). Đây là vấn đề mà chúng ta không chỉ thấu hiểu, trải nghiệm, và cũng như vấn nạn về đất đai, việc áp dụng quy định này đã phải trả một giá quá đắt về tài sản, con người... do các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước gây nên.

Nói đến thất thoát về tài sản, chắc chắn không đâu gây ra nhiều kỷ lục như những “quả đấm thép”. Nói đến gây mất ổn định kinh tế vĩ mô, chắc chắn không thể không kể đến các tổng công ty, các tập đoàn nhà nước đa ngành nghề. Nói đến hiệu quả đầu tư, chắc chắn khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng không bằng khu vực kinh tế ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, nếu nói đến ưu ái từ Nhà nước, có lẽ cũng không một thành phần kinh tế nào lại được cưng chiều như quốc doanh...

Nhìn rộng ra trên thế giới, không có nước nào theo kinh tế thị trường lại có mô hình “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” như chúng ta cả, vì họ biết làm như thế là trái với quy luật của kinh tế thị trường. Đã biết, đã hiểu, đã trải nghiệm, đã trả giá như thế, vì sao chúng ta chưa sửa đổi?

No comments:

Post a Comment