Sunday, November 3, 2013

Tàu thuyền sợ nơi tránh bão

Tuổi trẻ

Tàu thuyền sợ nơi tránh bão - Kỳ 1:

Âu thuyền thành bãi chông

04/11/2013 08:13 (GMT + 7)

TT - Tình trạng âu thuyền được đầu tư tiền tỉ rồi bỏ trống, tàu thuyền không dám vào xảy ra ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế... Trong đó có âu thuyền xây dựng các cọc bêtông giống như các bãi chông “bẫy tàu”.
Khu neo đậu tàu thuyền An Hòa (huyện Núi Thành, Quảng Nam) được đầu tư giai đoạn 1 gần 78 tỉ đồng, nhưng ngư dân không dám cho tàu thuyền vào neo đậu khi gió bão - Ảnh: Tấn Vũ


* Hàng trăm tỉ đồng đã được đầu tư xây dựng các âu thuyền tránh trú bão cho các ngư dân tại các tỉnh miền Trung. Thế nhưng khi hoàn thành thì hầu hết các âu thuyền này ngư dân đều không dám cho tàu thuyền đậu vì sợ đá ngầm, tàu va đập, sóng lớn đánh chìm... 

Đến thời điểm hiện tại, theo thông báo của chủ đầu tư dự án nạo vét, thông luồng, xây dựng hai tuyến đê Bắc - Nam, vũng neo đậu tàu thuyền Mỹ Á (Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi) tại xã Phổ Quang (Đức Phổ) số tiền đã rót vào đây lên đến 104 tỉ đồng. Mục đích giúp tàu thuyền có công suất lên tới 400CV có thể tránh trú bão. Thế nhưng, ngư dân xã Phổ Quang và các xã lân cận mỗi khi cho tàu vào vũng neo đậu Mỹ Á đều hãi hùng trước những tảng đá mồ côi như những cọc nhọn sẵn sàng đánh gãy chân vịt, cốt tàu hay làm tan xác cả những con tàu không may mắn.

“Bẫy tàu”...

"Quả là rất phung phí, 40 tỉ đồng chừ mất tác dụng, cho tiền nớ tôi xây dựng nông thôn mới thì dân xã tôi nhờ lắm rồi! "
Ông PhẠM MAI THƯƠNG
(bí thư Đảng ủy xã Duy Nghĩa)






Ngư dân Nguyễn Văn Sết, chủ một tàu công suất 150CV, chỉ tảng đá ngầm bảo đó là “thủ phạm” gây ra không biết bao nhiêu vụ tai nạn mỗi khi tàu ra vào vũng neo đậu. Tháng 2-2013, tàu cá của ông Nguyễn Vũ khi vào cảng trú áp thấp nhiệt đới, dù đã “lạng lách” để né nhưng vẫn bị sóng đánh bạt ngang, cả con tàu 45CV dồn về phía những tảng đá. Biết chẳng thể thoát nạn nên các ngư dân trên tàu nhảy xuống biển và được người dân tiếp cứu, còn chiếc tàu tan thành từng mảnh.

Âu thuyền Hồng Triều (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) với tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu hơn 43 tỉ đồng nhưng ngư dân không dám cho tàu thuyền vào neo đậu khi gió bão. Trong ảnh: đèn hướng dẫn tàu thuyền bị bão số 11 đánh dạt lên bờ, làm vỡ luôn bờ đê - Ảnh: Tấn Vũ

Tương tự, tàu cá công suất 115CV của ông Nguyễn Quảng (43 tuổi) và tàu cá công suất 80CV của ông Hành Văn Hóa (47 tuổi, đều ở xã Phổ Quang) cũng cùng chung số phận khi ra vào cửa, một ngư dân đã tử vong, thiệt hại của ngư dân lên tới cả tỉ đồng... Để những tảng đá mồ côi lộ ra như vậy, theo những ngư dân dạn dày kinh nghiệm của xã này, có sự “góp phần” của hai tuyến đê kè Nam - Bắc.

Cách cửa biển Mỹ Á không xa là cửa Sa Huỳnh (cũng của huyện Đức Phổ). Từ khi tuyến kè chắn sóng, chắn cát của cửa biển này được xây dựng phục vụ tàu thuyền ra vào neo đậu đã có gần 40 tàu cá của ngư dân bị đánh tan nát. UBND tỉnh Quảng Ngãi đầu tư dự án thông cửa biển và xây dựng cảng cá Sa Huỳnh, vốn đầu tư trên 44 tỉ đồng, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 9-2009. Tuy nhiên, sau gần bốn năm sử dụng bây giờ khu neo đậu như một chiếc bẫy tàu thuyền khiến nhiều ngư dân khiếp đảm. Chị Trần Thị Phú ở thôn Tân Hy, xã Phổ Thạnh kể lại: “Mùa lộng tháng 2-2011, chồng tui (anh Hà Chút) nhổ neo khai trương tàu lúc 12g trưa. Mới ra được hơn nửa cửa biển, bất ngờ sóng lớn ập tới nhấc bổng con tàu lên rồi “ném” vào sườn đê chắn cát, 11 ngư dân may mắn thoát chết, tàu thì nát luôn”.

Ông Nguyễn Duy Trinh - phó chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ - cho biết có gần 40 tàu thuyền ra vào cửa Sa Huỳnh bị sóng đánh nát, hàng trăm ngư dân lâm nạn, thiệt hại cả chục tỉ đồng. Đó là chưa kể những phương tiện bị hư hỏng phải sửa chữa, cải hoán mà nguyên nhân cũng chính từ việc va vào thân đê. “Năm rồi có trên 550 tàu loại 90CV trở lên của xã phải di tản đến các tỉnh bạn, khiến sản lượng đánh bắt sụt giảm hẳn” - ông Trinh nói.

Sợ vỡ tàu

Năm 2008, âu thuyền An Hòa (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) được xây dựng với số vốn 78 tỉ đồng, trong đó vốn từ Ngân hàng Thế giới là 51 tỉ đồng, số còn lại là từ ngân sách nhà nước, hoàn thành và bàn giao sử dụng năm 2010. Thế nhưng mấy mùa mưa bão vừa qua, khi cứ nghe tin bão là ngư dân cho thuyền chạy lánh xa khu neo đậu này.

Ngư dân Trần Văn Anh cho biết bão số 11 vừa qua không một con thuyền nào dám neo đậu trong khu vực này vì gió to sóng lớn ngư dân sợ đứt dây neo đâm vào trụ bêtông gây vỡ tàu thuyền. Trong khu vực mặt nước rộng 34ha, dựng lên gần 80 trụ bêtông để tàu thuyền cột neo. Sở dĩ ngư dân không dám đậu thuyền, theo ông Anh, là các trụ này đóng quá gần nhau trong khi đó tàu thuyền thì to nên loay hoay là vấp phải trụ bêtông và bị đâm thủng tàu.

Bà Phạm Xuân Lệ, chủ hai tàu cá có công suất lớn tại xã Tam Quang (Núi Thành), kể lại trận bão năm 2009 các trụ này bị triều cường nhấn chìm toàn bộ dưới nước. Mặt vịnh nơi neo đậu thuyền trở thành bãi cọc khổng lồ, không một chiếc tàu nào dám rục rịch. “Bây giờ nghe tin bão là ngư dân chạy ngược sông cách âu thuyền An Hòa khoảng 5km để trú ẩn. Ngư dân sợ âu thuyền này lắm rồi!” - bà Lệ bức xúc.

Ngư dân Phạm Phú Đức (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) có hai tàu thường xuyên vào neo đậu ở vùng biển Tam Giang (huyện Núi Thành) nói: “Muốn làm cái chi ở vùng sông nước Tam Giang này thì nên họp dân, hỏi ý dân một tiếng. Hồi họ bắt đầu đóng những cọc bêtông đầu tiên tôi đã chèo ghe ra tận nơi nói “các anh xây ở đây tàu không đậu được đâu”. Thế nhưng họ bỏ ngoài tai. Giờ đây 3-4 năm không có con tàu nào thèm vào đậu thấy đau lòng lắm”.

Tuy nhiên, ông Đức nói điều đau đớn nhất hiện tại là một con tàu của ông đang mắc cạn ở vùng biển khu neo đậu An Hòa trong trận bão số 11 vừa qua. “Hôm bão vào, tôi chạy tàu vào khu vực âu thuyền An Hòa định neo nhờ thấy gió lớn sợ đánh vỡ tàu. Khi đang loay hoay cho tàu chạy ra thì sóng đẩy phăng con tàu mắc cạn lên cồn cát. Bão đi qua đã nửa tháng mà giờ vẫn chưa thuê được thợ kéo con tàu xuống, tàu thì bị hư hỏng nhiều”.

Tại huyện Duy Xuyên, âu thuyền Hồng Triều cũng lâm vào cảnh bi đát. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 43 tỉ đồng này giúp ngư dân tránh bão đã trở nên mất tác dụng khi mùa bão đến. Ông Phạm Mai Thương, bí thư Đảng ủy xã Duy Nghĩa, bức xúc: “Âu thuyền thiết kế không đúng kỹ thuật, chặt sạch cây xanh chắn gió, xây thành bêtông thay bờ cát nên bão vào sóng gió đánh rất dữ dội. Tàu gỗ va vào thành bêtông bể nát nên ngư dân không dám neo đậu”.


TẤN VŨ - HỮU KHÁ - TRÀ GIANG


Thiết kế sai

Tại xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), cảng cá Tư Hiền được đầu tư khoảng 40 tỉ đồng để làm nơi neo đậu và tránh trú bão cho tàu thuyền đang rơi vào cảnh hoang phế. Theo ngư dân địa phương, dù công trình được đầu tư năm 2005 nhưng từ đó đến nay mỗi ngày chỉ lác đác vài ghe nhỏ vào neo đậu. Nguyên nhân do thiết kế cầu cảng quá cao, dành cho tàu có công suất lớn từ 500CV nhưng thực tế ở địa phương chủ yếu là tàu công suất từ 300CV trở xuống nên không thể cập cảng. Ngoài ra, do xây dựng công trình quá gần cửa biển Tư Hiền, nơi đón những cơn gió và sóng mạnh vào mùa mưa bão, nạn bồi lấp lớn, dòng chảy mạnh nên tàu thuyền cũng không dám vào vì sợ mắc cạn hoặc bị đánh chìm.
 
Chỉ phù hợp cho tàu lớn


Dự án cảng cá Tiên Châu (xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) có tổng vốn đầu tư gần 28 tỉ đồng từ nguồn vốn chương trình biển Đông - hải đảo của trung ương. Công trình đi vào hoạt động từ năm 2006, theo thiết kế mỗi ngày có thể tiếp nhận khoảng 300 lượt tàu thuyền có công suất 50-500CV, với lượng hàng thủy sản từ 6.000-10.000 tấn và bãi tập kết cá rộng 1.620m2. Thế nhưng, trong những ngày cuối tháng 10-2013, giữa lúc biển động thường xuyên, lẽ ra tàu thuyền cập cảng đông đúc để sửa chữa chuẩn bị cho mùa biển sau nhưng cảng cá vắng như chợ chiều.

Lý giải lý do ngư dân không mặn mà vào đây, ông Phạm Thiên, tổ trưởng tổ tàu thuyền an toàn số 6 của xã An Ninh Tây, trả lời rằng cầu cảng cao quá thường cách mặt nước 2-3m nên ngư dân rất khó cập tàu vào để bốc dỡ cá và vật tư. “Vào mùa mưa bão năm 2009, tàu của tôi vào neo đậu tại cảng thì bị sóng đánh vỡ mạn trái, thiệt hại gần 100 triệu đồng” - ông Thiên kể.

Tương tự, hai khu neo đậu trú tránh bão cho tàu thuyền vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông có tổng vốn đầu tư 65 tỉ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ và hơn 1 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh Phú Yên được đưa vào sử dụng đầu năm 2011 và bàn giao cho UBND thị xã Sông Cầu quản lý, sử dụng tháng 8-2013. Tuy nhiên, khi có bão rất ít tàu thuyền vào hai khu này neo trú. Ông Nguyễn Thành Nhơn ở thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh cho biết tàu thuyền của bà con ở đây phần lớn dưới 90CV, đánh bắt gần bờ, khi có mưa bão thì đưa đến nơi kín gió hoặc kéo lên bờ để tránh. “Chúng tôi không dám neo tàu tại trụ neo trong khu trú tránh bão vì lỡ sóng to các tàu va đập vào nhau bị chìm thì thiệt hại rất lớn” - ông Nhơn nói. Ông Đỗ Văn Chính, trưởng Phòng kinh tế thị xã Sông Cầu, thừa nhận hai khu neo đậu tàu thuyền này chỉ phù hợp với tàu công suất lớn, tàu công suất nhỏ thì không cần thiết phải neo đậu tại đây.
KIM THỦY

  ------------------------------------
* Tin bài liên quan:

No comments:

Post a Comment