Saturday, April 12, 2014

Bài giảng thánh lễ an táng nhà giáo Phêrô Đinh Đăng Định - 07.04.2014



 

 

Đọc thêm: 

Thứ Ba, ngày 08 tháng 4 năm 2014

 

BÀI THUYẾT GIẢNG CHINH PHỤC LÒNG NGƯỜI


Vẫn biết các linh mục công giáo là những người học hành sâu sắc và đầy tài năng diễn đạt, tuy nhiên lần đầu tiên được nghe một vị linh mục thuyết giảng trong nhà thờ tôi càng thấy kính phục tài năng hùng biện và trí tuệ sâu sắc của họ thêm vạn lần. Linh mục Nguyễn Thể Hiện, qua bài thuyết giảng kéo dài trên 30 phút trong thánh lễ an táng nhà giáo yêu nước Đinh Đăng Định đã chinh phục hàng trăm người đang có mặt trong nhà thờ, trong đó rất đông những người ngoại đạo như tôi. Tiếng vỗ tay vang lên khi LM kết thúc bài thuyết giảng là sự kiện hiếm có trong thánh lễ trang nghiêm trong giáo đường. Dịch giả Hoàng Hưng ngồi cạnh tôi đã thốt lên: làm sao tìm ra được một cán bộ tuyên giáo cao cấp nhất của đảng mà có thể sánh ngang với một linh mục bình thường như thế này. Còn tui thì nghĩ rằng: Nếu các cán bộ tuyên giáo cũng như các nhà lý luận của đảng chỉ cần bằng 1/3 vị linh mục nầy thì tôi cũng nguyện theo đảng suốt đời dù không được là đảng viên. 




Linh Mục Nguyễn Thể Hiện là người mặc áo tím đứng hàng thứ hai phía sau từ phải sang

Có thể đọc bài tường thuật thánh lễ an táng và nghe toàn bộ bài thuyết giảng của LM Nguyễn Thể Hiện qua trang:

http://chuacuuthenews.wordpress.com/2014/04/07/thanh-le-an-tang-nha-giao-phero-dinh-dang-dinh/#more-35768

http://www.youtube.com/watch?v=TmdQyvBnfDA&list=UUikBuQDhcIJ2y7-pFCTye2g&feature=share&index=1
https://www.youtube.com/watch?v=l_VuhKWOvVs&list=UUikBuQDhcIJ2y7-pFCTye2g


Blog Huỳnh Ngọc Chênh


TIỂU SỬ
NHÀ GIÁO PHÊRÔ ĐINH ĐĂNG ĐỊNH

Ông Đinh Đăng Định

Sinh năm: 1963, tại Hải Dương.

Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 1985 ông Đinh Đăng Định tham gia quân đội và làm việc tại trường sĩ quan Phòng Hoá thuộc Bộ tư lệnh Hoá học (Sơn Tây, Hà Nội).

Năm 1987, ông Đinh Đăng Định kết hôn.

Năm 1988 ông xuất ngũ với quân hàm Trung uý. Ông làm việc cho Công ty phân bón Lâm Thao, Long Thành (Đồng Nai) với chức danh kỹ sư.
Năm 1999, ông Đinh Đăng Định dạy môn Hoá học tại trường THPT Phạm Văn Đồng (Bình Long, tỉnh Bình Phước).

Năm 2000, Thầy Định chuyển về trường THPT Lê Quý Đôn (tỉnh Đăk Nông) và đưa gia đình đến sinh sống tại tỉnh Đăk Nông.
Hiền thê của thầy giáo Đinh Đăng Định là bà Đặng Thị Dinh (sinh năm 1962), ba người con gái của Thầy Định là Đinh Phương Thảo (sinh năm 1988), Đinh Thuý An (sinh năm 1993) và Đinh Thuý Nga (sinh năm 1995).

Là một Nhà giáo có tấm lòng yêu quê hương, đứng trước hoàn cảnh đất nước ngày càng suy vong vì sự quản lý yếu kém của đảng độc tài CSVN, Thầy giáo Đinh Đăng Định đã lên tiếng kêu gọi đa nguyên đa đảng cho nền dân chủ Việt Nam và đề nghị nhà cầm quyền Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền.

Chủ trương của Đảng CSVN là khai thác quặng bauxite trên Cao nguyên Trung phần đã gặp sự phản đối của người dân Việt Nam vì nguy cơ tổn hại môi sinh. Là một người cư ngụ ngay tại nơi diễn ra khai thác quặng bauxite, Thầy giáo Định đã có văn bản gởi đến các cơ quan lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN đề nghị dừng khảo sát khai thác quặng bauxite. Ông cũng vận động trên 3.000 người dân ký tên vào bản kiến nghị không nên khai thác quặng bauxite.

Ngày 21/10/2011, Thầy giáo Đinh Đăng Định bị bắt với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” điều 88 của bộ luật Hình sự chỉ vì là một Nhà đấu tranh cho Dân chủ - Nhân quyền Việt Nam. Ngày 9/8/2012, phiên toà sơ thẩm tỉnh Đăk Nông đã tuyên án Thầy Định 6 năm tù giam. Ngày 21/11/2012 phiên toà phúc thẩm tại thành phố Đà Nẵng tuyên y án sơ thẩm.

Tháng 1/2013, Thầy giáo Định bị chuyển đến trại giam An Phước (tỉnh Bình Dương). Trước lúc đó, Thầy Định đã có những cơn đau và xuất huyết bao tử tại trại tạm giam công an tỉnh Đăk Nông, nhưng trại giam đã không quan tâm với đề nghị của Thầy Định được khám và điều trị bệnh, công an trại giam còn đánh đập khi Thầy Định phản đối chính sách giam giữ tù nhân vô nhân đạo.

Ngày 5/9/2013, trại giam An Phước đưa Thầy Định đến khám tại bệnh viện 30/4 (Bộ Công an), ngày 18/9/2013 Thầy Định phải giải phẫu và cắt bỏ ¾ bao tử với khối u ác tính, bệnh Thầy đã chuyển qua giai đoạn ung thư giai đoạn cuối. Đến tháng 1/2014, Thầy Định không thể ăn bất kỳ các loại thực phẩm nào. Đến tháng 2/2014, bệnh viện Ung Bướu bắt đầu truyền dịch cho Thầy Định, lúc này sức khoẻ Thầy đã suy kiệt và ung thư đã di căn đến thận và đại tràng.

Trước áp lực của các đại sứ quán các nước phương Tây tại Hà Nội, yêu cầu phóng thích tù nhân lương tâm Đinh Đăng Định, và nhiều tiếng nói của đồng bào Việt Nam trong cũng như ngoài nước, ngày 15/2/2014, trại giam An Phước ra quyết định tạm hoãn thi hành án một năm để Thầy Định về nhà điều trị bệnh. Ngày 21/3/2014, Toà án tỉnh Đăk Nông ra quyết định phóng thích Thầy Đinh Đăng Định theo quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, với lý do “để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của nhà nước”.

Nhưng mọi việc đã quá trễ, sức khoẻ Thầy Định đã yếu dần từng ngày. Khi còn điều trị bệnh tại Sài Gòn sau khi có quyết định tạm hoãn thi hành án một năm, Thầy Định và gia đình đã xin các Linh mục tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn khấn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và làm Thánh lễ cầu nguyện sức khoẻ cho Thầy. Nhớ thương quê nhà, Thầy Định đã trở về căn nhà xưa, nơi Thầy đã có những ngày hạnh phúc bên vợ và các con.

Theo nguyện vọng của Thầy, sáng ngày 3/4/2014, Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh đã đến nhà Thầy Định tại Thị trấn Kiến Đức, huyện Đăk Lấp (tỉnh Đăk Nông) làm lễ rửa tội để Thầy Định gia nhập vào Giáo hội, trở thành con của Chúa với tên Thánh là PHÊRÔ.

Vào lúc 21 giờ 35 phút ngày 03/04/2014, Thầy Phêrô Đinh Đăng Định đã từ trần trong vòng tay của gia đình, để lại niềm tiếc thương cho gia đình, cộng đoàn và thân hữu.

Những lời di ngôn của nhà giáo yêu nước Đinh Đăng Định với các con của ông: “không được giữ lòng thù hận” và với các điều tra viên là công an: “chúng ta không phải là kẻ thù của nhau”.

Thầy giáo Phêrô Đinh Đăng Định đã dấn thân và chấp nhận những năm tháng tù đày trong lao tù của nhà cầm quyền CSVN cho lý tưởng của mình. Những dự báo của Thầy đã trở thành hiện thực khi việc khai thác bauxite đã trở thành gánh nặng quốc gia, thảm hoạ môi trường thì treo lơ lửng với lũ bùn đỏ. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã lên tiếng cảnh báo Nhà cầm quyền Việt Nam hãy thức tỉnh sau cái chết của cựu tù nhân lương tâm Đinh Đăng Định. Nhà cầm quyền vẫn còn nợ nhà giáo Phêrô Đinh Đăng Định một lời xin lỗi.

(Tư liệu của DCCT)

No comments:

Post a Comment