Tuesday, April 22, 2014

Bao giờ 61 ngư dân bị bắt giữ được về nước?


Nông nghiệp Việt Nam


Bao giờ 61 ngư dân bị bắt giữ được về nước?
22/04/2014, 07:00 (GMT+7) 

Đã gần 4 tháng trôi qua nhưng số phận của 61 ngư dân Kiên Giang bị cảnh sát biển Inđônêxia bắt giữ vẫn chưa biết khi nào mới được trả tự do.

Bao giờ 61 ngư dân bị bắt giữ được về nước?
Cty Đại Dương ký hợp đồng đưa tàu cá của ngư dân Kiên Giang đi khai thác với danh nghĩa là tàu của Cty Papua Fishery, mang biển số Inđônêxia (ảnh chụp tại Cảng cá Tắc Cậu ngày 30/8/2013)

Đã gần 4 tháng trôi qua nhưng số phận của 61 ngư dân Kiên Giang cùng với 4 chiếc tàu đánh bắt xa bờ đi hợp tác khai thác tại ngư trường Inđônêxia bị cảnh sát biển nước này bắt giữ (ngày 4/1/2014) vẫn chưa biết khi nào mới được trả tự do.

Đây là 4 trong số 8 tàu cá của ông Trương Văn Ngữ và ông Trần Hon (ngư dân TP Rạch Giá, Kiên Giang) được Cty CP Đầu tư Đại Dương (Cty Đại Dương, văn phòng tại 64 Trương Định, Q.3, TP HCM) ký hợp đồng đưa đi khai thác đánh bắt hải sản hợp pháp tại ngư trường Inđônêxia vào tháng 6/2012.

Sau đó, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) có văn bản đồng ý cấp phép cho tàu hoạt động đánh bắt ở nước ngoài. Và đến ngày 30/8/2013, tại Cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành), UBND tỉnh Kiên Giang đã trao giấy phép do Bộ Biển và Nghề cá Inđônêxia cấp đưa 8 tàu cá của ông Ngữ và ông Hon đi khai thác với danh nghĩa là tàu của Cty Papua Fishery (do Cty Đại Dương thành lập tại Inđônêxia), mang biển số Inđônêxia.

Thế nhưng niềm vui được đi khai thác hợp pháp tại ngư trường nước ngoài kéo dài chưa được bao lâu (mới 3 chuyến biển) thì 4/8 chiếc tàu nói trên đã bị Cảnh sát biển Inđônêxia bắt giữ cùng với 61 ngư dân trên tàu, 4 chiếc còn lại phải bỏ chạy về vùng biển Việt Nam để thoát thân.

Theo nội dung văn bản Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Inđônêxia gửi cho Lãnh sự quán Việt Nam tại thủ đô Jakarta thì 4 tàu cá cùng các ngư dân nói trên bị tàu Cảnh sát biển KP. Bisma-8001 bắt giữ do “vị phạm tọa độ theo luật đánh bắt thủy sản của nước sở tại (Khu đặc quyền kinh tế Inđônêxia tại vùng biển Natuna); sử dụng bất hợp pháp thiết bị kéo lưới đôi; tiến hành đánh bắt khi chưa được sự cho phép, cấp phép”.

Tại cuộc họp sáng qua giữa Cty Đại Dương, đại diện 2 chủ tàu và các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang nhằm tìm giải pháp sớm đưa 61 ngư dân và tàu về nước, ông Đỗ Anh Dũng, GĐ Cty Đại Dương không mang theo bất kỳ văn bản nào liên quan đến vụ việc mà chỉ hứa miệng là sớm tìm cách đưa ngư dân về nước.

Điều đáng nói là trong một cuộc họp tương tự trước đây, ông Dũng cũng hứa sẽ đưa ngư dân về nước trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ nhưng cuối cùng vẫn không thực hiện. Ngay cả đóng quỹ bảo trợ ngư dân để các cơ quan chức năng xúc tiến đưa ngư dân về nước đến nay Cty Đại Dương vẫn chưa thực hiện.

Theo tìm hiểu, thực tế Cty Đại Dương (thông qua Cty Papua Fishery) mới chỉ được phía Inđônêxia cấp phép hoạt động trong nghề khai thác, còn giấy phép đăng ký cấp cho từng tàu vẫn chưa có. Thế nhưng, Cty Đại Dương vẫn ký kết hợp đồng với ngư dân đưa tàu đi khai thác với phí dịch vụ là 90.000 USD/cặp tàu/năm.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở NN-PTNT Kiên Giang yêu cầu phía Cty Đại Dương phải sớm tiến hành đóng quỹ bảo trợ ngư dân, liên hệ với các cơ quan chức năng để sớm đưa ngư dân và tàu bị bắt giữ về nước. Còn lại những vướng mắc giữa Cty Đại Dương và chủ tàu sẽ căn cứ trách nhiệm giữa các bên trên hợp đồng giải quyết sau.
Ông Trương Văn Ngữ (hiện là Chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá) bức xúc: “Ngay khi hay tin tàu bị bắt giữ, chúng tôi đã liên lạc với Cty Đại Dương để có trách nhiệm giải quyết, đồng thời có đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị hỗ trợ giúp đỡ để khẩn trương đưa ngư dân và tàu về Việt Nam, thế nhưng đến nay đã gần 4 tháng trôi qua sự việc vẫn chưa được giải quyết”.

Từ khi tàu bị bắt đến nay, ông Ngữ và ông Hon ngày đêm bị người nhà của các ngư dân đến gây áp lực, đòi đưa ngay người thân của họ về nước. Hậu quả của việc tàu bị Inđônêxia bắt giữ đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các chủ tàu.

Cụ thể, ông Ngữ và ông Hon đã đóng cho phía Cty Đại Dương tổng cộng 130.000 USD/cặp tàu, chi phí cho chuyến đi biển (tàu bị bắt) 1,2 tỷ đồng/cặp, 0,5 tỷ đồng ứng cho thuyền viên và người nhà của họ. Ngoài ra, 2 chủ tàu này còn chi hằng trăm triệu đồng cho việc đi lại và thuê luật sư ở Inđônêxia để tìm cách đưa ngư dân và tàu về nước nhưng không thành công.

Ông Trần Hon chua chát: “Tưởng đi nước ngoài khai thác hợp pháp sẽ mở ra cơ hội làm ăn mới, ai ngờ lại gặp họa lớn. Ngay cả những chiếc tàu chạy thoát về Việt Nam hiện cũng đang gặp khó khăn trong hoạt động khai thác.

Vì tàu và ngư phủ đều đã làm giấy tờ xuất đi nước ngoài, bây giờ trở về không có giấy tờ gì thành ra nhập cảnh trái phép. Trách nhiệm của Cty Đại Dương là phải sớm hoàn tất các thủ tục để đưa tàu về lại Việt Nam để thuận tiện trong khai thác, ra vào cảng, giảm bớt khó khăn cho chúng tôi”.

Đ.T.CHÁNH


Đọc thêm:

Báo Giao thông Vận tải

Sớm giải cứu 61 thuyền viên bị bắt giữ tại Indonesia | 21/04/2014 

No comments:

Post a Comment