Monday, April 7, 2014

Thực trạng đê bao, bờ bao, đường sá… ở Đồng bằng Sông Cửu Long

Bauxite Việt Nam

07/04/2014

Thực trạng đê bao, bờ bao, đường sá… ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL)

Đào Văn Tùng (Thiện Tùng)

Sau khi đọc các bài viết của Doãn Mạnh Dũng, Đảng Xanh, Tô văn Trường, Lê Phú Khải trên trang Anh Ba Sàm nói về lũ và đê bao… ở ĐBSCL, là người được sinh ra và sống ở ĐBSCL hơn 70 năm, tôi tôn trọng việc khen chê cùa 4 tác giả vừa kể, chỉ ghi lại “trình làng” những gì tai nghe mắt thấy theo cảm nghĩ chủ quan của mình.

Thiên nhiên đãi đất cho mọi người, ưu tiên đãi phù sa cho dân ĐBSCL. Sẽ là một thiếu sót khi nói về ĐBSCL mà không đề cập đến lũ và phù sa.

Năm 1962 trở về trước, người nông dân ở ĐBSCL canh tác ruộng vườn chủ yếu dựa vào thiên nhiên, chỉ dùng phân chuồng bón vườn, còn ruộng thì dựa hẳn vào phù sa do lũ chu kỳ hàng năm mang đến, mỗi năm chỉ làm 1 vụ lúa mùa vượt nước; không có và không hề dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu. Nếu tôi nhớ không lầm, từ năm 1962 xuất hiện đầu tiên là giống lúa Thần Nông 8 – gọi là lúa 3 trăng (3 tháng), xuất xứ đâu từ Philipine. Cũng từ ấy mới có việc tăng vụ và dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu.Việc nầy có lẽ giáo sư nông học Võ Tòng Xuân rõ hơn ai hết.

Lũ hàng năm ở ĐBSCL bắt đầu khi trời sa mưa, nước từ thượng nguồn theo các con sông chảy một chiều về hướng biển. Cứ hết giai đoạn tràn sông đến tràn đồng, cao điểm 3 đến 4 m đối với 2 thung lũng đồng Tháp Mười và đồng tứ giác Long Xuyên. Người dân bản địa trải nghiệm: Thấy trời “mặc áo đen” ở vùng thượng nguồn là biết sắp có lũ về; Lấy mí dưới ổ chim Dòng Dọc hay ổ con Ong đóng trên cây tính mực nước lũ của năm ấy; cứ hễ mưa nhiều ở thượng nguồn thì lượng nước đổ lớn, cường suất mạnh, đất bị bào mòn nhiều, lượng phù sa theo nước cũng lớn – sai số không đáng kể.

Người dân ĐBSCL chỉ sợ lụt chớ không sợ lũ – lụt nước từ biển dâng lên gây nhiễm mặn, còn lũ nước ngọt từ trên cao đổ về đẩy độc hại theo sông ra biển, lũ càng lớn càng được nhiều phù sa và cá nước ngọt…- chỉ có lợi. Lũ về “vườn tược xanh tươi, ruộng đồng mát mẻ”, đó là câu kết truyền đời của cư dân nơi đây. Tôi đọc ở đâu đó không còn nhớ, khi xâm lược Việt Nam, nhà nông học Pháp kết luận: “Đồng bằng Bắc Bộ chết từ khi có đê Sông Hồng” không biết đúng vậy không?

Lũ ở ĐBSCL có tự bao đời, xảy ra thường niên. Không biết mắc chứng gì (có uống lộn thuốc không) khi nước nhà thống nhứt, Trung ương xem lũ ở đây như là nạn tai, lịnh cho giới chức ĐBSCL lập những khu di dân tránh lũ và làm đê bao, bờ bao để bảo vệ cây cối mùa màng, được mệnh danh là “chung sống với lũ”. Đã là lịnh thì không thể không thi hành, phóng viên viết bài thổi phồng, ghi hình đặc tả rồi tung lên hệ truyền thông đại chúng như sắp chết đến nơi không bằng.

Đã là lũ, nước từ trên cao chảy xuống thấp theo quy luật, kinh nghiệm bao đời, tốt hơn hết là vui vẻ đón tiếp nó, mở đường cho nó chảy về hạ lưu, chống lại nó là làm trái quy luật, ắt sẽ “tức nước vỡ bờ”. Đắp đê là “chống lũ” chớ không phải “chung sống” với lũ?!.

Tập quán sống thanh nhàn “gạo chợ nước sông” mà bảo vào sống chen chúc trong khu “tránh lũ” như “Khu trù mật”, “Ấp chiến lược…” ngày nào thì, dầu có nấu cơm nếp đậu xanh nhử, họ cũng chẳng thèm vào. Thế là tiêu ma khối tiền khổng lồ cho những khu “tránh lũ”!.

Thay vì cho nước lũ tràn qua xả độc, nhận phù sa, đắp đê bao cho nước lũ không vào khu vườn, sức ép của nước từ bên ngoài nén xuống mao mạch xì phèn bên trong khiến cho cây vườn nếu không bị chết cũng còi cọc, trái bị chai, bị sâu…, tiêu thụ khó.

“Tham thì thâm”, một số vùng ham làm lúa vụ ba (trái mùa) ngoài phí tổn đắp bờ bao, còn nạn xì phèn, phải dùng phân bón, thuốc trừ sâu đậm độ, cây lúa èo uột không thể cho năng suất cao, và chắc gì giữ được bờ bao do sức ép của nước từ bên ngoài quá lớn – đúng là bấp bênh, không chắc ăn chút nào, huề vốn là may!.

“Trên bộ kỵ mã, xuống sông kỵ thuyền”, ĐBSCL là miền sông nước mà cứ nằng nặc đòi kỵ mã kỵ xa, hết đắp đê đến đắp lộ làm cho ứ nước, dồn nước, nếu không vỡ bờ thì dòng chảy buộc phải đổi chiều, nước “giận dữ” tàn phá không sao kể xiết.

Nước lũ ở ĐBSCL theo chiều Bắc – Nam. Nếu thật sự “chung sống với lũ” thì ngoài không được đắp đê bao, để nước được trang trải trên diện rộng, hạn chế sự tàn phá của nó, cùng hưởng lợi phù sa và cá. Đặc biệt hơn, không được đắp lộ ngang theo chiều đông - tây chắn dòng nước lũ như đã làm gây bao thảm họa:

Bắc Đồng Tháp Mười, cư dân thưa thớt, không biết với dụng ý gì, thượng cấp cho đào kinh đắp lộ chắn ngang dòng lũ theo hướng đông-tây với tên gọi “Kinh lộ Trung”, cách biên giới Việt Nam-Campuchia trung bình khoảng 10 km bên phía VN. Kinh lộ nầy dài khoảng 40 km, bắt đầu từ thị trấn Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) ở hướng Tây, thẳng về hướng Đông sang tỉnh Long An (chưa rõ đích đến) - chẳng biết có phải đây là một đoạn nối dài của đường Hồ Chí Minh trên bộ hay không? Tác dụng của kinh lộ này nếu có cũng không đáng kể, chỉ thấy hàng năm lộ bị nước lũ tấn công sạt lở phải sửa chữa triền miên gây biết bao hao tốn! Hơn nữa, lượng nước buộc phải đổ về hướng Tây để ra sông Tiền, gây sạt lở 2 thị trấn Hồng Ngự, Tân Châu, chẳng những nhà cửa bị sập còn gây chết người…, gây bất an cho người dân hàng năm mỗi khi lũ về.

Tiền Giang đắp con lộ về phía bắc Quốc lộ 1 A, theo bờ bắc kinh Nguyễn Văn Tiếp A, từ giáp tỉnh Long An đến thị tứ Thiên Hộ, dài khoảng 40 km; tỉnh Đồng Tháp đắp nối con lộ nầy xuyên qua huyện Tháp Mười (Mỹ An) gắn với lộ 30 có chiều dài khảng 20 km nữa. Vậy là con lộ có chiều dài tổng cộng khoảng 60 km này chắn ngang dòng lũ từ Đồng Tháp Mười đổ xuống. Do không làm đủ 18 cây cầu cầu tương ứng với số cầu trên Quốc lộ 1A thuộc địa phận Tiền Giang, khi lũ tràn đồng bị lộ nầy chặn lại, ngoài tổn phí sửa chữa sạt lở lộ, lượng nước buộc phải một mặt đổ về hướng Đông ra sông Vàm Cỏ khiến cho tỉnh Long An than trời trách đất, mặt khác đổ về hướng Tây ra sông Tiền, do cường độ của nước quá mạnh, gây sạt lở khủng thị xã Sa Đéc thuộc bờ tây sông Tiền.

Một con lộ khác cũng chắn ngang dòng chảy có chiều dài khoảng 20 km (không rõ tên), bắt đầu từ lộ 28 (Tây sông Tiền) thẳng đến sông Hậu, gắn với bắc An Hòa, đáp bến nội ô Thành phố Long Xuyên. Khi lũ tràn đồng, bị lộ nầy chặn, nước không đổ về hướng Đông ra sông Tiền được vì bị lộ 28 cản, buộc cả lượng nước phải đổ về hướng Tây ra sông Hậu, cường độ nước quá mạnh gây sạt lở khủng bờ Tây bắc Vàm Cống gần đó, tổn phí tu sửa lộ hàng năm cũng không nhỏ.

Những con kinh thoát nước từ đồng tứ giác Long Xuyên ra biển Tây do thủ tướng Võ Văn Kiệt chủ trương, theo tôi nó rất có lợi trong thau chua, xả lũ cho cả vùng Tây sông Hậu.

Về lý luận, “Cách mạng là thay cũ đổi mới, cái mới phải tiến bộ hơn cái cũ” - làm mà kết quả chỉ bằng hoặc kém hơn cái cũ là phản cách mạng? ĐBSCL là vựa lúa, vựa trái cây, vựa cá cho cả nước, làm thủy lợi nơi đây phải xem là làm cuộc cách mạng lớn, phải được cân nhắc kỹ, không cho phép quyết liệt theo cảm hứng, biến thủy lợi thành thủy hại như đã và đang làm là phản cách mạng.

Nói trái với chủ trương thường bị qui tội này khác, khiến người ta giả bộ bằng mặt chớ không đâu đã bằng lòng, lén“xé rào” để tìm đường sống riết trở thành thói quen, thành thực trạng xã hội.

Việc đắp đê, đắp lộ như đã làm ở ĐBSCL gây dồn nước, ứ nước, tức nước… gây hại nhiều hơn lợi. Việc làm ấy phải xem là “chống lũ” chứ không phải “chung sống với lũ” – rất phản khoa học. Theo tôi, lãnh đạo Trung ương, địa phương cùng với ngành chủ quan nên mở hội nghị chuyên đề bàn tính kỹ hơn về việc này, đồng thời trao đổi với các nước bạn ở thượng nguồn nhầm bảo vệ nguồn nước lũ cho ĐBSCL.

Một câu hỏi đặt ra cho lãnh đạo VN: “Việc gì sẽ xảy ra nếu ĐBSCL không còn nguồn nước lũ?”.

Dân miền sông nước Cửu Long, lớn nhỏ bơi như rái, lặn như cồng cộc, xuồng ghe luôn có sẵn bên mình. Mùa hạn hết nước lũ, nước mặn xâm nhập sâu, con người, cây cỏ cằn cỗi, còi cọc như chết chưa chôn; mùa mưa khi nước lũ tràn về, con người, cây cỏ như được hồi sinh, họ vui mừng như trẩy hội.

Lũ ở ĐBSCL chỉ có lợi, còn việc nó gây chết người một năm không bằng một giờ của giao thông đường bộ thì có chi mà hốt hoảng như thế?!.

2/4/2014
Đ.V.T.

Đọc thêm:

Kinh tế biển
Thứ bảy, 29 Tháng 3 2014 17:31
Doãn Mạnh Dũng

Từ thoát lũ ra biển Tây đến cảng cửa ngõ Trần Đề


Trên các trang mạng thông tin đang có những tranh luận gay gắt về lũ và đê bao ĐBSCL. Bài viết của ông Lê Phú Khải với tựa đề “ ĐÊ BAO Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG KHÔNG SAI LẦM ” .Bài viết trên chống lại bài viết với tựa đề “Đê bao Đồng bằng Sông Cửu Long – Sai lầm “vĩ đại” trong lịch sử cận đại” . Để có sự đánh giá tòan diện về ĐBSCL, có lẻ cần có sự đầu tư nghiên cứu sâu trên nhiều khía cạnh hơn , đặc biệt những quy luật thiên nhiên riêng biệt chỉ có ở ĐBSCL. Việc đưa ra một giải pháp nào với thiên nhiên đều phải chịu những tác động phụ. Giải pháp chỉ tối ưu khi giải pháp tuân theo quy luật của tự nhiên và xã hội.

Tôi đọc nhiều bài viết của nhà báo Lê Phú Khải và vốn kính trọng tấm lòng của ông với đất nước nhưng cần làm rõ hơn trong cách lập luận sau:

Trong bài ông Lê Phú Khải có viết:

“Còn khái niệm đê bao ở Đồng Bằng Sông Cửu Long là để ngăn cách vùng nhiễm mặn với vùng ngọt”.

Cũng trong bài viết trên có đưa ra thống kê:

“Đã có khoảng 20 ngàn km bờ bao, riêng tỉnh An Giang có 4200 km, Đồng Tháp 4000km, Tiền Giang 3200km …”

Vùng An Giang là vùng thượng nguồn sông Mê Kong so với các tỉnh Nam Bộ, độ nhiểm mặn ở đây là ít nhất so với các tỉnh miền Tây. Từ bài viết của ông Lê Phú Khải , ta thấy độ dài đê bao ở An Giang là nhiều nhất. Do đó mục đích đê bao không phải như khái niệm” ngăn cách vùng nhiễm mặn”.

Việc làm đê bao khi đã được bật đèn xanh, thì tự nó sẽ phát triển đô-mi-nô mang tính tòan cục cho cả ĐBSCL. Vì xã , huyện , tỉnh bạn xây đê bao được thì nước ắt sẽ dồn về xã , huyện, tỉnh mình, nên mọi phản ứng phát triển đê bao sẽ tự lan tõa không thể ngăn cản sau khi đã được một xã hay huyện nào đó khởi động.

Trong Hội nghị về ba đồng bằng lớn của Thế giới năm 2013 : Hà Lan, Missisippi, Mekong , một vị lãnh đạo cấp Sở tỉnh Trà Vinh đưa ra quan điểm:

-Mong Nhà nước tài trợ vụ ba để các tỉnh ở biên giới không trồng vụ ba mà giữ nước trên mặt ruộng để các tỉnh phía ven biển có nước ngầm để dùng!

Điều đó nói lên rằng, việc đắp đê bao để trồng ba vụ lúa là có lợi cho các tỉnh An Giang, Đồng Tháp , Long An nhưng gây bất lợi cho các tỉnh ven biển.

Như vậy sự hoạch định xây dựng đê bao để tăng vụ vùng thượng lưu đã gián tiếp gây ra những tác động khác ở vùng hạ lưu!

Năm 1996, khi nghiên cứu ĐBSCL, tôi đã sớm ý thức cần giải quyết vấn đề thừa nước trong mùa lũ và thiếu nước về mùa khô cho ĐBSCL. Giải pháp phải cụ thể như sau : khi lũ nhỏ thì cần đưa lũ vào đồng ruộng để lấy phù sa, khi lũ lớn phải đưa lũ thoát nhanh ra biển, phải có hồ đũ lớn để trữ nước cho mùa khô. Để đạt mục tiêu cụ thể trên, tôi đã đưa ra hai lý thuyết cơ bản mang tính ứng dụng mà chưa có trong giáo trình ở các trường đại học chuyên ngành ở Hà Lan hay Thái Lan.

Lý thuyết thứ nhất : yếu tố không đồng pha của thủy triều bờ biển Đông và bờ biển Tây của ĐBSCL là cơ sở khoa học để chuyển lũ về vịnh Thái Lan. Lý thuyết này chỉ cần nói qua là mọi người đều hiểu, nên không ít các Giáo sư Tiến sĩ tự nhận là tác giả.

Nhưng để có thể sử dụng Lý thuyết thứ nhất là phải cần đến Lý thuyết thứ hai : “Hướng của dòng sông khi chảy ra biển”. Vì không có Lý thuyết thứ hai thì mọi công trình sẽ thiếu hiệu quả. Thực tế dòng chảy khi chảy ra khu vực Kiên Lương thì không ra được mà phá tỉnh lộ 80 đọan từ Kiên Lương đi Rạch Giá để tràn ra biển. Đây là khiếm khuyết cơ bản của nhóm ông Võ Văn Kiệt khi hoạch định giải pháp cụ thể chuyễn lũ ra vịnh Thái Lan. Việc này tôi đã trực tiếp giải thích với ông Võ Văn Kiệt vào ngày 23/10/2006 tại 16 Tú Xương ,Q.3, Tp HCM . Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này là biên độ thủy triều cường ở Kiên Lương là 0.9m nhưng ở tại Rạch Giá là 1.8m. Với chênh lệch biên độ thủy triều cường như trên, tôi đã tính được rằng nếu thóat lũ ra tại Rạch Giá sẽ thóat được một nước lũ gấp 3,18 lần thóat tại Kiên Lương!

Như vậy với cách hoạch định thóat lũ trên là ĐBSCL sẽ hòan tòan có thể cắt được lũ lớn. Vấn đề còn lại là làm sao vừa dồn nước nhanh về Rạch Giá, vừa tạo hồ chứa nước cho mùa khô. Giải pháp tích hợp của nó là khôi phục hồ Đồng Tháp Mười và hệ thống hồ nối từ Đồng Tháp Mười ra cửa Rạch Giá. Vấn đề này cần sự phối hợp với chính quyền để có sự hoạch định cụ thể. Với mô hình thóat lũ như trên , khi lũ lớn thì lũ sẽ chảy về hướng Đông khi thủy triều hướng Đông rút và chảy về hướng Tây khi thủy triều hướng Đông lên. Hệ thống thóat lũ đồng thời là hệ thống chứa nước cho mùa khô. Như vậy ĐBSCL sẽ không có lũ lớn và không cần đê bao vì chủ động điều tiết được nước.

Vấn đề kinh tế ĐBSCL không chỉ ở giải pháp cung cấp môi trường sản xuất lúa mà còn cần giảm chi phí vận tải trong quá trình tiêu thụ sản phẩm. Để giải quyết bài tóan cảng biển cho ĐBSCl tôi đã đưa ra lý thuyết “Đê biển bằng cát ở Việt Nam”. Đó cũng là lý thuyết hòan tòan mới không có trong giáo trình dạy học của các trường Đại học ở Hà Lan hay Thái Lan.Lý thuyết này đã được báo cáo tại Festival Kinh tế Biển ở Vũng Tàu 6/2012. Nhờ lý thuyết trên, tôi đã phát hiện đê biển bằng cát dài 17,2 km tại cửa sông Trần Đề và đưa ra mô hình cảng cửa ngõ Trần Đề.

Tôi có thói quen đăng ký bản quyền các công trình sau khi hòan thành để hy vọng mình không phải là kẻ đạo luận văn từ người khác. Nhưng sự cẩn thận như trên vẩn chưa đủ trong xã hội Việt Nam hôm nay.

Các công trình khoa học đều có nhiều giai đọan, từ lý thuyết đến ý tưởng ứng dụng, từ ý tưởng ứng dụng đến thiết kế, từ thi công đến khai thác. Chúng ta nên công bằng với lao động của từng con người trong từng giai đoạn, như vậy khoa học mới phát triển.  
Gần đây dự án cảng cửa ngõ Trần Đề đã đựợc đòan chuyên gia Hà Lan đưa vào Mekong Delta Plan 12/2013 trình Chính phủ Việt Nam.

Tôi mong Chính quyền và các cơ quan chức năng tôn trọng những lao động nghiên cứu và đề xuất cảng cửa ngõ Trần Đề và mong được hợp tác với các nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng phát triển Dự án cảng cửa ngõ Trần Đề.


Chuyện lũ lụt, lúa và đê bao ở ĐBSCL

Huỳnh Kim
Thứ Hai,  3/10/2011, 16:55 (GMT+7)
http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/doisong/62466/Chuyen-lu-lut-lua-va-de-bao-o-DBSCL.html

Dù đã chi cả tỉ đồng để gia cố bờ bao bị vỡ hôm 27-9, cánh đồng lúa vụ 3 rộng 1.500 hec ta ở xã Ô Long Vĩ (Chấu Phú, An Giang) cũng đã chìm dưới ba thước nước - Ảnh: Huỳnh Kim 

No comments:

Post a Comment