Thursday, April 10, 2014

Nói rõ thêm về hai vùng mặn –ngọt, đê biển, đê bao… ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

Nhật Báo Ba Sàm

Posted by News on April 8th, 2014
Lê Phú Khải

Trong bài “Đê bao Đồng Bằng Sông Cửu Long không sai lầm “ vĩ đại” ….”, tôi chỉ muốn phản biệt bài viết của tác giả Đảng Xanh trên mạng Anh Ba Sàm ngày 23/03/2014 mà thôi. Những vẫn đề liên quan đến đê bao như vùng mặn, vùng ngọt, đê biển… trong sự vận động của sản xuất nông nghiệp ở Đồng Bằng Sông
Cửu Long suốt gần 40 năm qua là đề tài lớn cho những cuốn sách, những luận án tiến sỹ khoa học… nó vượt ra ngoài khuôn khổ của một bài báo. Vì vậy trong bài viết này, tôi chỉ muốn nói thêm về vùng mặn vùng ngọt, đê bao, đê biển…một cách thật ngắn gọn… để độc giả trong và ngoài nước có khái niệm về những vấn đề này của một miền đất nước vô cùng phong phú, tươi đẹp của đất nước là vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Cũng cần phải nói thêm, nếu dân số nước ta cứ là 25 triệu như 1945 thì chẳng cần phải làm gì cả với ĐBSCL như tác giả Đào Văn Tùng đã viết trong bài “Thực trạng đê bao’’ trên mạng Bauxite vừa qua.

Trước hết nói về vùng mặn

Vùng nhiễm mặn ven biển Đông và vùng xâm nhập mặn ở ĐBSCL có diện tích tự nhiên đến gần 2 triệu hécta nói liền từ Gò Công đến ven biển Tây tại Hà Tiên, bao gồm một phần tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và phần lớn Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

Mặn được đánh giá là tài nguyên, nhưng mặn chỉ phù hợp với dải rừng đất ướt ven biển, với những nơi hội tụ đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản đem lại lợi nhuận cao, nhanh, và nghề làm muối. Trái lại, mặn hủy diệt cây trồng nông nghiệp và kìm hãm phát triển dân cư, gây trở ngại lớn cho cuộc sống con người. Vì thế mà các nước giàu có như Mỹ, Nhật chỉ tiêu thụ tôm chứ không nuôi tôm.

Ở những vùng nhiễm mặn ĐBSCL, từ lâu, mặn đã bị coi là “kẻ thù” của nông dân. Vì thế, từ chỗ hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời mùa mưa, ở vùng mặn, người nông dân đã biết “luồn lách” để sống! Họ tìm cách be bờ giữ ngọt, quai đê lấn biển, đào kênh dẫn ngọt, trữ ngọt mùa mưa, tiết kiệm mùa khô… ở vùng mặn chỉ làm được một vụ lúa trông vào nước trời, năng suất thấp. Khát khao đổi đời của người nông dân vùng mặn ĐBSCL kéo dài theo năm tháng. Nhưng ngọt hóa cả vùng rộng lớn thì sức của người nông dân cá thể không làm nổi.

Từ năm 1975, bằng nỗ lực của Nhà nước và nông dân, sau nhiều năm phấn đấu, các công trình thủy lợi đầu mối: dẫn ngọt – ngăn mặn, nhằm ngọt hóa nhiều vùng đất rộng lớn đã hoàn thành. Phải lần lượt kể đến những chương trình ngọt hóa Gò Công cho 54.000 hécta, Tầm Phương – Trà Vinh cho 7.000 hécta Vàm Đồn – Bến Tre cho 8.000 hécta… và các chương trình lớn, có tác dụng dẫn ngọt, ngăn mặn cho hàng trăm ngàn hécta như Nam Măng Thít ( Trà Vinh – Vĩnh Long), Quản Lộ – Phụng Hiệp (bán đảo Cà Mau) của quyết định 99TTG do Thủ Tướng Võ Văn Kiệt ký vào ngày 9/02/1996 đã được thực hiện trong 5 năm. Nước ngọt phù sa từ sông Tiền, sông Hậu đưa về đã xóa bỏ được bao cuộc đời mặn chát cơ hàn bấy lâu nay. Những ai đã từng chứng kiến mùa khô dài dằn dặc, đất nẻ đến tận đáy ao, gió chướng mang nặng hơi mặn từ biển dội vào, tàn phá làng mạc, mới thấy hết giá trị của những dòng nước ngọt đem đến cho nông dân vùng mặn ở ĐBSCL. Lúa từ 1 vụ năng suất thấp đã ùa lên thành 3 vụ năng suất cao. Rồi vườn tược, cây trái mọc lên từ phù sa nước ngọt. Huyện Gò Công Đông nghèo đói xưa kia, nay làm lúa 3 vụ có chất lượng cao, bán được giá nhất tỉnh, hơn cả vùng Cai Lậy, Cái Bè ở phía Tây nổi tiếng giàu có xưa nay, đó là điều mới lạ ở Tiền Giang! Ở huyện Vĩnh Lợi nằm trong vùng ngọt hóa bán đảo Cà Mau, những tá điền nghèo khó của công tử Bạc Liêu xưa kia, nay bỗng nhiên nhà tường sáng choang nhờ nước ngọt sông Hậu đã về tới vùng hạ! Người viết bài này đã chứng kiến tận mắt những hình ảnh trên.

Các chương trình ngọt hóa đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của một vùng đất đai rộng lớn có mật độ dân cư cao ở ĐBSCL những năm qua là sự thật không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, năm 2000 vừa qua, hiện tượng hàng trăm nông dân đã đồng tình đi phá đê bao ngăn mặn để nuôi tôm. Có nơi còn đi tới 30 – 40 cây số chở nước mặn về để nuôi tôm trong vùng đã quy hoạch ngọt hóa. Thế là thôn ấp náo loạn, mất đoàn kết nghiêm trọng trong cộng đồng giữa người trồng lúa và nuôi tôm.

Khảo sát nhiều nơi ở ĐBSCL, gặp gỡ nhiều người trồng lúa và nuôi tôm, nhiều cán bộ khoa học và nhiều nhà quản lý xung quanh chuyện lúa – tôm chúng tôi có thể lý giải sự kiện mặn – ngọt ở ĐBSCL như sau :

- Thứ nhất,do khách quan giá tôm có lúc lên quá cao. Tại huyện Vĩnh Châu ven biển Sóc Trăng vào những năm 1998 – 1999 giá tôm mua ngay tại chân ruộng có lúc lên đến 150.000- 160.000 đồng 1 ký. Một ký tôm có thể bằng 4 – 5 giạ lúa. Cái giá “mê hồn” này đã khiến một số người quên mất rằng, nước ngọt không phải chỉ dành riêng cho cây lúa, mà còn là cho sản xuất nói chung kể cả sản xuất công nghiệp và nhất là cho đời sống của con người. Phù sa nước ngọt tạo nên cảnh quan bạt ngàn đồng lúa, xum xuê cây trái mộng mơ của ĐBSCL mà bao thế hệ đã dày công xây đắp. Còn với mặn thì ngoài con tôm không có gì nữa. Hơn nữa, nuôi tôm là một công nghệ, phải có vốn lớn và phải hội đủ những điều kiện cần thiết. Không ít nông dân đã phá sản, phải bỏ xứ ra đi vì chưa hội đủ những điều kiện cho nghề nuôi tôm. Chính vì vậy mà tại hội nghị “Khôi phục, nâng cấp đê biển, đê cửa sông ĐBSCL” tại TP.HCM ngày 14/07/2000 khi bàn đến vấn đề mặn – ngọt, cố vấn Võ Văn Kiệt đã nói: “Môi trường ngọt là môi trường cao cấp, là vấn đề chiến lược ở ĐBSCL”.

- Thứ hai là nguyên nhân chủ quan. Khi quy hoạch các vùng ngọt hóa, ở vùng giáp ranh mặn ngọt, công tác điều tra cơ bản, điều tra xã hội học làm không kỹ, “Đã bất chấp ý kiến của bà con” như cố vấn Võ Văn Kiệt đã phê phán trong hội nghị 14/07/2000. Có thể lấy huyện Thới Bình (Cà Mau) làm ví dụ. Khi dẫn ngọt về, thay đổi cơ cấu sản xuất từ tôm sang lúa đã bị dân chúng và cả cấp lãnh đạo địa phương phản đối. Một số nơi khác cũng có tình trạng như vậy. Chính phủ đã có sửa đổi và đã quyết định mở rộng diện tích nuôi tôm cho Cà Mau. Thiết nghĩ mọi chuyện đã rõ ràng: ngọt hóa là chiến lược, là lợi ích lâu dài cho toàn cảnh ĐBSCL.

May mắn cho ĐBSCL là đã có các mô hình hài hòa lúa – tôm, mặn – ngọt như ở Gò Công, Sóc Trăng. Do quy hoạch tốt, có đê biển ngăn bão, đê ngăn mặn phân biệt vùng tôm, vùng lúa mà vùng ngọt hóa và vùng mặn của Gò Công và Sóc Trăng cả lúa 2 vụ và nghề nuôi tôm đều phát triển vượt bậc. Tỉnh nghèo Sóc Trăng đã vượt lên, đứng đầu cả nước về kinh ngạch xuất khẩu tôm năm 2000. Sóc Trăng, Gò Công là mô hình để rút kinh nghiệm cho nhiều tỉnh ven biển ở ĐBSCL.

Thứ hai, nói về đê ngăn mặn.

Tiêu biểu nhất là đê ngăn mặn của tỉnh Sóc Trăng. Nếu cho rằng ĐBSCL không cần đến một hệ thống đê điều nào cả là hoàn toàn không đúng.

Sóc trăng là một trong những tỉnh nghèo nhất ở ĐBSCL, với 319.000 héc ta đất nông nghiệp ven biển nhiễm mặn chỉ làm được lúa 1 vụ năng xuất thấp. Đời sống của đồng đồng bào dân tộc Khmer ở đây rất khó khăn. Đêm 26 rạng ngày 27/10/1992 biển Sóc Trăng đã bất thần nổi giận. Một đợt sóng thần đã ngoạm vào khúc bờ dài hơn 70km thuộc hai huyện Vĩnh Châu và Long Phú. Sóng thần dâng cao tới gần 2 mét nước chồm sâu vô bờ từ 500 đến 4000m. 13km để ngăn mặn đã bị phá hủy hoàn toàn, cuốn trôi theo 11 cống ngăn mặn, 420 héc ta cây đặc sản tỏi và hành tím, 160 héc ta lúa và 4300 héc ta nuôi tôm bị mất trắng.

Khác với lũ đầu nguồn sau khi nước rút còn để lại phù sa mới an ủi cho đồng ruộng mùa sau. Trái lại, sóng thần đem hàng vạn tấn cát vô đồng, vùi lấp, xáo trộn địa hình và nước mặn sẽ làm cho đất chai cứng, mùa sau còn tiếp tục mất mát. Ngay sau trận sóng thần kinh hoàng đó, khi các nhà báo phỏng vấn chủ tịch tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thanh Bình (6 Bình) là Sóc Trăng có cần Trung ương hỗ trợ gì không? Chủ tịch Sóc Trăng đã trả lời một câu bất ngờ đến thú vị “Sóc Trăng không xin TW gì cả, chỉ xin TW một… con đê!”.

Có lẽ trên đời này chỉ có các “anh Hai Nam Bộ” mới có lối xin “kỳ lạ”, “một con đê’’!. Nhưng xét cho cùng thì chủ tịch Sóc Trăng thật là khôn ngoan. Cái xứ Sóc Trăng này lạ lắm, ở Vĩnh Châu, trẻ con chơi đùa với nhau nói ba thứ tiếng: Việt, Khơmer, Hoa… Nhưng TW lấy đâu ra một con đê ngăn mặn dài hàng trăm km để cho Sóc Trăng. Vì thế sau hơn một năm trời dồn sức, dồn của nhân dân các dân tộc (Việt, Khơmer, Hoa) ở Sóc Trăng đã làm nên một kì tích là hoàn thành tuyến đê biển và đê dọc theo cửa sông dài hơn 200km. Hệ thống đê ngăn mặn này có chiều rộng 6m, cao 1,5m, xe bốn bánh có thể đi lại dễ dàng vào mùa khô, có đê ngăn mặn, Sóc Trăng thay da đổi thịt. Từ 64000 hécta lúa hai vụ đã tăng lên 90.000 hécta ngay năm sau. Đến hè thu 1995, Sóc Trăng có hơn 100.000 hécta lúa hai vụ. Có nước ngọt, hoa màu cây trái, nghề mới (làm nấm rơm) được mở ra. Dân Khơmer có công ăn việc làm không phải bỏ xứ đi tha phương. Sau 4 năm Sóc Trăng đã gia nhập thành viên “Câu Lạc Bộ 1 triệu tấn”, sánh vai cùng các bậc đàn anh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Trong việc làm đê ngăn mặn ở Sóc Trăng, có một câu chuyện đáng được ghi lại. Đó là sự việc xảy ra ở xã Thạnh Thái Thuận Huyện Mỹ Xuyên. Gia đình bác Tám tiệm, một nông dân cần mẫn đã để dành nhiều năm để lên một ngôi nhà tầng. Khi bác Tám Tiệm khởi công xây nhà thì cán bộ thủy lợi đã đến năn nỉ bác đừng xây. Vì đê biển sẽ chạy qua chính giữa nền nhà bác! Nhưng bác Tám không thể tin được đê có thể chạy đến tận nơi xa xôi này. Bác tuyên bố: Nếu các chú làm được con đê chạy đến tận nơi đây thì tui sẽ tự tay phá nhà! Vừa ăn tân gia được hơn tuần lễ thì đê chạy tới thiệt. Thắp hương khấn vái ông bà xong, bác Tám đã tự tay cầm búa phá nhà cho con đê… phóng thẳng! Chuyện con đê ngăn mặn ở Sóc Trăng là như thế!

Thứ ba nói về hệ thống đê bao

Đê bao ở Đồng Bằng Sông Cửu Long là để ngăn cách vùng ngọt và mặn. Nó còn là chỗ dựa vững chắc để người dân vùng ngập lũ hàng năm ở Đồng Bằng Sông Cửu Long “Chung sống với lũ” một cách rất hiệu quả. Trận lũ lịch sử năm 2000, vùng Đồng Tháp Mười mênh mông như biển cả. Nước ngập lên đến nóc nhà. Nhưng 400 hécta khu dân cư của thị trấn Vĩnh Hưng của Tỉnh Long An vẫn bình yên giữa biển nước Đồng Tháp Mười nhờ một hệ thống đê bao vững chắc. Người viết bài này đã vượt 50 Km trên biển nước Đồng Tháp Mười từ Tân Thạnh đến Vĩnh Hưng và tận mắt chứng kiến cán bộ và nhân dân thị trấn đang đào cả sân vận động để lấy đất gia cố đê bao, vì lúc đó nước ngoài đê đã cao hơn mặt đất thị trấn 2m! Chủ Tịch Huyện Vĩnh Hưng lúc đó là anh Tư Ích đã trả lời chúng tôi: Năm ăn năm thua! Nhưng các Sơn Tinh ở Vĩnh Hưng đã thắng Thủy Tinh! Tư Lệnh Quân Khu Bảy lúc đó là một ông Thiếu Tướng đã đến thăm, trợ giúp đồng bào thị trấn Vĩnh Hưng mấy tạ gạo… bằng máy bay trực thăng !!!

Các nhà nghiên cứu về lũ cho rằng, cách đắp những khu đất cao làm các cụm dân cư vượt lũ, tạm gọi là các “cao nguyên nhỏ” còn có một cái lợi là chỗ lấy đất sẽ là các hố sâu chứa nước, không làm dân cao thêm mực lũ ở các nơi khác như trong trường hợp đắp đê bao. Có thể lấy Gò Tháp ở xã Đốc Bình Kiều Tỉnh Đồng Tháp làm ví dụ. Khu trung tâm xã là một quả đồi được đắp cao, ở đó trường học, bệnh xá, chợ búa, trụ sở Ủy Ban… Thật sự an toàn trong mùa lũ. Các xã vùng lũ đã định cư cần phải có khu trung tâm như Đốc Bình Kiều. Về mùa lũ, các hộ trong xã đã có nhà trên cọc, trên nền cao, có ghe xuồng đi đến khu trung tâm… thì đó là một hình mẫu đẹp và độc đáo của vùng lũ.

Tất cả những cố gắng của nông dân Đồng Bằng Sông Cửu Long gần 40 năm qua đã làm nên kỳ tích xuất gạo vào loại hàng đầu Thế Giới nhưng cuộc sống của họ rất lầm than. Năm 2012, mẹ con bà Lài ở Cần Thơ đã phải cởi chuồng để giữ đất. Năm 2007 hàng trăm nông dân các Tỉnh Miền Tây đã kéo lên nhà Quốc Hội ở đường Hoàng Văn Thụ TP.HCM biểu tình rộng rã cả tháng trời vì bị cướp đất!

Nông dân Đồng Bằng Sông Cửu Long càng xuất khẩu gạo càng khổ. Vì Quốc Doanh xuất khẩu gạo chỉ lo đi buôn gạo mà không lo cho cây lúa. Nhưng nếu ai muốn lo cho nông dân thì họ xua đuổi ngay!. Năm 1993 Công ty American Rice Incorporated (ARI) Califonia đã qua Việt Nam hợp tác, họ muốn cải tiến nhà máy ở Trà Nóc Cần Thơ để xấy, tách màu gạo… Chọn giống IR64 làm giống chính. Giám Đốc Công Ty ARI là Ông Richard Mic Combs đã nói với giáo sư Võ Tòng Xuân lúc đó rằng: Tôi chẳng tử tế gì với nông dân các ông đâu, nhưng nếu để chúng tôi kinh doanh lúa gạo thì hàm lượt chất xám trong gạo của Việt Nam cao hơn, chúng tôi bán được giá cao hơn hẳn VN đang bán, vì thế sẽ mua lúa cho nông dân giá cao hơn hẳn giá họ đang phải bán… Giáo sư VTX đã nói với lãnh đạo tỉnh Cần Thơ lúc đó rằng, ai mua lúa cho nông dân giá cao thì phải vỗ tay hoan nghênh họ. Nhưng ông Ba Sinh là lãnh đạo Cần Thơ lúc đó đã trả lời giáo sư VTX một câu xanh rờn. Phải để các doanh nghiệp lúa gạo sống chứ! thế là ARI … nhổ neo!

Vậy là người ta chỉ chăm bẵm cho các doanh nghiệp quốc doanh. Vì sao mà họ chăm băm thì trẻ con cũng biết! Còn nông dân thì bỏ mặc. Đó là bất công vĩ đại nhất ở ĐBSCL hiện nay! Là sự phản bội “lộng lẫy’’ với nông dân .

Năm 2008 trong hội nghị đánh giá “Thực hiện liên kết bốn nhà” (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) nông dân Nguyễn Văn Thôi ở xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An đã phát biểu trên diễn đàn: Khi nhà nông sản xuất lúa gạo thì phải mua phân bón vật tư theo giá thị trường. Nhưng để giữ an ninh lương thực quốc gia, nhà nước có thể đình chỉ xuất khẩu lúa gạo bất kỳ lúc nào. Nông dân chịu thiệt thòi lớn. Nhưng khi lúa gạo rẻ, nông dân khốn khó thì không ai ngó ngàng tới !

Nhà nước “của dân, do dân, vì dân” ở Việt Nam thì thế, nhưng ở các nước tư bản giẫy chết như Nhật thì nhà nước mua lúa gạo của nông dân gấp đến 8 lần giá thị trường để giữ vững an ninh lương thực cho 100 triệu dân Nhật, theo giá sư Võ Tòng Xuân thì cứ mỗi ngày nước Mỹ phải chi 1 tỷ đôla để trợ giá cho nền nông nghiệp đứng đầu thế giới của họ, ở khối EU cũng thế.

Ở các nước nông nghiệp hàng đầu như Mỹ. Canada, nếu đi trên máy bay nhìn xuống, cái người ta thấy rõ nhất là các nhà kho khổng lồ (Si –lô) do nhà nước và các doanh nghiệp xây dựng để chứa lương thực cho nông dân. Ở Pháp, nước xuất khẩu nông sản thứ 2 thế giới (sau Mỹ), đứng đầu Châu Âu, các tổ chức nghề nghiệp nông nghiệp OPA (Organisaton Professionelle Agricole) có quyền cùng với chính phủ và bộ nông nghiệp quản lý nền nông nghiệp Pháp. Liên đoàn toàn quốc các xanh-đi-ca (Syndicats) của những người khai thác nông nghiệp viết tắc là FNSEA trở thành nhóm có thế lực hùng mạnh trong chính trường Pháp.

Đồng Bằng Sông Cửu Long đang khẩu thiết yêu cầu Nhà nước đầu tư xây dựng kho bãi bảo quản lương thực cho nông dân, đầu tư vốn cho doanh nghiệp (cả quốc doanh và tư doanh) để họ thu mua và tồn trữ lương thực cho nông dân. Chờ khi được giá các doanh nghiệp mới xuất như các nước trong khu vực đã làm. Trong trường hợp các doanh nghiệp lỗ, Nhà nước phải bù lỗ cho doanh nghiệp. Chính sách an ninh lương thực Quốc Gia dựa trên nền tảng như thế mới bền vững và công bằng với giai cấp nông dân. Đạo lý là thế. Nhưng hiện nay Hiệp Hội lúa gạo Việt Nam của ông Trương Thanh Phong đang làm ngược lại tất cả. Ông vừa mới bị nghỉ hưu, xưa khi chạy trọt được ở lại 1 năm khi đã đến tuổi về hưu. Tin ông Phong để về hưu là một tin vui ở ĐBSCL lúc này.

Đọc thêm:

Chuyện lũ lụt, lúa và đê bao ở ĐBSCL

08/10/2011 10:21 (GMT + 7) 

TT - Chuyến đi thực tế khảo sát tình hình lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long cùng các nhà khoa học cho thấy: trừ những nơi bị vỡ đê làm chết lúa vụ 3, những cánh đồng khác “được” ngập lụt đang đón nhận phù sa có lợi cho vụ đông xuân tới. Vấn đề đặt ra là cái nhìn có lợi cho toàn cục.


Tại bờ bao bị vỡ hôm 27-9, cánh đồng lúa vụ 3 rộng 1.500ha ở xã Ô Long Vĩ (Châu Phú, An Giang) chìm dưới 3m nước - Ảnh: H.Kim

Trưa 2-10, chúng tôi thuê xe ôm mới tới được khu vực đê bao bị bể hôm 27-9 ở xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang vì cách đó gần 10 cây số chỗ ấp Mỹ Quí, xã Mỹ Phú, một xe cạp đất đang đóng cừ tràm hộ đê làm tắc đường ôtô.

“Cứu lúa hổng được thì cứu đê”?

Tới nơi, thấy diễn ra một cảnh hộ đê khá lạ. Cánh đồng lúa vụ 3 rộng 1.500ha phía bờ tây kênh số 7 đã chìm dưới 3m nước từ sau trận vỡ đê đêm đó, giờ đây hàng chục thanh niên cùng bộ đội vẫn đang hì hục bơm cát, đóng cừ gia cố đoạn đê dài chừng 30m vốn đã được hàn lại từ sáng 28-9.

“Phải quyết liệt gia cố đê rồi bơm nước ra để cứu lúa, cứu đê” - ông Hai Điệc, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Ô Long Vĩ đang trực ở đây, giải thích. Ông cho biết tỉnh đã đưa về 35 máy bơm, quyết bơm cho hết cánh đồng nước lũ mênh mông đang mấp mé ngoài bờ bao. Trời đất! 1.500ha lúa đã bị ngập năm ngày rồi, làm sao bơm cho cạn biển nước kia để xả ra kênh số 7 cũng đang ngập lụt!

Ông Hai Điệc nói: “Cứu lúa hổng được thì cứu đê”. Đi cùng mọi người bữa đó, tiến sĩ Dương Văn Ni, chuyên gia về môi trường ở Đại học Cần Thơ, nói: “Để nước như vậy đê vững hơn vì nước không chảy. Còn lúa chết rồi, cứu sao được”.

Ông Hai Điệc tỏ ra tiếc 40 công lúa vụ 3 sắp làm đòng. Anh Năm Vững, chạy xe ôm, nói thêm: “Tôi không có đất, thuê bảy công ở đây hết 3 triệu đồng để làm ba vụ lúa. Vụ này mất đứt 2,7 triệu đồng rồi”.

Sáng bữa đó, chúng tôi gọi điện hỏi tình hình lũ lụt trong tỉnh, ông Huỳnh Thế Năng, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết đến ngày 2-10 tỉnh đã chi 80 tỉ đồng cứu hộ lũ lụt. Trung ương cũng hứa sẽ chi tiếp 60 tỉ đồng. Cả tỉnh đã bị thiệt hại hơn 400 tỉ đồng, trong đó gần 4.000ha lúa vụ 3 bị chết.

Ông Năng nói theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm nay An Giang làm được 144.000ha vụ 3, trong đó có 131.000ha lúa, tăng 15.000ha so với năm rồi. Với cả ĐBSCL, ông Năng tính sơ năm nay làm được hơn 500.000ha lúa vụ 3, tăng hơn 100.000ha. Đi kèm với lúa và hoa màu vụ 3 phải tăng kinh phí đầu tư làm đê bao khép kín cho từng vùng, nhưng chưa ai tính ra con số chi phí này.

Chúng tôi hỏi sao chưa nghe ai nói về chủ trương của bộ hồi đầu năm phải mở rộng diện tích lúa vụ 3 để cố kiếm thêm 1 triệu tấn lúa năm 2011 trong khi không dự báo được lũ lụt lớn như vầy, ông Năng nói: “Cái này chắc sẽ phải có cuộc họp riêng”.

Trước đó, chúng tôi đã đi từ Cần Thơ qua Cao Lãnh, Tam Nông rồi vòng xuống Tân Hồng, Hồng Ngự của Đồng Tháp để qua phà vào đất Tân Châu và Châu Đốc của An Giang. Khác với nỗi lo bị ngập vì xem tivi thấy chiếu cảnh lũ lụt đang tàn phá dữ quá, ôtô 15 chỗ vẫn khô ráo thẳng đường. Cũng không thấy cảnh dân tình biến động, còn giá cả như ngày thường. 

Tuy đã 10 năm vắng lũ lụt nhưng bà con vẫn còn nhớ mùa lũ năm 2000. Hôm 1-10, nhiều người nói mực nước còn thấp hơn năm đó chừng hai tấc. Nơi nào không làm lúa vụ 3 thì nước trắng đồng, nơi nào làm vụ 3 thì một bên mênh mông nước, một bên mênh mông lúa xanh rì nằm thấp dưới mặt đê chừng 3m. Chỗ nào có nhiều đê bao khép kín dễ tạo ra dòng chảy mạnh.

Nếu đê yếu bị bể, nước tràn đồng, lập tức có hàng trăm bộ đội và nhiều lực lượng xung kích cùng với sà lan, xáng cạp, cừ tràm, bao cát... được điều tới vá đê, khẩn trương và quyết liệt không thua cảnh hộ đê ở Ô Long Vĩ. Ở Đồng Tháp, đến ngày 3-10 có gần 1.700ha lúa vụ 3 và khoảng 2.000ha hoa màu trong đê bao bị chết vì ngập. Cả tỉnh bị thiệt hại hơn 300 tỉ đồng và đã chi cả trăm tỉ đồng để cứu hộ.

Quá ngưỡng có thể phải trả giá

Vấn đề được đặt ra là có nên bao đê triệt để làm vụ 3 như vậy hay không? Trong chuyến khảo sát lũ lụt này, ngoài tiến sĩ Dương Văn Ni còn có tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia về biến đổi khí hậu ở Đại học Cần Thơ và thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về đất ngập nước thuộc Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế.

Dọc đường, mọi người tranh thủ thảo luận với nông dân. Ông Tư Tài, xã Tân Mỹ, huyện Tam Nông, nói: “Tôi làm 10 công hai vụ đông xuân và hè thu ăn chắc, còn vụ thu đông tôi nghỉ, để nước tràn đồng có lợi hơn”. Ông Năm Thiên, ấp An Tài, xã An Phước, huyện Tân Hồng, nói: “Năm nay tôi làm 30 công vụ đông xuân và hè thu, lúa trúng giá lời 90 triệu đồng nhưng tôi bỏ vụ 3, nghỉ cho khỏe”.

Lý do bỏ vì ông tính bảy năm rồi làm ba vụ lúa trong vùng bao đê, riêng lượng phân bón đã tăng tới 30%, chưa tính những chi phí khác mà đất không được hưởng phù sa. Ông nói nếu không bị ngập lụt mà lúa vẫn được giá như năm nay thì lời một công cũng được 2,5 triệu đồng, còn nếu thất giá như năm rồi, một công chỉ kiếm được nửa triệu đồng, có khi huề vốn. “Tại nông dân ở đây hổng có gì làm nên phải bấu vào lúa mà làm vậy thôi” - ông Năm Thiên nói.

Bên An Giang, ông Nguyễn Hiền Đức - chủ tịch UBND xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, làm 30 công trong vùng bao đê sản xuất ba vụ lúa mỗi năm - nói: “Nếu không làm thêm vụ 3 như vầy thì sang vụ đông xuân tình hình sâu bệnh giảm mà độ phì của đất cũng bảo đảm hơn”. Ông đề nghị: “Dù đã quy hoạch làm ba vụ nhưng nếu sau ba năm cho xả lũ một lần vẫn tốt hơn”.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng làm đê bao có lợi cho vùng này mà có hại cho vùng khác về kinh tế, môi trường thì coi như có hại cho toàn cục. Theo ông, chỉ nên làm vụ 3 ở những vùng gò cao, không ngập sâu như ở vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên. Ông Tuấn cho biết sản xuất lương thực ở ĐBSCL đã tới ngưỡng, nếu phát triển nữa sẽ phải trả giá, thí dụ như làm thêm vụ 3 thì phải trả giá như hiện nay.

Ông Dương Văn Ni cho rằng 1,5 triệu ha vùng ngập sâu 2m của Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên như là hai túi chứa nước của cả vùng ĐBSCL trong mùa lũ lụt và điều tiết nước trong mùa khô. Nếu vì tăng diện tích lúa mà phải bao đê ngăn lũ sẽ phá vỡ hệ thống điều tiết tự nhiên này, tác hại không thể lường hết được.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện tính một danh sách dài những chi phí tiềm năng trong sản xuất lúa vụ 3: chi phí đầu tư xây dựng và duy tu đê; chi phí nhân lực, tài lực, vật lực cứu đê, cứu lúa; thiệt hại của những diện tích không cứu kịp; đất và con người không được nghỉ ngơi để hồi sức; phù sa không vào đồng được, mất nguồn dinh dưỡng tự nhiên, sau một thời gian đất sẽ bị kiệt dinh dưỡng và chi phí sản xuất sẽ tăng; giảm diện tích nhận nước vào đồng, làm nước chảy xiết hơn trong kênh mương dẫn đến sạt lở và tăng ngập ở những nơi khác, kể cả những thành phố, làng mạc ở phía hạ lưu;
chi phí chống sạt lở và các biện pháp bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng con người; tăng chi phí nạo vét cửa sông Mekong phục vụ giao thông thủy do phù sa thay vì bồi lắng trên đồng thì bị trôi xuống vùng cửa sông; mất nguồn cá và tài nguyên thiên nhiên, sinh kế mùa lũ; nước thoát ra biển nhanh hơn trong mùa lũ, gây xâm nhập mặn sâu hơn trong mùa khô.

Rồi ông đề nghị: “Cần phải giải bài toán chi phí - lợi ích của việc canh tác lúa vụ 3 trong mùa lũ để xem giữa tổng lợi ích và tổng chi phí cái nào lớn hơn”.

Những cánh đồng lúa ma

Bữa ở Tam Nông, chúng tôi đã chạy vỏ lãi trên cánh đồng nước lụt mênh mông của vườn quốc gia Tràm Chim để khám phá những cánh đồng lúa ma lớn nhất Đông Nam Á đang cắm rễ sâu hơn 3m nước và sắp trổ đòng. Tiến sĩ Dương Văn Ni cho biết cùng với loài cỏ năn kim là thức ăn chủ lực trong mùa khô, lúa ma là thức ăn chủ lực trong mùa lũ lụt ở vùng này của hàng trăm loài.

Ông nói lúa ma tự mọc hoang dã, năng suất rất thấp nhưng cho gạo thơm ngon. Ở Nam Mỹ, Brazil đã sản xuất gạo lúa ma đóng gói 200g bán qua Mỹ với giá 7 USD một gói, tương đương 3.500 USD/tấn! 

Ông Ni chỉ những con chim trích đen đang ăn đọt lúa non và nói nếu không có lúa ma, hệ sinh thái ở đây sẽ mất cân bằng. “Nếu không có mùa lũ lụt và nếu bao đê để ngăn nước lũ thì con người và thiên nhiên ĐBSCL sẽ không thể sống hài hòa với nhau dài lâu được” - ông Ni nói.

HUỲNH KIM

http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/459486/chuyen-lu-lut-lua-va-de-bao-o-dbscl.html

No comments:

Post a Comment