Bài Học Nhật Bản (5)
Khôi Nguyên, HVR
Tuy
là một quốc gia nằm trong khu vực Châu Á nhưng từ thời phong kiến Nhật
Bản không chỉ tiếp nhận nền văn minh Trung Hoa mà còn học hỏi một cách
có chọn lọc nơi các dòng văn minh khác của nhân loại.
Giáo Dục (3/3)
Trên thực tế, chính sách mở cửa giao
tiếp với Tây Phương trong thời đại Mạc Phủ vào đầu thế kỷ thứ 19 hoàn
toàn không được đa số quan lại tán thành. Nhưng cùng lúc, các võ tướng
nắm quyền lãnh đạo quốc gia lại nhận thức được rằng việc bế môn tỏa cảng
đối với thế giới, đặc biệt là với Tây phương chỉ đem lại sự cô lập và
nghèo nàn cho quốc gia. Vì vậy, sau khi chính quyền Mạc Phủ nới lỏng
quan hệ với bên ngoài và nhất là dưới áp lực của phương Tây như Anh,
Pháp cùng Hoa Kỳ, Nhật Bản càng nhìn thấy được sự cần thiết phải hội
nhập với thế giới bên ngoài một cách nhanh chóng hơn qua việc chính
quyền phong kiến đã rất chú trọng về phát triển giáo dục, đào tạo trí
thức nên tinh thần học tập được khơi dậy và khuyến khích trên toàn quốc.
Từ đó, trào lưu học hỏi về nền học thuật
Hòa Lan gọi là Lan Học (Rangaku) rồi sau được gọi chung là nền học
thuật Tây Dương (Yogaku) đã đặt nền móng cho công cuộc cải cách Duy Tân
của vua Minh Trị Thiên Hoàng.
Do đó, không phải chỉ đến thời vua Minh
Trị, Nhật Bản mới đặt trọng tâm vào nền giáo dục để phát triển đất nước
và thời đại Minh Trị được coi là một dấu ấn quyết đoán mạnh mẽ trong kế
hoạch thực hiện chính sách canh tân toàn diện mang tích cách quyết định
sự tồn vong cùng tương lai quốc gia dân tộc.
Với phương châm “Phú Quốc Cường Binh”
(Fukoku Kyohei), vua Minh Trị chẳng những đã thực hiện công cuộc hiện
đại hoá đất nước theo chủ trương tiếp tục giữ gìn những giá trị truyền
thống dân tộc cùng những tinh hoa nền văn minh Trung Hoa đã thu nhận, mà
còn nhận định rằng chính sách mở cửa học theo Tây Phương là điều kiện
tiên quyết để chấn hưng quốc gia lúc đương thời.
Điều này được thực hiện bằng các quy
định pháp lý cụ thể và các hình thức học tập đa dạng. Trong đó, việc mở
cửa và khuyến khích công dân ra nước ngoài du học là một chính sách ưu
tiên được ghi trong bản Hiến Pháp tạm thời khi vua Minh Trị mới giành
lại quyền lực, đó là: “Giới trí thức được xuất dương du học để xây dựng cho tiền đồ dân tộc.”
Rõ ràng, thời đó chính quyền Nhật Bản đã nhận thức được rằng họ đang
kém xa các nước phương Tây và chỉ có con đường học hỏi họ mới có cơ hội
và điều kiện để sánh vai cùng các cường quốc. Tuy nhiên, trong chính
sách gửi người sang du học ở các nước phương Tây cũng có sự lựa chọn lựa
kỹ lưỡng về ngành nghề hoặc quốc gia đào tạo với mục đích là chọn lọc
những quốc gia, ngành họ có thể ứng dụng trực tiếp cho công cuộc kiến
thiết đất nước. Thí dụ như trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, Nhật
Bản đã chọn Pháp để học về hành chính và luật, trong khi lại đưa học
sinh sang Hoa Kỳ và Đức để học về kinh doanh.
Vào cuối thế kỷ 19, trong chương trình
canh tân của Minh Trị Thiên Hoàng (1872-1912), cải cách giáo dục cùng
với tăng cường lực lượng quân sự và phát triển kinh tế – kỹ thuật là 3
lĩnh vực quan trọng nhất. Đặc biệt trong giáo dục, với tư tưởng “Tinh thần Nhật Bản – Kỹ thuật Tây phương” (Nippon Seishin, Saiyo Gijutsu), nền giáo dục tại Nhật đã thay đổi toàn diện và trở thành bệ phóng đưa xứ Phù Tang tiến đến tầm vóc của một “quốc gia của trí tuệ”
theo như nhận định của giới chuyên môn. Trước đó, Bộ Giáo dục Nhật Bản
thành lập vào năm 1871 đã sớm ban hành các chính sách phát triển hệ
thống giáo dục là chính sách “Không để một trẻ em nào trong gia đình và không để một gia đình nào trong cộng đồng không được giáo dục”.
Qua đó, Nhật Bản còn hướng đến phẩm chất giáo dục theo mục tiêu bảo đảm
sự phát triển hài hòa của trẻ em về mọi mặt từ trí tuệ, tình cảm, tinh
thần, thái độ cư xử và những đặc điểm giáo dục này được coi như hệ thống
giá trị, nhân văn của xã hội rồi trở thành triết lý giáo dục cơ bản của
nước Nhật.
Điều này được thể hiện rất rõ nét ở các
lớp mẫu giáo ngày nay tại Nhật khi các em ngay từ lứa tuổi mầm non đã
được hướng dẫn về tính tổ chức, tự lập, kỹ luật, phát triển thể chất,
trí tuệ và nhất là cách chào hỏi, tươi cười khi tiếp xúc với mọi người
khiến nhiều phụ huynh ngoại quốc sống tại Nhật phải ngạc nhiên.
Về tính tổ chức, các em học sinh mẫu
giáo khi đến trường thường phải mang theo nhiều loại túi đựng có độ lớn
khác nhau và tự mình phải để các đồ vật cần thiết trong mỗi túi một cách
ngăn nắp, gọn gàng mà không cần phụ huynh phải giúp đỡ Từ đó, cũng giúp
cho các em tự nhận biết khi đổ rác phải phân loại ở các thùng rác khác
nhau. Trong khi đó, về mặt kỷ luật nhà trường đặt trọng tâm vào việc đưa
ra ý niệm tự giác qua cách dạy các em tuân giữ giờ giấc, cách xếp hàng,
hoặc lúc lên xe bus, xe điện trong trật tự mà không cần phải được nhắc
nhở. Còn về tính tự lập, thì ở trường mẫu giáo Nhật Bản các em thường
phải quần áo, giày dép nhiều lần để thích hợp với giờ sinh hoạt ngoài
trời nhưng không phụ huynh nào được giúp con em mình thay đổi y phục mà
phải tự các em làm lấy. Chỉ cần nhìn qua hình ảnh các em loay hoay,
luống cuống vụng về khi thay quần áo hay mang giày vớ, có lẽ chúng ta sẽ
hiểu được ý nghĩa của hình thức giáo dục cho các em tập thói quen tự
lập.
Tính tự lập còn thể hiện nơi các em học
sinh trung học khi việc đưa đón con em đến trường được coi là một điều
bất đắc dĩ, trừ khi các em bị bệnh bất ngờ trong giờ học. Ngoài ra, hầu
như không có việc phụ hưng đưa con em ở lứa tuổi trung học đến trường.
Ngược lại, có rất nhiều học sinh ở vùng thôn quê phải đi xe đạp đến nhà
ga hoặc trạm xe điện rồi từ đó dùng các phương tiện giao thông công cộng
để đến trường mỗi ngày mất khoảng 2 đến 3 tiếng cho giờ đi và giờ về.
Về thể chất, các em bé mầm non cũng được rèn luyện thường xuyên qua
nhiều trò chơi ngoài trời và những buổi thi đấu thể dục thể thao.
Một giáo viên mẫu giáo thường phụ trách
mỗi lớp có khoảng từ 10 đến 30 em nhưng họ vẫn chăm lo đầy đủ khi nắm
vững tất cả cá tính cùng năng lực của học sinh. Đặc biệt, là giáo viên
mẫu giáo hoặc tiểu học, trung học tại Nhật cũng phải hòa đồng cùng học
sinh trong việc rèn luyện thể chất qua điều quy định họ chỉ được mặc đơn
sơ một chiếc ao len mỏng bên ngoài vào mùa Đông giá lạnh khi đến trường
vì các em học sinh tiểu học luôn mặc đồng phục với quần ngắn trong khi
các em học sinh trung học nữ thì mặc váy.
Ngoài ra, trong giờ giảng bài, giáo viên
cũng không được ngồi dù ở sau chiếc bàn của họ có sẵn ghế. Giáo viên
còn phải kiêm luôn công việc thay nhau đứng ngoài cổng đón các em học
sinh đến trường và kiểm tra đồng phục. Mối liên quan giữa giáo viên phụ
trách và phụ huynh tại Nhật Bản rất chặt chẽ qua những thư thông báo về
học lực cũng như liên lạc về tình trạng học sinh được gửi đều đặn hàng
tháng hoặc đôi khi hàng tuần.
Về thành thích học tập ở mỗi học kỳ,
giáo viên sẽ có buổi tiếp xúc với từng phụ huynh cùng học sinh để trình
bày và đưa ra ý kiến đóng góp. Trường hợp những em học sinh kém sẽ có
những buổi dạy thêm do đích thân giáo viên phụ trách hướng dẫn.
Đối với các em học sinh trung tiểu học
người ngoại quốc thì cũng có những giờ dạy riêng biệt về Nhật ngữ để
giúp các em thông hiểu ngôn ngữ rồi mới bắt đầu theo học cùng bạn đồng
lớp. Tại một số trường trung tiểu học ở Kobe, Osaka có đông học sinh
người Việt tị nạn theo học, nhà trường còn bỏ ra ngân sách để mời những
người Việt làm nghề thông dịch hoạc đang học bậc đại học cùng hướng dẫn
cho các em với giáo viên phụ trách tùy theo các môn học cần thiết, đặc
biệt là về Nhật ngữ đối với các em vừa mới đến Nhật. Trong Nhật ngữ
ngoài Kanji là Hán tự mà người Nhật vẫn không thống nhất cách đọc, còn
có bộ chữ Hiragana (Bình Giả Danh) và Katakana (Phiến Giả Danh), là hệ
thống chữ viết do người Nhật đặt ra. Học sinh tiểu học Nhật từ lớp một
đến lớp sáu mỗi năm học gần 200 chữ Kanji quy định, tức sau khi qua bậc
tiểu học thì các em nhớ được trên 1000 chữ, sau đó lên lớp chín thì phải
thuộc 1945 chữ thông dụng mới có thể đọc báo.
Ngoài ra, đứng trước một vấn nạn xã hội
là hiện tượng tự tử xảy ra trong giới học sinh trung học xuất phát từ
nguyên nhân thường thấy là tình trạng bắt nạt học đường, nhiều nhà
trường đã có sáng kiến mời người Việt tị nạn đến để trình bày cho các em
nghe về kinh nghiệm trải qua những cuộc hải trình, vượt biên tìm tự do
để nêu bật sự quý trọng vô giá của sinh mạng. Đồng thời, nỗ lực vượt qua
những hoàn cảnh khó khăn lúc ban đầu trong cuộc sống tại Nhật của người
Việt tị nạn cũng là một đề tài để các em học sinh Nhật Bản tìm hiểu và
thực hiện các bài luận văn trong môn Quốc Ngữ.
Hai môn học khó khăn nhất đối với các em
học sinh ngoại quốc ở lứa tuổi trung tiểu học nhưng chưa thông hiểu
Nhật ngữ là Quốc Ngữ (Kokugo) và Xã Hội (Shakai) vốn được coi như môn
Văn học và Công Dân, đòi hỏi sự hiểu biết về nét đặc thù của tiếng Nhật
hay nói cách tổng quát là nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản. Vì vậy,
một học sinh Nhật Bản từ bậc trung tiểu học thi vào đại học Nhật Bản
phải trải qua thời gian học tập gian nan hơn rất nhiều so các du học
sinh ngoại quốc được vào trường đại học ở Nhật Bản.
Hệ thống giáo dục của Nhật Bản gồm 7
cấp: Mẫu giáo (3-6 tuổi), tiểu học (6-12 tuổi), trung học cấp 2 từ 12-15
tuổi và cấp ba từ 15-18 tuổi), sau đó Trung học chuyên môn, đại học,
cao học, tiến sĩ. Ở Nhật, hầu hết các trường tiểu học đều là trường
công, chỉ có khoảng 0,7% trường tiểu học là trường tư. Các trường trung
học cấp 2 có khoảng 97% là trường công và 27% trường trung học cấp ba là
trường tư.
Bước vào lĩnh vực đại học và các trường
cao đẳng chuyên nghiệp thì những cơ sở đào tạo này thuộc 3 hình thức sở
hữu: quốc lập, công lập và tư thục. Trong trường đại học có hệ đại học
thông thường và hệ cao học. Khóa trình đại học chính thức thường là 4
năm, riêng y khoa, nha khoa, dược khoa, thú y là 6 năm. Sau khi tốt
nghiệp, sinh viên được cấp bằng cử nhân. Hệ cao học gồm có chương trình
thạc sĩ 2 năm và chương trình tiến sĩ 5 năm; chương trình tiến sĩ được
chia thành giai đoạn đầu (2 năm) và giai đoạn sau (3 năm).
Còn chương trình đại học ngắn hạn thông
thường là 2 năm, sau khi hoàn thành sẽ được cấp bằng cao đẳng. Các loại
hình thức trường đào tạo chuyên biệt có trường trung học phổ thông
chuyên môn, trung học chuyên nghiệp v.v…
Trường trung học chuyên nghiệp tuy không
phải là cơ sở nghiên cứu như đại học, nhưng lại là một hình thức đào
tạo rất độc đáo và thiết thực cho xã hội. Trong đó, các lĩnh vực như
thiết kế, nhiếp ảnh, vẽ truyện tranh hay làm phim hoạt hình được đào tạo
nhiều hơn đại học.
Bậc Đại Học Nhật Bản có 3 đặc điểm gồm:
-Thứ Nhất: thực hiện việc nghiên cứu học thuật ở trình độ tiên tiến và đào tạo nhân lực có khả năng lãnh đạo.
Mục tiêu đào tạo ở bậc đại học lấy học
thuật làm nòng cốt, để nâng cao năng lực tri thức và chuyên môn, khác
với trường Trung cấp chuyên nghiệp là tập trung vào nội dung giảng dạy
sát thực tiễn. Trường đại học chú trọng vào nghiên cứu và lý luận. Có
thể nói mục đích cuối cùng của đại học là phát hiện và khai triển lý
luận mới, kỹ thuật mới rối cung cấp những thành quả đó cho xã hội, cống
hiến cho sự phát triển của xã hội, đào tạo những kỹ sư, cử nhân có trình
độ học vấn và chuyên môn cao.
-Thứ hai: mô hình học tập, đi sâu nghiên cứu chuyên môn
Thông thường bậc đại học có thời gian
học 4 năm thì trong 2 năm đầu học kiến thức cơ bản theo chiều rộng, hai
năm cuối phân ngành đi sâu nghiên cứu chuyên môn. Sinh viên bước vào
giai đoạn nghiên cứu sẽ tự quyết định đề tài của mình và tham gia nhóm
nghiên cứu gồm một số sinh viên. Giáo sư hướng dẫn nhóm nghiên cứu là
giảng viên nhà trường có trách nhiệm phải thảo luận và hỗ trợ cho sinh
viên trong việc nghiên cứu đề tài mà sinh viên đóng vai trò chính yếu.
-Thứ ba: chứng chỉ tốt nghiệp đại học là cơ hội cống hiến cho xã hội
Tại Nhật Bản, chứng chỉ tốt nghiệp đại
học được coi là cơ hội mở rộng cánh cửa bước vào đời, bởi vì hầu hết
doanh nghiệp, hãng xưởng ở Nhật Bản có một tiêu chuẩn tuyển dụng đó là
“Thành tích học tập”. Hơn phân nửa các doanh nghiệp mở cửa đối với sinh
viên đã tốt nghiệp đại học, ngoại trừ các công việc cần đến tay nghề
chuyên môn. Do đó, những sinh viên học các ngành liên quan đến công việc
sản xuất của những doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đều được gửi thư ngỏ ý
kiến tuyển dụng ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Tuy
gần đây, các doanh nghiệp của Nhật Bản đã bắt đầu có khuynh hướng đi
theo chủ nghĩa thực dụng nên cách đánh giá thiên về bằng cấp đang giảm
dần, nhưng trên căn bản vẫn coi trọng thành tích học tập. Đặc biệt, khi
tuyển dụng nhân lực ở vị trí tương đối cao trong hãng xưởng thì điều
kiện vẫn là phải tốt nghiệp đại học.
Kế đến, về nội dung giáo dục của bậc đại học chia thành 10 khối
1. Khối Khoa học Nhân Văn – Là
lĩnh vực nghiên cứu sâu rộng về tâm lý và hành động của con người đồng
thời giải thích và làm sáng tỏ bản chất của con người. Đối tượng nghiên
cứu là hành vi ngôn ngữ, phương cách giao tiếp, lịch sử giải thích quá
trình phát triển của loài người, tư tưởng, tôn giáo, ý hướng tìm kiếm
một cuộc sống tốt hơn, nền văn hóa, văn minh của nhân loại v.v…
Dưới sự hướng dẫn của giáo sư hoặc các
nhà nghiên cứu, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội tiến bước trên con đường
thênh thang này. Khối KHNV có các môn học như: Triết học, Tôn giáo học,
Văn học Nhật Bản, Ngoại ngữ, Lịch sử, Khảo cổ, Địa lý, Tâm lý học, Văn
hóa, Thông tin thư viên…
2. Khối khoa học xã hội – Gồm
những ngành nghiên cứu sự hình thành và cơ cấu xã hội, những hiện tượng
xảy ra trong đời sống hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn. Có nhiều nghành
liên quan đến kinh tế, thương mại. Bên cạnh việc đào tạo những những
ngành nghề chuyên môn như luật gia, tư vấn kinh doanh, còn đào tạo những
kiến thức tổng thể hữu ích cho bất cứ công việc nào. Môn học: Luật học,
Chính trị, Kinh tế, Thương mại, Kinh doanh, Xã hội học, Phúc lợi, Du
lịch, Tin học…
3. Khối khoa học tự nhiên – Gồm
những bộ môn nghiên cứu về hiện tượng nhiên, những tri thức hữu ích cho
phát triển khoa học kỹ thuậtvới các môn gọc gồmToán, Vật lý, Hóa học,
Sinh vật, Địa lý…
4. Khối kỹ thuật công nghiệp –
Gồm những bộ môn nghiên cứu tri thức, kỹ thuật “tạo ra sản phẩm” làm cho
xã hội sung túc hơn như những hệ thống điều hành, máy móc, trang thiết
bị.
Điểm khác biệt với bộ môn công nghiệp
của Trung cấp chuyên nghiệp là ở chỗ không chỉ nắm bắt được kỹ thuật tạo
ra sản phẩm mà còn nghiên cứu những kỹ thuật tiên tiến nhất đang phát
triển từng ngày. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên đi theo con đường nghiên
cứu, khai thác và phát triển. Môn học: Kỹ thuật cơ khí, Điện- Thông tin,
Điện – Điện tử, điện toán, Xây dựng, Môi trường, Kiến trúc, Vật lý ứng
dụng, Hóa học ứng dụng, Năng lượng nguyên tử, Gia công cơ khí, Kỹ thuật
vật liệu, Kỹ thuật hàng hải – hàng không, Kinh doanh, Sinh vật học, Tài
nguyên học.
5. Khối nông nghiệp – Nông
nghiệp là một lĩnh vực đi đầu thời đại thể hiện qua sự phát triển mạnh
mẽ của ngành sinh học. Các bộ môn nông nghiệp được kỳ vọng nhiều về mặt
xã hội do tập trung nghiên cứu việc cung cấp ổn định và sử dụng hữu hiệu
nguồn tài nguyên lương thực thực phẩm, bảo vệ hệ sinh thái của sinh vật
bằng cách bảo toàn và tái sinh môi trường tự nhiên.
Môn học: Nông nghiệp, Hóa học nông
nghiệp, Kỹ thuật nông nghiệp, Kinh tế học nông nghiệp, Thú y, Chăn nuôi,
Thủy sản, Lâm nghiệp, Sản xuất sinh vật, Tài nguyên sinh vật….
6. Khối y tế, bảo vệ sức khỏe –
Tuy những ngành học 6 năm được biết đến như y khoa, nha khoa, dược,
nhưng gần đây cùng với việc mở rộng chăm sóc y tế theo khu vực, theo
nhóm nên số khoa đào tạo nhân viên bảo vệ sức khỏe ở Nhật đã tăng lên rõ
rệt. Mục đích của hệ 4 năm đào tạo những chuyên viên có kiến thức y tế
cao hơn qua các môn học: Y học, Nha, Dược, Kỹ thuật bảo vệ sức khỏe- vệ
sinh- y tế, Khoa học tuổi thọ, Khoa học sức khỏe, Thể thao, Chăm sóc
phúc lợi, Phục hồi chức năng, Vật lý trị liệu.
7. Khối Gia Chánh & đời sống
– Gồm những môn học lý luận và kỹ thuật cần thiết để tạo nên môi trường
sống lành mạnh, thoải mái với kiến thức tổng hợp về môi trường xung
quanh cuộc sống. Đặc điểm của ngành này là phạm vi nghiên cứu rộng và
nhiều đề tài được xã hội quan tâm nhiều như phòng ngừa bệnh do thói quen
sinh hoạt của phụ nữ, vấn đề sinh thái….
Môn học: Gia chánh, Khoa học tuổi thọ, Món ăn, May mặc, Dinh dưỡng…
8. Khối giáo dục – Giáo dục ở
đây là đào tạo giáo viên cho những trường yêu cầu với phạm vi nghiên cứu
rất rộng và có liên quan từ mọi ngành học như triết học, tâm lý học, xã
hội học, sinh lý học. Môn học: Giáo dục học, Sư phạm, Giáo dục thể
chất, Nhi đồng học, Giáo dục mầm non…
9. Khối nghệ thuật – Gồm những
bộ môn đòi hỏi tính sáng tạo và kỹ thuật thể hiện của nghệ thuật. Mục
tiêu là đào tạo những nghệ sĩ hay những nhà sáng tác trong lĩnh vực nghệ
thuật như mỹ thuật, thiết kế, âm nhạc. Đặc điểm của khối này không chỉ
học kỹ thuật trình diễn mà còn học cả lý luận làm nền tảng cho sự thể
hiện nghệ thuật.
Môn học: Mỹ thuật, Thiết kế, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Điện ảnh, Phát thanh, Sân khấu, Văn nghệ, Thẩm mỹ….
10. Khối tổng hợp – Hiện nay,
các trường đại học Nhật Bản đều đang thực hiện cải cách giáo dục. Các
môn học vốn có nay lại càng thay đổi nhiều hơn. Đặc biệt, quan niệm
“Nghệ Thuật Tự Do” (Liberal Art) đang phổ biến trong những lĩnh vực rộng
lớn của cả ngành khoa học xã hội lẫn tự nhiên, nên có nhiều môn học ra
đời vượt ra ngoài khuôn khổ của hệ thống môn học từ trước đến nay.
Để tiến đến những lĩnh vực rộng lớn,
Nhật Bản đang thực hiện các chương trình thử nghiệm mang tính bước ngoặc
như liên kết với các trường đại học khác với nhau. Trong lĩnh vực này,
sinh viên có thể học nhiều các môn học một cách có hệ thống như: Giáo
dưỡng học, Tích hợp học, Nhân loại học, Quan hệ quốc tế, truyền thông
báo chí, Chính sách tổng hợp, Tin học môi trường, Xã hội học khu vực.
Hiện nay, Nhật Bản đang thực hiện các
chính sách thu hút sinh viên nước ngoài đến du học. Rất nhiều trường dự
bị được mở nhằm đáp ứng nhu cầu học tập cho sinh viên ngoại quốc. Chính
phủ Nhật còn hỗ trợ cho du học sinh thông qua các chương trình học bổng
như Học bổng toàn phần, miễn trừ học phí, hỗ trợ tiền thuê nhà, chi phí
sinh hoạt. Ngoài ra, để phụ giúp cho các chi phí như tiền học và các
khoản sinh hoạt khác, sinh viên được phép làm việc bán thời gian và vay
tiền từ Tổ chức học bổng của chính phủ. Nhiều tổ chức khác từ chính
quyền địa phương, cơ quan phi lợi nhuận cũng góp phần không nhỏ về mặt
tài chính hỗ trợ cho sinh viên.
Nhờ chính sách mở rộng cửa giáo dục, các
trường học Nhật Bản đã có những chương trình mang tính cách quốc tế như
đón nhận sinh viên và giáo sư nước ngoài, thúc đẩy các chương trình
nghiên cứu và giảng dạy song ngữ cũng như khuyến khích giới trẻ Nhật Bản
du học, tạo điều kiện cho sinh viên tìm việc sau khi tốt nghiệp. Chính
sách này xuất phát từ sự thiếu hụt dân số trẻ tại Nhật Bản do tốc độ lão
hóa nhanh đã tạo ra những bước cản lớn cho việc đẩy mạnh phục hồi nền
kinh tế
Qua chính sách mới này, Nhật Bản hy vọng
sẽ tạo nên động lực lớn để thay đổi nền giáo dục theo hướng toàn cầu
hóa, đồng thời với cải cách giáo dục phù hợp theo thời đại khoa học và
kỹ thuật mới nhằm đưa Nhật Bản trở thành quốc gia có hệ thống giáo dục
phát triển nhất thế giới với môi trường học tập lý tưởng cho sinh viên
Nhật Bản và sinh viên nước ngoài.
Bài học Nhật Bản (4)
Khôi Nguyên, HVR
Giáo dục (2/3)
Ngày nay, bên cạnh địa vị của một cường
quốc kinh tế với sức mạnh chi phối và tạo ảnh hưởng khắp thế giới, Nhật
Bản còn được biết đến là một đất nước có hệ thống giáo dục rất đa dạng
kèm theo phẩm chất đào tạo đạt tiêu chuẩn cao. Qua những con số thống kế
trong năm 2012, hầu như ở Nhật Bản không có tình trạng người mù chữ và
đặc biệt hơn là số lượng học sinh theo học tiếp tục lên bậc đại học, cao
đẳng hoặc chuyên ngành đã vượt qua ngưỡng cửa 70% tức sánh bằng Hoa Kỳ
và còn bỏ xa một số quốc gia trong khối Liên Âu, đã cho thấy mức độ hiệu
quả của nền giáo dục đạt phẩm chất đào tạo và hình thành nền móng vững
chắc cho Nhật Bản tiếp tục phát triển kinh tế trong thời hiện đại. Do
đó, hệ thống giáo dục của Nhật Bản cũng được xếp hạng Ba trên thế giới
chỉ đứng sau Hoa Kỳ và Anh Quốc.
Xét về nguyên nhân gần, thì nhờ vào
chiến lược giáo dục mang tầm nhìn sâu rộng, ngay từ năm 1984 Nhật Bản đã
chuẩn bị cho một đội ngũ trí thức nhằm cung ứng cho nhu cầu bước vào
thế kỷ thứ 21 qua việc xây dựng một hệ thống giáo dục gọi là Shogai
Gakushu (Sinh Nhai Học Tập), tức Life Long Learning, được chuyển dịch là
hệ thống giáo dục suốt đời, có ý nghĩa là con người luôn tiếp tục những
hoạt động trong cuộc đời dựa trên nền tảng của sự học tập. Trong tiếng
Nhật, dụng ngữ “Sinh Nhai Học Tập” đã cho thấy cuộc sống gắn liền với sự
học và được Ban Thẩm định Hội đồng Giáo dục Trung ương của bộ Giáo Dục
diễn nghĩa một cách rộng hơn rằng,
“Nhằm mục đích phát triển tư tưởng, trí tuệ để nâng cao cuộc sống, con người ai cũng phải dựa vào khả năng đóng góp cho xã hội của mình vốn là những kiến thức đặt trên nền tảng của sự học hành. Đó chính là những kỹ thuật, kỹ năng, sự hiểu biết được ứng dụng cho từng người. Đồng thời, những kiến thức này cũng do mỗi cá nhân tự lựa chọn để thích hợp với khả năng đóng góp của mình. Điều này được gọi là sự học tập cả đời.”
Qua hệ thống giáo dục suốt đời, Nhật Bản
đã xây dựng thành công một xã hội khuyến khích và quý trọng sự học tập
với thế hệ trẻ phát triển toàn diện, năng động, tự chủ, sáng tạo, có khả
năng đáp ứng những nhu cầu mới trong nền kinh tế của thời đại toàn cầu
hóa nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của Nhật Bản trên trường quốc tế.
Điều này cũng được chứng tỏ qua sự kiện Nhật Bản đang dần hồi phục kinh
tế sau thời kỳ suy trầm và dù cho có tụt xuống vị trí cường quốc kinh tế
hạng Ba sau Trung cộng, nhưng Nhật Bản vẫn là một đầu tàu quan trọng ở
khu vực châu Á có tầm ảnh hưởng sinh tử đến nền kinh tế toàn cầu cũng
như không ai có thể phủ nhận được sức mạnh to lớn từ nền tảng hạ tầng cơ
sở của Nhật. Trong khi Trung cộng chỉ nhờ vào sự đầu tư mạnh mẽ của
giới doanh nhân ngoại quốc. trong đó có cả Nhật Bản, nên vươn lên từ lợi
thế lương nhân công rẻ mạt, tạo giá thành thấp rồi phát triển từ thế
mạnh xuất cảng, nhưng đó chỉ là bộ mặt phồn vinh bên ngoài vì với hệ
thống cơ sở hạ tầng yếu kém, môi trường bị tàn phá, đất đai canh tác bị
sa mạc hóa, nền kinh tế luôn phải đương đầu với vấn nạn cung cấp lương
thực cho khối lượng dân số khổng lồ của Trung cộng có thể sụp đổ nhanh
chóng bất cứ lúc nào.
Trở lại hệ thống giáo dục hiện hành của
Nhật Bản, nhờ vào chính sách đa dạng hóa và chuẩn bị kỹ lưỡng, các
chương trình đào tạo nhân tài này đã giúp Nhật Bản đạt được kết quả cao
trong các kỳ đánh giá phẩm chất giáo dục quốc tế PISA (Programme for
International Student Assessment) vào các năm 2000, năm 2003, năm 2006
và nhất là trong những năm gần đây. PISA là một chương trình điều tra
kết quả học tập của học sinh do tổ chức Hợp các & Phát triển Kinh tế
OCED (The Organisation for Economic Co-operation and Development) thực
hiện. Tổ chức OCED cũng được coi là diễn đàn kinh tế của 34 quốc gia
thành viên gồm những nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới với
mức thu nhập người dân cao. Trong số này, Nhật Bản cùng Đại Hàn và Do
Thái là 3 quốc gia thành viên thuộc khu vực Châu Á, còn Úc và Tân Tây
Lan là hai quốc gia thành viên của Châu Đại Dương cùng với 25 thành viên
của Châu Âu và 4 thành viên khác ở khu Bắc Mỹ, Nam Mỹ.
Bên cạnh đó, phải kể đến hệ thống các
trường cao đẳng chuyên nghiệp, dạy nghề ở Nhật cũng phát triển song hành
với nền giáo dục kiến thức lý thuyết để tránh tình trạng “nhiều thầy,
thiếu thợ”, vốn được coi đáp ứng cho hai nhu cầu đặt ưu tiên hàng đầu
trong hệ thống đào tại học sinh Nhật Bản gồm có: thứ nhất hình thành hệ
thống giáo dục cưỡng bách ở bậc tiểu học và trung học cấp 2 với mức độ
phổ biến rộng khắp toàn quốc và xem đó một là nghĩa vụ đối với quốc gia,
thứ hai mở các trường dạy nghề và đạo tạo đội ngũ có tay nghề kỹ thuật
cao thuộc mọi lĩnh vực cung ứng cho kinh tế như nông, lâm, ngư nghiệp và
ngành công nghiệp. Nhờ vậy, Nhật Bản có được nguồn nhân lực tương đối
cân bằng để hình thành nền tảng vững chắc cho những bước phát triển hiện
nay. Tuy nhiên, trước tình trạng lão hóa dân số ngày càng rõ nét, Nhật
Bản cũng phải mở cửa đón nhận nhân công nước ngoài qua các chương trình
đặt trên danh nghĩa đào tạo nghiên cứu sinh và thực tập sinh ngoại quốc
từ những năm đầu thập niên 2000.
Trong khi đó, xét về nguyên nhân xa thì
phải trở về lịch sử từ thời phong kiến cực thịnh là giữa thời kỳ Edo ở
thế kỷ 17 với nền học thuật đặc thù của Nhật Bản gọi là Quốc Học (Kuni
Gaku) để phân biệt học thuật Tây Phương mà lúc đương thời người Nhật đặt
tên là Rangaku (Lan Học), tức những kiến thức do người Hòa Lan du nhập
vào xứ Phù Tang khi đất nước này mở cửa giao thương với bên ngoài. Đặc
tính của nền Quốc Học là quy gộp những điều nghiên cứu, lý luận về văn
hóa, tư tưởng và tinh thần của người Nhật để đối chiếu với nền tảng của
Nho học và Phật Học vốn được truyền bá trước đó đã lâu đời, rồi từ đó
chọn lọc những giá trị thực tiển áp dụng vào cuộc sống.
Trên thực tế, ảnh hưởng của Nho học tại
Nhật Bản chỉ là một phần nhỏ phù hợp với dân tộc tính người Á Đông trong
thời đại phong kiến, nên từ khi nền Quốc Học ra đời, Nho học chỉ còn là
bóng mờ quá khứ và trở thành đối tượng bị phê phán của một số nhà tư
tưởng mới kèm theo trào lưu đòi phế bỏ chế độ phiên trấn do các sứ quân
hoặc lãnh chúa nằm quyền cai trị người dân ở từng địa phương và đặt dưới
quyền thống trị của Mạc Phủ ở cấp chính quyền trung ương. Chẳng hạn như
nhà tư tưởng Kumazawa Banzan (Hùng Trạch Phiên Sơn) đã viết quyển sách
“Đại Học Hoặc Vấn” (Daigaku Wakumon) theo văn thể vấn đáp qua ý nghĩa
đưa ra những nghi vấn về nền học thuật Nho học chủ trương trung quân ái
quốc một cách cực đoan.
Kế đến, tác giả Honda Toshiaki (Bản Đa
Lợi Minh) trong quyển luận thư “Kinh Thế Bí Sách” (Keisei Hisaku) cũng
đưa ra lời kêu gọi giới võ tướng nắm quyền đương thời hãy mở rộng giao
thương và học hỏi nơi người Tây Phương để phát triển đảo quốc Nhật Bản.
Tất cả những tác phẩm, tài liệu này được gọi chung là Kinh Thế Luận
(Keiseiron), vốn viết tắt từ chữ Kinh Thế Tế Dân (Keisei Saimin) nghĩa
là Trị Thế Cứu Dân do các nhà tư tưởng xuất thân từ cửa Khổng sân Trình
đã sớm nhìn ra được bối cảnh thời cuộc thay đổi nên quyết định từ bỏ ảnh
hưởng của Nho học, để đưa đất nước vượt ra khỏi cảnh lạc hậu. Nhưng
phải đợi đến khi vua Minh Trị Thiên Hoàng khôi phục quyền lực của triều
đình, giải thể chế độ Mạc Phủ từ khoảng gần cuối thế kỷ thứ 19 thì những
chính sách quyết đoán, cải cách mạnh mẽ của Nhật Bản mới thực sự được
thực hiện trên toàn bộ lĩnh vực kinh tế, giáo dục, xã hội và chính trị.
Một đặc điểm khác trong dòng phát triển
nền giáo dục dưới thời phong kiến Nhật Bản là sự hạn chế phần nào đối
với nữ giới. Điển hình là từ niên hiệu Đại Bảo Thiên Hoàng năm thứ 2,
tức năm 702, theo điều luật giáo dục được ban hành tuy phái nữ không
được theo học tại trường đào tạo giới quan liêu, nhưng vẫn được học tại
các trường dạy về y, dược, nhã nhạc, thi ca. Kế đến, vào thời Heian
(Bình An, 794-1192) khi hệ thống chữ viết Vạn Diệp Giả Danh (Manyogana)
là loại chữ cổ mượn ký tự của chữ Hán để diễn đạt tiếng Nhật được ra đời
thì cũng xuất hiện dòng thi ca của phái nữ. Đây cũng là thời kỳ phát
triển nền giáo dục về nghệ thuật cầm, kỳ, thi, họa, ngâm thơ và đặc biệt
là môn học về thơ Nhật Bản gọi là Hòa Ca rất quan trọng đối với sự học
vấn của nữ giới.
Qua đó, một tác phẩm thuộc loại truyện
kể mang tựa đề Genji Monogatari (Nguyên Thị Vật Ngữ) thường được gọi tắt
là truyện Genji, có nghĩa là câu chuyện kể về người tên Nguyên Thị,
được xem là quyển tiểu thuyết xuất hiện đầu tiên của nhân loại nếu hiểu
theo ý nghĩa tiểu thuyết ngày nay, lại do một phụ nữ Nhật Bản có biệt
danh là Murasaki Shikibu (Tử Thức Bộ) sáng tác. Murasaki Shikibu là một
nữ văn sĩ cung đình Nhật Bản được suy định rằng sinh và mất trong khoảng
thời gian từ năm 970-1014 và không rõ tên thật của bà là gì.
Truyện Genji Monogatari được sáng tác
vào khoảng những năm 1010 thời đại Heian bằng chữ viết Vạn Diệp Giả
Danh, theo thể loại monogatari, tức loạitruyện cổ điển đã có lịch sử
phát triển từ 200 năm trước đó của Nhật Bản. Tác phẩm này gồm 54 chương,
thuộc một trong những truyện dài nhất, tuy có phần phức tạp về nội dung
nhưng lại quyến rũ người xem do yếu tố trữ tình, ly kỳ. Riêng về mặt
lịch sử văn học thế giới, bộ truyện này được đánh giá là quyển tiểu
thuyết ra đời sớm hơn rất nhiều so với sự ra đời của tiểu thuyết ở châu
Âu với tác phẩm Don Quixote de la Mancha của Miguel de Cervantes, hoặc
quyển Hồng Lâu Mộng của Trung Hoa đến 6 thế kỷ.
Tác phẩm này gồm hai phần: phần chính gồm khoảng 44 tập đầu tiên đề cập đến những cuộc phiêu lưu tình ái trong cung đình của hoàng tử Genji tại kinh đô. 10 tập tiếp theo được viết về con trai của Genji tên là Kaoru.
Theo nhận định của giới nghiên cứu lịch
sử văn học thế giới, truyện Genji vừa chịu ảnh hưởng của truyện hoang
đường, truyện thơ, lại hấp thụ truyền thống của thơ cổ và thể văn nhật
ký, đã xây dựng nên một thế giới hư cấu tráng lệ, được xem như tác phẩm
văn học tiêu biểu của Nhật Bản ở mọi thời đại, tương tự như truyện Kiều ở
Việt Nam hoặc kịch bản Romeo & Juliet hay Hamlet của Shakespeare ở
Anh. Tác giả của truyện không sử dụng yếu tố hư cấu như hư cấu mông lung
mà dựa vào hư cấu để biểu hiện một cách sắc bén chân tướng của người
đời.
Truyện Genji nổi tiếng đến mức được đem
giảng dạy trong chương trình giáo dục và học sinh bậc tiểu học ở Nhật
cũng biết nhưng thực ra để thấu hiểu bản nguyên tác thì có lẽ không có
mấy người. Do đó, độc giả phải thưởng thức bằng những bản dịch thành
tiếng Nhật ngày nay. Hơn nữa, phiên bản chính của truyện Genji ra đời
khoảng năm 1008-1010 đã mất và bản sao lại ngày nay là phiên bản từ thời
Kamakura tức 200 năm sau khi tác phẩm này ra đời vốn có nhiều chỗ không
được rõ ràng về cú pháp. Ngoài ra, loại tiếng cổ ngữ và kính ngữ lại
được sử dụng đầy dẫy khiến người đọc khó lòng nắm hiểu ý tưởng của tác
giả.
Tương tự như nhiều quốc gia trên thế
giới, quá trình phát triển nền giáo dục của Nhật Bản gắn liền với sự
phát triển của chế độ chính trị, kinh tế và đời sống văn hóa-xã hội. Từ
một xã hội phong kiến tập quyền khép kín, kinh tế tiểu nông, công nghệ
lạc hậu, tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn, Nhật Bản đã có bước nhảy vọt
về giáo dục qua việc thành lập Bộ Giáo dục vào năm1871 đưa đến chính
sách phát triển hệ thống cưỡng bách giáo dục bậc tiểu học bắt và bình
đẳng đối với tất cả trẻ em từ 6 tuổi, không phân biệt nam nữ, tôn giáo,
thành phần xã hội… Chính sách cưỡng bách giáo dục cũng được thực hiện và
điều chỉnh theo từng giai đoạn thích hợp. Số năm học bắt buộc được nâng
dần từ 3-4 năm vào 1886 trở thành 6 năm vào năm 1908. Vào năm 1899. tỷ
lệ nhập học bậc tiểu học đã đạt 99%. Còn nền giáo dục cưỡng bách và miễn
phí 9 năm, tức đến hết trung học cấp hai được thực hiện từ năm 1947 với
việc ban hành Luật cơ bản về Giáo dục và Luật giáo dục nhà trường. Nhờ
chính sách này mà ngay từ đầu thế kỷ 20, Nhật Bản đã sớm thực hiện thành
công viêc phổ cập cưỡng bách giáo dục bậc tiểu học cho trẻ em trong độ
tuổi quy định, tức một thành tựu giáo dục cơ bản mà ở thời đó chưa có
nhiều quốc gia thực hiện được.
Sau khi bại trận và bắt đầu tái kiến đất
nước, hệ thống giáo dục cơ bản của Nhật được quy định theo dạng
6-3-3-4. Nghĩa là tiểu học 6 năm, trung học cấp hai 3 năm, trung học cấp
ba 3 năm , tổng cộng là 12 năm học giáo dục phổ thông. Sau khi học xong
bậc phổ thông thì học sinh có thể tiếp tục theo học các bậc cao hơn.
Điều đáng kể là tỷ lệ người dân biết chữ
cao nhất trên thế giới được xem là một thành tựu nổi bật của nền giáo
dục Nhật Bản từ sau đệ Nhị Thế chiến. Vì vậy, số người Nhật trẻ tuổi
đóng góp công sức làm việc cho xã hội với trình độ văn hoá cao hơn cũng
tăng nhiều so với thời kỳ trước đó. Cụ thể là vào năm 1950, hơn 45% học
sinh Nhật Bản tốt nghiệp cấp 2, tức là sau khi hoàn thành chương trình
cưỡng bách giáo dục, bắt đầu đi làm việc ở độ tuổi 15, còn 43% học sinh
vào trung học phổ thông để tiếp tục học. Hiện tỷ lệ học sinh tiếp theo
học bậc trung học cấp ba của Nhật Bản đã tăng đến mức 97%.
Hệ thống giáo dục Nhật Bản cũng chia làm
3 loại gồm Quốc Lập (Kokuritsu) tức trường của quốc gia, Công Lập
(Koritsu) trường do chính quyền địa phương xây dựng và Tư Lập (Shiritsu)
là tư thục. Trong đó, hệ thống giáo dục công lập Nhật Bản chiếm đa số
với khoảng 95% ở cấp tiểu học và trung học. Chương trình giảng dạy cho
bậc tiểu học, trung học được bộ Giáo Dục ban hành và quản trị rất chặt
chẽ. Cứ sau khoảng 10 năm, Bộ Giáo dục lại ban hành giáo trình và sách
giáo khoa theo tiêu chuẩn mới phù hợp với xu hướng thời đại, có nội dung
chi tiết hướng dẫn cụ thể cho mỗi môn học tại trường tiểu học và các
trường trung học . Việc chỉnh sửa các chương trình giảng dạy và sách
giáo khoa được cơ chế hội đồng chuyên môn bao gồm các chuyên gia về giáo
trình, giáo sư tại các trường đại học, giáo viên, thành viên của các
ban ngành giáo dục tại địa phương và những bậc lão thành có kinh nghiệm
khác trong xã hội, cùng biên soạn.
Trong khi đó trường dạy nghề tư nhân
cũng chiếm tỷ lệ 80%-90% trong tổng số trường dạy nghề trên cả nước với
đặc điểm kà ngành kỹ thuật thông tin chiếm đa số. Ở các thành phố lớn có
các trung tâm đào tạo kỹ thuật thông tin và kỹ thuật hoạt động độc lập.
Các trung tâm này có vai trò đào tạo giáo viên, hoàn thiện tài liệu và
nghiên cứu phương pháp giảng dạy. Để sử dụng hiệu quả các nguồn ngân
sách quốc gia, các trung tâm đào tạo ở những thành phố được trang bị
dụng cụ, máy móc tối tân như các hệ thống máy điện toán quy mô lớn.
Giáo dục đại học của Nhật Bản được mở
rộng bắt đầu từ những năm thập niên 1960 do nhu cầu của sự phát triển
kinh tế quá nhanh chóng. Năm 2008, Nhật Bản đã có đến 589 trường đại học
tư thục, khoảng 86 đại học công lập cấp quốc gia và 90 đại học công lập
địa phương. Phần lớn ngân sách quốc gia được dành cho giáo dục đại học
công lập khi chiếm gần 1,3% GDP, mặc dù phần lớn sinh viên đang theo học
ở các đại học tư thục.
Trước năm 1998, sự phân bố vai trò của
các trường đại học là phải đáp ứng được tiêu chuẩn là: đại học công lập
cung ứng nhân lực quốc gia; đại học địa phương cung ứng nhân lực cho cấp
tỉnh và thành phố, còn đại học tư thục thì đáp ứng nhu cầu nhân lực cho
thị trường. Tuy nhiên, sự phân bố này sau đó không còn thích hợp với
tình hình thực tế do sự thay đổi hình thức và nội dung giảng dạy của các
trường đại học dẫn đến việc xóa bỏ ranh giới giữa 3 khu vực. Tỷ lệ học
sinh thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng ở Nhật Bản ngày càng
nhiều, hiện chỉ đứng sau Hoa Kỳ (khoảng 50%).
Tóm lại, Nhật Bản đã và đang trở thành một trong những cường quốc giáo dục hàng đầu của thế giới.
Bài học nhật Bản (2)
Khôi Nguyên, HVR
Theo bản hiến pháp hiện hành ra đời từ năm 1947 thì Thiên Hoàng là “biểu tượng của quốc gia và sự thống nhất dân tộc”.
Hệ thống chính trị (2/2)
Có thể nói rằng từ thời lập quốc, dù
từng trải nhiều biến động theo dòng lịch sử nhưng các thể chế chính trị
Nhật Bản xuyên qua các thời đại vẫn được coi là luôn gắn bó mật thiết
với sự tồn tại và kế thừa dòng dõi hoàng thất dù theo bản hiến pháp hiện
hành quy định Thiên Hoàng chỉ còn là một biểu tượng. Chính nhờ vào đặc
tính dòng tộc hoàng triều chưa bao giờ bị thay đổi nên hình ảnh của
Thiên Hoàng cùng vai trò của hoàng gia ở thời đại ngày nay vẫn còn mang
giá trị hội tụ được sự đoàn kết dân tộc để đưa Nhật Bản vượt qua những
cơn sóng gió trên chính trường, đặc biệt là những chiến thuật đối ứng
trong lĩnh vực hồi phục kinh tế và ngoại giao hiện nay vốn đang có những
mâu thuẫn với các quốc gia trong vùng như Trung cộng cùng Nam Hàn về
vấn đề chủ quyền các quần đảo.
Theo bản hiến pháp hiện hành ra đời từ
năm 1947 thì Thiên Hoàng là “biểu tượng của quốc gia và sự thống nhất
dân tộc”. Vì vậy, nhà vua Nhật Bản trên thực chất không hề nắm giữ bất
cứ quyền lực chính trị nào ngay cả trong tình trạng đất nước lâm nguy
khẩn cấp trước các mối đe dọa chiến tranh. Tuy nhiên, Thiên Hoàng Nhật
Bản lại giữ một vai trò chính trị đặc biệt mang tích cách quan trọng về
mặt ngoại giao không khác gì một nguyên thủ quốc gia trong các buổi tiếp
đón quan khách ngoại quốc hay chào cờ, duyệt binh. Kèm theo đó là quyền
triệu tập Quốc Hội, giải tán Hạ Viện, tuyên bố Tổng Tuyển Cử Quốc Hội
và chủ toạ các nghi lễ. Vì vậy, vai trò chính trị này của Thiên Hoàng
Nhật Bản sau thời kỳ chiến tranh chấm dứt được coi là điều bí ẩn với
những ảnh hưởng ngầm từ cung điện hoàng gia.
Kết hợp đặc tính này với hình thái chính
trị đặt nền tảng trên thể chế quân chủ lập hiến và cộng hòa nghị viện
với Thủ Tướng là người đứng đầu đảng phái đa số và nắm quyền lãnh đạo
quốc gia, Nhật Bản còn được coi là quốc gia quân chủ duy nhất trên thế
giới mà trong đó, Thiên Hoàng mang ý nghĩa là hoàng đế (Emperor) vẫn là
hình ảnh một vị nguyên thủ đất nước so với các quốc gia theo chế độ quân
chủ khác nhưng người đứng đầu hoàng tộc chỉ xưng hiệu là quốc vương
(king) hay nữ hoàng (queen).
Liên quan đến bản hiến pháp 1947, tức
văn kiện quy định các hệ thống và nguyên tắc chính trị nhằm thay thế cho
bản hiến pháp Minh Trị 1889 của đại đế quốc Nhật Bản trước đó, là do
hội đồng tham mưu gồm 25 nhân vật gồm quân sự và dân sự của Tham Mưu
Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ, Thống Tướng MacArthur, biên soạn. Sự kiện này
bắt nguồn từ diễn tiến ký kết bản tuyên bố Potsdam ngày 26/7/1945 buộc
Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện và sẽ phải chấp nhận sự chiếm đóng của
quân Đồng Minh từ năm 1945 đến1952.
Đương thời, Tổng Thống Hoa Kỳ Harry
Truman đã bổ nhiệm Thống Tướng Douglas MacArthur làm Tư lệnh Tối Cao của
Các Lực lượng Đồng Minh chiếm đóng toàn bộ Nhật Bản. Ngay từ thời điểm
cuộc hội nghị Potsdam, tướng Douglas MacArthur đã từng đưa ra ý kiến cần
phải thay đổi Hiếp Pháp Minh Trị 1889 để thực hiện dân chủ hóa nước
Nhật và không ngờ trách nhiệm này cuối cùng lại do ông đảm nhận. Chỉ sau
đó vài tháng, văn phòng tham mưu của ông MacAthur đã soạn ra một bản
hiến pháp mới mà cho đến nay người Nhật vẫn tuân hành, thực hiện không
sai một dấu chấm, một dấu phẩy. Bản hiến pháp này được ban hành ngày
3/11/1946 và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 3/5/1947 gồm 11 chương và 103
điều khoản.
Tuy vậy, lịch sử ra đời của bản Hiến
pháp 1947 lại bắt đầu từ mỗi lỗi lầm về dịch thuật. Vào ngày 4/10/1945,
khi Thống tướng MacArthur tổ chức cuộc hội đàm với một số thành viên nội
các Nhật Bản thì phía Nhật đặt câu hỏi về kế hoạch xây dựng chính phủ
mới thời hậu chiến. Trong khi dịch lại câu trả lời của MacArthur, người
phiên dịch đã dịch sai chữ “kiến thiết” thành “hiến pháp”. Do đó, các
viên chức cao cấp của Nật Bản nghĩ rằng vị Tư Lệnh Tối Cao Quân Đồng
Minh đã yêu cầu phía Nhật phải soạn thảo Hiến pháp mới và đến đầu tháng
2/1946 phía Nhật Bản đưa ra bản dự thảo Hiến pháp, nhưng MacArthur đã
không chấp nhận vì cho rằng nội dung chỉ dựa vào các điều căn bản của
Hiến pháp Minh Trị, không thể xây dựng được nền dân chủ tại Nhật. Sau
đó, MacArthur đã ra lệnh cho nhóm tùy viên của ông tự thảo ra bản Hiến
pháp mới cho Nhật Bản để kịp xong trước phiên họp ngày 26/2/1946 của
quân Đồng Minh vì ông không muốn các quốc gia khác xen vào vào nội tình
Nhật Bản.
Thừa lệnh MacArthur, người đứng đầu ban
tham mưu là Thiếu Tướng kiêm luật sư Courtney Whitney đã thành lập một
hội đồng biên soạn gồm 25 người có nhiệm vụ phải so ạn thảo hiến pháp
trong vòng một tuần. Ba người trực tiếp đặt bút cho bản dự thảo hiến
pháp này là thiếu tướng Whitney, trung tá kiêm luật sư Milo Rowell, và
thông dịch viên Beate Sirota Gordon. Lúc đó bà Beate Sirota Gordon là
một thiếu nữ 22 tuổi là người gốc Do Thái, thông thạo 6 ngôn ngữ Nhật,
Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nga, nên được thuê làm phiên dịch cho tổng
hành dinh của tướng MacArthur.
Sau một tuần làm việc liên tục không
ngừng nghỉ, hội đồng soạn thảo của tướng MacArthur đã hoàn thảnh bản
hiến pháp năm 1947 quy định Thiên Hoàng tuy được coi là biểu tượng của
quốc gia và đoàn kết toàn dân nhưng đã bị tước mọi quyền hành thực.
Ngoài ra, tất cả hoạt động của Thiên Hoàng liên quan đến quốc gia phải
được sự chấp thuận của nội các chính phủ do Thủ Tướng đứng đầu. Một cấu
trúc lập pháp quốc hội lưỡng viện được thành lập, trong đó thượng viện
đóng vai trò thứ yếu. Trừ hoàng gia Nhật, mọi quyền lợi của giới quý tộc
đều bị bãi bỏ hoàn toàn. Hoàng gia không được có bất cứ tài sản gì nếu
không được quốc hội chấp thuận.
Trong 103 điều khoản, bản hiến pháp dành
31 điều khoản (Chương III, Điều 10 – 40) cho “các quyền tự do căn bản
của con người”, theo như lời của tướng MacArthur, bao gồm hầu hết các
điều khoản về quyền tự do của Hoa Kỳ.
Điều 19 không được vi phạm tự do tư
tưởng và tự do lương tâm. Điều 21 khẳng định “Quyền tự do hội họp và lập
hội cũng như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tất cả các quyền
tự do biểu hiện khác được bảo đ ảm. Không được kiểm duyệt, không được
xâm phạm những điều cần bảo mật của mọi hình thức thông tin.” Điều 34
nghiêm cấm bắt giữ người vô cớ. Điều 35 cấm xâm phạm nơi cư trú, lục
soát và tịch thu giấy tờ, tài sản của người dân mà không có trát toà
viện dẫn lý do cụ thể để thực hiện tại địa điểm và đồ vật cần khám xét.
Điều 40 khẳng định người dân có quyền kiện tụng quốc gia để được bồi
thường nếu bị bắt giữ oan.
Nhưng quan trọng nhất là Chương II với
vỏn vẹn một điều khoản là Điều 9 ghi rằng “Người dân Nhật Bản thực sự
mong muốn hoà bình thế giới trên nền tảng chính nghĩa và trật tự, và sẽ
vĩnh viễn không sử dụng quyền lực quốc gia để phát động chiến tranh,
cũng như sử dụng vũ lực hay uy hiếp bằng vũ lực như công cụ giải quyết
tranh chấp quốc tế. Để thực hiện được mục đích nêu trên, Nhật Bản không
có lục, hải, không quân hay các lực lượng quân sự khác. Nhật Bản không
thừa nhận quyền giao chiến với các nước khác”.
Điều khoản này đã mang tầm ảnh hưởng rất
quan trọng đến sự phát triển của nước Nhật sau chiến tranh: đó là yên
tâm về mặt quốc phòng trong hiệp ước bảo đảm an ninh ký kết với Hoa Kỳ
để dồn hết nỗ lực vào việc phát triển kinh tế tái kiến quốc gia.
Riêng người thông dịch là bà Beate
Sirota Gordon đã thêm vào các điều khoản 14 và 24 về quyền bình đẳng của
con người và nam nữ bình quyền trong hôn nhân như Điều 14 ghi rằng:
“Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và không được có bất cứ phân
biệt nào trong các quan hệ về chính trị, kinh tế, xã hội vì lý do chủng
tộc, tín ngưỡng, giới tính, địa vị xã hội hay xuất thân gia đình.” Hoặc
Điều 24 quy định : “Hôn nhân phải dựa trên sự đồng ý của cả hai bên, và
hợp tác trên căn bản quyền bình đẳng của vợ và chồng. Về chọn người kết
hôn, các quyền sở hữu trong hôn nhân, thừa kế, chọn chỗ ở, ly hôn và các
vấn đề khác liên quan tới hôn nhân và gia đình, pháp luật phải được
thực thi trên quan điểm tôn trọng phẩm giá và quyền bình đẳng giới
tính.” Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, giới phụ nữ Nhật được
hưởng những quyền bình đẳng này.
Dù lúc đầu, phía Nhật Bản đã có sự phản
đối trong những cuộc bàn thảo quyết liệt nhưng đến tháng 3/1946, họ cũng
chấp nhận bản dự thảo hiến pháp do phía Hoa Kỳ biên soạn kèm theo sự
thỏa thuận sửa đổi một vài chi tiết nhỏ. Theo tướng Whitney nếu nội các
Nhật không có khả năng đưa ra một quyết định thích hợp, thì tướng
MacActhur sẽ tổ chức một trưng cầu dân ý về bản dự thảo hiến pháp.
Trong khi đó, Nhật Hoàng Chiêu Hoà tuy
mất hết quyền lực nhưng với tinh thần trách nhiệm và thực lòng muốn thay
đổi nước Nhật trong bối cảnh mới đã viết thư trả lời chính thức ủng hộ
bản hiến pháp mới. Mùa thu năm 1946, đa số người dân Nhật Bản đã bỏ
phiếu ủng hộ các đại biểu tán thành bản hiến pháp mới. Ngày 3/11/1946,
Thiên Hoàng Chiêu Hòa chính thức công bố hiến pháp mới trước nghị viện.
Đúng 6 tháng sau, bản hiến pháp này có hiệu lực. Từ đó ngày 3/5 hàng năm
đã trở thành ngày nghỉ lễ có tên Ngày Hiến pháp.
Tuy sự ra đời của bản hiến pháp năm 1946
đã đặt nền móng pháp lý cho một nước Nhật Bản hiện đại với nội dung căn
bản quy định rằng người dân xứ Phù Tang thề nguyện trung thành với các
lý tưởng hòa bình và trật tự dân chủ, nhưng trong bối cảnh thay đổi cục
diện tương quan về chính trị và quốc phòng với các quốc gia trong vùng
như hiện nay, giới lãnh đạo Nhật Bản đang có khuynh hướng sửa đổi bản
hiếp pháp để phù hợp với tình hình an ninh khu vực. Nhất là về lĩnh vực
tăng cường quốc phòng và thành lập quân đội bảo vệ lãnh thổ.
Thực tế, vào năm 2010 Quốc Hội Nhật Bản
đã từng thông qua một dự luật theo đó cho phép chính phủ tổ chức trưng
cầu dân ý về một bản hiến pháp mới để chính thức tái cấu thúc hệ thống
quốc phòng. Đây cũng là một cách nhìn sắc bén và sâu rộng của giới cầm
quyền Nhật Bản khi nhìn ra được thế lực bành trướng của lân bang Trung
cộng và cũng là một “bài học Nhật Bản” thiết thực nhất để các nhà lãnh
đạo khối quốc gia Đông Nam Á đang có tranh chấp chủ quyền lãnh hải, quần
đảo với Bắc Kinh noi theo trong phương cách giải quyết vừa ôn hòa vừa
hợp hiến cũng như không vượt qua phạm vi luật pháp quốc tế.
Nhìn vào quan hệ chính trị giữa Nhật Bản
và Hoa Kỳ từ sau thời đệ Nhị thế chiến, có lẽ sẽ càng nhận thấy sự khôn
khéo của giới cầm quyền Tokyo khi họ biến thù thành bạn và càng thắt
chặt sợi dây ràng buộc theo thế đồng minh tương trợ qua hiệp ước bảo vệ
an ninh mà Hoa Kỳ nắm phần quyết định.
Sau chiến tranh, Nhật Bản buộc phải
thích nghi với bối cảnh mới của thế giới mới và đặt dưới sự ảnh hưởng
Hoa Kỳ nhưng cũng xây dựng nền tảng vững chắc cho quyền tự trị. Dưới sự
lãnh đạo của Thủ tướng Yoshida Shigeru, Nhật Bản đã tiếp nhận các thể
chế dân chủ và thiết lập quan hệ liên minh với Hoa Kỳ theo con đường xây
dựng quốc phòng ở mức tối thiểu để duy trì cam kết quân sự, đồng thời
tập trung vào việc khôi phục kinh tế và theo đuổi mối quan hệ mới với
châu Á.
Do đó, tuy nhìn bề ngoài có vẻ như Nhật
Bản phụ thuộc vào sức mạnh quân sự Hoa Kỳ nhưng thực ra, cả đôi bên đều
hưởng lợi từ thế liên minh này, nhất là Nhật Bản có cơ hội để ổn định
chính trị và phát triển kinh tế. Và hiện nay, giới cầm quyền Nhật Bản đã
cho thấy họ không cần phải giữ mức độ phụ thuộc quân sự vào Hoa Kỳ như
xưa vì đang trực tiếp đứng vào thế đối đầu với Trung cộng và tình thế
này chính thức khởi nguồn từ hàng loạt hành động leo thang mang tích
cách khiêu khích các quốc gia láng giềng của nhà cầm quyền Bắc Kinh như
phát hành bản đồ ôm trọn chủ quyền vùng biển Đông và Hoa Đông, thực hiện
lời tuyên bố chận giữ khám xét các tàu thuyền di chuyển trong vùng biển
tranh chấp v.v…
Nhưng nóng bỏng nhất vẫn là những cuộc
đối đầu giữa Nhật Bản và Trung cộng ở cả trên không lẫn mặt biển xoay
quanh vụ tranh chấp quần đảo Senkaku, tức Tiêm Các mà phía Bắc Kinh gọi
là Điếu Ngư khi các tàu thuyền lẫn máy bay dân sự và quân sự của Trung
cộng liên tiếp đến gần khu vực không-hải phận đảo Senkaku do Nhật kiểm
soát, nhưng đều bị chận đuổi. Qua thế đối đầu có vẻ như căng thẳng tột
độ tại Senkaku, dư luận quốc tế đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo cũng như
quan ngại về nguy cơ xung đột vũ trang bùng nổ với khả năng lôi cuốn cả
thế giới. Thật ra, dù có hiếu chiến đến mấy thì cũng không thể nào giữa
Nhật Bản và Trung cộng lại để xảy ra cuộc chiến tranh khởi nguồn từ
việc tranh chấp chủ quyền Senkaku.
Đầu tiên, đối với Trung cộng
Senkaku/Điếu Ngư chỉ là một phép dò thử. Trung cộng muốn tìm hiểu liên
minh quân sự Mỹ-Nhật thật sự gắn bó đến đâu sau khi trải qua một thời
gian dài đảng cầm quyền Nhật Bản trước đó là đảng Dân Chủ đã tỏ ra lạnh
nhạt vì bất đồng quan điểm với Hoa Kỳ nơi các thoả thuận liên quan đến
những căn cứ quân sự Mỹ tại Okinawa. Đồng thời, với mặc cảm là một nước
lớn nhưng bị Nhật Bản đè đầu cưỡi cổ trước thời đệ Nhị thế chiến nên
Trung cộng luôn nuôi ý phục hận và khi cảm thấy đã đủ mạnh để buộc đối
phương phải nhân nhượng trước áp lực vì quyền lợi kinh tế, Trung cộng
càng tỏ ra hung hăng, ngang ngược vì muốn biết thái độ, khả năng ứng phó
của Nhật Bản.
Kết quả, Bắc Kinh đã biết được Hoa Kỳ
chẳng mặn mà gì lắm đối với Senkaku khi chính quyền của ông Obama thường
tỏ ra bất nhất, một mặt thì tuyên bố đứng bên ngoài, không nghiêng về
phe nào, mặt khác thì Senkaku nằm trong hiệp ước bảo vệ an ninh Mỹ-Nhật.
Thế nhưng, điều tai hại rất nguy hiểm từ
vấn đề tranh chấp đảo Senkaku mà Trung cộng khó lường được hậu quả từ
việc quá lạm dụng chủ nghĩa dân tộc ái quốc cực đoan nên khi tình thế đã
thay đổi không có lợi thì Bắc Kinh cũng không còn đường lùi. Rõ ràng là
dư luận đều biết quần đảo Senkaku xưa nay do Nhật Bản kiếm soát và về
địa lý, chính trị, quân sự, kinh tế đối với Trung cộng không quan trọng
đến mức sinh tử để vì nó mà sẵn sàng xung đột, thậm chí gây chiến tranh,
nhưng khi tình hình thực tế đưa đến bờ vực bùng nổ khi Nhật Bản tỏ thái
độ cứng rắn nên Trung cộng không thể nào kiểm soát được, vì chủ nghĩa
dân tộc cực đoan đã tạo ra cho Bắc Kinh một áp lực quá lớn. Đây là một
sai lầm mà cả Hoa Kỳ và Nhật Bản đều nhìn thấy và ra tay đánh ngược lại
Bắc Kinh qua một loạt chính sách bao vây, cô lập Trung cộng.
Trong khi đó, dưới thời đảng Dân chủ
Nhật Bản cầm quyền chính phủ của Thủ tướng Noda Yoshihiko thực hiện quốc
hữu hóa quần đảo Senkaku là vì tình thế bắt buộc, chứ không phải có ý
thách thức với Trung cộng. Hành động này nhằm ngăn chận kế hoạch mua và
phát triển quần đảo của Đô Trưởng Tokyo là Ishihara Shintaro vốn có thể
khiến Trung cộng kiếm cớ gây hấn.
Sau bước đi chiến thuật “quốc hữu hóa
Senkaku” ông Abe Shinzo thuộc đảng Tự do Dân chủ chính thức lên làm Thủ
Tướng, mở ra cục diện đối đầu trực tiếp một cách hùng dũng và cứng rắn
với Bắc Kinh.
Giờ đây, Senkaku, trong vấn đề đối nội
đã trở thành một nguyên nhân, một bàn đạp cho chính sách quốc phòng mới
của Thủ tướng Abe Shinzo để hợp thức hóa quân đội, tăng ngân sách quốc
phòng, tái vũ trang. Còn về đối ngoại Senkaku được Nhật Bản phất lên như
là một lá cờ chính nghĩa để tập hợp sự đoàn kết với các quốc gia trong
khu vực, đến mức sự hoài nghi về mầm mống trỗi dậy của chủ nghĩa quân
phiệt Nhật cũng không còn trong các quốc gia từng là nạn nhân của họ. Có
nghĩa là hình ảnh quân phiệt Nhật tàn bạo hung ác, trước kia giờ đây đã
khoác vào người Trung cộng.
No comments:
Post a Comment