Tuesday, April 29, 2014

Gần 300.000 doanh nghiệp chỉ còn trên giấy!

Thủ tướng Nguyễn Tấn DũngThủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: 'Tôi xin lỗi doanh nghiệp, người dân'



Nghiêm túc nhìn nhận môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế, vướng mắc; thủ tục hành chính còn gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ sẽ làm hết sức để tạo mọi điều kiện giúp doanh nghiệp vươn lên, yên tâm làm ăn phát triển ổn định và bền vững.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Thủ tướng trao đổi với các doanh nghiệp bên lề hội nghị - Ảnh: Ngọc Thắng
300 kiến nghị của doanh nghiệp

Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp (DN) năm 2014 ngày 28.4 diễn ra trong một bối cảnh mà theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), tình hình sức khỏe của cộng đồng DN, đặc biệt khu vực ngoài nhà nước gặp rất nhiều khó khăn và chưa thoát khỏi đáy. Trong hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế ghi nhận lực lượng DN lên tới hơn 800.000. Trong đó, có 3.000 DN nhà nước, 9.000 DN có vốn đầu tư nước ngoài và 789.000 DN ngoài quốc doanh.


Tôi từng có lần nói rất nghiêm túc, phân công làm Thủ tướng thì tôi chấp hành, chứ phân công làm DN thì tôi chịu, không làm được đâu. Chúng ta có nhiều DN tốt rồi thì cố gắng vượt lên mà yếu tố đầu tiên quyết định là năng lực quản trị

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng


Cộng đồng DN được Thủ tướng đánh giá là lực lượng nòng cốt, quan trọng nhất của nền kinh tế. Tuy nhiên, quá nhiều sóng gió thời mở cửa theo nền kinh tế thị trường định hướng XHCN khiến có tới hơn 300.000 DN rời bỏ thị trường. Hiện tại, theo Thủ tướng, cả nước còn gần 500.000 DN đang hoạt động và cộng đồng này vẫn hết sức nỗ lực đóng góp công sức, nhưng so với đất nước 90 triệu dân, sức cầu lớn, số lượng như vậy còn quá ít. Xét về “chất” thì còn đáng lo hơn, khi có tới 96 - 97% là DN nhỏ và siêu nhỏ.

Nhận thức tầm quan trọng, sống còn của nền kinh tế dựa vào sự vận hành của cộng đồng DN nên hội nghị này được tổ chức với quy mô lớn, hàng trăm đại biểu ngồi chật hội trường Trung tâm hội nghị quốc tế. Thủ tướng cùng 3 phó thủ tướng, 9 bộ trưởng và hàng trăm DN cùng đối thoại kéo dài đến 1 giờ chiều.

Những bộn bề, khó khăn vướng mắc của cộng đồng DN được “gói” lại trong bài phát biểu của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. Nhưng quan trọng hơn cả, đó là hơn 300 kiến nghị được cụ thể hòa thành 11 nhóm vấn đề. Trong đó, nổi bật lên nguyện vọng của DN mong muốn Chính phủ tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tự do; tháo gỡ rào cản về thủ tục hành chính; phát triển và mở rộng thị trường.
 
Tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp dân doanh lớn lên

Trong báo cáo tổng thể về DN, Bộ KH-ĐT phân loại DN thành 3 khu vực gồm nhà nước, DN ngoài quốc doanh và DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Một điều dễ nhận thấy là vai trò của DN tư nhân rất lớn, dù chính sách hỗ trợ của khối này, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, gần như bị “quên bẵng đi”. Trong khi DN nhà nước được hỗ trợ vốn, tài nguyên; DN FDI được ưu ái về thuế suất, nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu, thì DN ngoài quốc doanh vẫn phải tự bươn chải.

Trong giai đoạn 2009 - 2012, về đóng góp cho nền kinh tế, DN ngoài quốc doanh vẫn luôn chiếm tỷ trọng cao nhất với 48 - 49% GDP toàn xã hội, khu vực DN nhà nước đứng thứ hai với 32,75%, còn DN FDI là 17 - 18% GDP. Dù yếu thế hơn, nhưng DN ngoài quốc doanh vẫn đóng góp rất tốt cho ngân sách. Cụ thể, trong tổng số hơn 556.000 tỉ đồng thu ngân sách năm 2012, DN nhà nước đóng góp 35 - 36%, DN FDI góp 31,43%, còn khu vực tư nhân là 32,76%. Đáng ghi nhận nhất là khu vực tư nhân thu hút lượng lao động cao nhất với 6,76 triệu người, trong khi DN nhà nước là 2,72 triệu người, DN FDI hơn 1,6 triệu người.


Không hình sự hóa các hoạt động kinh tế
Một trong những giải pháp bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, theo Thủ tướng, DN hoạt động thượng tôn pháp luật về kinh doanh, nhưng không nên để tình trạng bị hình sự hóa như vừa qua.


Nhìn vào con số này để thấy rằng, tương lai của nền kinh tế, theo ông Vũ Tiến Lộc, dù của bất cứ quốc gia nào cũng đều khẳng định lực lượng DN tư nhân sẽ giữ vai trò chủ lực, quan trọng. Chính vì lẽ đó mà Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB), bà Victoria Kwa Kwa chia sẻ tại hội nghị: “Sau 30 năm đổi mới, các DN tư nhân đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển đất nước. Họ đã góp phần thành công cho nền kinh tế của VN. Thời điểm này, Chính phủ đang nỗ lực đạt mục tiêu ổn định lạm phát, lấy lại đà tăng GDP như trước thì phải ngồi lại với DN tư nhân tìm giải pháp thúc đẩy, giúp họ đóng vai trò quan trọng hơn nữa”.

Để tạo dựng khu vực kinh tế tư nhân năng động, hiệu quả, lãnh đạo WB chia sẻ kinh nghiệm Chính phủ cần đảm bảo khuôn khổ pháp lý, môi trường hoạt động, rõ ràng trong thực thi chính sách cho khu vực này. Đơn giản hóa thủ tục hành chính tới mức có thể tránh sự quan liêu, đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận tài nguyên, tín dụng, đất đai…
 
Xóa bỏ mọi thủ tục rườm rà, không cần thiết

Những kiến nghị của cộng đồng DN trong nước, chuyên gia nước ngoài được Thủ tướng nghiêm túc lắng nghe trong suốt gần 6 giờ đồng hồ. Thủ tướng cho rằng, thời gian qua các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực rất lớn trong cải thiện môi trường kinh doanh, trong cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ DN. Nhưng rất thẳng thắn, Thủ tướng nhìn nhận: “Đến hôm nay chúng tôi nghiêm túc nhìn nhận môi trường kinh doanh của chúng ta còn nhiều vấn đề hạn chế, vướng mắc cần phải tiếp tục cải thiện”.

Do đó, nhiệm vụ đầu tiên có ý nghĩa hết sức quan trọng được Thủ tướng nhấn mạnh là Chính phủ phải tập trung cải thiện môi trường đầu tư thông qua bảo đảm trật tự xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, giá trị đồng tiền VN. Hơn 300 kiến nghị của cộng đồng DN, theo Thủ tướng, là những ý kiến vô cùng bổ ích, có giá trị, trong đó đặc biệt là cần cải cách thủ tục hành. Thủ tướng yêu cầu, sắp tới khi sửa luật Đầu tư, luật DN phải rà soát kỹ, xóa bỏ tất cả các thủ tục rườm rà, không cần thiết, làm sao đảm bảo DN được kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Trước phản ánh của bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế, về tình trạng DN phàn nàn khi đi làm thủ tục thuế, hải quan tốn kém thời gian, chi phí, Thủ tướng bày tỏ: “Đồng chí Cúc đã từng ở ngành thuế nói DN khó khăn quá rồi khiến tôi rất xót ruột. Là người đứng đầu Chính phủ, tôi cũng xin lỗi DN, người dân. Bây giờ chúng ta nói ở trên quyết tâm hăng hái, nhưng càng đi xuống dưới càng giảm, tới các cán bộ nhân viên coi như không có chuyện gì xảy ra thì không được”. Thủ tướng trực tiếp yêu cầu ngành thuế, hải quan sớm xúc tiến các dự án hiện đại hóa việc đăng ký kinh doanh, thủ tục thông quan… để giải quyết ùn tắc, bức xúc cho cộng đồng DN. “Chúng tôi sẽ tập trung làm hết sức nhưng cũng rất mong các DN, Hiệp hội chung sức vì trách nhiệm cho đất nước mình”, Thủ tướng đề nghị.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải vào cuộc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn; tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ DN vươn lên tái cơ cấu lại. Tuy nhiên, ông cũng yêu cầu cộng đồng DN phải chú trọng nâng cao nâng lực quản trị kinh doanh, bởi sản xuất kinh doanh là việc của DN, không ai làm thay được, phải tự cải tổ chứ không thể “tay không bắt giặc”. “Tôi từng có lần nói rất nghiêm túc, phân công làm Thủ tướng thì tôi chấp hành, chứ phân công làm DN thì tôi chịu, không làm được đâu. Chúng ta có nhiều DN tốt rồi thì cố gắng vượt lên mà yếu tố đầu tiên quyết định là năng lực quản trị”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh Chính phủ sẽ nỗ lực nâng cao đạo đức, phẩm chất, tư cách của các cán bộ công chức phục vụ DN, nhân dân. “Cán bộ cứ hẹn DN rồi lại thêm dấu chấm, dấu phẩy, thêm cái này cái khác. Như vậy không phải do thủ tục mà lại do phẩm chất cán bộ, công chức nên cũng phải tích cực làm tốt vấn đề này”, Thủ tướng yêu cầu.

“Nếu có điều kiện sẽ giảm 1 - 2%/năm lãi suất cho vay”

Tại hội nghị, Thống đốc NHNN VN Nguyễn Văn Bình nói: “Việc điều chỉnh giảm lãi suất (LS) hơn nữa dù chúng ta muốn nhưng còn phụ thuộc vào diễn biến kinh tế vĩ mô. Đợt giảm LS vừa rồi là quyết định đầy khó khăn và nhiều rủi ro. Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao và kỹ lưỡng, cứ 10 - 15 ngày NHNN xem xét một lần nếu có cơ hội là tiến hành giảm LS ngay”.

Cũng theo ông Bình, lần đầu tiên Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia đã cán mức kỷ lục 35 tỉ USD, tạo tiền đề ổn định thị trường ngoại hối. “Từ nay đến cuối năm chính sách tiền tệ sẽ ổn định. Mặt bằng LS sẽ giữ ở mức hiện tại, nếu có điều kiện sẽ giảm 1-2%/năm LS cho vay. Đối với tỷ giá, từ nay đến cuối năm nếu có điều chỉnh chỉ tối đa 1%”, ông Bình nói.


Anh Vũ

 >> Thủ tướng duyệt hơn 254 triệu USD làm hệ thống cấp nước sạch sông Đà
 >> 300 kiến nghị của doanh nghiệp chờ Thủ tướng
>> Kiến nghị cắt giảm thủ tục hành chính trong xây dựng để gỡ khó cho doanh nghiệp
 >> Luật phải để doanh nghiệp yên tâm làm ăn
 >> Doanh nghiệp nội cần ưu đãi
 >> Doanh nghiệp nhà nước giảm 40% lợi nhuận
 >> Cả nước đã cổ phần hóa 3.665 doanh nghiệp


VnEconomy > Doanh nhân 09:16 (GMT+7) - Thứ Hai, 28/4/2014

Gần 300.000 doanh nghiệp chỉ còn trên giấy

Có tới 300.000 doanh nghiệp dù đã đăng ký nhưng không còn hoạt động trên thực tế...


Gần 300.000 doanh nghiệp chỉ còn trên giấy
Nhìn chung trong 2 năm trở lại đây, quy mô doanh nghiệp mới thành lập có xu hướng nhỏ đi.

Báo cáo với Thủ tướng tại cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp sáng nay (28/4), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay có tới 300.000 doanh nghiệp dù đã đăng ký nhưng không còn hoạt động trên thực tế.

Cụ thể, tính đến hết quý 1/2014, cả nước có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp nhà nước, gần 9.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 789.000 doanh nghiệp dân doanh đăng ký thành lập, song số còn đang tồn tại và hoạt động trong nền kinh tế chỉ khoảng gần 493.000.

Không chỉ vậy, quy mô doanh nghiệp ngày càng suy giảm, tỷ trọng doanh nghiệp siêu nhỏ trong nền kinh tế ngày càng tăng, trong khi tỷ trọng doanh nghiệp có quy mô lớn chỉ chiếm khoảng 2,25%.

Nhìn chung trong hai năm trở lại đây, quy mô doanh nghiệp mới thành lập có xu hướng nhỏ đi. Do vậy, việc tăng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập chưa đi kèm với việc tăng số lượng việc làm mới.

Trong năm 2013, cả nước có 76.955 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 398.681 tỷ đồng, tăng 10,1% về số doanh nghiệp và giảm 14,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, năm 2013 cũng là năm cả nước có 60.737 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động (trong đó, số doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể là 9.818 doanh nghiệp, số doanh nghiệp gặp khó khăn và rơi vào trạng thái tạm ngừng hoạt động là 50.919 doanh nghiệp) tăng 11,9 % so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp gặp khó khăn rơi vào tình trạng ngừng hoạt động nay quay trở lại hoạt động tăng dần theo các tháng trong năm 2013, tổng số là 14.402 doanh nghiệp.

Trong quý 1/2014, cả nước có 18.358 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 97.983 tỷ đồng, tăng 16,9% về số doanh nghiệp và 23,4% về số  vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hiện vẫn gặp nhiều khó khăn nên quý 1/2014, tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc đăng ký tạm dừng hoạt động, hoặc ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 16.745 doanh nghiệp, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.


Trong đó, 3.846 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 7,8%, có 10.318 doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký, tăng 9,3%, 2.581 doanh nghiệp giải thể, tăng 13,6%.

No comments:

Post a Comment