19/11/2013 - 07:08
Thiệt hại do lũ lớn tại miền Trung vẫn chưa dừng
lại, số người chết, mất tích và bị thương vẫn tiếp tục tăng lên khiến
không khí tại các vùng lũ thêm phần đau thương. Nhiều gia đình bị lũ
cuốn trôi mọi tài sản, vật nuôi, hoa màu. Thời gian tới, cuộc sống của
người dân nơi đây chắc chắn còn vô vàn khó khăn.
Theo Dân Trí, lũ lớn đã gây thiệt hại nặng cho nhiều tỉnh như Thừa
Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh
Hòa, Ninh Thuận, KonTum, Gia Lai. Theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống
lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên tính đến sáng 19/11 lũ đã cướp
đi tính mạng của 41 người, 5 người khác vẫn đang mất tích và 74 người bị
thương. Bình Định là tỉnh chịu thiệt hại lớn nhất với 18 người chết.
Về tài sản, mưa lũ cũng làm đổ, sập, trôi 410 ngôi nhà; tốc mái, hư
hỏng 1.271 ngôi nhà và ngập 425.573 ngôi nhà; gần 3.000 hécta lúa và hoa
màu bị hư hại; hơn 100 hécta nuôi trồng thủy sản bị ngập và hư hại
nhiều lồng bè nuôi hải sản của người dân cũng bị cuốn trôi ra biển không
thể tìm thấy; hàng chục tàu thuyền bị lật, chìm. Thêm đó, lũ cũng cuốn
trôi và làm hư hại nhiều công trình giao thông, đê kè thủy lợi.
Đến sáng nay, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi lũ đã rút, không còn nhà
bị ngập tuy nhiên khá nhiều đường xá, công trình giao thông, thủy lợi bị
hư hại; tại Đà Nẵng, Phú Yên đã hết ngập, giao thông đã trở lại bình
thường; tại Bình Định ngập lụt vẫn đang xảy ra tại nhiều xã huyện. Theo
dự báo trong ngày hôm nay, lũ trên các sông từ đến Phú Yên và khu vực
bắc Tây Nguyên tiếp tục xuống. Các sông khác ở Trung Bộ và Nam Tây
Nguyên biến đổi chậm.
Thực tế, lượng mưa do áp thấp nhiệt đới mang lại vốn chẳng thể gây nên
một cơn đại hồng thủy tàn phá miền Trung với quy mô lớn đến vậy mà phần
lớn là do hàng loạt thủy điện đồng loạt xả lũ. Chỉ trong mùa mưa bão
năm nay thủy điện xả lũ liên tục khiến người dân tại các vùng hạ lưu
điêu đứng.
Ngân Hà
Thủy điện - nỗi ám ảnh mùa lũ
18/11/2013 - 13:46
Miền Trungchưa kịp hoàn hồn với siêu bão Haiyan
thì ngay sau đó, một cơn áp thấp nhiệt đới ở ngoài khơi xa đã gây mưa
lớn tạo nên cơn lũ lịch sử tràn về. Chỉ sau một đêm, miền Trung đã bị
nhấn chìm, không chỉ bơi mưa lũ mà còn vì các công trình thủy điện “vô
tư” xả nước biến thiên tai thành “nhân họa”.
31 người chết, 9 người mất tích và 20 người bị thương cùng hàng nghìn
ngôi nhà bị ngập, hư hỏng hay cuốn trôi, toàn bộ diện tích nuôi trồng
trong khu vực đã bị hủy hoại. Đây mới chỉ là những thống kê ban đầu và
con số thiệt hại sẽ còn tiếp tục tăng lên sau đó. Tuy nhiên, với người
dân miền Trung thì mưa lũ không còn quá bất ngờ vì năm nào họ cũng phải
hứng chịu đôi lần, song giờ đây hai chữ “xả lũ” mới là nỗi kinh hoàng.
Tháng 11 năm 1999 những cơn mưa cực lớn với mức nước được đo là 1.384
mm/ngày ở Huế đã tạo nên một trận lũ lịch sử. Sau đúng 14 năm, cố đô này
lại chìm trong biển nước khi lượng mưa dù rất lớn nhưng cũng vào khoảng
600mm/ngày. Nhưng đáng nói hơn cả là nước lên nhanh khủng khiếp, chỉ
sau vài giờ nước đã dâng cao đến vài mét khiến dân trở tay không kịp.
Những người dân sống gần các hồ đập thực sự hoảng loạn khi phải nháo
nhào tháo chạy trong đêm, và chứng kiến toàn bộ tài sản ruộng đồng bị
nước nuốt trọn.
Tại Bình Định, những người sống dọc theo Quốc lộ 19 nối từ đồng bằng
lên cao nguyên lần đầu tiên chứng kiến con đường này bị lũ tàn phá.
Trong cuộc họp ngày 17/11 ông Hồ Quốc Dũng - phó chủ tịch thường trực
UBND tỉnh Bình Định bức xúc phản ánh, người dân vốn sống ngàn đời với
những cơn mưa lớn nhưng chỉ vài năm trở lại đây thì cứ mưa lớn là dẫn
đến lũ lớn. Bởi ngoài lý do mưa lớn thì còn bởi các hồ thủy điện xả lũ.
Vậy nên các công trình này đã không phát huy được hiệu quả điều tiết
tránh lũ mà ngược lại còn khiến lũ tăng cấp.
Mặc dù báo cáo của Văn phòng thường trực phòng chống lụt bão và tìm
kiếm cứu nạn gửi Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khăng định không
có nhiều thủy điện xả lũ và mức xả không lớn. Tuy nhiên, hiện thực sau
bản báo cáo lại nghiêm trọng hơn thế.
Ông Hồ Văn Mẫn - phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm
cứu nạn huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết, trong số các thủy điện hiện
đang vận hành có ảnh hưởng đến hạ lưu vùng Đại Lộc, chỉ duy nhất thủy
điện A Vương là có ký cam kết cùng giám sát việc xả lũ (địa phương cử
người lên giám sát xả lũ tại nhà máy) và thông báo lũ trên hệ thống loa
công cộng (Tuổi trẻ 18/11)
|
Ông Nguyễn Văn Trúc, chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, Quảng Nam cho hay
việc các thủy điện xả lũ đột ngột, có lúc xả hơn 7.000 m3/giây đến nỗi
chỉ trong vòng 2 tiếng mà từ báo động 1 lên đến báo động 3, làm sao
người dân trở tay kịp? Còn ông Nguyễn Sự - bí thư Thành ủy TP Hội An
(Quảng Nam) khẳng định, bất cứ một thủy điện nào xả lũ, Hội An cũng phải
gánh chịu. Chưa thấy lợi từ thủy điện đến đâu bởi mùa khô, tích nước
làm Cửa Đại ngập mặn, nhà máy nước phải đóng cửa, vào mùa lũ nước đổ về
mạnh làm xói lở, đổi dòng, uy hiếp an nguy của phố cổ,
ảnh hưởng đến ngành du lịch khủng khiếp. Tình trạng cũng tương tự đối
với khu du lịch Buôn Đôn. Với thiết kế của nhà máy thủy điện Sêrêpốk 4A
đã khiến dòng nước tự nhiên không còn chảy qua hàng chục buôn làng hoặc
nếu nhà máy có “trả lại” cho dân thì lượng nước không ngăn nổi tình
trạng sa mạc hóa lòng sông hủy hoại nếp sống văn hóa cư dân và môi sinh
của hệ thực vật rừng quốc gia Yók Đôn.
“Hễ có lũ lớn, ông thì đổ cho thủy điện, ông đổ cho thủy lợi, ông thì
đổ mưa to, ông thì đổ do phá rừng, đủ thứ, cuối cùng không biết đổ đâu
thì nói là do biến đổi khí hậu. Nếu cứ để thế này thì đời sống của người
miền Trung ngàn đời nữa còn cơ cực, không cách chi mà ngóc đầu lên nổi”
– ông Hồ Quốc Dũng nói (Tuổi trẻ 18/11).
Vậy những nhà máy thủy điện này có thực sự hiệu quả như mong đợi và
được quản lý ra sao là câu hỏi mà rất nhiều cử tri đã gửi tới Quốc hội
trong kỳ họp lần này. Theo ông Lê Hữu Thuần, Phó cục Quản lý tài nguyên
nước (Bộ Tài nguyên và Môi trưởng), kiểm tra 76 thủy điện tại 16 tỉnh
thành thì hầu hết đều không được nghiên cứu kỹ trước khi xây dựng, và có
tác động rất lớn đến nguồn nước. Nhiều công trình trong số đó không có
phép hoặc chưa đủ điều kiện cấp phép. Hơn nữa nếu so sánh 6.500 tỷ đồng
đóng góp cho ngân sách (năm 2012) của các công trình này với hàng nghìn
tỷ đồng thiệt hại từ việc xả lũ và hàng chục mạng người đã ra đi cũng
như những thiệt hại kéo dài về môi trường thì quả thực lợi ích của thủy
điện thiếu quy hoạch là quá bé nhỏ.
Mới đây, Chính phủ đã loại bỏ 424 dự án thuỷ điện ra khỏi quy hoạch
nhưng còn bao nhiêu công trình mang danh thủy điện để phá rừng lấy gỗ?
Và đã có bao nhiêu hécta rừng cản nước đã bị phá để thay vào bằng những
hồ chứa, thân đập có chất lượng mang sẵn những nỗi bất an của người dân
dưới hạ nguồn mà mỗi khi mưa to, là xã lũ đột ngột với một mục đích rất
chính đáng: tránh tổn hại cho công trình. Song để giữ bình yên cho hồ
đập mà hàng chục nghìn người bị mất nhà, nguy cơ thiếu đói. Những đứa
trẻ bơ vơ vì mất gia đình, các cụ già cạn khô nước mắt đứng lập cập gặm
mì cầm hơi qua ngày. Trường học, công sở tan hoang và vắng lạnh còn bệnh
viện trở nên quá tải vì dịch bệnh tăng cao.
Không những thế, số liệu của Bộ Công thương cho thấy hàng trăm dự án
thủy điện đã liếm sạch 50.000 ha rừng, hàng ngàn hecta đất ở, đất trồng
trọt của người dân. Tất cả chỉ trông chờ vào trách nhiệm giám sát của
Quốc hội, Chính phủ và của người dân. Hay theo cách nói của Bộ trưởng Vũ
Huy Hoàng, đó chính là trách nhiệm của chúng ta – một tập thể lớn với
những trọng trách lớn lao khi vừa cùng làm chủ, bấu víu vào đất đai
nhưng cũng phải gánh chịu từ thiên tai đến nhân họa của một nhóm người
nào đó cũng nằm trong số… chúng ta.
An Huy
No comments:
Post a Comment