Saturday, March 29, 2014

Việt Nam chưa bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình!

Phan Minh Ngọc
Thứ Bảy,  29/3/2014, 10:37 (GMT+7)

(TBKTSG Online) - Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay chưa là đề tài thu hút sự chú ý của người đọc và nhiều ý kiến tranh luận trên TBKTSG Online. Tòa soạn xin giới thiệu ý kiến dưới đây của chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc để bạn đọc tham khảo.


 Sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh TL-TBKTSG

>>> "Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình" - (Nhận định của GS Kenichi Ohno
>>> Thất vọng! - (ý kiến phản biện của TS Lê Hồng Giang)

Mới đây, GS Kenichi Ohno thuộc Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản cho rằng: “Ngày nay, sau một vài năm đạt mức thu nhập trung bình thấp, bẫy thu nhập trung bình không còn là một nguy cơ xa xôi, mà đã trở thành thực tế ở Việt Nam”. Có năm triệu chứng để kết luận như vậy, đó là: tăng trưởng chậm lại, năng suất sản xuất mờ nhạt, thiếu hụt dịch chuyển cơ cấu, năng lực cạnh tranh trong bảng xếp hạng không có dấu hiệu tăng và xuất hiện các vấn đề do tăng trưởng gây ra.

Tuy vậy, qua những gì mà GS Ohno trình bày, có thể thấy nhận định trên chủ yếu là định tính, và, quan trọng hơn, chưa dựa vào những khái niệm được chấp nhận phổ biến và chuẩn mực so sánh nhằm đi đến kết luận. Trong bài này người viết sẽ tìm câu trả lời cho vấn đề từ việc dùng một số khái niệm và so sánh quốc tế.

Trước tiên, hãy bắt đầu với khái niệm về bẫy thu nhập trung bình. Có một số khái niệm khác nhau đã được đưa ra, nhưng bản thân người viết thấy khái niệm trong một nghiên cứu của IMF là đầy đủ và ngắn gọn (xem: http:// http://www.imf.org/external/pubs/ft/wp/2013/wp1371.pdf).  Theo đó, bẫy thu nhập trung bình là hiện tượng các nền kinh tế vốn tăng trưởng nhanh nay đang bị “mắc kẹt” ở mức thu nhập trung bình và không thể dần dần tiệm cận được mức của nhóm các nền kinh tế có thu nhập cao.

Theo khái niệm này, có thể hiểu rằng Việt Nam đã bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu tốc độ tăng trưởng thu nhập đầu người của Việt Nam tăng chậm hơn mức trung bình của nhóm nước thu nhập cao trong một giai đoạn nào đó. Kiểu lý giải này là hợp lý vì khi tăng trưởng chậm hơn có nghĩa là khoảng cách tụt hậu của Việt Nam với các nước thuộc nhóm thu nhập cao không được rút ngắn mà thậm chí còn bị kéo dài ra. Từ đó, theo đúng khái niệm trên, Việt Nam không thể có cơ hội để bứt phá và lọt vào nhóm nước có thu nhập cao, kể cả trong dài hạn, và, do đó, có thể rút ra kết luận như của GS Ohno.

Tiếp theo, thử làm cuộc khảo sát mức thu nhập của Việt Nam trong tương quan với của các nước có thu nhập trung bình và cao. Sử dụng số liệu GDP tính bằng đô la Mỹ theo giá cố định năm 2005 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho giai đoạn 2005-2012 (năm 2012 là năm cập nhật mới nhất của WB), ta có được bảng dưới đây so sánh về tốc độ tăng trưởng GDP trên đầu người giữa các nhóm nước có thu nhập khác nhau trong giai đoạn này.

Đv: USD (theo giá cốđịnh 2005)
 GDP trên đầu người
2005
2012
Tăng (%/năm)
Việt Nam
699
986
5,0
Nhómthunhậpthấp
329
423
3,6
Nhómthunhậptrungbình
1.932
2.731
5,1
Nhómthunhậptrungbìnhthấp
904
1.221
4,4
Nhómthunhậptrungbìnhcao
2.955
4.315
5,6
Nhómthunhậpcao
29.978
31.373
0,7
Thếgiới
7.138
7.732
1,1

Từ bảng trên có thể thấy trong giai đoạn 2005-2012 thực chất tăng trưởng GDP trên đầu người trung bình hàng năm của Việt Nam (5 %/năm) lớn hơn nhiều so với của nhóm thu nhập cao (0,7 %/năm). Kể cả có so sánh với các nhóm khác, như trong bảng, Việt Nam vẫn là nước có tốc độ tăng trưởng GDP trên đầu người thuộc dạng cao, chỉ thua nhóm nước thu nhập trung bình cao ở mức 5,6 %/năm. Nhưng điều này là dễ hiểu và tất yếu vì nhờ sự có mặt của Trung Quốc trong nhóm thu nhập trung bình cao. Nếu gạt bỏ Trung Quốc thì có thể nói Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP đầu người khá ngoạn mục, hoàn toàn chưa đáng phải lo ngại ít nhất là về mặt tăng trưởng.

Như vậy, kết luận của GS Ohno nói trên là không xác đáng khi ta sử dụng các khái niệm và so sánh quốc tế. Nói cách khác, đứng về mặt tốc độ tăng trưởng (của GDP hoặc GDP trên đầu người) thì Việt Nam chưa có dấu hiệu đã bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình như ông nhận định.

Tuy vậy, có hai điều cần thừa nhận trong bài này. Thứ nhất, tuy Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP trên đầu người thuộc dạng cao và đã lọt vào nhóm nước thu nhập trung bình, nhưng thực tế là Việt Nam chỉ lọt vào nhóm nước thu nhập trung bình thấp (thậm chí ở thứ hạng cuối của nhóm này), và vẫn còn một khoảng cách lớn để vươn lên nhóm thu nhập trung bình cao, như trong bảng trên.

Điều cần thừa nhận thứ hai ở đây là, nếu tốc độ tăng trưởng hiện tại được duy trì thì vẫn phải cần đến vài chục năm nữa Việt Nam mới có thể đuổi kịp và lọt vào được nhóm có thu nhập trung bình cao, chứ chưa dám nói đến nhóm có thu nhập cao.

Bởi thế, tuy có thể nói chắc chắn rằng Việt Nam chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình, nhưng cứ với cái đà tăng trưởng này thì Việt Nam còn lâu mới thoát ly được ra khỏi nhóm nước thu nhập trung bình. (Lưu ý sự khác biệt giữa bẫy thu nhập trung bình và (nhóm nước) thu nhập trung bình).

No comments:

Post a Comment