Wednesday, March 19, 2014

Về việc hàng lậu chọc 'thủng' đường biên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Thanh Dương: 'Có buôn lậu gì đâu' (!)

THANH NIÊN


Ngày 18.3, ông Nguyễn Thanh Dương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai - Trưởng ban Chỉ đạo 127 tỉnh Lào Cai, trả lời Thanh Niên về các vấn đề liên quan loạt bài Hàng lậu chọc “thủng” đường biên.

Về việc hàng lậu chọc “thủng” đường biên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Thanh Dương: “Có buôn lậu gì đâu”  (!)
Nhộn nhịp buôn lậu tại bến Quang Kim - Ảnh: Nam Anh


Ông Dương cho biết thêm: “Tại bến Quang Kim thuộc địa bàn xã Quang Kim của H.Bát Xát không có tình trạng buôn lậu gạo, đường, mà chỉ có thể là chuối và rau cỏ của người dân thôi. Từ trước tới nay hai điểm bến Bản Phiệt, bến Quang Kim chẳng xảy ra chuyện gì có thể coi là buôn lậu cả”.


Kiểm tra thông tin Báo Thanh Niên phản ánh
Chiều 18.3, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng cho biết ông mới chỉ nắm được thông tin báo chí phản ánh về tình trạng buôn lậu dọc tuyến biên giới trên địa bàn tỉnh. “Tôi đã chỉ đạo cơ quan chức năng, trực tiếp là Ban Chỉ đạo 127 (Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại - PV) tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin Báo Thanh Niên phản ánh”, ông Hưởng nói.
Theo ông Hưởng, Ban Chỉ đạo 127 của tỉnh bao gồm nhiều lực lượng, được phân công công việc, giao trách nhiệm cụ thể trong hoạt động phòng chống buôn lậu và mỗi tháng họp một lần. Qua kiểm tra, nếu có tình trạng “hàng lậu chọc thủng đường biên” như báo phản ánh và phát hiện các đơn vị, cá nhân liên quan có sai phạm, UBND tỉnh Lào Cai sẽ xử lý nghiêm minh, tùy theo mức độ vi phạm.

Bùi Trần

Tuy nhiên, khi Thanh Niên khẳng định các đoạn clip được PV quay tại bến Quang Kim thể hiện đó là gạo thì ông Dương giải thích: “Thông thường thì tại khu vực giáp biên như vậy sẽ có biên phòng tuần tra canh gác. Chắc thời điểm đó là hai bên người dân giao lưu trao đổi vì bên An Quang trồng nhiều bí, ngô, khoai, chuối, dứa, chứ có buôn lậu gì đâu. Còn nếu phát hiện buôn gạo qua biên giới thì về sau mình sẽ nhắc nhở. Hiện chỉ có hai điểm là cửa khẩu phụ Bản Vược và bến Bản Phiệt được phép xuất gạo”. Ông Dương cũng cho biết thêm sẽ thông báo giao lực lượng biên phòng vào kiểm tra. “Lần sau có việc gì thì cứ điện thẳng cho mình chứ có việc gì nghiêm trọng quá đâu”, ông Dương nói.

Trong khi PV Thanh Niên đã ghi nhận được cảnh buôn bán tấp nập với hàng chục xe tải, tàu tôn chờ bốc hàng ở bến Quang Kim, ông Nguyễn Bá Bình, Phó giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Lào Cai, vẫn khẳng định: “Trao đổi hàng hóa ở bến Quang Kim không nhộn nhịp mà chỉ lác đác”. Theo ông Bình, Lào Cai có gần 200 km biên giới, đường mở tự phát của người dân rất nhiều và “bến Quang Kim trước đây là lối mở được phép, nhưng sau khi mở cửa khẩu phụ thì Quang Kim thành bến bất hợp pháp, hàng hóa buôn lậu có nhưng không nhộn nhịp”. Ông Bình cũng cam đoan kiểm soát buôn lậu tại các cửa khẩu phụ, lối mở rất chặt chẽ, nhưng đường dân sinh qua lại dọc tuyến biên giới nhiều nên khó kiểm soát, không chỉ Lào Cai mà các tỉnh biên giới đều như vậy.

Xuất gạo, đường qua bến là trái phép

Đáng chú ý, khi trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan, một mặt xác nhận rằng việc xuất gạo, đường qua bến Quang Kim như Thanh Niên phản ánh là trái phép,  mặt khác lại hé lộ: “Hiện Chính phủ, Bộ Công thương và UBND tỉnh Lào Cai đang tiến hành khảo sát để trong thời gian tới sẽ cho phép xuất khẩu đường, gạo qua bến Quang Kim. Bởi hiện tại lượng gạo và đường trong nước tồn kho lớn. Nhưng đó là thời gian tới còn giờ thì chưa được phép. Tuy nhiên việc gạo đi qua đây chưa phải là lớn, cũng nhỏ giọt thôi”.

Theo cơ quan chức năng Lào Cai, ngoài 2 cửa khẩu chính thức, Lào Cai còn có 4 cửa khẩu phụ gồm Bản Vược, Y Tý (H.Bát Xát), Hóa Chư Phùng (H.Simacai), Xín Tẻn (H.Mường Khương), nhưng các cửa khẩu phụ này và các lối mở do dân tự mở không được phía Trung Quốc coi là hợp pháp. Nguyên nhân do Trung Quốc không có chính sách mở cửa khẩu phụ, mà chỉ cho phép địa phương giao thương biên mậu, nên nếu Trung Quốc thực hiện cấm biên thì hàng hóa ách tắc rất lớn.

Trả lời Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Tuấn Anh cho hay: Hiện nay muốn mở cửa khẩu phải theo Hiệp định biên giới giữa hai nước, cửa khẩu ở quốc gia này thì phía bên kia phải có cửa khẩu quốc gia tương xứng… Lực lượng hải quan chỉ hoạt động ở các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ. Các lối mòn, bến bãi tự phát có hoạt động xuất nhập khẩu không thuộc phạm vi kiểm tra do hải quan chủ trì mà do bộ đội biên phòng phụ trách. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, lực lượng hải quan cũng có trách nhiệm tham gia phòng chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái qua biên giới. Khi phía biên phòng có tuần tra yêu cầu phối hợp thì hải quan sẽ tham gia cùng. Hoặc khi lực lượng hải quan phát hiện hàng hóa không thông qua các cửa khẩu mà chui vào các lối mòn thì phải báo cho bộ đội biên phòng xử lý.

Làm tê liệt sản xuất trong nước
 
Hàng Trung Quốc nhập lậu tràn ngập thị trường Việt và làm tê liệt sản xuất trong nước là điều khó tránh khỏi. Tôi nghĩ để cho hàng lậu, giả, nhái tràn lan vậy mà cơ quan quản lý nói không biết thì thật khó hiểu nổi. Tôi được biết có không ít doanh nghiệp nội phải tự bảo vệ mình bằng những chính sách riêng như cử đại diện đến các vùng sâu vùng xa để phát hiện hàng giả, nhái báo cơ quan chức năng xử lý. Tuy nhiên, hiệu quả của việc này là vô cùng hy hữu. Doanh nghiệp nội địa đang gặp khó khăn vì hàng hóa tồn kho, thị trường tê liệt, thêm việc tự bơi trong cơn lũ hàng giả, hàng lậu từ Trung Quốc xem ra khó khăn chồng tiếp khó khăn.


Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao
Do quản lý
Thực tế, đây không phải là điều mới xảy ra và các cơ quan truyền thông đã lên tiếng khá nhiều trong thời gian qua. Trước đây, chúng tôi từng nhận định, hàng lậu Trung Quốc vào Việt Nam đa số là hàng giả, nhái, kém chất lượng và thậm chí nhiều độc hại mà theo Báo Thanh Niên vừa phản ánh là cả hàng cấm. Tôi nghĩ ở đây là ở khâu quản lý.

PGS-TS Hoàng Thọ Xuân, chuyên gia kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương)
Hàng hóa trong nước khó cạnh tranh
Tại Việt Nam, hoạt động buôn lậu từ các biên giới giáp Trung Quốc đã diễn ra từ lâu và ngày càng gia tăng nếu sự kiểm soát và chế tài của các đơn vị quản lý không có hiệu quả. Hàng lậu không chịu thuế nên giá càng rẻ và hàng hóa sản xuất trong nước càng khó cạnh tranh. Người Việt Nam sử dụng hàng lậu là đang góp phần trả lương cho công nhân Trung Quốc và còn xảy ra tình trạng chảy máu ngoại tệ ra nước ngoài, làm tổn hại cho nền kinh tế. Để hạn chế được tình trạng buôn lậu, một mặt các doanh  nghiệp tiếp tục nâng sức cạnh tranh của mình như sản xuất hàng hóa có chất lượng để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng ở những khu vực thành thị. Ví dụ như hàng may mặc Việt Nam đã đánh dạt được hàng thời trang Trung Quốc ở các thành phố lớn. Chúng ta cũng có thể rút kinh nghiệm tại sao một số sản phẩm của Trung Quốc đã vào Việt Nam nhưng không được ưa chuộng. Trước đây bia Trung Quốc có tràn sang nhưng sau này đã không còn. Riêng ở những vùng nông thôn thu nhập còn thấp nên có phương án tạo công ăn việc làm cho người dân để họ không tham gia vào con đường buôn lậu.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
 
Chế tài phối hợp với tuyên truyền
Hàng lậu sẽ gây nên 3 tác hại cho nền kinh tế. Thứ nhất là làm cho hàng hóa trong nước không cạnh tranh được, từ đó các doanh nghiệp cũng phải thu hẹp hoặc thậm chí ngưng sản xuất. Thứ hai là gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Thứ ba là người tiêu dùng cũng sẽ có những rủi ro khi sử dụng hàng hóa kém chất lượng... Nhà nước phải thực sự nghiêm khắc, đưa ra chế tài mạnh ở các đơn vị kiểm soát các cửa khẩu biên giới. Đồng thời phối hợp vận động, tuyên truyền cho người dân ở những vùng biên giới giáp ranh các nước, nhất là Trung Quốc để không tiếp tay cho buôn lậu hoặc xài hàng lậu.

TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ

Nguyên Nga - Mai Phương (ghi)

Hà An - Anh Vũ - Mai Hà 
>> Mở đường' cho... buôn lậu
>> Xử nghiêm hành vi tiếp tay buôn lậu  
>> Bảo kê, làm ngơ cho buôn lậu  
>> Lập rào chắn thép chống buôn lậu
>> Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng phức tạp

No comments:

Post a Comment