18/03/2014 09:10
Hàng lậu sau khi vượt biên sẽ tập kết tại những kho hàng ven các bến bãi, trước khi được vận chuyển lên xe đánh về tỉnh dưới xuôi, ngoài ra còn được bày bán công khai tại chợ Cốc Lếu.
Do lợi nhuận rất lớn mang lại từ việc buôn lậu nên toàn bộ các chủ
hàng đều thuê và sử dụng người sinh sống ven vùng biên để vận chuyển.
Dọc khúc sông Nậm Thi thuộc địa bàn các xã giáp ranh với Trung Quốc, như
Bản Lầu, Bản Phiệt thuộc H.Mường Khương, H.Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) có
đến cả chục lối mở lớn nhỏ. Qua khảo sát, hiện đang vào mùa nước sông
cạn, có đoạn dòng chảy hẹp, chỉ khoảng đôi ba mét, nên người dân dễ dàng
xắn quần lội bộ sang được đất Trung Quốc.
“Các chủ làm luật hết rồi”
Tại khu vực đường biên thuộc thôn Nậm Sò (xã Bản Phiệt) các lối mở dọc biên xuất hiện chi chít, có đoạn chỉ cách nhau chừng vài trăm mét. Nhiều điểm cũ vẫn còn trong khi nhiều lối khác đang chuẩn bị mọc lên. Và thậm chí, người dân trong thôn còn treo cả bóng điện bên những cành cây để phục vụ việc bốc dỡ hàng xuyên đêm. Theo quan sát của chúng tôi, tại các lối mở này, hoạt động mua bán diễn ra tấp nập nhộn nhịp hằng ngày. “Mấy năm trước gà, hàng hóa bánh kẹo đi qua hết những lối này. Còn hiện nay dân mình chuyển qua đánh hàng phân đạm là chủ yếu”, anh Thuồn, người dân xã Bản Phiệt tiết lộ.
Anh Thuồn cho biết thêm, đa số chủ hàng là người ở dưới xuôi ngược lên như Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… để đánh hàng, còn người dân ở bản do không có tiền gom hàng nên chỉ đi bốc vác thuê. Vẫn theo lời anh Thuồn, trước đây, việc vận chuyển hàng lậu qua sông dễ như đi chợ vì “các chủ làm luật hết rồi nên không lo bị bắt. Hiện giờ khó khăn hơn một chút bởi phía Trung Quốc đang cấm, nên hàng hóa chủ yếu vận chuyển vào đêm khuya”. Hàng hóa các loại được tập kết sát bờ sông, khi có mối hàng đến, người dân trong bản sẽ trực tiếp thông báo với các đầu nậu Trung Quốc và Việt Nam để bốc hàng. “Ở những bến xung quanh đây, hàng đi chủ yếu là dứa, chuối xanh còn hàng về thì được đóng sẵn trong những bao thùng kín mít. Chẳng biết được trong đó đựng hàng gì, nhưng nghe nói đó là phân đạm, đồ điện tử, gia dụng”, anh Thuồn vô tư kể với chúng tôi. Có những thời điểm hàng Trung Quốc về nhiều, thanh niên đàn ông trai tráng trong thôn bản đều kéo nhau đi bốc vác thuê hết cả, dựng lều lán ngay sát trên bờ mỗi khi phải bốc hàng "cấp tốc".
“Kho bách hóa tổng hợp”
Sau khi vượt biên, một khối lượng lớn hàng lậu Trung Quốc được đưa về chợ Cốc Lếu nằm ngay giữa trung tâm TP.Lào Cai (tỉnh Lào Cai) và trên thực tế, người dân Lào Cai cũng như dân buôn luôn coi đây là “kho bách hóa tổng hợp” bày bán đủ các loại hàng hóa như điện thoại, đồ điện tử, đồ chơi, đồ gia dụng…
Vào cổng chợ, đập vào mắt chúng tôi là gian hàng bán đồ điện tử T.K ở ngay chính giữa, với tấm biển hiệu: “Bán buôn bán lẻ điện thoại Trung Quốc chính hiệu”. Bà chủ liến thoắng quảng cáo và khẳng định chắc nịch: “100% là hàng Tàu, giá rẻ dùng tốt lắm. Muốn mua bao nhiêu cũng có”. Cũng tại cửa hàng T.K, chúng tôi nhận ra một loạt các hãng điện thoại nổi tiếng từ Nokia, Samsung, cho tới iPhone… bị làm nhái hệt hình dáng, mẫu mã. Điện thoại iPhone 5S có giá từ 2 - 2,5 triệu đồng/chiếc, Nokia Lumia có giá 1 - 2 triệu đồng/chiếc… So với hàng công ty, hàng Trung Quốc nhập lậu kiểu này có giá rẻ gấp từ 6 - 7 lần. Và tuy kiểu dáng bên ngoài giống y hệt các loại điện thoại chính hãng, nhưng độ chắc chắn, sắc nét kém xa. Ngoài điện thoại di động, cửa hàng còn bày bán các thiết bị công nghệ khác như máy nghe nhạc, máy tính bảng, đồng hồ…
Làm cầu để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng lậu - Ảnh: Nguyễn Tuấn
Nhiều loại hàng hóa nhập lậu được bày bán tại chợ Cốc Lếu - Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Cách đó không xa là các gian hàng bán đồ điện tử, loa đài, ti vi… Tại
chợ Cốc Lếu chỉ cần bỏ ra từ 1 - 2 triệu đồng, khách hàng đã có thể mua
được một dàn loa đài “khủng”, màu sắc bóng loáng. Tuy nhiên khi hỏi về
nguồn gốc giấy tờ bảo hành, bà chủ đáp lại tỉnh bơ rồi xua tay khiến tôi
phát hoảng: “Yên tâm đi. Hàng ở đây uy tín lắm, cần gì phải giấy tờ,
nếu hỏng cứ mang ra đây nhớ mặt là bảo hành được”.
Ở chợ Cốc Lếu, thị trường các đồ gia dụng cũng chứng kiến sự lên ngôi
của hàng nhập lậu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hầu hết các nhãn hàng, vỏ
bao bì bên ngoài ấm đun nước, đèn tích điện, nồi cơm điện… toàn chữ
Trung Quốc với mức giá từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng. Theo
khảo sát, tất cả các mặt hàng này đều tuyệt nhiên không có giấy tờ về
nguồn gốc xuất xứ.
Tại các gian hàng bán thuốc đông y gia truyền, chúng tôi cũng ghi nhận tràn lan những loại thuốc bổ, thuốc chữa bệnh được nhập lậu
từ Trung Quốc. Vừa bước tới khu vực này, hỏi mua sâm bà chủ đã lôi ra
từ sạp hàng 5 hộp sâm khác nhau và quảng cáo là sâm Triều Tiên, sâm nhập
khẩu, sâm Hàn Quốc… Tuy nhiên mức giá chào hàng khiến chúng tôi không
khỏi lo lắng. Theo đó sâm Triều Tiên tại chợ Cốc Lếu được bán với giá
50.000 đồng/hộp, sâm đông trùng hạ thảo được coi là món “đại bổ” lại có
giá 150.000 đồng/hộp, sâm nhập khẩu được bán với giá 12.000 đồng/lọ loại
nhỏ đóng trong hộp 40 lọ. Ngoài ra, gian hàng thuốc đông y này còn bán
thảo dược tam thất bên ngoài bao bì có ghi rõ “Tam thất Trung Quốc” loại
củ to có giá 360.000 - 380.000 đồng/lạng…
Công khai bán hàng cấm
Ở chợ Cốc Lếu, chúng tôi tận mắt chứng kiến những mặt hàng trong danh
sách cấm đang được bán công khai. Tại cửa hàng Hiếu Hải, bút, cúc áo
camera quay trộm (vốn là mặt hàng cấm nhập khẩu - PV) cũng được ông chủ
công khai bày bán với giá từ 350.000 - 400.000 đồng/chiếc.
Ngoài các thiết bị quay lén, ở chợ Cốc Lếu còn bày bán rất nhiều hung
khí như bình xịt hơi cay, gậy 3 khúc, dùi cui phóng điện… “Toàn hàng
hiếm cả, đi chỗ khác không có đâu”, ông chủ gian hàng N.M dẫn vào bên
trong cửa hàng rút ra một bó đèn pin loại có phóng điện giấu kỹ trong tủ
rồi ra giá 250.000 đồng/chiếc. Chưa ưng ý, ông chủ lôi tiếp bình xịt
hơi cay loại 200.000 đồng/bình, gậy 3 khúc 250.000 đồng/chiếc.
Cơ quan chức năng nói không
Nói về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa tại chợ Cốc Lếu,
ông Nguyễn Hoài Nam, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh
Lào Cai thản nhiên tuyên bố: Chợ Cốc Lếu là khu chợ đầu mối giao thương
nằm trên địa bàn TP.Lào Cai. Chợ có hàng trăm tiểu thương kinh doanh
nhiều loại mặt hàng khác nhau, nhưng không hề có hàng buôn lậu mà đó chỉ
là hàng được bà con sinh sống dọc hai bên biên giới trao đổi theo đúng
quy định của nhà nước. Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi về những mặt hàng bị
cấm như hung khí, thiết bị quay trộm, ghi âm, nghe lén... thì ông Nam
lại cho biết nhiều khả năng đây là hàng của kẻ xấu cố tình tuồn vào chợ
để kinh doanh. Qua thông tin Thanh Niên cung cấp, ông Nam hứa sẽ tiếp
nhận và đôn đốc các tổ nghiệp vụ kiểm tra, xử lý. |
Hà An - Nguyễn Tuấn
>> Bắt nóng vụ vận chuyển hàng lậu số lượng lớn
>> Lo ngại hàng lậu ‘sống khỏe’ khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
>> Hải quan phải biết rõ hàng lậu
No comments:
Post a Comment