Monday, March 3, 2014

Quan hệ thương mại Việt – Trung ngậm ngùi như thế nào??!

Nhập siêu từ Trung Quốc so với tổng nhập siêu của Việt Nam giai đoạn. Số liệu: GSO

Quan hệ thương mại Việt – Trung ngậm ngùi như thế nào? (Tiếp theo và hết)


“Phi mã” vì ta chỉ xuất hàng thô. Họ mua mủ cao-su để bán lại cho ta săm lốp; nhập than, mua quặng của ta để rồi ta lại sang đấy tải sắt thép. Việc mua quặng đẻ ra nạn phá rừng đầu nguồn, xới tung ruộng rẫy, hiểm hoạ môi trường. Vậy mà cũng không yên. Với cái bẫy, ban đầu đặt hàng nhiều, trả giá cao, nhử ta sản xuất ồ ạt, ùn ùn chở tới cửa khẩu rồi đóng sập, bắt chẹt giá nào cũng phải bán hoặc đổ bỏ. Một nền XK mạnh ai nấy làm, có thứ gì bán nấy, có thế nào bán vậy thì điều gì đã đến phải đến.

Hàng Tàu vào Việt Nam không số thống kê nào phản ảnh được đầy đủ, vì hàng Tàu nhập lậu qua mặt các lực lượng chức năng, ngang nhiên phơi bày khắp hang cùng ngõ hẻm. Nạn xuất lậu làm chảy máu tài nguyên, thất thu ngân sách cũng không kém nhức nhối.

Nếu nhập lậu vào ta bằng mọi  đường to, lối nhỏ, thuỷ bộ, thì xuất lậu tuôn tài nguyên của ta sang Trung Quốc cũng bằng ngần ấy nẻo, đủ loại phương tiện kể cả người cõng, ngựa thồ. Việc nhập lậu và xuất lậu đều do lái buôn Trung Quốc chủ mưu, nhưng lại được đầu nậu bản địa “tự nguyện” tiếp tay. Tuy vậy, “xuất đầu lộ diện”, đối mặt với lực lượng chức năng chỉ là những cửu vạn, tài xế, xe ôm…, ở quê cạn kế sinh nhai, mò lên biên ải, nai lưng làm thuê. Thế nên, bắt hàng lậu chỉ như “bắt chạch đằng đuôi”. Cái khó còn bởi chặn cơn hồng thủy buôn lậu, lại xuất hiện làn sóng thất nghiệp của những số phận hẩm hiu này.

Kể cả việc dẫn ra rằng Trung Quốc hiện còn là nước cung cấp nguồn khách du lịch quốc tế lớn nhất đến Việt Nam cũng là cách vơ vào gượng gạo. Ai nấy đều biết đây là những vị khách “siêu hà tiện”. Còn người Việt Nam sang bên đó thì khuân đủ thứ về. NS cũng ở cả nguồn XK, NK tại chỗ này.

Việt Nam tham gia triển lãm tại Trung Quốc lọt thỏm trong mênh mông hội chợ của họ. Ngược lại, chỉ cần một tỉnh của họ cũng đủ bày biện hoành tráng, có cuộc ngay tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.

Nỗi ám ảnh “nhập hàng mã”…

Hàng Tàu là nỗi ám ảnh trên nhiều phương diện. Việc hàng loạt sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc bị phát hiện chứa chất độc hại có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe giống nòi đã được cảnh báo nhiều nhưng giải pháp không triệt để.

Hàng Tàu còn là nỗi ám ảnh các nhà sản xuất vì đã, đang, còn bị thua trên sân nhà trước hàng giá rẻ, dẫn tới có nhiều doanh nghiệp đã phải bỏ sản xuất, quay sang buôn hàng Tàu thu “tiền tươi, thóc thật”. Nỗi ám ảnh hàng Tàu tràn ngập trong dịp tết đến, xuân về. Ngờ vực “pháo hoa tạo niềm vui” có thể là vật liệu nổ tức thì; đồ chơi lại thành vũ khí sát thương, không phải vô căn cứ.

Có lẽ trên thế giới này, không có thương lái nào sang ta mua vét “oái oăm” mạ khô, cọng chè, đỉa, móng trâu, rễ hồi, lá sắn. Chỉ có thể hiểu là mưu thâm phá sản xuất từ… gốc. Sắp tới còn có kế hiểm nào nữa (!). Thủ phạm “cõng rắn cắn gà nhà” chính lại bà con ở mọi miền quê, không chịu thấm nhuần, lại nhặt nhạnh, đào bới được cái gì là bán, ai mua cao thì bán, chạy theo đám đông, lợi ích trước mắt, không nghĩ tới ngày mai.

Nỗi ám ảnh còn đó với việc họ trúng thầu dự án khai thác quặng trên “nóc nhà Đông Dương”, thuê đất rừng nơi thâm sơn cùng cốc dài hạn, cấm người Việt lai vãng, đưa những trai đinh sang ở cả dãy phố, ngang tàng quậy phá. Thậm chí họ nấp ở bè mảng nuôi cá trong vịnh của ta suốt gần 10 năm, khi bị vạch ra thì họ lẻn đi cũng thật êm.

Lang băm Tàu mang thuốc ế sang mở phòng mạch chềnh ềnh giữa đô thành, huyênh hoang chữa bách bệnh, đòi giá cao, khi con bệnh nguy kịch hoặc tử vong thì bỏ chạy… Hình như họ còn khoác áo nhà buôn, nhà đầu tư, thày lang để che giấu những hành tung, mưu đồ xấu xa khiến ta không khỏi giật mình nhớ chuyện Mỵ Châu xưa “Trái tim lầm chỗ để trên đầu/ Nỏ thần vô ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu” (Tố Hữu).

Sự lệch pha trong buôn bán Việt – Trung là hàng của họ đổ vào ta chủ yếu là sản phẩm của công nghiệp địa phương, hộ sản xuất nhỏ, còn hàng ta xuất sang họ hầu hết  thuộc nhóm hàng đầu vị.

Mới đây hai nước còn kí thêm Hiệp định về việc thành lập Văn phòng Xúc tiến Thương mại tại mỗi nước. Bản ghi nhớ về việc xây dựng các Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt – Trung; Bản ghi nhớ về việc thành lập nhóm công tác hỗn hợp hỗ trợ các dự án do doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện tại Việt Nam. Với các cam kết này chỉ như nối giáo cho… Bất luận cam kết nào, họ đều tận dụng hết thảy mọi lợi thế để vơ lợi. Càng có cam kết mới, ta càng lún sâu vào bất lợi. Đó là điều không thể đảo ngược.

Càng nhập siêu, càng phụ thuộc

Có lẽ, do lường trước rằng chẳng những không thể đảo ngược được tình hình mà còn lún sâu NS từ Trung Quốc, với “tầm nhìn 2 năm”, Việt Nam trên mặt trận này đã hoạch định tới năm 2015 chỉ có thể XK 15,2 tỉ USD và phải NK từ Trung Quốc 48 tỉ USD, tổng cộng là 63,2 tỉ USD. Càng NS, kinh tế càng bị phụ thuộc. Kinh tế trong vòng cương toả, liệu cái khác có bị giật dây không? Trả lời quá dễ nhưng thật khó nói. Có người nhận xét rằng, cứ quan hệ thương mại như thế này chúng ta góp làm giàu cho nước bạn, làm nghèo nước nhà là điều cần suy ngẫm?

 Nguyễn Duy Nghĩa

Quan hệ thương mại Việt – Trung ngậm ngùi như thế nào?


Bài ca “thăng thiên” hay “vượt xà”?

Có lẽ trong quan hệ thương mại toàn cầu, chưa có nền thương mại nào lại “thăng thiên” như buôn bán của Việt Nam với Trung Quốc. Mức “xà” cam kết kim ngạch hai chiều luôn được nâng lên gấp đôi, gấp ba và đều vượt thời gian, càng ngày càng lệch đến nay đã “quá tam ba bận”.

Khi khởi động lại quan hệ sau những năm chiến tranh biên giới, hai bên đặt mốc 2 tỉ USD vào năm 2000, nhưng ngay năm ấy mậu dịch song phương đạt 2,5 tỉ USD. Từ đó lạc quan rằng đã “tạo tiền đề tốt đẹp đưa quan hệ thương mại hai nước bước vào thế kỉ XXI”. Đây là lần thứ nhất “vượt xà”.

Trước tình thế mới lại đặt mục tiêu 5 tỉ USD vào năm 2005, nhưng ngay 2004 đã đạt 7,2 tỉ USD. Đây là lần thứ hai vượt cam kết. Cũng từ năm này, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam – chiếm 14,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Mức xà được nâng lên 20 tỉ USD vào năm 2010, nhưng năm 2008 đã đạt 20,18 tỉ USD. Đây là lần vượt thứ ba.

Có lẽ vậy, nên hai bên đều đĩnh đạc tuyên bố: “Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc đã có những bước phát triển nổi bật cả về chiều rộng lẫn chiều sâu”. Trước thần tốc đó, lại cam kết tới năm 2015 nâng lên 60 tỉ USD. Vừa “nhất hô đã bách ứng” rằng “mục tiêu đó là rất khả thi và có thể đạt cao hơn”. Với “Tình hữu nghị mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững” tiên đoán đó chỉ “từ… đúng trở lên”.

Bên này “cười nụ”, bên kia “khóc thầm”

Đáng ra phải hãnh diện vì ta có đối tác thương mại lớn nhất là nền kinh tế đứng thứ hai thế giới lại cùng chí hướng, tương lai rực sáng, bận tâm gì đến tụt hậu, chỗ dựa vững chãi lo gì đến tồn vong? Nhưng nếu bới cái “bọc” hai chiều đó, tường tận xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK), mới tá hoả một bên “cười nụ”, bên kia “khóc thầm”…

Lẽ thường, chỉ ngợi ca “kim ngạch hai chiều” khi hai nền kinh tế tương đồng, bên này được phát huy lợi thế, bên kia cũng trổ hết tiềm năng. Nhưng điều đó là không thể khi Việt Nam giao thương với Trung Quốc. Cái giá phải trả cho “hai chiều” là kim ngạch càng tăng, thặng dư càng đắp cao cho phía bên kia, thâm hụt càng lún sâu ở phía ta và tài nguyên khoáng sản càng chóng cạn kiệt.

Trung Quốc thực sự là “lò” NK số 1 và cũng là “ổ” nhập siêu (NS) mạn tính lớn nhất của Việt Nam. Còn phần XK của Việt Nam sang Trung Quốc đứng thứ tư sau Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản. Năm 2013, XK của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ bằng 55% XK của Việt Nam vào Hoa Kỳ. Cũng năm 2013, XK của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ chiếm 9,9% tổng kim ngạch XK của Việt Nam, còn Việt Nam NK từ đại lục chiếm tới 28% tổng kim ngạch NK của cả nước.

Đồ chơi trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc được bày bán nhan nhản trên phố Lương Văn Can (Hà Nội).
Đồ chơi trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc được bày bán nhan nhản trên phố Lương Văn Can (Hà Nội). 

Nhập siêu “phi mã”, chỉ xuất hàng thô 

NK của Việt Nam lớn nhất từ Trung Quốc, lớn hơn từ cả Châu Á và từ tất cả các thị trường (*) ít ai biết, còn tốc độ phi mã của NS từ Trung Quốc càng ít người biết. Năm 2001, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc là 200 triệu USD, năm 2013 lên 23,6 tỉ USD, gấp 118 lần. 4 năm (2010 – 2013) Việt Nam chỉ XK sang Trung Quốc được 44,8 tỉ USD; nhưng phải NK từ Trung Quốc  110,6 tỉ USD, NS là 65,8 tỉ USD, tỉ lệ NS là 146%. Vậy là trong cái “thương mại hai chiều” thì tương quan Việt Nam/ Trung Quốc là 1/2,5

“Phi mã” còn không hiểu vì sao Trung Quốc trúng thầu hầu hết các dự án nhiệt điện, “hội chứng thủy điện”, công trình thế kỉ, hạng mục chính của cơ quan cơ mật quốc gia. Đúng như thời cao trào ta tha lôi “nhà máy đường, xi-măng lò đứng”, họ vồ lấy để đổ máy móc kĩ nghệ thấp, đến hạn thanh lí vào và “bán kèm” phu hồ, thợ bốc vác lẩn vào danh sách “chuyên gia hảo hạng”. Kết cục là các công trình chậm tiến độ, máy móc công suất thấp, thiết bị chóng hỏng, chưa kể các nghi ngại lâu dài… Còn la liệt các dự án đầu tư lắp ráp ô-tô, xe máy, chế biến thức ăn gia súc, đóng giày…, thực ra chỉ là nhờ đất ta làm bãi gia công, đổ chất thải, hưởng lãi suất thấp khi XK. Khi nước họ đang hạn chế xe máy thì lại đùn lắp ráp xe máy vào Việt Nam, thứ xe rẻ, rất mau rệu rã.

“Phi mã” vì nhiều ngành sản xuất hàng chủ lực của ta, nhất là làm hàng XK đều phụ thuộc vào nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc khoảng 60% trở lên, đồng nghĩa với việc họ khống chế giá, phẩm cấp, chủng loại, điều tiết nhịp độ sản xuất.

“Phi mã” vì ra ngõ gặp hàng Tàu, cần bao nhiêu cũng chiều, thượng vàng hạ cám có tuốt.

Hàng Tàu hiên ngang gắn nhãn chữ Hán đã đành, lại có loại không cần mác như chất tăng trọng siêu tăng, gia vị siêu tốc, chất bảo quản siêu thời hạn, rồi thủ thuật hô biến hàng Tàu thành hàng ta như khoai tây Tàu bôi đổi màu vỏ thành khoai tây Đà Lạt, trứng gà bên kia, tẩy trắng vỏ thành trứng gà ta. Nhiều thiết bị điện tử, mĩ phẩm, hàng tiêu dùng khác có nguồn gốc Trung Quốc được Việt hóa. Khi họ cần đổ hàng sang thì giả danh hàng Việt, nhưng loại hàng nào ta XK danh tiếng, họ nẫng tay trên thương hiệu, theo kiện “được vạ thì má sưng” như cà – phê, Vinamit…

Góp vào “phi mã” còn có cả thóc giống. Tự hào là một quốc gia có nền văn minh lúa nước, trong Nam, ngoài Bắc viện nghiên cứu bày đặt đủ đầy, giải mã thành công 36 giống lúa bản địa Việt Nam, XK gạo vào TOP đầu thế giới, cử chuyên gia đi khắp đó đây, nhưng hằng năm phải nhập hơn một nghìn tấn lúa lai lổn nhổn. Nghe ta thán rằng, lúa lai nhập từ Tàu, chỉ sai hạt một vụ, vụ sau tụt hẳn. Năm nào cũng phải nhập là vậy. Nhà nông còn quen xài thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, máy bơm, dụng cụ làm đất của… Tàu.

Cùng góp vào “phi mã” còn có cả việc lợi dụng chính sách định mức hàng mua tại chợ biên giới được miễn thuế, bà con ta cứ như kiến tha về đầy tổ. Chợ biên giới Móng Cái, Quảng Ninh hằng ngày đông nghẹt thương lái Trung Quốc sang không phải là để bán hàng Việt Nam.

Đến nay có tới hơn 40 nhóm hàng được NK từ Trung Quốc với kim ngạch đáng kể. Trong đó có 5 nhóm hàng từ 1 tỉ USD trở lên gồm máy móc, dụng cụ và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; vải, sắt thép. Phần lớn hàng hóa NK từ Trung Quốc đều đạt kim ngạch từ vài chục đến vài trăm triệu USD/nhóm hàng. (Còn tiếp)

(*) NK, NS của Việt Nam lớn nhất từ Trung Quốc, lớn hơn tất cả các thị trường cộng lại
Nguyễn Duy Nghĩa


Đọc thêm:

Thứ hai, 13/8/2012 00:01 GMT+7

Việt Nam ngày một thua thiệt khi buôn bán với Trung Quốc

7 tháng đầu năm nay, cả nước xuất siêu 100 triệu USD nhưng riêng thị trường Trung Quốc lại thâm hụt 8,3 tỷ USD. Tình trạng nhập siêu bắt đầu từ 2001 đang tăng chóng mặt trong 3 năm gần đây. 
 
Câu chuyện thâm hụt thương mại với Trung Quốc bắt đầu được chú ý cách đây hơn 10 năm, khi Việt Nam chuyển từ xuất siêu 130 triệu USD năm 2000 sang nhập siêu gần 200 triệu USD một năm sau đó. Con số này tuy không lớn nhưng liên tục tăng dần trong những năm tiếp theo. Đồng thời, tỷ trọng trong tổng nhập siêu của toàn nền kinh tế ngày một cao.

Nhập siêu từ Trung Quốc so với tổng nhập siêu của Việt Nam giai đoạn. Số liệu: GSO
Nhập siêu từ Trung Quốc so với tổng nhập siêu của Việt Nam giai đoạn 2000 - 2012. Đơn vị: tỷ USD.(*) Tính đến hết tháng 7/2012. Số liệu: GSO

Đến 2009, thâm hụt với Trung Quốc (11,5 tỷ USD) gần như đã chiếm toàn bộ số chênh lệch giữa xuất - nhập khẩu của Việt Nam (12,2 tỷ USD). Liên tiếp trong vòng 2 năm sau đó, mức chênh lệch này nhanh chóng vượt xa tổng nhập siêu. Sau 7 tháng đầu năm 2012, Việt Nam nhập ròng từ Trung Quốc 8,3 tỷ USD (xuất 7 tỷ USD, nhập khẩu 15,3 tỷ), trong khi cán cân tổng thể vẫn xuất siêu khoảng 100 triệu USD. Với con số này, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng chỉ đứng thứ 5 về xuất khẩu.

Xuất nhập khẩu của Việt Nam vào các thị trường lớn sau 7 tháng đầu năm 2012. Số liệu: GSO
Xuất - nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường lớn sau 7 tháng 2012. Số liệu: GSO
Trong Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2011, Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VEPR) - Đại học Quốc gia Hà Nội, đã cảnh báo về thực trạng này. Số liệu VEPR thống kê cho thấy trong khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam phần lớn xuất sang Trung Quốc các mặt hàng như nhiên - nguyên liệu (than, cao su, gỗ), thực phẩm (rau - củ - quả, thủy sản)… Trong khi đó, lại nhập khẩu chủ yếu máy móc, sắt thép, hóa chất (phân bón), sợi - nguyên liệu may…

“Soi” lại những mặt hàng này trong 6 tháng đầu năm, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu ở hầu hết các nhóm đều giảm khoảng 5 - 30% về cả lượng lẫn giá trị hàng hóa. Riêng xuất khẩu than giảm 32% thì bán cho Trung Quốc (chiếm gần 80% tổng xuất khẩu) giảm 16%. Nhập khẩu nói chung cũng có dấu hiệu chậm lại, các mặt hàng đều giảm 4 - 14%, nhưng lượng nhập từ thị trường Trung Quốc vẫn tăng đều.

Cụ thể, lượng nhập sắt thép giảm 4% nhưng từ thị trường Trung Quốc vẫn đạt hơn một triệu tấn, tăng 22%. Giá trị nhập sợi - nguyên liệu may từ thị trường này thậm chí còn tương đương hơn 2 tỷ USD, tăng nhẹ (0,7%) trong khi giá trị nhập tổng thể giảm hơn 14% so với cùng kỳ. Việt Nam cũng nhập khoảng 2,4 tỷ USD máy móc từ Trung Quốc trong 7 tháng. Con số này tuy có giảm (2%) nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức giảm chung (11,3%) của toàn ngành.

Tìm hiểu về nguyên nhân nhập siêu từ Trung Quốc, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, có nhiều lý do, trong đó năng lực sản xuất hàng tiêu dùng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, sức cạnh tranh yếu, hiệu quả đầu tư - năng suất lao động yếu, dẫn đến khó khăn trong xuất khẩu để củng cố cán cân thương mại… Quan trọng hơn, do cơ cấu kinh tế chậm chuyển đổi, thiếu công nghiệp phụ trợ, nặng về gia công hiện phải nhập tới 80 - 90% nguyên phụ liệu cho sản xuất, mà chủ yếu là từ Trung Quốc - nơi nguồn cung các mặt hàng này vừa rẻ, lại vừa dồi dào.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, những nguyên nhân trên đã dẫn tới tình trạng xuất khẩu của Việt Nam tuy có tăng, nhưng rất nhiều trong số đó là xuất khẩu “hộ” Trung Quốc. Còn việc nhập siêu từ Trung Quốc, bà Chi Lan chỉ ra nguyên nhân đáng lo ngại hơn.

Phân tích của bà Phạm Chi Lan cũng như báo cáo của VEPR cho thấy, lý do quan trọng khiến nhập siêu gia tăng trong những năm gần đây là sự thắng thế liên tục của các nhà thầu Trung Quốc trong các dự án tại Việt Nam. Riêng giai đoạn 2007 - 2010, các doanh nghiệp nước này đã thắng thầu trong ít nhất 5 dự án có tổng vốn đầu tư từ 450 triệu USD trở lên (trong đó có 2 trường hợp vốn trên 2 tỷ USD). Các dự án “ưa thích” của nhà thầu Trung Quốc chủ yếu nằm trong các lĩnh vực công nghiệp thượng nguồn như điện (90% các công trình điện ở Việt Nam hiện nay), khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất, công trình giao thông…

Nhà thầu Trung Quốc ngày càng chiếm ưu thế tại các dự án tại Việt Nam. Ảnh: Xinhua
Nhà thầu Trung Quốc ngày càng chiếm ưu thế tại các dự án tại Việt Nam. Ảnh: Xinhua

Đây chính là lý do khiến máy móc - thiết bị kỹ thuật luôn là một trong những mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc vào Việt Nam. “Điều này bất lợi hơn nhiều so với nhập nguyên phụ liệu, bởi đa phần máy móc nhập từ Trung Quốc không phải công nghệ nguồn, hoặc đã lạc hậu. Các dự án xây dựng cũng hay chậm tiến độ, có hoàn thành thì chất lượng cũng không cao. Rồi chính người Việt lại phải sử dụng những sản phẩm, công nghệ đó”, bà Lan phân tích.

Một vấn đề khác cũng được chuyên gia này chỉ ra là phần lớn dự án quan trọng ở lĩnh vực điện, giao thông mà phía Trung Quốc đang làm nhà thầu đang sử dụng vốn vay ODA. “Như vậy, vốn giá rẻ mà Việt Nam đi vay, các nước khác giúp đỡ, lại được sử dụng để mua máy móc Trung Quốc, làm lợi cho họ. Điều này sẽ khiến các nhà tài trợ không thực sự hài lòng”, chuyên gia này nhận định.

Trên thực tế, cơ quan quản lý từ lâu cũng đã nhận rõ sự bất hợp lý trong cán cân thương mại 2 nước. Ngay từ năm 2007, Bộ Công Thương đã vạch ra đề án Phát triển xuất nhập khẩu với Trung Quốc giai đoạn 2007 - 2015 với mục tiêu hạn chế dần thâm hụt thương mại. Phát biểu với báo chí gần đây, Nguyễn Thành Biên cũng cho biết giải pháp quan trọng nhất để đạt mục tiêu này là tăng nhanh xuất khẩu, trong đó trước mắt tập trung vào các mặt hàng có lợi thế tự nhiên và lao động. Kế đó (2016-2020), sẽ đẩy mạnh các mặt hàng công nghệ mới có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghiệp và chất xám cao…

Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn từ 2007 đến nay, Việt Nam vẫn chưa thành công trong việc hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc, thậm chí ngày một thiệt thòi hơn trong giao thương. Nguyên nhân chủ yếu là do các biện pháp được đề ra nhưng chưa được thực hiện một cách nhất quán và kiên định.

Một thực tế khác là các doanh nghiệp Trung Quốc hầu như chỉ thực hiện chiến lược “nhà thầu” chứ rất ngại mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Năm 2011, vốn FDI từ Trung Quốc chỉ đạt hơn 800 triệu USD, đứng thứ 14 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư (số vốn trong 4 năm trước đó cũng chỉ dao động trong khoảng 360 - 570 triệu USD). Số vốn này khó có thể khỏa lấp thâm hụt thương mại nhiều tỷ USD của Việt Nam trên cán cân thanh toán tổng thể với Trung Quốc.

Theo kết quả nghiên cứu tỷ giá hối đoái giai đoạn 2000 - 2011 và các nhân tố ảnh hưởng đến xuất khẩu của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), trong giai đoạn 2000 - 2010, tỷ giá thực của đồng Việt Nam đã đắt lên so với đôla Mỹ 25,9%, trong khi con số tương tự của nhân dân tệ với USD là 19,78%. Ngay cả khi tính thêm lần phá giá 9,3% vào năm 2011 thì đồng Việt Nam vẫn đắt lên tương đối so với nhân dân tệ. Điều này khiến cho hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp thêm bất lợi trước các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc.

Nhật Minh


No comments:

Post a Comment