Wednesday, April 2, 2014

Không biên chế, ngồi xe lăn, dạy học cho cả làng

01/04/14 06:00
 
(GDVN) - Về thôn Ngọc Lậu, xã Đông Thịnh (Thanh hóa) trong những ngày tháng 3, tôi gặp người thanh niên bại liệt nhưng đầy nghị lực, gieo chữ cho các thế hệ học sinh.
Vượt lên số phận

Người thanh niên đó là Lê Hữu Tuấn, tốt nghiệp khoa Thông tin tài năng, Trường Đại học Hồng Đức. Bỏ qua những lời mời hấp dẫn của nhiều tập đoàn, tổng công ty, Lê Hữu Tuấn đã về nơi mình sinh ra là xã Đông Thịnh để mở lớp dạy học ôn thi cho học sinh cấp 3. Điều đặc biệt là tỷ lệ học sinh đỗ đại học do  thầy Tuấn dạy tới hơn 80%. Học phí thấp, hiệu quả cao nên số lượng học sinh đến theo học ngày càng nhiều. Uy tín ngày càng tăng, Thầy Tuấn thêm gắn bó với công việc giảng dạy. Thu nhập từ việc dạy học giúp thầy Tuấn không chỉ tự lập mà giúp bố mẹ lo cho gia đình, xây được nhà. Nhìn thầy Tuấn hôm nay, ít ai biết anh đã phải trải qua những gì đã nỗ lực vượt khó khăn và chữa bệnh ra sao.

Thầy Lê Hữu Tuấn với lớp học

Gần 20 mươi năm trước khi còn là một cậu học sinh lớp 2 bụ bẫm, thông minh và nghịch ngợm, đột nhiên một buổi chiều mùa đông thầy Tuấn kêu đau chân và sốt nặng. Mẹ thầy Tuấn đã đưa con đi chạy chữa khắp nơi nhưng đôi chân đã bại liệt hoàn toàn. Khi ấy, cậu bé Lê Hữu Tuấn còn quá nhỏ để cảm nhận được sự thiệt thòi mà mình đang phải chịu.

Thầy Tuấn chia sẻ: “Lúc đó đang còn nhỏ nên chưa ý thức được căn bệnh của mình ảnh hưởng như thế nào. Sau một thời gian đi chữa bệnh, tới năm 1998 bắt đầu đi học lại, mình mới bắt đầu cảm nhận được sự khác biệt so với bạn bè cùng lứa. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều nhưng được sự động viên của bố, mẹ, bạn bè xung quanh nên càng khiến mình nghị lực hơn”.

Gần 10 năm trời bố mẹ Tuấn đi khắp nơi chạy chữa cho con kinh tế gia đình suy kiệt nhưng bệnh tình của Tuấn vẫn không có gì chuyển biến. Những tưởng bao hy vọng về đứa con sẽ sụt đổ trong người làm cha mẹ. Họ không khỏi quặn đau xót xa cho con mình, không biết Tuấn sẽ sống ra sao, tương lai sẽ như thế nào.

Mẹ của thầy Tuấn, bà Lê Thị Hằng tâm sự: “Khi đưa con đi chạy chữa, bác sĩ nói chân Tuấn đã bị liệt mà nghe như tiếng sét đánh. Rồi sau đó tôi đổ bệnh, gia đình tưởng chừng như không còn chỗ bấu víu. Giờ đây, Tuấn đã trưởng thành làm được những điều không tưởng đó là điều tôi tự hào nhất”.

Dù bại liệt nhưng thầy Tuấn cũng như những thanh niên khác khi trưởng thành cũng muốn lo cho sự nghiệp, lo lắng cho gia đình, có những định hướng cho tương lai.

Tuy ngồi xe lăn nhưng thầy Tuấn đã tìm ra được phương pháp học hiệu quả nhất – đó là tự học. Theo thầy Tuấn, phương pháp tự học chủ yếu là mua các tài liệu tham khảo đọc, chỗ nào không hiểu thì hỏi lại các thầy cô.

Dường như ai cũng rất ngạc nhiên với khả năng của thầy Tuấn. Những quyển sách từ lớp 2 đến lớp 5 được thầy tự học trên giường bệnh bất cứ khi nào có thời gian. Một năm Tuấn học hết 4 lớp, đến năm lớp 5, Tuấn đi thi học sinh giỏi và được giải nhất toàn huyện. Kiên trì con đường tự học, tự tìm tòi, nghiên cứu, tiếp tục học đến lớp 9 và đạt giải nhất học sinh giỏi toàn huyện. Ba năm học cấp 3 đi học bằng xe lăn nhưng Tuấn đều là học sinh giỏi, rồi thi đỗ vào Trường Đại học Hồng Đức. Chưa dừng lại ở đó, Tuấn còn đỗ với số điểm cao nhất vào lớp cử nhân tài năng.

Chia sẻ kinh nghiệm học tập, thầy Tuấn nói: “Khi học phải hết sức tập trung, hiểu được vấn đề nào đấy thì mình phải tập trung tư tưởng tìm lấy quy luật chung của phần đấy. Từ một bài toán nào đấy mình có thể suy ra được nhiều bài tương tự”.

Tiếng lành đồn xa, đến theo học với thầy Tuấn không chỉ là học sinh trong xã, trong huyện mà còn các vùng xa hơn. Thương học trò ở xa gia đình, Tuấn cho ở lại để theo học, các gia đình nghèo Tuấn không lấy tiền học phí. Thầy Tuấn còn đến tận nhà những em học giỏi nhưng không có điều kiện đi học để động viên các em.

Hạnh phúc nhân đôi

Đến với nghề giáo là điều khá bất ngờ với Tuấn, lúc đầu chỉ dạy kèm các em gần nhà, dần dần là các em ở xung quanh làng xóm. Đến mùa thi, giấy báo đại học về làng, niềm vui với thầy Tuấn được nhân đôi. Số lượng đông lên, Tuấn đã mở lớp dạy. Không biết từ lúc nào, Tuấn đã yêu mến, gắn bó với nghiệp sư phạm, 9 năm liền Tuấn đã trở thành người thầy xe lăn  “không biên chế”.

Gia đình luôn là nguồn động viên lớn với Thầy Tuấn

Tuấn có một gia đình hạnh phúc êm ấm mà nhiều người phải mơ ước. Vợ Tuấn là cô gái Phú Thọ đẹp người đẹp nết, cảm phục nghị lực của chàng trai Lê Hữu Tuấn, Nguyễn Thị Linh đã yêu thầy Tuấn từ lúc nào không hay. Lúc đầu biết chuyện, cha mẹ Linh không khỏi lo lắng, băn khoăn vì sợ con gái mình sẽ vất vả, thiệt thòi nhưng sau khi được gặp Tuấn trò chuyện bố mẹ Linh đã bị thuyết phục hoàn toàn.

Hiện tại, thầy Tuấn có gia đình hạnh phúc với 3 cô con gái xinh xắn, chăm ngoan. Tuấn chưa bao giờ to tiếng với vợ, hai người yêu thương nhau bằng tình cảm chân thành nhất.

Cuộc sống khắc nghiệp và nhiều thiệt thòi nhưng chàng trai Lê Hữu Tuấn biết vượt lên số phận, vững bước vươn lên bằng chính niềm tin nghị lực bản thân.

No comments:

Post a Comment