Saturday, November 16, 2013

Rùng mình với kết quả thanh tra thủy điện

 
Cập nhật lúc 09h24" , ngày 16/11/2013

(VnMedia) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập 7 đoàn thanh tra tại 16 tỉnh về kết quả thanh tra, kiểm tra, rà soát quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án thủy điện vừa và nhỏ. Kết quả thanh tra phát hiện vô cùng nhiều sai phạm tại 76 dự án thủy điện, trong đó đặc biệt là việc quản lý đất đai và những sai phạm về công tác an toàn hồ đập...

Ảnh minh họa
Thủy điện Tuyên Quang
 

Thi công, phát điện rồi vẫn còn chưa… thuê đất

Theo kết quả thanh tra được Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ, công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường, tài nguyên nước và khí tượng thủy văn trong lĩnh vực thủy điện còn nhiều tồn tại.

Theo đó, nhiều địa phương cũng cho thuê đất làm hồ chứa thủy điện nhưng không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn tình trạng thu hồi đất và giao đất trái thẩm quyền; chưa thu hồi phần đất tạm giao và đất không còn nhu cầu sử dụng của các chủ đầu tư; quy trình vận hành hồ chứa thủy điện chưa quy định việc vận hành vào mùa kiệt, công tác thảm định báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa bám sát các nội dung mang tính đặc thù của công trình thủy điện. Công tác thanh tra, kiểm tra đối với các dự án thủy điện còn hạn chế.

Một trong những sai phạm thật khó tin đã được phát hiện, đó là sai phạm trong quản lý về đất đai. Đơn cử như tại Thủy điện Tuyên Quang (thủy điện Na Hang) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, một trong những niềm tự hào của tỉnh này.

Năm 2011, đoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện, đây là một thủy điện có công suất 342 MW, chiếm diện tích đất 8.263,3ha, dù đã thi công xong và đang phát điện nhưng vẫn chưa có quyết định thuê đất và chưa hoàn chỉnh hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Thủy điện Na Hang cũng bị phát hiện có 372,87ha đất không có nhu cầu sử dụng nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh thủ tục về đất đai để bàn giao cho địa phương quản lý và sử dụng theo quy định.

Cũng tại Tuyên Quang, dự án Thủy điện Hùng Lợi I do Công ty Cổ phần TD Hùng Lợi I làm chủ đầu tư chiếm diện tích đất 215 ha. Tại thời điểm kiểm tra, thủy điện này đang được xây dựng nhưng vẫn chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất.

Hay như dự án thủy điện Chiêm Hóa do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Quốc tế làm chủ đầu tư. Dự án chiếm 107,96ha đất, đang xây dựng nhưng cũng chưa có quyết định cho thuế đất, chưa hoàn chỉnh hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất và hợp đồng thuê đất theo quy định.

Tại Hà Giang, thủy điện Thái An do Công ty Cổ phần Đầu tư Thái An làm chủ đàu tư, chiếm 140ha đất, đang phát điện; thủy điện Thanh Thủy 1 do Côgn ty cổ phần Công nghiệp Việt Long làm chủ đầu tư (chiếm 11,98ha đất); thủy điện Suối Sửu 1,2… đều chưa lập xong các thủ tục vềd dất đai đối với đường truyền tải điện.

Dự án thủy điện Nâm Na 1 tại Lai Châu do Công ty Cổ phần Điện lực Tây Bắc làm chủ đầu tư. Dự án này có công suất 30MW, chiếm diện tích là 134,6ha đất. Thanh tra cho thấy toàn bộ diện tích đất nói trên được UBND tỉnh cho thuê từ ngày 22/7/2008 đến thời điểm thanh tra (2011) vẫn chưa đưa vào sử dụng, đang triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Dự án thủy điện Bản Chát (Lai Châu) do Ban Quản lý dự án thủy điện 1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án có công suất 220MW, chiếm 6.236,66ha đất, hiện đang xây dựng. Vào thời điểm thanh tra, Ban Quản lý Dự án Thủy điện chỉ sử dụng khoảng 242,09ha trong diện tích 442,65ha được giao để xây dựng mặt bằng công trình, phần diện tích còn lại Ban Quản lý Dự án chưa sử dụng. Ngoài ra, toàn bộ diện tích đất hơn 6.000ha chưa được cấp Giáy chứng nhận quyền sử đụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Thủy điện Thác Bay (Điện Biên) do Công ty Điện lực Điện Biên làm chủ đầu tư được thanh tra vào năm 2011. Tại thời điểm thanh tra, thủy điện này đang phát điện bằng cách khai thác nước hồ Thủy lợi Pa Khoang. Thanh tra cho biết, việc xác định loại đất trên bản trích do địa chính số 13 năm 2011 chưa phù hợp;

Cũng tại tỉnh Điện Biên, Thủy điện Nâm Mức chiếm 136ha đất. Theo kết quả kiểm tra, công ty thuê 7,5ha đất với thời hạn 3 năm từ tháng 12/2006 đến tháng 12/2009 nhưng đến năm 2011 (quá thời hạn 2 năm) vẫn không xin gia hạn và cũng không trả lại đất cho địa phương.

Đối với các chủ đầu tư, kiểm tra cho thấy một số dự án chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục về giao đất, thuê đất khi thi công xây dựng, chưa rà soát phần đất không còn sử dụng trong quỹ đất tạm giao trước đây phải trả lại cho địa phowng quản lý; chưa thực hiện giám sát môi trường định kỳ theo nội dung đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; khi tích nước hồ chứa không báo cáo cơ quan quản lý để nghiệm thu việc thu dọn vệ sinh, chưa báo cáo tình hình phát sinh chất thải nguy hại trong hoạt động phát điện; chưa có giấy phép khai thác tài nguyên nước mặt theo quy định; chưa có giải pháp thực hiện quy định về dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu hồ chưa đối với các dự án đang phát điện; chưa thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định; chưa thực hiện đăng ký công trình khí tượng thủy văn theo quy định…

Không quy trình vận hành, không phương án phòng vỡ đập

Những năm gần đây, dư luận đã rất bức xúc đối với việc xây dựng tràn lan các thủy điện, nhưng không chỉ về tình trạng sử dụng đất đai.

Theo kết quả thanh tra của Bộ Tài nguyên và môi trường, việc đầu tư các dự án thủy điện lớn làm chuyển đổi dòng nước dẫn đến nguy cơ cạn kiệt và suy giảm nguồn nước vùng hạ lưu sau đập, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và giảm lượng nước hồ chứa các nhà máy thủy điện ở hạ lưu. Điều đáng nói là việc cấp phép xây dựng và quản lý các thủy điện rất lỏng lẻo.

Đơn cử như dự án thủy điện Sập Việt tại tỉnh Sơn La do Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình làm chủ đầu tư. Dự án này chiếm 629.000ha đất, đang xây dựng ở thời điểm năm 2011 nhưng được phát hiện không có quy trình vận hành hồ chứa, chưa đăng ký công trình khí tượng thủy văn, chưa có phương án phối hợp với các cơ quan chức năng về công tác phòng chống lụt bão, chưa có hợp đồng cung cấp số liệu và dự báo khí tượng thủy văn với đơn vị chuyên ngành.

Thủy điện Nam Mức do Công ty Cổ phần Thủy điện Nâm Mức làm chủ đầu tư, chiếm 136ha đất cũng không xây dựng chi tiết phương án dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong giai đoạn thiết kế thi công và vận hành thủy điện; thực hiện không đầy đủ các yêu cầu trong báo cáo tác động môi trường đã được phê duyệt và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo tác động môi trường.

Thủy điện Suối Sập 1 huyện Bắc Yên (Sơn La) do Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình làm chủ đầu tư, chiếm 629ha đất, đang xây dựng bằng cách chặn dòng, khai thác nước Suối Sập để phát điện nhưng lại không có giấy phép khai thác nước và cũng không có quy trình vận hành hồ chứa, chưa đăng ký công trình khí tượng thủy văn.

Tại tỉnh Đắc Nông, thủy điện Buôn Tua Srah do Công ty thủy điện Buôn Kuốp làm chủ đầu tư, chiếm 5.000ha đất nhưng chưa có giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt…

Tại tỉnh Đắk LắkThủy điện Krông Kma do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển thủy điện Sông Đà làm chủ đầu tư, dù đã phát điện nhưng được phát hiẹn chưa xây dựng phương án phòng chống lụt bão cho vùng hạ du khi có sự cố vỡ đập; chưa thực hiện kiểm định an toàn đập theo quy định…

Trên đây chỉ là một số sai phạm tại một số thủy điện được chúng tôi nêu ra, nhưng điều đó cũng cho thấy, việc cấp phép xây dựng và quản lý, vận hành các hồ thủy điện đang vô cùng lỏng lẻo và để lại những tác hại khôn lường. Kết quả thanh tra cũng khẳng định việc Chính phủ cho dừng hàng trăm dự án thủy điện vừa và nhỏ là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, điều mà các đại biểu Quốc hội đang đặc biệt quan tâm, đó là cần phải quy trách nhiệm về việc để xảy ra những sai phạm nói trên.

Tuệ Khanh

No comments:

Post a Comment